" Nỗi buồn hậu chiến" - Lê Lợi Cựu binh Sư đoàn 968 Trường Sơn biên tập

Ngày đăng: 09:36 19/03/2017 Lượt xem: 548

 

 

 

NỖI BUỒN HẬU CHIẾN

 

Lê Lợi Biên tập từ hồi ức của Hoàng Thông

 

         Kính dâng linh hồn Cha của con - Liệt sỹ: Hoàng Xuân Minh; Đại đội 5-Tiểu đòan 14 cao xạ -Sư đoàn 968, Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.

 

          Lời tự sự

         Bây giờ chiến tranh vệ quốc đã lùi xa nhiều năm, tôi cũng đã gần vào tuổi 50, cái tuổi „ngũ thập tri thiên mệnh” nhưng những ký ức về tuổi thơ đau khổ của đất nước thời gian khó không bao giờ có thể quên trong tôi. Những đêm trắng tại Vacsava, thủ đô của Ba Lan tận trời Âu của những tháng năm bươn trải mưu sinh, tôi càng nhớ đến bố tôi, một người lính bình thường trong Sư đoàn quân tình nguyện nhưng lại vô cùng phi thường trong mắt tôi, đứa con gái côi cút, nhỏ bé. Những dòng hồi ức trẻ thơ con xin làm nén nhang gửi về bố. Bố ơi.

 

         PHẦN I: GIẤY BÁO TỬ VÀ LỄ TRUY ĐIỆU

         Giấy báo tử

         Hồi ấy, con mới học gần xong lớp vỡ lòng, hôm ấy con được nghỉ đang chơi đùa cùng các chị em con cô Nhâm, cô Lan ở trong buồng, bỗng nghe thấy tiếng kêu khóc. Chúng con chạy ra xem có chuyện gì thì thấy bà Nhạ, em gái của ông nội từ ngoài đồng về, vừa múc nước rửa đôi bàn chân lấm đầy bùn đất ngoài bờ giếng, vừa khóc lóc, kể lể:

          - Ới cháu ơi là cháu ơi! Lá vàng còn ở trên cây, mà lá xanh đã rụng xuống đất dày nơi nao mất rồi cháu ơi...!

          Rồi tiếp theo đó là bà Hải chị gái của ông từ xóm dưới lên, cũng ghé vào sân giếng rửa chân và khóc:

          - Ới cháu ơi! Cô đang kéo nước ở cái giếng cháu đào đây cháu có biết không cháu ơi...!

         (Cái giếng mà bố cùng bác Cang, trưởng họ nhà mình đào tháng 2 năm 1968 khi còn làm công tác Đoàn tại địa phương, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào "ba sạch” ấy, bố còn nhớ chứ ?. Bà nội cứ thương mãi hai anh em vất vả đào giếng để cô Y con khỏi phải vất vả đi gánh nước).

         Sau đó, bà Rua là chị gái bà nội từ đâù ngõ đi vào, các cô, các bác trong họ cũng lần lượt kéo cả về nhà mình. Con tự hỏi: “Quái lạ, sao hôm nay các cô đi làm về sớm thế nhỉ? Nhà mình hôm nay có giỗ cụ nào đâu mà mọi người lại tụ tập đông đủ cả thế này? Mà sao mọi người lại cứ thi nhau khóc”?

         Con ngơ ngác nhìn hết người này tới người kia dò hỏi. Cuối cùng, cô út đi học về. Tựa vào cây cột bằng gỗ xoan ở hiên nhà, nơi cạnh cửa ra vào, cô nhìn con khóc:

          - Ới anh Minh ơi! Anh bỏ con anh, anh đi đâu một mình anh Minh ơi?...

         Có tiếng ai đó mắng cô:

          -Đừng khóc thế! Cháu nó còn bé chưa biết gì, nó sợ!

          Con vẫn chả hiểu gì nhưng nghe thấy vậy liền nức nở theo cô. Cô út lại bắt chước bà hồi nãy, mắng tiếp con:

          - Con Thông nín đi! Biết cái gì mà cũng khóc?

           Lúc này mọi người nói về chuyện báo tử bố, con chả hiểu báo tử là thế nào, nhưng mọi người khóc, tại sao con lại không được khóc? Ô hay! Lạ nhỉ!

          Quay ra chị gái của bà, con hỏi:

          - Bà ơi! Báo tử là thế nào?

           Bà còn chưa biết trả lời ra sao, thì bà nội đau đớn bảo:

          - Bố mày không về nữa đâu con ạ! Từ nay bà con mình chẳng còn gì mà mong mà đợi nữa rồi con ơi!

           Nghẹn ngào tới đó rồi bà nội nức nở. Hàng xóm lúc này đã kéo đến đầy sân nhà mình, có kẻ nào đó độc mồm bảo:

         - Hay là bố nó đi theo ông Tiếp rồi chứ chắc gì đã chết. Tự nhiên mất tích, không tìm được xác thì đơn vị người ta báo tử cũng nên?.

