Chiếc đồng hồ di vật - Ghi chép của Phạm Thành Long

Ngày đăng: 10:22 28/05/2017 Lượt xem: 934

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày TBLS 27-7-2017                                                     

                                  CHIẾC ĐỒNG HỒ DI VẬT

                                                           Ghi chép của Phạm Thành Long

                                       

                                           Đại tá Hoàng Ánh Cầu

 

Trưa hôm ấy, ngồi ăn cơm, anh Nguyễn Sơn Hải, ChỦ nhiệm Câu Lạc bộ Thơ Trường Sơn Thạch Thất, giới thiệu với tôi: Anh Hoàng Ánh Cầu, hội viên CLB Trường Sơn. Năm nay anh ấy đã 78 tuổi rồi, nhưng vóc dáng anh ấy còn tráng kiện lắm. Trong tập thơ “Trường Sơn một thời để nhớ” tập 2, ra mắt hôm nay, Đại tá Cầu có ba bài thơ: Thăm Ngã ba Đồng Lộc, Tết trên thảo nguyên và Tặng em nhân ngày 8/3, anh ạ. Tôi bắt tay, chào và chúc mừng anh Cầu. Anh cười, bảo tôi:

-Ban đầu nhìn anh, tôi cứ ngỡ anh là nhạc sĩ Lương Ngọc Trác cơ. Những năm đầu của thập niêm 70, anh Lương Ngọc Trác, anh Vũ Trọng Hối, nằm thực tế ở trung đoàn tôi cả tháng trời đấy. Các ông ấy viết được nhiều bài hay lắm.

Nhắc đến nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, tôi chợt nhớ đến kỷ niệm Hội diễn sư đoàn 471 cuối 1973.

-Năm 1973, tôi đã dàn dựng cho tốp ca của Phòng Chính trị sư đoàn một tác phẩm của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối đấy anh ạ. Bài “Niềm vui của anh quân bưu”.  Chúng tôi vừa đàn vừa hát. Tốp ca có 9 người thì 7 người chơi nhạc cụ. Bài hát ấy vui nhộn lắm. Nó đã đoạt giải A. Tôi tự hào khoe với anh.

-Vâng, anh Vũ Trọng Hối lúc ấy là lãnh đạo đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Anh ấy vui lắm! Ngày ấy, tôi là Chính ủy trung đoàn thông tin 130 của Bộ Tư lệnh Thông tin. Trung đoàn của tôi tỏa đi phục vụ khắp các chiến trường.

-Đơn vị anh phụ trách tải ba hay thông tin vô tuyến? Tôi hỏi.

-Không. Chúng tôi làm nhiệm vụ quân bưu. Nhưng là quân bưu đặc biệt, chuyên vận chuyển, xử lý di vật của liệt sĩ từ các chiến trường. Trường Sơn là một địa bàn hoạt động của đơn vị tôi.

-“Quân bưu là tôi từng đi đi khắp nơi trên các chiến trường…” lời bài hát ấy của Vũ Trọng Hối chắc là hình thành từ nhiệm vụ của Trung đoàn quân bưu của anh rồi? Tôi hỏi.

-Vâng, đúng là thế! Làm nhiệm vụ này vừa gian khổ, vừa phức tạp lắm anh ạ. Các di vật của liệt sĩ được đơn vị chúng tôi chuyển về từ khắp các chiến trường B-C-K. Ngày ấy, trung đoàn bộ chúng tôi đóng ở Làng Nhân Chính, Hà Nội. Quần áo, ba lô, màn, tăng, võng…Tất cả đều được chúng tôi giặt lại sạch sẽ. Chúng tôi còn sức nước hoa lên nữa. Nhiều di vật của liệt sĩ lấm lem bùn đất và cả máu nữa. Nếu không xử lý như thế, thì trao cho gia đình sao được…

-Bao nhiêu di vật như thế, các anh bảo quản và phân loại ra sao? Tôi hỏi.

-Ngay từ trên đường vận chuyển di vật ra Bắc đã có những trường hợp nhầm lẫn vô cùng đáng tiếc anh ạ. Tôi nhớ không bao giờ quên trường hợp liệt sĩ hy sinh ở trường Sơn chúng ta. Đó là một ngày đầu năm 1974. Sau khi trao di vật của liệt sĩ cho gia đình anh ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, chúng tôi nhận được hồi âm không vui. Chị vợ vốn là một giáo viên, khi nhận di vật của chồng, trong đó có một chiếc đồng hồ Ponzot của Liên Xô. Chị dứt khoát không nhận đó là chiếc đồng hồ của chồng chị. Chị bảo: “Đồng hồ tay tôi tặng anh ấy, sao tôi có thể nhìn nhầm được. Chiếc đồng hồ này không phải của anh ấy!”. Rồi sau đó chị lặn lội ra tận đơn vị trả lại chiếc đồng hồ. Chúng tôi vô cùng bối dối. Ngày ấy, đồng hồ Ponzot của Liên xô khá phaaor biến. Nhiều chiến sĩ của ta có loại đồng hồ này. Hẳn nó đã bị để nhầm lẫn trong quá trình chuyển từ chiến trường ra rồi. Tôi trực tiếp giải thích thế nào chị ấy cũng không chịu. Chị bảo: “Nó không phải của chồng tôi. Tôi nhận làm sao được!”. Bí quá, tôi phải lên gặp chị Hồ Thị Bi, Cục Phó Cục Chính sách lúc bấy giờ. Nghe tôi trình bày, ngẫm nghĩ một lúc, chị Bi bảo tôi: “Anh về cho chị vợ liệt sĩ tự tay viết ra mọi đặc điểm của chiếc đồng hồ mà chị ấy đã tặng chồng trước lúc vào chiến trường. Tả thật tỷ mỉ mọi chi tiết. Rồi anh bảo chị ấy ký tên vào. Sau đó anh mang tờ giấy ấy lên cho chúng tôi”…

Tôi đã làm đúng như hướng dẫn của chị Hồ Thị Bi. Mấy ngày sau, chị điện cho tôi trực tiếp lên nhận chiếc đồng hồ. Về đơn vị, tôi mời chị vợ liệt sