Tôi làm trợ lý - Nguyễn Hoàng CCB F471

Ngày đăng: 03:33 12/03/2017 Lượt xem: 719

               TÔI LÀM TRỢ LÝ

                                           NGUYỄN HOÀNG – CCB F471

                             

  Phó Tư lệnh Sư đoàn 471 Phạm Lê Hoàng  (thứ nhất bên trái) cùng Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Sư đoàn, tháng 7 năm 1973.

                                                                                                   Ảnh tư liệu của Phạm Thành Long

 

Người ta nói: “Trợ lý, lý nhí xin chữ ký, nhiều khi bị mắng vô lý, có khi gỡ cho thủ trưởng lúc bí …”. Chả biết lời “đúc kết” ấy đúng bao nhiêu phần trăm, nhưng ngẫm ra cũng có những cái lý thú. Trợ lý là người trực tiếp giúp việc trong một lĩnh vực chuyên môn nào đó. Cắt nghĩa là như vậy, nhưng đã là trợ lý thì phải chịu nhiều tác động, nhiều chuyện vui, buồn, căng thẳng, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Giờ đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” vui vầy bên con cháu, chả phải làm trợ lý cho ai. Nhưng cái “ngày xưa” ấy cứ theo chúng tôi, thôi thúc chúng tôi phải kể, phải dãi bày để đến khi về với tiên tổ khỏi tiếc nuối là chưa kể cho ai nghe. Vì vậy tôi sẽ kể chuyện vui, khi tôi làm trợ lý tác chiến Sư đoàn 471 Trường Sơn thường xuyên được “tháp tùng” Phó Tư lệnh Phạm Lê Hoàng.

*

Phó Tư lệnh Sư đoàn Phạm Lê Hoàng người Tày. Ông quê ở thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Dáng ông cao lớn, da trắng và khá đẹp trai. Năm 1945 giành được chính quyền ông đã là chiến sỹ Vệ quốc đoàn. Ông lấy công việc làm trọng, không thích dài dòng, xu nịnh. Nhưng ông cũng rất tinh tế, công bằng. Trước khi vào Trường Sơn, ông là Tham mưu phó Bộ đội phòng không Hà Nội. Có thời gian ông ở đài quan sát phòng không đặt trên nóc Nhà Hát Lớn. Thời kỳ đầu thành lập Sư đoàn khu vực 471 (tháng 7/1971), ông là Tham mưu trưởng. Tháng 4 năm 1972, ông được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Sư đoàn phụ trách tác chiến hành quân.

Khi Bộ Tư lệnh 471 chuyển từ căn cứ Sê Sụ (Nam Lào) về Bến Giằng (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Đà), ông nuôi một con chó vàng rất đẹp. Nó rất thân thiện với ông. Đêm đêm nó luôn nằm dưới gầm giường ông. Đặc biệt nó đánh hơi và săn bắt rất giỏi. Ông đặt tên cho nó là Phơ. Con Phơ rất hiểu và nghe theo mệnh lệnh của ông. Đi đâu ông cũng cho nó theo. Phơ thường chạy trước, lùng sục hai bên đường, chốc chốc lại ngoái nhìn chủ. Tài săn bắt thú của nó lớn nhất phải kể tới là nó vào rừng đuổi một chú nai về khu doanh trại. Hôm ấy là ngày 2/9/1973, Sư đoàn khánh thành sân vận động và khai mạc Hội thao toàn sư đoàn. Không hiểu sao nó vào rừng đuổi được một con nai chạy ra sân vận động. Bị con Phơ và mọi người đuổi bắt, con nai chạy ra hướng bờ suối sát nhà ban quân giới. Ba viên đạn AK rời nòng của lính cảnh vệ, con nai đã gục xuống bờ suối. Hôm ấy cả cơ quan Tham mưu tác chiến hành quân hả hê với bữa thịt nai đã lâu họ mới được thưởng thức. Công đầu thuộc về con Phơ.

Phó Tư lệnh Phạm Lê Hoàng đi làm việc với tỉnh Kon Tum và Bộ Tư lệnh 470 và kiểm tra luôn Trung đoàn 10 công binh đang mở đường tránh ĐakPét. Trên xe, ngoài ông và lái xe còn có công vụ Nam và tôi. Và tất nhiên con Phơ cũng được ngồi chồm hỗm dưới sàn xe. Xe dừng lại ở km5 đường đường tránh, Phó Tư lệnh xuống xe thăm hỏi động viên lính công binh Trung đoàn 10 đang gia cố mặt ngầm. Lúc lên xe để tiếp tục chuyến công tác, chúng tôi không thấy con Phơ đâu. Nhìn quanh tìm kiếm thì ra nó đang “gắn chặt” với một “cô” chó cái đồng loại. Xung quanh con Phơ còn có mấy “cô” có ý chờ đợi. Phó Tư lệnh biết chuyện, ông sốt ruột ngồi lên xe chờ. Công vụ Nam và tôi chạy lại cố ý thúc giục nó, miệng thét: “Phơ! Phơ!”. Bất ngờ nó “tháo” nhằng một cái, bọn tôi mừng rỡ quay về xe, miệng vẫn không ngớt gọi: “Phơ! Phơ!”. Về đến xe vẫn không thấy con Phơ chạy theo. Tôi quay lại thì thấy ra nó lại “dính chặt” với bạn tình mới. Bụng nó hóp lại, chân co, mồm há hốc, lưỡi chảy dài … Nó nhìn chúng tôi ra vẻ biết lỗi… Không thể chờ được nữa Phó Tư lệnh phất tay bảo lái xe cứ đi, không chờ thêm được nữa. Chúng tôi như người có lỗi với ông. Phải xa con Phơ ông buồn thực sự…