          Bác Lâm nhà bà Hải bị chấn thương sọ não nên được về phục viên nghe vậy cũng hùa theo:

         - Cũng chả biêt thế nào được, đầy anh báo tử xong, một thời gian sau lại khoác ba lô lù lù về đấy thôi!

          Con tuy không hiểu được hết những gì người lớn nói, nhưng trong tâm khảm nhen nhúm một niềm mong ước: "Bố mình sẽ ở trong số những người may mắn ấy!" Và con nuôi hy vọng!

         Lễ truy điệu

         Một hôm, con nghe thấy ông nội bảo:

         - Đến hôm xã truy điệu thằng Minh chúng bay xem đứa nào lên gọi mẹ nó về!

         - Còn thằng Bình thì biết đâu mà gọi bây giờ? Bà nội đau xót, than vãn.

         Con lại một lần nữa ngơ ngác “Ơ! Thế lại còn truy điệu nữa à? Mà truy điệu là thế nào nhỉ”?

         Con quay sang hỏi cô cả:

        - Con tưởng báo tử xong rồi cơ mà?

         Cô cả giải thích:

       - Đấy là người ta gửi giấy báo thôi con ạ. Còn bây giờ là làm giống như đám ma cho người chết ấy.

          Con nghe nhưng cũng chẳng hiểu gì! Con lại mong chú Bình về. Chú theo đoàn địa chất đi làm ở mãi tận đâu mà lâu về thế không biết. Chả thấy nhanh về như các cô đi làm đồng. Không biết chú có kịp về để được xem người ta truy điệu là như thế nào không nhỉ? Con chỉ nghĩ được đến vậy.

          Rồi cũng đến ngày bọn trẻ con chúng con được xem truy điệu. Người ta mang đến nhà mình một bó hoa thập cẩm, giữa đám hoa cúc bấm, hoa mào gà, hoa mười giờ và cả hoa dâm bụt linh tinh, có mấy bông cúc vàng là nổi bật nhất, hình như được cắt từ "Vườn cây các Cụ" quê mình. Cùng mấy bông huệ trắng muốt, thơm ngào ngạt khiến con thấy thật thích thú. Lần đầu tiên nhà mình được người ta mang hoa đến cho! Cô Khói ở Đoàn Thanh niên xã đem cắm vào đôi lọ lục bình nghe nói từ đời các cụ để lại, nhưng một chiếc đã bị bọn giặc Pháp đập sứt mất một miếng to gần bằng bàn tay của em Hoa con gái của cô Nhâm mới được chừng một tuổi.

          Ông, bà nội kể, trước ngày giặc Pháp càn vào làng đốt phá thì nhà mình cũng đàng hoàng chứ không đến nỗi nghèo như bây giờ. Dấu tích của sự tàn phá là chân móng của những bức tường hoa bao quanh sân vườn nhà bị đập nham nhở đã bám đầy rêu xanh. Cái nền bể nước lát gạch láng xi măng, nơi mấy chị em con vẫn hay chơi đồ hàng, nằm lặng lẽ dưới gốc bưởi ngoài vườn, ở đó còn có mấy cái lọ đại bình bị giặc Tây đập cụt mất cổ, ông tận dụng đổ đất trồng vài bụi hoa nhài, hoa sói, đinh lăng... lấy hoa để ướp chè..

          Các bà, các cô, các bá thi nhau khóc lóc, kể lể. Con nghe chẳng hiểu, chẳng nhớ gì. Chỉ nhớ rằng ông nội hôm ấy gần như hóa điên, bà nội khóc đau đớn nhưng không kể lể như các cô. Mẹ con không biết về từ khi nào, ngồi bệt dưới đất, lưng tựa vào bức tường ở gian cạnh bàn thờ. Trên bức tường ấy, chú con treo hai bức tranh của bố vẽ phong cảnh làng quê của mình, hai hàng cây rợp bóng mát trên con đường uốn lượn theo đôi bờ mương từ trong làng đi ra đồng, trên bầu trời có những đôi chim hòa bình bay lượn mà con rất thích. Mẹ con, đầu chít khăn tang, khóc sưng cả mắt, nhưng không biết kể lể gì ngoài câu: "Ới anh Minh ơi! Ới trời cao đất dày ơi!" Con lại thắc mắc: "Sao mẹ mình không biết khóc giống như các cô mình nhỉ?" Năm ấy, mẹ mới gần ba mươi tuổi. Có lẽ vì vậy mà khóc không khéo cũng nên? Chán thật! Cái Dung nhà cô Nhâm (lúc bố còn ở Lào, cô gửi ảnh của em cho bố đấy) rủ con:

         - Đi ra ngoài sân xem đang làm gì đi!

