Ký ức không quên - Lê Thuần

Ngày đăng: 09:08 11/05/2017 Lượt xem: 592

      KÝ ỨC KHÔNG QUÊN

                             Lê Thuần

Tôi và Mão ở cùng xóm, nhập ngũ cùng một ngày. Riêng chuyện đi Bộ đội của hai đứa tôi  khá li kỳ. Chúng tôi đều là con trai độc nhất. Chắc tên Mão là đẻ năm con Mèo (1951). Đến tháng 8/1967 thì Nguyễn Văn Mão mới 16 tuổi. Mão kém tôi một tuổi, và dáng nhỏ hơn. Vậy mà khi nhận giấy mời của Thị đội trưởng thông báo nhập ngũ, hai đứa mừng quá,  đã rủ nhau đi sang điểm tập trung tuyển quân của Huyện ngay từ buổi chiều. Sang đến nơi, hai đứa thấy cơ man là lính mới. Trong dòng người đó, tìm mãi mà không thấy anh em Thị trấn đâu. Suốt đêm đi tìm, mệt thì ngồi lại nơi mọi người đốt lửa trại nghỉ, đến khi khát nước thì vào nhà dân xin nước lã uống. Đêm hôm đó, khu vực tuyển quân sáng rực ánh lửa trại của các đơn vị nhận quân và các xã giao quân. Không khí giao quân làm chúng tôi ngây ngất, không có thời cơ buồn ngủ nữa.. Cứ thế hai chúng tôi cứ đi mãi, hết đơn vị này sang đơn vị khác. Mong sao tìm được người nhà mình. Nhưng mãi gần sáng mà chẳng thấy đâu.

Đến sáng. Hai đứa mới lần mò về nhà. Về đến văn phòng UBHC Thị trấn, lúc đó mới thấy các vị lãnh đạo và anh em cùng đi đợt này tập trung. Tại sân văn phòng, một con lợn đã được mổ xong. Mọi người đang bận rộn cho việc pha chặt thịt để nấu nướng liên hoan.

Thì ra, do quá hăng hái mà hai đứa tôi khi nghe phổ biến không nghe hết ý ông xã đội dặn là Thị trấn ta sẽ đi tập trung muộn hơn các xã một hôm.

           Về nhà rồi. Hai đứa mừng lắm. Chưa kịp về thăm nhà thì các bác lãnh đạo đã đón chúng tôi vào. Một lúc sau, mâm bát đã được bày la liệt. Mọi người cùng vào mâm và cuộc liên hoan tiễn chân chúng tôi bắt đầu.

Nhập ngũ đợt này, Thị trấn có bốn người; Hai chúng tôi là nhỏ tuổi nhất, còn hai anh lớn tuổi, ngoài ba mươi, đều thuộc diện tổng động viên.

          Buổi chiều hôm đó. Sau khi bàn giao chúng tôi cho đơn vị mới. Mọi người chia tay bịn rịn. Riêng hai đứa tôi, do chẳng có vướng bận gì. Người nhà tiễn đưa thì không có, nên có vẻ vô tư hơn.

Tối hôm đó, đơn vị hành quân lên vùng núi Cẩm Thủy. Chúng tôi được biên chế vào Sư đoàn 338.

          Còn Mão, thời gian qua nó được bố trí làm liên lạc cho đại đội khác tôi.

Về lại đơn vị tôi chạy sang thăm nó ngay. Nhìn dáng vẻ nhỏ con nhưng rắn rõi, bộ quân phục rộng thùng thình trên người Mão. Tôi thấy vừa vui vừa thương. Tôi chợt nghĩ không biết Mão có đủ sức vào B đợt tới không? Tôi hỏi thăm nó có tin tức gì của nhà không? Mão trầm tư, hơi buồn. Tôi chợt hiểu, hoàn cảnh nó và tôi giống hệt nhau. Ở nhà chỉ còn hai ông bà già, lấy ai mà viết thư, quà bánh?

Sau hai tháng huấn luyện tân binh cấp tốc, đơn vị hành quân đi B2. Phiên hiệu của đơn vị tôi là Đoàn 2070.

Mão cũng được đi đợt này, nó vẫn làm liên lạc cho đại đội.

Trên đường hành quân, do khác  đại đội, nên mỗi tuần hai đứa chỉ đến chơi với nhau được vài giờ vào buổi chiều chủ nhật, sau giờ nghỉ ăn cơm.

Sau bốn tháng hành quân không nghỉ. Hết đi bộ đến sông Lam, xuống xà lan đi suốt mấy đêm, và sau đó ngày nghỉ tại các trạm giao liên, tối đi... Đơn vị chúng tôi được lệnh dừng lại vùng rừng núi Quảng Trạch, Quảng Bình để làm đường. Con đường mới chúng tôi mở là đoạn tránh phía nam sông Gianh ra đường 15A, nhằm tránh cao điểm 868, gần ngã ba đường 12 vào Khe Ve đi 050 sang Lào.

