"Bác Hồ vào thăm Quảng Bình" - TG: Hoàng Minh Đức

Ngày đăng: 09:26 22/05/2022 Lượt xem: 307
Bác Hồ vào thăm Quảng Bình
Hoàng Minh Đức


 
             Trong cuộc đời Bác Hồ ít nhất có 3 lần Bác đi qua đất Quảng Bình.
           Lần thứ nhất vào năm Mậu Tuất, 1898, khi cả nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc gồng gánh nhau vào kinh thành Huế để cụ tham gia thi hội. Khi qua Hoành Sơn Quan, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên thiếu thời của Bác) đã ứng khẩu thành thơ: “Núi cõng con đường mòn/Cha thì cõng theo con/ Núi nằm ì một chỗ/ Cha đi cúi lom khom/ Đường bám lì lưng núi/ Con tập chạy lon ton/ Cha siêng hơn hòn núi/ Con đường lười hơn con”. Qua Đèo Ngang Quảng Bình lần đầu tiên được nhìn thấy biển, Nguyễn Sinh Cung lại đọc: “Biển là cái ao lớn/ Thuyền là con bò/ Thuyền ăn gió no/ Lội trên mặt nước/ Em nhìn thấy trước/ Anh trông thấy sau/ Ta lớn mau mau/ Vượt qua ao lớn”. Và 13 năm sau, năm 1911 chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đến bến Nhà Rồng xuống con tàu mang tên Đô đốc Latusơ –Tơrêvin vượt qua “ao lớn” đi tìm đường cứu nước.
         Lần cuối cùng, theo ước nguyện Người được vào thăm Quảng Bình Vĩnh Linh trên tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa. 
         Lâu nay báo chí và đài phát thanh Quảng Bình nói nhiều về ngày này. Năm 2014, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, con gái đầu của ông Nguyễn Tư Thoan, nguyên Chủ tịch rồi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thời chống Mỹ, ra Hà Nội gặp Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên về có ghé đến nhà tôi. (Bố tôi là ông Hoàng Hữu Thanh lúc làm Bí thư Đảng ủy trường sư phạm Trung, Sơ cấp Quảng Bình đã nhiều lần gặp gỡ, công tác với ông Nguyễn Tư Thoan). Chị đưa cho bố tôi tập phô tô cuốn lịch tay của ông Nguyễn Tư Thoan trong những năm sau ngày hòa bình lập lại. Có những trang viết bị thời gian mài mòn tự rơi mất nhưng những kỷ niệm Bác Hồ vào thăm Quảng Bình thì vẫn còn nguyên vẹn. Các trang viết được sắp xếp lại theo trình tự thời gian: 
          Ngày 10/6/1957, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã đến Giao Tế (đóng ở xã Đức Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), gặp Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình để phổ biến Nghị quyết Bộ chính trị về việc Bác vào thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh. Vì lí do an ninh vùng giới tuyến tạm thời, Mỹ - Diệm tung nhiều toán gián điệp biệt kích ra nhằm phá hoại miền Bắc, hô hào “lấp sông Bến Hải” nên theo kế hoạch Bác sẽ không vào Hồ Xá mà chỉ ở lại Quảng Bình 24 tiếng đồng hồ. Vĩnh Linh sẽ cử đoàn đại biểu ra. Thường vụ bố trí làm thế nào để Bác được gặp cán bộ đảng viên cơ sở, nhân sỹ trí thức tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh. Bác sẽ đến Đồng Hới vào lúc 9 giờ sáng và nghe Thường vụ báo cáo còn chương trình đi đâu gặp ai thì cả buổi chiều. Hôm sau Bác sẽ đi thăm Sư đoàn 325 và đến 9 giờ sáng lên máy bay ra Hà Nội.
         Phổ biến xong, tối hôm đó Đại tướng vào Vĩnh Linh hẹn hôm sau sẽ ra gặp đồng chí Trần Quốc Hoàn Bộ trưởng Bộ Công an cùng Thường vụ bàn thảo chương trình cụ thể.
          Ngày 11/6/1957, đồng chí Trần Quốc Hoàn từ Hà Nội vào và nhất trí với phương án tổ chức, riêng việc mít tinh đông người, ông không tán thành. Ông đề nghị mít tinh khoảng 1000 người ở trong hội trường. Ra đón Bác chỉ có Bí thư, Chủ tịch, công an, còn Thường vụ khi Bác vào Tỉnh ủy sẽ gặp sau. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đồng ý cho mít tinh 10.000 người nếu Thường vụ bảo đảm trật tự an toàn. 