          Ông Thiềng người cùng xã đang làm hình nhân cho bố ở ngoài sân. Ơ! Hay quá nhỉ! Ngồi đây để xem thôi! Và hai chị em con chăm chú nhìn theo từng động tác của ông thầy cúng. Ông lấy dọc sống tàu lá chuối làm chân tay, lấy thân cây dâu cắt khúc làm các khớp nối, lấy thân cây chuối to làm thân mình, lấy thân cây chuối con làm cổ, lấy cái sọ dừa làm đầu. Ông trách:

         - Bảo khoét cùi dừa đi cho tao không đứa nào khoét à?

         Mẹ con chả biết cũng đứng đó tự bao giờ, lên tiếng thắc mắc:

         - Em tưởng để làm óc cơ mà?

         - Làm óc thì cũng phải khoét mới lắp chặt được chứ!

          Ông vừa nói vừa cầm con dao con nhanh tay khoét một vòng ngọt xớt vào phần cùi dừa, ở chỗ đã cắt bỏ đi phần sọ để lắp nốt cái cổ. Thế là xong một hình nhân thay thế cho bố. Ông lần lượt xếp từng bộ phận vào cái tiểu sành một cách cẩn thận. Rồi quần, áo Bộ đội, quần đùi, áo lót, khăn mặt, dép cao su, thắt lưng, mũ lưỡi trai gắn ngôi sao vàng ở giữa...đủ tất cả những gì cần thiết cho hành trang của một anh Bộ đội quân giải phóng được ông làm một cách khéo léo từ trước. Ông đặt lần lượt từng thứ vào đúng vị trí của nó trong cái tiểu sành. Thế là đã có một anh giải phóng quân. Ơ! Mà Anh giải phóng thì có cần đến vàng mã và tiền âm phủ không nhỉ? Hình như con không thấy ông đặt vào? Hình như ngày ấy sau chiến tranh, đang bài trừ mê tín dị đoan nên không có lưu hành thì phải!

         Cái Dung ngắm nghía cái thang được ông làm từ bẹ chuối khen:

         - Đẹp nhỉ!

         Bác Việt, con rể ông Tiếp thấy vậy hỏi:

         - Đẹp không?

         Rồi chẳng cần đợi hai chị em con lên tiếng, bác tự khẳng định:

          - Đẹp nhỉ! Và bảo:

         - Bố cái Thông chỉ cần bước ba bậc thang này là lên được đến trời! Không cần phải đi đâu nữa!

          Con chưa hiểu hết những gì đang diễn ra xung quanh, nhưng thấy mếch lòng khi nghe người bác rể nói vậy. Sao bác lại có thể đùa như thế trong lúc này nhỉ ?. Con đem điều đó mách cô út. Cô bảo:

         - Đúng là người dưng nước lã, khác máu tanh lòng có khác!

         Ơ! Bác ấy cũng mới từ chiến trường về mà. Bác có một vết sẹo nhỏ trên trán. Cả anh Nhâm con bác trưởng họ cũng là Bộ đội mới về. Nhưng anh có nói giống như thế đâu?

          Sau đó, người ta còn làm những gì nữa thì con không nhớ nổi. Chỉ nhớ rằng, con không thích quấn vành khăn trắng trên đầu, mà thích để tà bên dài bên ngắn buộc ra phía sau gáy như mẹ cơ...rồi bác Lâm và anh Nhâm khênh cái tiểu sành trên một cái quang song. Mọi người đi theo ra đồng, nhưng ông bà nội không được đi ! Cô cả, chả biết bận cái gì mà mãi mới lẽo đẽo theo sau, vừa đi vừa khóc: "Ới em ơi...!" làm mấy người dân làng đang ngồi giặt áo bên bờ ao phía xa ngẩng lên nhìn và bảo nhau”Ơ chúng bay ơi, đám ma nhà ai kia nhỉ” khiến con cảm thấy xấu hổ... Ra tới khu nghĩa địa của dòng họ nhà mình, bà Rua chị gái bà nội đứng tụng kinh, còn bà Hải chị gái ông nội thỉnh thoảng đáp lại một câu "A di đà Phật". Xong mọi thủ tục, người ta bắt đầu lấp đất. Con nhìn theo những xẻng đất lấp lên cái niêu làm bằng đất nung, úp lên bát cơm đơm đầy tú ụ có nhét quả trứng ở giữa cùng đôi đũa vông vót rất đẹp và cảm thấy tiếc rẻ... lại xuýt xoa với cái Dung.... “Phí nhỉ, tiếc nhỉ

         Bác Việt bảo:

         - Bố mày ăn hết bát cơm với quả trứng ấy là no mãi mãi đấy!

        Con lại thắc mắc với người lớn, các bà lại giải thích cho con trong nước mắt sụt sùi... Tội nghiệp cái thân con! Chưa đủ lớn để hiểu được nỗi đau đớn và mất mát đang bao trùm lên gia đình mình! Trở về nhà, con lại ngạc nhiên khi thấy người ta mang cái bằng Tổ quốc ghi công đi, bèn hỏi:

          - Ơ! Sao mang đến cho nhà con rồi lại mang đi?

           Cô Khói ở xã bảo :

          - Mang đi để đổi, vài hôm nữa lại mang về con ạ!