Nhưng tại đây, tôi đã mất Mão. Mão đã anh dũng hy sinh trong khi cùng chính trị viên trưởng đi thị sát trận địa.

Đây là những ngày đáng nhớ nhất với những kỷ niệm chiến trường của hai chúng tôi. Hàng ngày Mão đi tuyến với đại đội trưởng, còn tôi chúi mũi vào việc cùng đơn vị làm đường. Ít ngày, chúng tôi lại hẹn lên C bộ chơi. Thế mà….

Cứ thế, đơn vị vừa làm đường vừa hành quân, Ngày 01/11/1968, sau một ngày Mỹ ngừng ném bom vĩ tuyến 17 trở ra, chúng tôi đã đi hết đường 12 từ Khe Ve vào Bãi Dinh, nơi trận địa Nguyễn Viết Xuân nỗi tiếng với khẩu lệnh:" Nhằm thẳng quân thù mà bắn".

Hôm sau, chúng tôi được lệnh khẩn cấp hành quân vượt Cổng Trời, ngày nghỉ tại bãi đá 050.

Hành quân giữa ban ngày, trời mưa, đường trơn lên Cổng Trời. Mỗi chúng tôi thấy lòng mình rạo rực khó tả. Kể từ khi đeo ba lô trên đường hành quân từ Thanh Hóa vào đây, có khi nào chúng tôi được đi giữa ban ngày đâu? Có bận giữa đêm hôm mưa lạnh, bỗng nghe tin người trên truyền xuống "cởi quần chuẩn bị lội sông". Mọi người cứ thế chấp hành, và cứ thế để cho muỗi cắn đến gần sáng mới chính thức vượt sông. Tôi còn nhanh trí vục đầy bi đông nước để khi mắc võng song là có quyền rửa mặt lau người sạch sẽ để nhanh chóng có giấc ngủ ngon trên võng được rồi! Mà oách hơn nữa là hôm nay chúng tôi lại ở đất Lào. Thế là đã được đi nước ngoài miễn phí rồi.

        Đứng giữa Cổng Trời, nơi đại ngàn Trường Sơn lộng gió, nơi mây mù quấn quanh đỉnh núi, nơi mà bên Đông mưa rầm rề còn bên Tây nắng khát khô.

                                                           ***

Mới ngày hôm qua bên Đông Trường Sơn, mưa là thế, mà hôm nay sang đất Lào trời nắng khô, đất nứt nẻ, những cây khộp già trơ cành khẳng khiu. Lá trút xuống kín đất khô xào xạc. Xa xa những cánh dù trắng treo lơ lững trên ngọn cây, bên vách núi đá… là nguồn thu hút mạnh nhất với cánh lính trẻ chúng tôi. Đứa nào cũng mong đi lấy được một cái dù, hoặc ít ra cũng phải được dăm múi để sau này về làm kỷ niệm ngoài Bắc. Vì lúc này ngoài Bắc mùa rét mà có múi dù làm khăn quàng ấm cổ thì vô cùng quý giá.

Ngày 05/11/1968. Đơn vị chúng tôi xuyên rừng xuống gần trọng điểm SengPhan. Chỉ 5 ngày sau khi tuyên bố ngừng đánh phá Miền Bắc, địch đồn dập huy động máy bay B52 và các loại máy bay cường kích đánh phá khu vực ngầm SengPhan trên một chiều dài hơn 5 km, rộng 2000 m liên tục suốt 10 ngày đêm với hơn  một vạn quả bom lớn nhỏ. Đường sạt lở đổ xuống dòng sông. Buổi chiều chúng thả bom sát thương, bom bi, mìn vướng nổ, mìn tai hồng, bom nổ chậm dọc trọng điểm, khống chế hoạt động của công binh và vận tải.

Đơn vị chúng tôi  được phân công xuống giúp Binh trạm 31 giải toả trọng điểm thi công Đường tránh 95 dài gần 10 km. Tuyến đường len lỏi trong vùng núi đá phía bắc SengPhan, vượt Sông Nậm Ngo. Trong 40 ngày đêm thi công, đại đội tôi đã mở thông đường tránh, đã cơ bản giải toả được điểm vượt ngầm SengPhan sau nhiều ngày bị ách tắc. Đường tránh 95 đã chuyển thành tuyến hỗ trợ đắc lực qua trọng điểm SengPhan khi bị địch đánh ác liệt. Điểm đặc biệt của nó là một mô hình mở ra cho các đơn vị trên Trường Sơn mở các tuyến đường ngang, đường kín che mắt quân thù.

