" Anh hùng LLVTND Vũ Tiến Đề và chiếc máy ủi T100 trên trọng điểm ATP" - Đại tá: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 11:58 11/05/2017 Lượt xem: 1.293

 

         Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Tiến Đề - người đầu tiên đưa máy ủi lên đỉnh Trường Sơn cùng hàng vạn TNXP bộ xẻ núi mở đường, giữ con đường huyết mạch Trường sơn với câu nói nổi tiếng " Thân tôi dù nát đường này phải thông".

 

Anh hùng LLVT Vũ Tiến Đề

* * *

ANH HÙNG LLVT VŨ TIẾN ĐỀ(1)

VÀ CHIẾC MÁY ỦI T100 TRÊN TRỘNG ĐIỂM ATP

 

Đại tá: Hoàng Văn Kính

 

         Vũ Tiến Đề sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại thôn Phương Đài, xã Cát Hộ nay là xóm 3, xã Đông Dương, Đônh Hưng, Thái Bình. Cha anh là Liệt sỹ Vũ Tiến Tiếp vừa tham gia du kích, vừa làm công tác hành chính của chính quyền Cách mạng ở địa phương. Ông hy sinh năm 37 tuổi. Lúc ấy Vũ tiến Đề mới 14 tuổi nhưng đã tham gia du kích cùng cha mình.

 

         Năm 1959 Vũ Tiến Đề viết đơn tình nguyện đi Bộ đội. Nhưng do không đủ tiêu chuẩn sức khỏe và lại là con liệt sỹ thuộc diện ưu tiên nên đơn của anh không được chấp thuận. Không được đi Bộ đội, anh lại viết đơn tình nguyện đi Thanh niên xung phong. Tháng 3/1959 anh cùng 400 thanh niên Thái Bình tham gia lưc lượng TNXP xây dựng Chủ nghĩa xã hội mở tuyến đường 12 Hòa Bình. Sau hơn một năm phấn đấu Vũ Tiến Đề được bộ Giao thông vận tải chọn đi học lớp lái xe, máy. Tốt nhiệp, anh là một trong sáu người được điều động lên Thái Nguyên tiếp nhận 4 chiếc máy ủi do Liên Xô chế tạo. Cả bốn chiếc được tháo rời từng bộ phân xếp lên 16 chiếc Ôtô chở vào Trường Sơn. Dọc đường bị máy bay địch đánh phá, khi vào đến Khăm Muộn ( Lào) lắp dồn lại còn được 3 chiếc. Một trong 3 chiếc ấy được giao cho Vũ Tiến Đề điều khiển. Đấy là chiếc mấy ủi đầu tiên tham gia mở đường 20 Quyết Thắng. Anh được mệnh danh là người đầu tiên mang máy ủi lên đỉnh Trường Sơn.

 

         Có thể nói trên đường 20 Quyết Thắng, tại trọng điểm cua chũ A, ngầm Ta lê, đèo Phu La Nhích dài cả chục cây số, không có mét đường nào là không in hằn dấu bánh xích của chiếc xe ủi T100 do Vũ Tiến Đề điều khiển. Đối với Vũ Tiến Đề chiếc máy ủi T100 như người bạn, người đồng chí thân thiết, sống chết có nhau. Nó có một lí lịch cũng rất đáng nể, gắn liền với mỗi bước đi và mỗi chiến công của anh.

 

         Cuối mùa mưa năm 1968, do yêu cầu của chiến trường, việc khai thông đường phải đẩy sớm lên trước khi mùa khô đến. Lúc ấy nước sông Ta lê còn cao, đường ngầm chưa thể khắc phục được. Bắt buộc phải cho xe đi qua cầu cáp treo, men theo 2 km đường tránh để qua đèo Phu La Nhích. Do cầu treo nằm giữa hai vach đá rất khó oanh tạc, nên khi phát hiện được hướng vận chuyển của ta, địch tập trung đánh phá đoạn đường này.