          Con nghe mà vẫn chả hiểu gì. Trong trí óc non nớt của con chỉ biết rằng thế là bố của mình chết rồi. Bố mình không bao giờ trở về được nữa. Mình sẽ không bao giờ có thể được gặp bố. Mình chưa hề biết mặt bố ra sao... nhưng lúc đó, con chưa cảm nhận thấy nỗi đau đớn là thế nào...

         Mọi người ra về, để lại cho gia đình mình di vật của bố là hai cuốn nhật ký.

 

 

         Bằng Tổ Quốc ghi công   

         Hôm sau khi con tới lớp học vỡ lòng trong khu nhà thờ cũ ở xóm Bến của làng, con trở thành trung tâm để cho mọi người bàn tán và cũng là để sẻ chia. Người ta kháo nhau rằng chưa chắc bố đã hy sinh cho đất nước nên mới thu lại bằng Tổ Quốc Ghi Công. Có khi lại chạy theo ông bác rồi nên mới thế...?

          Một thời gian sau, người ta đem cái bằng mới đến. Ông nội hạ cái bảng Gia đình vẻ vang xuống và treo cái bằng Tổ Quốc Ghi Công lên bên trên ban thờ bố.

         Rồi những Huân chương, Huy chương kháng chiến, Huân chương chiến công của bố được lần lượt gửi về, cái thì ghi đúng tên Xuân Minh, cái thì lại ghi thành Văn Minh, sao người ta lại có thể ghi nhầm tên thế nhỉ. Chả trách, hôm trước phải thu lại bằng Tổ Quốc ghi công của bố để Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký lại.

          Và dư luận mới thôi hết xì xào. Thế là bố của con cũng được công nhận là có công với nước đàng hoàng..., đúng như nguyện thề trước lúc ra đi của bố: "một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực"!

         Gia thế

         Con vẫn tiếp tục sống ở quê với ông bà nội thêm một năm nữa. Mẹ muốn đón con lên thành phố để đi học và sống cùng mẹ ở khu tập thể cơ quan nhưng đành phải để con ở lại quê thêm một thời gian cho ông bà nguôi ngoai nỗi lòng.

          Hàng ngày, con ngồi nhổ tóc sâu cho bà, nhổ tóc bạc và nhổ râu cho ông. Con nghe bà kể những kỷ niệm về bố, về tính cách, về con người bố mà ai ai cũng quý yêu. Nghe bà kể về những lần sinh hạ bố và các cô chú, cùng những nỗi nhọc nhằn của cuộc đời bà và ông để dưỡng nuôi các con lớn lên trong khốn khó... Bố không trở về, họ hàng, làng xóm ai cũng thương xót!

          Và con nghe ông kể về những chuyện ngày xửa, ngày xưa của gia đình mình. Giá như không có chiến tranh, gia đình không bị ly tán, đói nghèo. Anh trai của ông, là con trưởng trong nhà, không cam chịu cái nghèo bàn giao cho em là ông nội con ở lại trông coi đất cát tổ tiên: "Tôi đi xem thế nào... tìm kế sinh nhai xem có khá hơn không...?" Và ông kiếm được một quầy bán sách báo ngoài thị xã dưới sự kiểm soát của thực dân Pháp. Năm 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Ông đưa vợ con theo đoàn người di cư theo Chúa vào Nam, không một lời từ biệt anh em ruột thịt. Mãi sau mới có tin về.

          Còn ông nội thì tham gia dân công, thồ lương thực, đạn dược phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ mà người em trai út của ông là anh lính bộ đội cụ Hồ đang tham gia chiến đấu. Nhiều lần ông nội bị giặc Pháp và ác ôn bắt, tra tấn, đánh vỡ quai hàm, mất mấy cái răng. Thảo nào con thấy một bên má ông bị hóp lại. Có lần ông bị sốt rét ác tính tưởng chết ở xưởng bào chế thuốc trên Phổ Yên, Thái Nguyên, người ta đã đưa ông về nhà tưởng không qua khỏi.

          Ấy vậy mà đến khi có đợt xét tặng khen thưởng, ở xã người ta bảo ông không có nhân chứng, bằng chứng gì nên không xét đến đơn trình bày mà ông đọc cho con viết hộ. Bởi khi ấy mắt ông đã kém rồi, do tuổi già, do di chứng của những trận đòn của quân giặc khi ông tham gia phục vụ dân công hỏa tuyến. Thời gian trôi đi, ngay cả những tấm huân, huy chương của bố treo mãi rồi cũng được tháo xuống để quét vôi lại nhà, cho đến bây giờ chả biết cất đâu hay bị mối xông không ai biết nữa. Cả nhà, chỉ có mẹ con là được truy lĩnh huy chương thôi. Cũng bị lũ gián nhấm mất một ít nhưng còn giữ được nguyên lề...

         Giá như đất nước mình không bị chiến tranh, gia tộc nhà mình cũng sẽ không bị cắt chia theo!