 

Bộ Tư lệnh khu vực 471 được tổ chức lại thành Sư đoàn ô tô vận tải 471. Sở Chỉ huy Sư đoàn từ Bến Giằng chuyển ra khu Tân Lân - Đầu Mầu bên dòng sông Trinh Hin cạnh đường 9. Ngày 14 tháng 10 năm 1974, bộ phận cuối cùng của Sư đoàn do Phó Tư lệnh Phạm Lê Hoàng chỉ huy lên xe về Tân Lân - Đầu Mầu. Trên xe ông cũng vẫn chỉ có ông, lái xe, công vụ Nam và tôi. Xe qua ngầm sông Bung ông bảo lái xe dừng lại. Ông xuống xe bước vội vào trạm điều tiết giao thông. Biết ông có cuộc đàm thoại, tôi vội vàng bảo Nam lấy chiếc máy TA57 để tôi đem tới mắc cho ông nói chuyện. Ngày ấy các máy lẻ mắc trên đường hoặc cấp phát cho các đơn vị thường là máy kém chất lượng, không có bộ phận khuếch đại. Vì vậy mỗi khi có chuyến công tác cùng ông, tôi đều nhắc Nam tháo máy TA57 của Liên Xô đàm thoại rất tốt mang theo.

Mang máy tới đã thấy Phó Tư lệnh căng thẳng. Ông đang cự nự ai đó ở đầu dây bên kia. Thấy tôi mang máy tới, ông để tôi thay máy và nhắc tôi hỏi xem đầu dây bên kia là ai? Ở đơn vị nào? Tôi quay máy, đầu dây có tiếng vọng lại nhỏ và nhiễu.

- Xin hỏi ai ở đầu dây đấy? Tôi hỏi.

- Tướng đây!

- Đồng chí tên gì? Tôi lại hỏi.

- Tôi tên là Tướng. Thì ra Phó Tư lệnh bực vì đầu dây bên kia xưng là Tướng đây. Tôi nghĩ: Tính ông là vậy, nghiêm túc, rành mạch rõ ràng. Có thể ông nghĩ cánh lính trêu ông. Nghĩ vậy tôi liền nói:

- Đồng chí tên Tướng hả ...

- Xin hỏi đồng chí Tướng đang ở đâu vậy …

- Tôi đang ở trạm canh dây ạ …

Tôi buông máy báo cáo:

- Báo cáo thủ trưởng, người ở đầu dây tên là Tướng. (Sự thực đồng chí ấy quê miền trong nói qua máy, người nghe qua tiếng gào thét, tiếng nhiễu do mưa to gió lớn là Tương hay là Tướng gì đó chả rõ. Song nghĩ thủ trưởng có lẽ bực vì nghe là Tướng nên tôi báo cáo vậy. Nhìn ông đã thấy đỡ căng thẳng). Tôi nói tiếp:

- Đồng chí ấy đang ở chốt canh dây. Phía ngoài đường dây gặp sự cố do mưa bão, hiện đang đi khắc phục, sửa chữa. Ông không nói gì, lẳng lặng về xe. Tôi tháo máy về xe cùng ông …

 

Buôn Mê Thuật được giải phóng. Bộ Tư lệnh Sư đoàn ô tô vận tải 471 Trường Sơn được giao tiếp quản khu Sư đoàn 23 của ngụy ngay sát đường 14. Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải miền Trung đã được giải phóng. Buổi sáng một ngày đầu tháng Tư năm 1975, Phó Tư lệnh Phạm Lê Hoàng gọi tôi đi theo ông. Tôi vội thắt bao súng bước theo ông qua đường 14 vào khu nhà thờ đối diện với cổng chính doanh trại sư đoàn 23 ngụy. Ra cổng, tôi còn kịp báo cho vệ binh: Phó Tư lệnh thị sát khu vực nhà thờ và nhắc cho họ cảnh giới. Khu nhà thờ này nghe đâu trước đây dành riêng cho lính. Hôm ta đánh vào sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy một mũi vu hồi của ta tiến từ hướng này, đánh vỗ mặt sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy làm chúng không kịp trở tay. Vừa qua đường chừng 50m chuẩn bị bước lên sân nhà thờ, tôi bất ngờ thấy có 5 người mặc áo tu sỹ từ căn nhà phía trái bước ra mời chúng tôi vào nhà. Thì ra đây là căn phòng tiếp khách. Trong phòng đã có hai vị mặc áo tu hành ngồi ở đó. Quá bất ngờ vì từ phía doanh trại sư đoàn 23 ngụy không nhìn thấy căn phòng này. Ông và tôi miễn cưỡng theo họ. Quả thực tôi không nhận biết được chức sắc của họ. Ba vị lớn tuổi mời Phó Tư lệnh ngồi, rót trà mời ông. Tôi cảnh giác ngồi phía ngoài cũng có ý canh chừng. Phó Tư lệnh vui vẻ chuyện trò cùng họ. Bốn vị trẻ hơn rót trà mời tôi và bắt chuyện. Tiếng xe xích và xe chở tên lửa qua đường làm rung chuyển cả căn phòng.