 

         Mùa mưa hàng ngàn m3 đất đá sụt lở cộng với sự đánh phá ngày đêm không lúc nào ngớt tiếng máy bay gầm rú, bom đạn trút xuống cắt đứt nhiều đoạn, phá hỏng hàng trăm mét đường. Đường tắc, xe chờ, trên giục mọi thứ cứ sôi lên sùng sục. Trung đội 3, thuộc C5,D33 được trao nhiệm vụ thông tuyến đoạn đường này. Chúng tôi đóng đô trong một cái hang đá nhỏ. Được trên chi viện một chiếc máy ủi do Vũ Tiến Đề lái. Mấy hôm sau Binh trạm lập Bộ chỉ huy lâm thời cũng tại đấy để chỉ huy trực tiếp việc khai thông đường.

 

         Theo báo cáo của trinh sát lẫn vào hàng ngàn m3 đất đá sạt lở có cả bom nổ chậm. Giao ban tác chiến, Thủ trưởng Binh Trạm quyết định bằng mọi giá phải khai thông đoạn đường này trong thời gian sớm nhất. Chủ yếu dùng máy ủi san lâp, Công binh bố trí lực lượng hỗ trợ và cảnh giới.

 

         Tôi bàn với anh Đề : Tôi sẽ cùng ngồi Cabin vừa quan sát, vừa cảnh giới giúp anh. Bố trí thêm hai Công binh người trước, người sau cùng cảnh giới. Nếu nó đánh bom xa ta tạm dừng xe, cúi thấp xuống tránh đất đá và mảnh bom. Nếu đánh gần dù bom phá hay bom bi cũng phải nhanh chóng chui xuông gầm xe phòng tránh. Ở đây chỉ còn mỗi cái «  lô cốt » ấy là an toàn hơn cả.

 

         Anh đồng ý với tôi: cậu nói với cả hai chiến sỹ cảnh giới có chuyện gì cũng phải nhanh chóng chui vào gầm xe. Rồi anh bảo : trên cabin máy ủi nóng lắm đấy, tiếng máy lại rất to và ồn át cả tiếng máy bay nên không biết đâu mà tránh. Cái chết không được báo trước, ập đến bất kì lúc nào, cậu có sẵn sàng không. Tôi trả lời : Anh làm được thì em cũng làm được.

 

         Từ hôm ấy cho đến hết chiến dịch tôi và anh luôn sát cánh bên nhau. Sang đêm thứ hai, lúc đang dồn ủi đất xuống taluy âm, bỗng chiếc máy ủi khựng lại. Anh về số rồi rú ga ủi thật mạnh, nghe tiếng lục cục, tôi nhảy xuống xem sao thì thấy một quả bom nằm ngay trước máy. Nguy hiểm quá, nếu nó nổ thì bay luôn cả người và máy.

 

         Hội ý chớp nhoáng. Tôi bảo để cho người về lấy thuốc nổ lên phá. Anh không nghe và nói : Làm như thế mất thời gian lắm, vả lại quả bom này chưa thể nổ, nếu nổ nó đã nổ rồi. Cậu cứ để tớ lựa ủi xuống cho nổ dưới vực. Rồi anh bảo tôi lùi về phía sau tìm chỗ ẩn nấp. Tôi thấy anh leo phắt lên xe, tiến, lùi dồn đất vào quả bom. Rồi tiếng máy rú lên đẩy cả khối đất đá và quả bom xuống vực. Nhanh như chớp anh nhảy ra khỏi xe trước khi tiếng bom nổ xé trời. Tôi chạy lên thấy anh đang dưới gầm xe chui ra. Anh hỏi xem có ai việc gì không, rồi giảng giải : mình phải tấp nhiều đất, không được để cho lưỡi ben chạm vào quả bom tạo ma xát như vậy sẽ rất nguy hiểm. Bị ù cả hai tai nhưng anh nhất quyết không chịu nghỉ. Để phân tán mật độ đánh phá của máy bay địch, trên chủ trương nghi binh mở thông hai đường dẫn xuống ngầm Ta Lê. Tốc độ thông đường có tiến triển rất tốt.

 

 

(Ảnh minh họa)

 

         Một hôm trời dầy mây. Trên chủ trương tranh thủ làm cả ban ngày. Mặc dù đã lái suốt đêm nhưng anh vẫn ở lại làm việc tiếp. Nước da đen sam, hai má hóp lại, đôi mắt trắng dã, thâm quầng, râu ria lởm chởm. Tôi biết anh mệt lắm, nhưng anh thì vẫn tỏ ra mình là người mạnh mẽ, không bị khuất phục.