        Lại nói về người anh trai của ông nội di cư vào Nam, có các con được đi học rồi vào làm việc trong các công sở của chế độ Mỹ-Ngụy, trong đó có một người là lính thông tin và là một trong những binh sĩ cuối cùng buông súng đầu hàng ở Dinh Độc Lập. Ông nội đau xót lắm. Hai anh em có con trai đi lính ở hai bên chiến tuyến. Ông lo lắng cho số phận của anh mình và gia đình người anh. Ông chịu đựng dư luận từ sự thành kiến của chính quyền địa phương và của dân làng. Người ta bảo họ hàng nhà mình có người theo địch, mắc nợ máu với dân! Các cô chú của con khai lý lịch xin đi đâu cũng bị vết. Chính vì điều đó mà bố không được kết nạp vào Đảng, ngay cả sau khi tốn bao nhiêu giấy mực mới được nhập ngũ, ngay cả sau đó mấy lần đơn vị bố cử cán bộ về điều tra, xác minh lý lịch cũng bị địa phương không đồng ý. Điều này làm mẹ con, một đảng viên từ khi mới tròn hai mươi tuổi còn ấm ức mãi…

          Những buổi trưa hè, con ngồi quạt cho cô ngồi vá áo. Thỉnh thoảng, có các bạn của cô tới chơi. Nhìn con, các cô lại nói về những kỷ niệm với bố khi bố còn công tác tại địa phương. Hình ảnh về người cha chưa biết mặt dần dần được khắc họa một cách mờ nhạt trong tâm trí con...

         Kỷ vật của bố

         Rồi cũng đến ngày chú của con được về phép thăm nhà. Không biết chú nghĩ gì khi nhìn thấy bàn thờ của bố riêng ở góc nhà? Con khi ấy mới hơn sáu tuổi làm sao đọc được ý nghĩ của người đàn ông trưởng thành? Con chỉ biết trả lời "Chú không khóc" khi mẹ hỏi...Và chú bắt đầu đọc nhật ký của bố. Trước đó, bà nội và cô út đọc trong những buổi trưa hè sau lễ truy điệu, con cũng bắt trước đọc theo. Nghe kể vậy, chú bảo:

         - Thông cũng đọc à, chưa hiểu gì đâu. Cất đi, lớn lên hãy đọc!

         Con không hiểu gì thật. Có 2 cuốn sổ, một cuốn con rất thích, trong đó có những bài thơ, bài hát và những trang bố vẽ. Bố giỏi thật! Biết đánh cả đàn ghi ta cơ đấy, nên mới chép bài hát trên khuông nhạc thế này! Con ê a hát theo bài "Bài ca bên cánh võng" mà mà bố ghi rõ nhạc và lời của nhạc sỹ Nguyên Nhung một cách vô tư. Dần dần, con như thấy được một phần đời bộ đội của bố. Bố làm thơ cũng hay mà vẽ cũng đẹp nữa! Những bài thơ bố viết về bà nội, về cô cả, về bạn đồng nghiệp nữa. Nhưng sao con chưa gặp bài nào nói về mẹ và về con nhỉ? Con mới chỉ gặp tên con trong một dòng tâm sự của bố thôi. Con thấy cái quê hương nghèo khó của mình thật đẹp trong những phác họa của bố! Cuốn sổ sang trang, bố bước vào đời bộ đội được viết nghiêng, đánh bóng thật đẹp. Nhưng trong đó, hình như con chưa kịp đọc được chữ nào!

         Còn cuốn kia, bố viết rất nhiều trang bằng tiếng Lào. Chắc là bố phải giỏi tiếng Lào lắm thì mới viết nhật ký bằng thứ chữ giun dế ấy được! Bà nội ca cẩm: "Hừ, cái thằng, viết chữ thế này thì u đọc làm sao được!" Khổ nỗi, bố viết cho riêng bố chứ có định viết cho bà đọc đâu!

         Trong suy nghĩ của con, bố thật tuyệt vời! Tuy con chưa hiểu về những gì bố đã ghi lại, nhưng những điều ít ỏi mà con đọc được đã đọng lại trong tâm hồn con, đã dựng xây nên cốt cách con người của con. Giá như bố trở về thì chắc chắn bố là người thực sự tuyệt vời như lời mọi người vẫn thường ngợi ca! Nghe bà con họ hàng động viên bà nội, con thầm nhủ bao giờ lớn lên, việc đầu tiên mà con sẽ làm là đón bố về như mong ước của bà!

         Còn mẹ con lại nghĩ:

          - Bao giờ có điều kiện thì vào thăm viếng thôi, chứ đã nằm trong nghĩa trang trong đó rồi thì ai người ta cho đưa về nữa!

Những bà cùng đi chùa với bà nội thì an ủi:

         - Thôi, nằm đâu thì vẫn là đất nước mình, cũng như là quê hương! Trong ấy sẽ được bà con nhang khói thay cho mình, chắc cũng ấm lòng thôi! Xem ra vẫn còn may mắn hơn bao người không biết còn nằm ở đâu...!

