Các lực lượng chiến sa của Sư đoàn 471 đã cùng lực lượng bộ binh của Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 đánh chiến các căn cứ quan trọng của ngụy ở Sài Gòn...
SƯ ĐOÀN 471 Ở ĐÂU TRONG NGÀY 30 /4/1975 LỊCH SỬ?
Phạm Thành Long
Để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn 471 nhận được mệnh lệnh: Nhanh chóng tổ chức lực lượng, cơ động Quân đoàn 3 và 1 sư đoàn của Quân đoàn 1 vào Nam Bộ. Đồng thời chuyển gấp 6.100 tấn đạn hỏa lực ngoài kế hoạch, bảo đảm cho Chiến dịch.
Vượt qua muôn ngàn khó khăn, chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 4, Sư đoàn đã có đủ 1620 xe tốt để từ vận chuyển chi viện, chuyển sang cơ động lực lượng chiến đấu cho các Quân đoàn chủ lực.
10 ngày đầu tháng 4-1975, Sư đoàn 471 cơ động gọn Sư đoàn 2 và Sư đoàn 3B cùng Cơ quan Quân đoàn bộ 3 vào Lộc Ninh. Tiếp đó, Sư đoàn 10, Sư đoàn 320A, Sư đoàn 316 cũng được các tuấn mã Trường Sơn của Sư đoàn cơ động an toàn tuyệt đối vào Đồng Xoài, Lộc Ninh đúng thời gian quy định. Đây là lần đầu tiên lực lượng lớn tập trung của Sư đoàn làm nhiệm vụ chiến đấu như vậy. Các đoàn xe của Sư đoàn xanh lá ngụy trang, rùng rùng hành quân trên Trường Sơn. Trên thùng xe, lực lượng bộ binh chủ lực, với trang bị vũ khí đi cùng thẳng tiến vào Nam chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng của sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Điều kỳ diệu là, 1620 xe ô tô chiến đấu của Sư đoàn 471 cơ động hàng vạn quân cùng biết bao trang bị, vũ khí đi cùng của các sư đoàn quân chủ lực, hành quân thần tốc hàng mấy trăm ki lô mét vào địa điểm tập kết an toàn, không hề xảy ra một sự cố nào.
Cùng lúc ấy, Sư đoàn đã chuyển gấp 6.100 tấn đạn hỏa lực từ kho KG4 Cê-Sụ, Nam Lào vào tận kho của Bộ Tư lệnh Chiến dịch.
Ngay sau đó, Sư đoàn nhận được lệnh đưa Trung đoàn 33 của Sư đoàn đi phối thuộc Bộ Tư lệnh Chiến dịch. Trung đoàn 33 tiếp tục cơ động lực lượng bộ đội chủ lực tiến công theo các trục: Đồng Xoài – Dầu Tiếng – Bến Cát, Lò Gò – Chơn Thành.
Lực lượng xe của Sư đoàn 471 chở đầy các chiến sĩ bộ binh với đầy đủ hỏa lực, bám sát theo sau các xe tăng, thiết giáp của Quân đoàn chủ lực thẳng tiến hướng Sài Gòn. Những nòng súng đủ các hỏa lực chĩa ra phía trước, chĩa ra hai bên sẵn sàng nhả đạn.
Trục thứ nhất: Các tiểu đoàn 51 và 235, cơ động Sư đoàn 320 qua Tân Uyên phát triển vào Thành phố. Địch phản công dữ dội hòng cản bước tiến công của quân ta. Các chiến sĩ của Sư đoàn cầm súng nhảy xuống sát cánh chiến đấu cùng với các chiến sĩ bộ binh như một lính chiến thực thụ. 9 giờ 30/4/1975, đội hình đi đầu tấn công của quân đoàn ta bị chặn lại. Tại đây, lực lượng của tiểu đoàn 51 ô tô trung đoàn 33, có 3 xe bị bắn cháy. Một lái xe của Tiểu đoàn hy sinh, một số khác bị thương. Nhưng lực lượng lái xe của đơn vị vẫn vững vàng tay lái cơ động quân ta tiếp tục tiến lên như thế trẻ tre. Khi quân ta vượt qua cầu Bình Triệu, địch dùng máy bay phối hợp với xe tăng, bộ binh ngụy đánh thẳng vào đội hình của ta. Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 51 và 235 lại cầm súng tiếp tục chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ bộ binh. Mũi tiến công của quân ta nhanh chóng đè bẹp địch rồi tiếp tục phát triển tấn công về phía Bộ Tổng Tham mưu nguỵ.