Con đường 95 chạy giữa một vùng núi đá và rừng đại ngàn hiểm trở. Có thể nói không ngoa là hiểm trở vào loại bậc nhất trên thế giới. Đêm đêm, tôi thấy từng dãy đèn dù chăng dài, loạt nọ gối loạt kia, cháy sáng từ lúc mặt trời lặn cho đến lúc mặt trời mọc, y hệt như có một thành phố vừa dựng lên ở đó. Cũng từ con đường ấy thỉnh thoảng vọng về những chuỗi tiếng nổ kéo dài, nghe âm rền như tiếng trống rung trong lòng đất. Đó là các loạt bom rải thảm của máy bay B52 …

Từ khi thông đường. Kẻ địch dĩ nhiên không để yên như vốn có. Nếu như trong những ngày chúng tôi làm đường, chỉ có những chiếc máy bay trinh sát bay lượn thì bây giờ khi con đường bắt đầu hoạt động, những chiếc con ma thần sấm mang đầy bom mò đến. Bom nổ ở ngầm SengPhan đến dầu cuối giáp đường 128. Có lần giữa đêm, khi nghe tiếng bom rền phía núi. Chúng tôi chạy ra đường. Một khung cảnh bi thương hiện ra trước mắt: Hai lái xe nằm sóng soài trên cabin xe Jin 130. Máu me đầy khoang máy. Thì ra khi bom nổ trên núi cách chỗ xe chạy hơn 100m, thế mà một mảnh bom sắc dài như nữa tàu lá chuối. Không hiểu trùng hợp thế nào mà nó lao thẳng vào cửa xe, xuyên thủng cả hai cánh cửa, làm cho cả hai lái xe đang ngồi trong buồng lái đều tử nạn.                                          .                            
       Trước đó, không ít người nuôi hy vọng làm xong đường sẽ được tiếp tục hành quân vào B2 như lúc đầu mệnh lệnh hành quân trên đất Bắc… Phải tạm gác sang một bên những hy vọng ấy, vì hàng ngày chúng tôi phải xông ra lấp hố bom, sửa đường cho xe chạy. Và cứ thế, chúng tôi gắn bó với con đường. Tháng 4, mùa mưa bắt đầu. Các con suối cạn biến thành thác lũ cắt hết mọi ngả đường. Gạo không chuyển đến được. Anh nuôi đã rút xuống bữa cơm bữa cháo, rồi hai bữa cháo. Đơn vị bạn ở bên kia suối đã liều mạng cho người chuyển gạo sang nhưng sức nước mạnh quá cuốn băng cả người lẫn gạo. Cũng may khi chúng tôi vét đến những cân gạo cuối cùng để nấu cháo thì cũng là lúc trời tạnh. Thật hú vía!                          .                                                       
         Hết mùa mưa tiếp ngay đến mùa khô. Cái khối nước khổng lồ trời trút trong mấy tháng vừa qua biến mất tăm vào các hang động, các suối ngầm chằng chịt trong lòng núi đá. Khe suối cạn khô, thiếu nước ăn, nước tắm giặt. Hàng ngày các đại đội phải cử người đi xa tìm hang sâu để gánh nước ăn. Thậm chí có lúc phải chặt chuối rừng, hứng lấy nước mà uống. Rồi bệnh sốt rét hoành hành, chấy, rận, hắc lào…hầu như không một ai tránh khỏi. Và thiếu thốn đủ mọi thứ: thiếu thức ăn, thiếu quần áo, thiếu xà phòng, thuốc đánh răng,...                      

        Ở đây bom vẫn nổ, và hình như nổ nhiều hơn. Không nghe tiếng máy bay chỉ nghe tiếng bom rít trong từng không và tiếng nổ. Bom "toạ độ", cứ đều đặn mỗi giờ một. Hàng loạt B.52 đánh về đêm, đánh bổ sung như cách nói của anh em ở đây.                                         .
        Đường vẫn tắc. Gạo hết. Thức ăn thiếu. Rau muống trồng bên kia suối, không sang hái được, rừng dang, rừng nứa ở xa. Mỗi bữa quản lý  chỉ xì ra hộp thịt hoặc vài lạng muối mặn, hộp Magi. Nhà bếp chỉ còn một cách hoà các thứ ấy vào nồi nước lã, cho thêm ít muối và đun sôi lên. Thứ nước đó, anh nào thích ăn mặn thì gọi là canh, anh nào thích ăn nhạt thì gọi là nước mắm…

       Từ hang núi đại đôi tôi trú quân, hàng ngày đi ra mặt đường mỗi khi có tiếng súng báo tắc đường đi mất một giờ. Sáng nay có chuyện ở trung đội 4. Cả trung đội bị B52 rái thảm tọa độ xuống cửa hang. Cả khối núi đá khổng lồ rơi xuống lấp kín cửa hang. Cả trung đội đêm qua ra mặt đường sử lý tắc đường về muộn, nên đang ngon giấc thì tai họa ập xuống. Được thông báo chúng tôi vội vã lên giải cứu.