          Và nhà mình cứ tin là như vậy. Thế đấy, chiến tranh! Hóa ra nỗi đau này lại là điều may mắn hơn nỗi đau khác! Nghe sao mà chua chát quá, chiến tranh ơi!

 

         PHẦN II: NHỮNG NGÀY GIAN KHÓ

         Mẹ bị bệnh

         Một ngày ấm áp cuối thu năm 1980, con là đứa con gái duy nhất của mẹ mới mười một tuổi vừa đi học về. Hàng ngày con cuốc bộ mỗi lượt chừng hơn hai cây số từ nhà tới trường với cái dạ dày lép kẹp, lúc nào cũng chỉ có sắn, khoai lang thay cho tiêu chuẩn gạo vốn đã quá ít ỏi cho mỗi gia đình. Con xô cái cánh cửa được làm bằng cót tre, chạy ào vào nhà gọi:

        - Mẹ ơi con đói. Có gì ăn chưa hả mẹ?

        Mẹ con, một góa phụ trẻ bị ốm nằm cô đơn, trên chiếc giường cải tiến rộng 1,6m mua được với giá cao (ngoài giá cung cấp) của công ty Lâm sản tỉnh, trong gian nhà mười lăm mét vuông được dựng bằng tre, trát vôi cát, lợp lá cọ, thứ nguyên liệu đặc trưng của thành phố miền trung du thời ấy ở khu tập thể tòa soạn báo tỉnh, nơi mẹ đang công tác.

        Thay vì bảo con đi dọn cơm như mọi khi, mẹ không thèm đoái hoài gì đến câu hỏi của con. Cứ cười ngặt cười nghẽo rồi lại nức nở khóc, gào, kể lể những điều vu vơ, không có thật khiến con chả hiểu gì. Mẹ nhìn thấy trên cái mành tre treo cửa sổ như có muôn ngàn vì sao xanh, đỏ, tím, vàng nhảy múa làm nhức hết cả mắt, từ đó hiện ra một đám người hung dữ muốn đến bắt mẹ đi. Sao mẹ lại thấy cả đôi voi đá ngoài dinh thờ Ngô tướng công quê mình ở đây thế này? Phía ngoài sân mẹ còn nhìn thấy cả đôi chó đá của Đỗ tướng công nữa. Sao tất cả lại ở đây được nhỉ? Hay bố mày về đem nó lên đây cho mẹ ngắm hả Thông?

         - Mẹ ơi hôm nay mẹ làm sao thế? Mẹ làm sao thế này mẹ ơi?

         Con quên cả cơn đói đang cồn cào gan ruột, ngồi xuống bên mẹ, hai mẹ con ôm nhau khóc. Trong trí óc non nớt của con lúc đó hình dung ra một tương lai tăm tối. Thế là mẹ mình bị rồ rồi! Mẹ mình mới chưa tròn ba mươi tư tuổi. Từ nay Mẹ sẽ giống như những người rồ vẫn hay lang thang mà mình thường gặp trên đường tới trường? Tất cả như đổ sụp trước mắt con...!

          Hai cuốn nhật ký       

         Tiếng con lợn nhà mình nuôi nhờ trong cái chuồng của cơ quan, mà nhà ông Phó Tổng đang quyền sử dụng, đòi ăn khiến mẹ như sực tỉnh ra và trở về với thực tại. Quay ra quát con: "Con Thông đi cho lợn ăn chưa?" Con lí nhí đáp "chưa" và bị mẹ quát mắng vì tội lười nhác...và mẹ cố gượng dậy, lò dò xuống gian bếp chừng bốn mét vuông mà cơ quan mua tre lá dựng cho túp mái, còn xung quanh tự đắp, tự bưng vách thế nào thì tùy, thế là mẹ lại phải gọi anh Đãi con nhà bá Châm từ dưới quê lên làm giúp. Mẹ cần phải nấu cám cho lợn nhưng trong nhà lại hết sạch củi rồi.

           Củi là thứ quá xa xỉ đối với mẹ và con ngày ấy. Mọi khi khỏe mạnh, ngày chủ nhật mẹ vẫn bắt chước các chú, các anh trong khu tập thể lội xuống con mương trước nhà để đào than, thứ than bùn được đọng lại từ dòng nước thải của nhà máy nhiệt điện thành phố, nhào trộn với đất, nắm lại rồi phơi khô, nếu được đốt kèm với một chút than đá thì cũng cháy nỏ ra phết. Nhưng nhà mình không có than đá như nhà bác Phó Tổng. Mẹ lại không đủ sức như các anh con bác ấy để có thể xắn được những mảng than đen quánh được lắng lại dưới lòng mương sâu, mà chỉ có thể lấy được những mảng than lẫn đầy bùn phía nông bên trên. Mẹ cũng không đào được đất thịt tốt để trộn than như người ta, nên than nhà mình luôn lừ đừ cháy lay lắt mãi không chín nồi cám, thỉnh thoảng lại có một hòn sỏi nhỏ lẫn trong đất trộn than nổ lép bép giống như một nốt bổng trong bản nhạc buồn.