Trục thứ hai: Các tiểu đoàn 53 và 734 ô tô tham gia cơ động lực lượng còn lại của Quân đoàn 1 đánh chiếm cứ điểm Bến Cát nằm trên trục đường 13. Trước sức tấn công như vũ bão của xe tăng, xe thiết giáp và các chiến xa của ta, quân địch chống cự trong tình trạng hoảng loạn cùng cực. Quân ta nhanh chóng làm chủ căn cứ. Từ Bến Cát, lự lượng của ta ào ào vượt qua cầu Sông Bé để tiến về nội đô Sài Gòn.
Ở hướng Tây Bắc, các trung đoàn 17, 32, 536 của Sư đoàn 471 đã hoàn thành nhiệm vụ dồn đạn và thiết bị cho Chiến dịch. Ngay sau đó các trung đoàn được lệnh cơ động Quân đoàn 3 đánh chiếm Đồng Dù, Củ chi và Hóc Môn. Thừa thắng sốc tới, các đơn vị của Sư đoàn 471 đã đưa lực lượng bộ binh của Quân đoàn 3 thần tốc đánh sân bay Tân Sơn Nhất. Hỏa lực mạnh để trên các thùng xe của Sư đoàn vừa đi vừa bắn, giải quyết nhanh chóng các mục tiêu trên đường tiến công. Ta nhanh chóng làm chủ hoàn toàn sân bay, làm tiêu tan hy vọng của quân ngụy có thể được Mỹ cứu nguy bằng đường hàng không.
Sáng 30/4/1975 lịch sử, các đơn vị của Sư đoàn 471 với gần hai ngàn xe đi trong đội hình tấn công của Quân đoàn 1, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 từ phía Đông và Đông Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn. 11 giờ 30 phút, lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc Lập thì cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 471 cũng có mặt tại các căn cứ: Sân bay Biên Hòa, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu ngụy...
Sáng 1/5/1975, Tư lệnh Sư đoàn gọi tôi mang theo máy ảnh đi theo ông vào làm việc với Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1. Cùng đi với ông có đồng chí Nguyễn Kim Chúc, trợ lý tác chiến Sư đoàn (nay là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Trường Sơn Sư đoàn 471).
Chúng tôi vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 đóng quân tại đây.
Tại đây, Tư lệnh và Chính ủy Quân đoàn 1 đã gặp đồng chí Tư lệnh Sư đoàn 471 Nguyễn Lạn. Trong niềm vui hân hoan vô hạn, các đồng chí đã trò chuyện thân mật và hết lời ca ngợi cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn: „Qua cuộc chiến đấu này, lái xe Trường Sơn đã tỏ ra rất thiện chiến. Các đồng chí thật dũng cảm, mưu trí, tháo vát. Không những thông thạo địa hình rừng núi mà các đồng chí lại có kinh nghiệm chống máy bay, bộ binh địch và trực tiếp cùng bộ binh chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt địch...“
42 năm đã đi qua, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 471 Trường Sơn tự hào góp phần vào trận chiến đấu cuối cùng của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Gần hai ngàn tuấn mã Trường Sơn phủ đầy bụi đỏ sát cánh chiến đấu cùng lực lượng bộ binh chủ lực rừng rùng thần tốc tiến về Sài Gòn. Họ đã cùng lực lượng của các Quân đoàn nhanh chóng làm chủ các căn cứ quan trọng của quân ngụy.
Hàng ngàn chiến sa của sư đoàn 471, cùng với lực lượng của các quân đoàn đã làm nên cuộc tiến quân thần tốc „quyết chiến và toàn thắng!“ theo mệnh lệnh của Võ Đại tướng.
Đó là niềm tự hào và ký ức không bao giờ quên của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 471 Anh hùng!
TT Xuân Mai, 21 giờ ngày 29/4/2017.