       Sau khi nhận định tình hình, cả đơn vị lao vào bẩy đá, nhưng khối lượng đá quá nhiều làm sao được? Được lệnh của cấp trên, chúng tôi đặt mìn phá đá để mau chóng mở được cửa hang. Tuy không còn ai sống sót...

Công việc bảo vệ đường tưởng chừng không có gì là vất vả. Hàng ngày một số anh em rãi quân trên mặt đường, đoạn nào bị bon đánh đổ cây thì tập trung dọn dẹp thông đường. Tối về hang sáng ra lại đi bảo vệ đường.

Một buổi chiều, nắng đã xế về tây. Trên đường về hang. Khi còn cách 500m. Một hố bom chềnh ềnh cạnh đường. Nó đã phát quang một khoảng  rộng lớn. Con đường kín đã lộ diện! Anh em nhanh chóng vượt qua khoảng trống. Một chiếc VO10 lượn lờ gần đó. Chúng tôi nấp vào các lùm cây, đợi nó đi khuất rồi sẽ vượt qua đó. Khi nhìn thấy nó chỉ còn một chấm nhỏ trên trời xa. Tất cả chúng tôi tranh thủ vượt qua. Bỗng phía xa tôi thấy nó xì khói ngốc đầu vút lên cao và nhanh chóng quay đầu lại phía chúng tôi. Hai quả pháo phụt từ bụng chiếc máy bay VO10 bay về phía chúng tôi. Chỉ tích tắc. Sau hai tiếng nổ đanh gọn, hai cột khói bùng lên.

Kinh nghiệm chiến trường sẻ sắp có bom đổ xuống tại khu vực này. Tôi hô anh em chạy mau xuống phía khe suối gần đó để ẩn nấp. Nhưng tiếng rít trên đầu của lũ máy bay F4H và tiếng bom đã rền vang. Đất đá, bụi, cành cây đổ rào rào xuống đầu chúng tôi. Đã có tiếng la hét của vài đồng đội bị thương. Vừa dứt tiếng bom, trong làn khói bom mù mịt, chúng tôi nhanh chóng tập hợp anh em, kiểm tra lại quân số. Đã có 4 người bị thương, một người mất tích.

Y tá và các anh em đã tập trung băng bó vết thương cho thương binh. Tổ tải thương đã cáng thương binh đi trạm xá để sơ cứu ngay.

Trên đường về gần cửa hang. Một cây to bằng hai người ôm bị bom cắt đổ chắn đường. Một cảnh thương tâm đã hiện ra trước mắt mọi người: Chiến sĩ Hoàng Văn Thành đã nằm gục dưới thân cây. Mọi người đã đến vực Thành dậy xem sao. Thành đã bị mảnh bom lúc nảy cưa đứt một cánh tay. Do bị thương nặng, lại hăng máu, Thành đã bất chấp nguy hiểm chạy bộ về hang. Nhưng đến đây bị cây ngáng đường không đi được. Sức yếu do máu ra nhiều gục xuống. Khi mọi người đến thì đã quá muộn.

Sáu tháng sau. Đơn vị có lệnh hành quân. Khi một bộ phận ở lại Bắc Pha Lăng thuộc D73 anh hùng; C1 bám trụ tăng cường vào D25, đơn vị hai lần được nhận danh hiệu Anh hùng. Sau 6 tháng quân số còn  rất ít, nên đã nhập vào E98…Còn tôi và một số đồng chí được tăng cường vào BT34...

          Từ ngày Hội Trường Sơn được thành lập. Những lần gặp gỡ sinh hoạt toàn huyện. Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và đã tìm đến nhau. Đoàn 2070 của chúng tôi ngày nay thường xuyên gặp mặt vào 30 tháng 4 hàng năm để kỷ niệm ngày Chiến thắng. Cả tỉnh Thanh Hóa chỉ còn gần 50 anh em. Mỗi lần gặp nhau tình thân như ruột thịt. Những chiến sĩ Trường Sơn năm xưa đang sống hôm nay nguyện xứng đáng với những người đã khuất, những người đã nằm lại làm xanh đẹp dãi Trường Sơn.

Lê Thuần

 Hội Trường Sơn huyện Thọ Xuân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

tin tức liên quan