           Than nhà mình kém nên không ủ được qua đêm như nhà bác Phó. Sáng sớm dậy mở lò thì đã tắt ngấm từ đời nào, mẹ lại xót xa tiếc mẻ than và bảo:

         -Thôi từ nay ngày nào nhóm ngày ấy vậy, chỉ ủ qua trưa thôi chứ qua đêm không được lại tắt thì phí lắm!

         Vợ con bác phó lại được dịp dè bỉu. Dì Ngạn, em gái của mẹ thấy vậy nên nhặt nhạnh những bao bì đóng gói bưu phẩm còn dính cả dây đay lẫn những cục xi gắn niêm phong đã cứng đơ từ bồ rác chỗ dì làm việc mang đến cho nhà mình nhóm bếp. Mùi xi cháy khét lẹt nhưng lại đượm lửa.

          Hôm ấy thật là một ngày đen tối của đời con bố ạ! Nhà mình chả còn gì để nhóm bếp than nấu cám cho lợn, mà con lợn chết tiệt thì cứ liên tục eng éc chói cả tai, mẹ quát tháo bắt con tìm kiếm bất cứ cái gì có thể đốt thành lửa được thì mang xuống bếp, rồi bảo:

         - Ra vườn chuối nhà bác Chúc cắt những tàu lá khô về đây nhanh lên! (Bác Chúc, Phó Tổng có một vườn chuối rất rộng).

Con vội cuống quýt chạy đi và lại bị anh Quân con bác ấy trêu:

         - Ai cho mày cắt trộm lá chuối nhà tao?

Khiến con lại càng tăng thêm nỗi sợ hãi... nhưng mấy tàu lá chuối khô thì làm sao chín được nồi cám lợn?

          Tiếng mẹ lại quát:

         - Mang ngay hai quyển nhật ký của bố mày xuống đây nhanh lên! Còn để đấy làm gì nữa?

         Nhật ký của bố, trời ơi, sao lại đốt? Đó là tài sản duy nhất mà bố con để lại! Cũng là báu vật quý giá nhất của mẹ con mình cơ mà! Sao lại có thể đốt đi hả mẹ ơi? Nghĩ vậy, nhưng miệng con cứ cứng đờ không cất lên lời... dường như đợi lâu không còn gì để đun tiếp, mẹ lại rít lên:

         - Mày có mang xuống đây nhanh lên không? Còn cất đi làm gì nữa? Nhà này có đặc công theo dõi đấy!

         - Đừng! Đừng đốt mẹ ơi! Con không muốn! Và con òa lên.

          - Đốt đi không đặc công nó đến nó bắt cả mẹ cả con đi bây giờ!

          - Làm gì có đặc công nào đâu mẹ?

         - Có đấy, nhưng nó không xuất hiện cho mình biết đâu.

         Con chẳng còn biết là thực hay hư nữa, sợ quá, con luống cuống chạy vào mở va ly lấy ra hai cuốn nhật ký của bố mà con vẫn nâng niu, gìn giữ, hai tay ôm khư khư vào ngực.

         - Con muốn giữ nó, con không đốt đâu!

         Con vẫn chưa kịp đọc hết mà! Thỉnh thoảng con mới chỉ giở ra ngắm nghía những bức ký họa thôi, những lời gan ruột của bố con nào đâu đã hiểu gì nên chưa tha thiết đọc.

          Mẹ vùng chạy lên nhà, giằng lấy khỏi tay con.

         - Đưa đây! Còn tiếc nữa để đi tù cả nút à?

          Như thế là sao, sao lại phải đi tù? Con chẳng hiểu gì cả, bất lực ngồi thụp xuống xó nhà khóc rưng rức. Không dám theo mẹ xuống bếp nhìn ánh lửa độc ác, liếm dần từng dòng tâm huyết của bố một cách tàn nhẫn. Thế là hết, bố ơi! Con chẳng còn gì của bố nữa! Gia tài quý giá mà bố để lại cho con đã bị người mẹ mắc bệnh đem dâng cho thần lửa tàn độc mất rồi.                                                  