- Chúng tôi biết các ông sẽ thắng trong cuộc chiến này. Một tu sỹ ngồi đối diện với tôi bắt chuyện.

- Các ông không nên nói như vậy. Tôi cắt lời anh ta và nhìn thẳng vào họ, tôi tiếp - Chúng ta đều là người Việt Nam không thể nói dễ dàng người này thắng người kia và đằng sau đó là những mất mát của người Việt mình. Trách nhiệm của chúng ta là giải phóng thu non sông về một mối. Đó là độc lập dân tộc, tự do dân chủ cho người dân … Điều đó đã được thể hiện rất rõ trong cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Thấy căng, họ chuyển chủ đề. Một tu sỹ rót nước mời tôi. Vừa rót nước anh ta vừa nói, vừa như tự hỏi vừa như có ý thăm dò tôi:

- Không hiểu giải phóng rồi còn được nghe nhạc Phạm Duy nữa hay không đây?

Họ lặng yên có ý chờ tôi lên tiếng. Quả thực lúc ấy tôi đâu có biết cặn kẽ về nhạc Phạm Duy như bây giờ. Chỉ nhớ những đêm thanh vắng mở đài Sài Gòn nghe mục: phát thanh chiêu hồi những ca từ của Phạm Duy cũng lay động lòng người. Theo mạch nguồn cũ, tôi đáp:

- Tôi hiểu rõ câu hỏi của ông. Tôi phải nói rõ hơn mục đích của chúng tôi là độc lập dân tộc, dân chủ, tự do, thống nhất đất nước. Ai phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân thì sẽ được ghi nhận và trọng dụng. Đi ngược lại sẽ bị đào thải. Cái gì có lợi cho dân, cho nước thì sẽ được giữ lại, cái gì không còn phù hợp thì sẽ phải bỏ đi …

Mới nói được có thế, Phó Tư lệnh đã đứng lên cáo từ ra về. Ông nhìn tôi rất nhanh. Tôi đoán ông sợ tôi non nớt dễ mắc sai sót. Ra khỏi khuôn viên ông hỏi tôi ngay: họ hỏi gì và cậu đáp ra sao? Tôi thuật lại nguyên văn. Ông dừng lại ra vẻ tiếc rẻ và nói với tôi:

- Sao cậu không nói cho họ biết nhạc sỹ P.T là con của P.Q. P.Q làm quan đến chức Thượng thư của chế độ cũ, nhưng P.T vẫn được trọng dụng và ông là người một nhạc sĩ có tài được nhân dân yêu mến…

Ông nói thế, tôi còn biết nói sao …

Tôi xa ông từ tháng 3 năm 1976. Tôi về thi và đỗ vào học trường Đại học Kinh tế - Kế hoạch (diện bộ đội gửi học). Còn ông ở lại làm Tư lệnh Sư đoàn 471 làm kinh tế ở Tây Nguyên. Khi chiến tranh biên giới chuẩn bị nổ ra 1979 ông được điều ra làm Tư lệnh một sư đoàn bộ binh thuộc quân khu I tham gia cuộc chiến biên giới phía Bắc. Đồng đội cùng ở Sư đoàn bộ với tôi là Phạm Thành Long, anh kể, tháng 3 năm 1991, trong một chuyến công tác lên Cao Bằng anh đã tìm đến nhà ông ở thị trấn Nước Hai. Đại tá Phạm Lê Hoàng nghỉ hưu cùng vợ (là giáo viên cấp 3 cũng nghỉ hưu tại đây). Giờ thì ông đã ra đi do tuổi cao sức yếu. Nhớ về ông - thủ trưởng kính mến của tôi, tôi kể lại mấy mẩu chuyện nhỏ này như một nén hương thơm kính dâng ông, mong ông an lạc ở cõi vĩnh hằng và nếu có kiếp sau tôi lại nguyện cầm súng làm trợ lý cho ông

                                                               Hà Nội, tháng 10 năm 2016.

 

 

tin tức liên quan