        Ngày 14/6/1957, Tỉnh ủy triệu tập các đại biểu từ các huyện lên và các gia đình có công với cách mạng phổ biến chương trình đón Bác. Các cơ quan cấp tỉnh thì mời Tỉnh ủy, Ủy ban, đại biểu quốc hội, nhân sỹ, trí thức, tôn giáo hội. Lực lượng mít tinh chủ yếu huy động nhân dân 4 xã Đức Ninh, Nghĩa Ninh, Lý Ninh, Lộc Ninh của huyện Quảng Ninh. Đại tướng cho biết ngày 14/6 Bác sẽ vào Nghệ An, ngày 15/6 sẽ vào Hà Tĩnh rồi ra quê hương Nghệ An ngủ lại. Ngày 16/6 Bác sẽ vào Quảng Bình. Quảng Bình được ưu tiên nhiều hơn, Bác sẽ ở lại 24 tiếng đồng hồ. Công tác chuẩn bị hội trường, nơi ăn, chốn ở của Bác và các đại biểu giao cho bên Ủy ban nhân dân tỉnh. Điều anh Luỳnh và bác Cả Yêm vào nấu ăn.
           Đúng 8 giờ 15 phút, Bác cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Hoàng Văn Diệm, Chủ tịch Uỷ ban hành chánh Liên khu IV và một số cán bộ Trung ương vào trên chiếc máy bay Li2 - số 203, từ từ hạ cánh xuống sân bay Đồng Hới. Trên cầu thang máy bay, Bác Hồ đã thấy hàng ngàn cán bộ và nhân dân đứng chật đường. Một điều bất ngờ không có trong kế hoạch. Bác cười và nói với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là “bảo đảm bí mật mà ai cũng biết”. Mọi người ai nấy trật tự đứng bên đường ra sân bay, ai cũng muốn đứng gần hơn để được nhìn thấy Bác rõ hơn. 
         Vào phòng khách ủy ban, Bác đi một vòng xem xung quanh, xong vào hội trường nghe ông Nguyễn Tư Thoan và Cổ Kim Thành trình bày chương trình làm việc. Ông Nguyễn Tư Thoan lúc đó là Chủ tịch, Phó Bí thư Tỉnh ủy báo cáo chương trình cụ thể như sau:    
         - Sáng nay Bác làm việc nghe Thường vụ báo cáo. Đến 11 giờ trưa ăn cơm, ăn xong đề nghị Bác nghỉ trưa. Chiều: 2 giờ Bác sẽ gặp đoàn đại biểu Vĩnh Linh, 2 giờ 30 phút gặp các đoàn đại biểu trong tỉnh, 3 giờ 30 phút nói chuyện nội bộ, 4 giờ chiều ra sân vận động mít tinh, 5 giờ chiều mời Bác đi tắm biển và nghỉ tại đó. Sáng hôm sau (17/6) đúng 7 giờ Bác đi thăm Sư đoàn 325 xong mời Bác đi xem thị xã Đồng Hới rồi 9 giờ lên máy bay về Hà Nội.
         Bác nghe xong đồng ý với chương trình đã vạch ra. Bác hỏi tỉ mỉ về công tác xây dựng Đảng, số lượng đảng viên, tình hình đoàn kết trong toàn Đảng, toàn dân sau sửa sai cải cách ruộng đất, tình đoàn kết giữa lương và giáo; giữa miền xuôi và miền ngược; về tình hình khôi phục và phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh... Khi nghe báo cáo Bác ghi bằng chữ nho vào cuốn sổ tay bằng bút chì đỏ.
          Đến giờ ăn cơm trưa, trước bữa ăn, Bác đi vào nhà bếp, bắt tay ông Cả Yêm, trưởng nhà khách Ủy ban, bắt tay đồng chí Luỳnh nhân viên cấp dưỡng. Thấy đồng chí Luỳnh đang mặc áo blouse trắng đứng bếp, Bác nói vui: “Mới may hay mượn của y tế”. Mọi người cùng cười. Vào phòng tắm thấy bày biện khăn mặt, ríp bót, lược, giấy pơ luya… Bác cầm ra và bảo dân ta còn nghèo cán bộ mình ở nơi công sở chi tiêu gì cũng cần phải tính toán tiết kiệm. Bác khen cấp dưỡng Quảng Bình chẻ rau muống nhỏ, nhưng Bác lại nói đùa bảo “bác sỹ khuyên đừng ăn rau sống”. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đùa lại ở Huế còn chẻ nhỏ hơn. Bác cười rất vui.