 

         Tầm 8h sáng. Trời yên ắng. Máy ủi đang cần mẫn làm việc. Bỗng nghe 3 phát súng cảnh giới báo hiệu có máy bay. Vừa kịp lao xuống gầm xe thì nghe tiếng bom bi nổ ran, sau đó là tiếng ùng oàng của bom bi nổ chậm. Chúng tôi lọt giữa bãi bom. Những viên bi bắn vào xe chát chúa, tóe lửa. Cùng lúc tôi và anh nhìn thấy quả bom bi nổ chậm nằm sát ngay gầm xe. Tôi chưa kịp phản ứng thì anh đã chui vội ra , nhanh tay tóm lấy quả bom ném mạnh về phía taluy âm. Một tiếng nổ vang. Lúc tôi định thần lại thì mọi việc đã song. Con người anh là thế, lúc nào cũng nhận lấy sự nguy hiểm cho riêng mình.

 

         Anh bảo : Mình không nhanh, quả bom ấy mà nổ thì mức độ sát thương sẽ rất lớn. Tất cả chúng mình sẽ bị dính bi. Chỉ còn đêm cuối cùng là thông tuyến, mọi người đều dốc hết sức lực thì bỗng cái máy ủi dở chứng  đứt xích. Việc khắc phục không khó nhưng mất nhiều thời gian và phải huy động thêm lực lượng.

 

         Anh Đề đang lúi húi bên cạnh chỗ xích bị đứt thì quả bom nổ chậm ở Taluy dương gần đầu anh phát nổ. Đất đá rào rào. Mọi người nhốn nháo gọi nhau, tìm người. Anh em phát hiện vắng hai người trong đó có anh Đề. Rất may đất vùi không sâu, lại phát hiện, cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.

 

         Uống vội cốc sữa, nghỉ ngơi chốc lát anh lại leo lên Cabin như chưa có chuyện gì xẩy ra. Suốt hơn mười ngày đêm, căng thẳng, mệt mỏi, không quản gian khổ, hy sinh. Vũ Tiến Đề, chiếc máy ủi và Trung đội Công binh C5 chúng tôi đã giải cứu con đường, bảo đảm thông xe kịp thời đưa hàng vào trong.

 

         Sau này có dịp hàn huyên anh tâm sự : Đấy là chiến dịch dài ngày, nguy hiểm nhất, căng thẳng nhất, mệt mỏi nhất nhưng cũng để lại nhiều kỉ niệm nhất. Tôi hỏi anh: Em tưởng sau cái lần bị bom vùi anh không còn gượng dậy được . Anh bảo : Có lúc thể xác, sức khỏe cũng mách bảo thế, nhưng ý chí không cho phép. Cứ nghĩ đến đồng bào và Chiến sỹ đang trực tiếp cầm súng đánh Mĩ, như tiếp thêm nghị lực mình lại thấy khỏe ra.

 

         Cũng từ ngày ấy cho đến trước khi kí kết hiệp định Pari, Vũ Tiến Đề đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị tôi ngày đêm kiên cường bám trụ, bảo đảm thông xe qua ngầm Ta lê, đèo Phu la nhích.

 

         Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Vũ Tiến Đề luôn kiên cường bám trụ, nơi nào máy bay địch đánh phá dữ dội nhất thì nơi ấy có anh. Anh đã san lấp hàng trăm hố bom, san ủi hàng vạn m3 đất đá, ủi 30 quả bom nổ chậm, kéo hơn 70 chiếc xe bị sa lầy. 6 lần bị bom vùi lấp(2). Song dù trong hoàn cảnh nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với câu nói nổi tiếng «  Thân tôi dù nát đường này phải thông ».

-------------------------------------------------------------------------------

(1) Vũ Tiến đề được bầu Chiến sỹ thi đua toàn quân 5 năm liền. Được tặng thưởng 4 Huân chương chiến công. Ngày 22/12/1969 được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý «  Anh hùng LLVT nhân dân ».

(2)Theo báo điện tử Thái Bình

 

Đại tá : Hoàng Văn Kính

Tổ 23, Phường Ngọc Thụy

Nguyên Đại đội trưởng - Chính trị viên C3,D33,BT14,Đ559

 

tin tức liên quan