         Vợ góa, con côi

          Con lớn lên trong nước mắt tủi hờn vì luôn bị bọn trẻ cùng lứa bắt nạt. "Con đấy không có anh em gì bênh đâu, trêu nó đi chúng mày ơi!" "Con đấy không có bố đâu, đánh nó đi, sợ đếch gì mẹ nó". Đứa con gái của bá (bác) Lan cùng cơ quan mẹ còn độc mồm nói rằng:" Nó không phải con liệt sỹ đâu. Nó chỉ mang danh thôi. Mẹ nó chửa hoang đấy!" Hình như con bé kia đổ tiếng xấu cho mẹ con mình để lấp liếm việc nó có khuôn mặt giống hệt ông cựu Tổng như hai giọt nước? Anh và em trai nó luôn sẵn sàng bênh nó. Nên con, một đứa bé mồ côi khốn khổ chẳng dám làm gì. Con cũng không dám nói với mẹ vì sợ mẹ buồn. Con chỉ biết để mặc cho những giọt nước mắt tủi hờn lăn dài trên má khi mẹ còn chưa đi làm về. Con chăm học, chăm làm việc nhà giúp đỡ mẹ, không làm gì phiền hà tới ai, không trêu chọc phá phách ai. Tại sao bọn trẻ có đủ đầy bố mẹ, anh em lại cứ thích bắt nạt một đứa mồ côi cha và thiếu anh chị em như con? Con không hiểu được. Con mong cho mình nhanh làm người lớn để khỏi bị bắt nạt! Để có thể tự mình tìm vào với bố!

 

 

         Trượt đại học

         Con thi trượt vào đại học Văn hóa, ngành Bảo tàng - Thư viện. Con rất thích đọc sách, thích được đi đó đây như các nhà khảo cổ. Nhưng con không đạt điểm chuẩn. Gần tới ngày thi con bị mắc chứng đau mắt đỏ, sốt cao, bên mắt trái của con sưng húp, tấy đỏ. Tới ngày thi, con cố mở mắt he hé được một chút và đi tới trường. Cũng may năm đó, 1986, người ta tổ chức thi đại học tại địa phương chứ chưa phải kéo nhau về Hà Nội. Nhưng con đã không đạt được như mong muốn.

          Con định năm sau sẽ thi tiếp. Mẹ bảo nếu không đỗ sẽ nhờ người quen xin cho con đi học trung cấp gì đó cho có nghề nghiệp. Chưa tới mùa thi thì có đợt tuyển Lao động hợp tác Quốc tế, ưu tiên cho con em thương binh, liệt sỹ. Thế là mẹ làm thủ tục xin cho con đi (chứ người ta cũng không đưa chỉ tiêu về như ở các xã và báo đến từng gia đình như các bạn cùng đi với con ngày ấy). Mẹ hy vọng một cuộc sống khấm khá hơn. Vậy mà có kẻ không tốt bụng trong cơ quan mẹ lại bắt đầu bàn tán về nhà mình bố ạ...

 

         PHẦN III: THA HƯƠNG

          Bất công

         Cuộc đời con lật sang một trang mới. Bắt đầu của kiếp tha hương! Ai cũng bảo con được kế thừa những đức tính tốt của cha. Có lẽ đúng vậy, con học tập tốt, chỉ sau một tuần sống trên đất bạn, con đã mời được cô giáo tới thăm chúng con ở ký túc xá. Món quà cô tặng chung cho mọi người bị một chị cùng phòng chiếm làm của riêng. Tuần tiếp theo con lại mời thầy giáo tới. Thầy mang cho cả lớp một túi ca-cao to mấy ký lô, món đồ uống mà con nói thích khi hội thoại trên lớp. Tuần thứ ba, cô Dunger, cô giáo người Đức đầu tiên của chúng con mời cả lớp tới nhà vườn của cô thưởng thức bánh ngọt tự tay cô làm. Thầy cô nào cũng quý con, thường đem theo hoa và quả lấy từ vườn nhà tới lớp bảo con chia cho các bạn, để cám ơn con đã giúp các thầy giải thích cho các bạn hiểu bài nhanh. Kết thúc khóa học, thi chứng chỉ con xếp loại tốt (sehr gut) kèm theo dấu sao. Vậy mà phần thưởng cho cá nhân ưu tú lại được chị cán bộ dành cho người có cái lưỡi dẻo hơn con. Cả lớp ai cũng bất bình... Con bắt đầu được "nếm mùi vị" cuộc đời từ đó, nhưng con không nản, luôn làm việc tốt. Người Đức rất công bằng nên chị cán bộ nọ không còn cơ hội để thiên vị ai nữa... Con được giảm bớt giờ làm để đi học nâng cao. Được tăng lương, được ưu tiên về phép đợt đầu, được xếp vào đối tượng phát triển Đảng. Con thấy vui vì giống mẹ, hai mươi tuổi là vào Đảng rồi. Con chuẩn bị lên lãnh sự quán vùng Karlmarx Stadt để học chính trị thì xảy ra biến cố Đông Âu. Thế là tất cả chìm vào quên lãng.

         Lỡ bước sang ngang

         Con trở về sau hơn ba năm sống xa mẹ. Điều đầu tiên mà con nghĩ tới là đi tìm bố. Xong rồi mới tính tới chuyện an cư và lập nghiệp. Nhưng con đã bị mẹ tỉ tê, chi phối, bị người đời đẩy đưa... Tất cả mọi kế hoạch mà con sắp đặt trước khi quyết định hồi hương đều bị đảo lộn hết.

          Mấy tháng sau con lấy chồng, đốt cháy giai đoạn tìm hiểu yêu đương. Mẹ cứ nghĩ đã tìm được chỗ dựa vững

tin tức liên quan