           Ăn trưa xong Bác chuẩn bị đi nghỉ thì có đoàn dân tộc xin gặp Bác, một việc không có trong chương trình. Bác đồng ý gặp bà con Vân Kiều để nói chuyện. Dân tộc Vân Kiều vốn sống hoang dã từ bao đời nay, là tộc người không có họ nên xin mang họ Hồ của Bác. Bác đồng ý và rất cảm động với tình cảm bà con dành cho Bác.
         Mới nằm xuống thì lại có một đồng chí vào báo cáo ủy ban quốc tế đóng tại Đồng Hới xin gặp. Việc này cũng không có trong chương trình. Bác không đồng ý. 
         Đúng 14 giờ 30 phút, Bác vào hội trường nói chuyện với 600 cán bộ cốt cán của Quảng Bình, Vĩnh Linh. Cả hội trường đứng dậy. Mọi người hô to: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”.
          Bước lên bục nói chuyện, Bác giơ cao tay chào mọi người. Bác khen:  Trong kháng chiến, cán bộ Quảng Bình - Vĩnh Linh có tinh thần chịu đựng gian khổ, anh dũng đấu tranh bảo vệ xóm làng, bảo vệ dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Từ ngày hòa bình lập lại, lực lượng đảng viên và đoàn viên ra sức lãnh đạo nông dân sản xuất. Đó là việc tốt. Trong lúc phát hiện sai lầm trong cải cách ruộng đất, cán bộ, đảng viên đều lo lắng, ra sức tận tụy sửa sai. Tiếp đến, Bác đã thẳng thắn chỉ ra chín khuyết điểm về tư tưởng mà cán bộ, đảng viên còn mắc phải, cần nghiêm túc sửa chữa để tiến bộ. Trong bài nói chuyện Bác dành nhiều tình cảm cho các cụ phụ lão, các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng, chị em phụ nữ và đồng bào các dân tộc miền núi. Bác nhấn mạnh có đoàn kết tốt thì công cuộc kiến thiết xây dựng đất nước mới thành công. Bác dặn dò xây dựng kinh tế phải gắn với an ninh quốc phòng, chính trị, trật tự xã hội. Quảng Bình phải đứng vững cả hai chân nông nghiệp và công nghiệp.
          Đúng 4 giờ chiều ngày 16/6, Bác dự mít tinh với gần 3 vạn cán bộ và nhân dân ở sân vận động Đồng Hới.
         Bác khen ngợi nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh đã cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, khôi phục kinh tế sau chiến tranh, từng bước cải thiện đời sống vật chất tinh thần. Quảng Bình, Vĩnh Linh là nơi tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, sát với giới tuyến quân sự tạm thời, phải ra sức xây dựng lực lượng quân sự vững mạnh, sẵn sàng đối phó với mọi hoạt động xâm lấn của Mỹ - Diệm. Đồng thời phải ra sức giúp đỡ đồng bào miền Nam ruột thịt, trước hết là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Bác nói nếu Đế quốc Mỹ và bọn tay sai leo thang phá hoại miền Bắc thì Quảng Bình, Vĩnh Linh là những người phải đương đầu, đứng mũi chịu sào trước và phải kiên cường đánh trả, mà đã đánh là phải thắng.
        Tối lại, Bác ra nghỉ ở nhà khách của Sư đoàn 325 ở bãi tắm cửa Nhật Lệ. Bác cùng mọi người tắm biển. Vào nhà, nóng quá không ngủ được, Bác lấy chiếu ra trải dưới mái hiên nằm nói chuyện với anh em. Mọi người trò chuyện râm ran. Bác nói thời niên thiếu, Bác cùng cụ thân sinh đi qua đèo Lý Hòa, đã có người ra câu đối hóc hiểm: “Bò đi đá nhảy”. Đến nay, đã có ai đối được chưa? “Bò đi đá nhảy”. Vế ra hiểm hóc. Bò, đi, đá, nhảy là bốn động từ, tượng hình. Không những thế, Đá Nhảy còn là một địa danh bên bờ biển Lý Hòa. Một người nói ở Quảng Bình đã có người đối lại được. Đó là  “Hùm hét la hà”. Hùm, hét, la, hà cũng là bốn động từ, tượng thanh. La Hà là một làng quê bé nhỏ nằm giữa sông Gianh. Bác khen người Quảng Bình có câu đối lại cũng hay không kém. Bác kể chuyện, năm 17 tuổi Bác đi qua làng Đồng Cao, phía nam đèo Lý Hòa, một làng quá đói nghèo, những túp lều tranh dưới chân các động cát trắng. Nay đã có ngôi nhà ngói nào chưa?
         Ông Nguyễn Tư Thoan đáp: “Thưa Bác! mới có vài ngôi nhà ngói nhỏ”. Bác nói, hồi đó khi qua Gia Ninh, Hồng Thủy, thấy một số phụ nữ, bị muỗi đốt, nhiểm bệnh “chân voi”. Nay đã chữa lành được chưa? Khi nghe báo cáo là đã chữa được rồi, thì Bác rất vui.
         Nhưng quá nửa đêm có điện của Trung ương Đảng mời Bác về Hà Nội trước 7 giờ sáng. Bốn giờ sáng, Bác dậy chuẩn bị ăn sáng để gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 325. Bác nói để cho Bác nói chuyện với cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 325 khoảng 10 phút nhưng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói Bác phải ra gấp vì sợ có bão. Bác phê bình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sao không cho Bác nói chuyện với anh em chiến sĩ Sư đoàn 325. Đại tướng cười chống chế. Bác nói phải về sớm vì chấp hành mệnh lệnh của Trung ương thôi. Sau đó, Bác đến sân vận động, bước lên lễ đài chào cán bộ chiến sỹ Sư đoàn rồi ủy nhiệm cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh ở lại truyền đạt chỉ thị của Bác.
         4 giờ 30 phút sáng ngày 17/ 6, Đảng bộ, quân, dân Quảng Bình lưu luyến đưa tiễn Bác ra sân bay. Bước xuống xe, Bác rút dép cao su ngồi xuống trên thảm cỏ. Mọi người ra tiễn ngồi vây quanh Bác. Mắt Bác tư lự nhìn về phương Nam. Bác nói “Vì xa chưa đến được mà Bác cũng không có điều kiện vào thăm. Bác rất tiếc là chưa hết chương trình đã phải về, có dịp Bác sẽ vô thăm. Bác mong Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao phó”.
         Rồi máy bay cất cánh về Hà Nội. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng đã nói chuyện với Sư đoàn 325 xong. Ông Nguyễn Tư Thoan lại gặp Đại tướng thắc mắc sao nha khí tượng lại thông báo có bão? Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói: “Bên anh Hoàn báo cáo đề nghị với Trung ương mời Bác về vì nhận được tin địch biết Bác hiện đang ở Đồng Hới. Nếu không có điện đột xuất thì tớ sẽ đưa Bác đi thăm Bão Ninh. Tớ chỉ báo trước 15 phút cho anh Trần Quốc Hoàn chạy trợt ruột ”.
         Chiều ngày 17/6 đang họp cán bộ 304 bàn việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ thì nhận được điện của Trung ương Bác đã về Hà Nội an toàn lúc 6 giờ 44 phút. Như vậy Bác đã về Hà Nội sớm hơn kế hoạch là 3 tiếng đồng hồ.
        Kể từ ngày Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, quân, dân Quảng Bình đã thực hiện tốt lời dạy của Bác, xứng đáng là tuyến đầu miền Bắc. Quảng Bình đã phát động phong trào thi đua “Hai giỏi” cùng cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Nhiều nhiều tấm gương anh hùng của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Quảng Bình được Bác nêu gương khen ngợi. “Gió Đại Phong”, làng Cự Nẫm, Cảnh Dương anh hùng được nhân rộng. Đặc biệt các anh hùng, dũng sĩ của Quảng Bình trong những năm chống Mỹ cứu nước đã được gặp Bác Hồ nhiều lần, được Bác tặng huy hiệu của Người.
        Ngày nay trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, Quảng Bình đang ra sức học tập và làm theo đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm xây dựng lại đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
 
Hoàng Minh Đức
Trường THCS Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.
Điện thoại: 0379872648
 ----------------------------------------------------------------------------------------------------
        Tài liệu tham khảo: Nhật kí công tác của ông Nguyễn Tư Thoan, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, do chị Nguyễn Thị Thu Thủy con gái của ông cung cấp.

tin tức liên quan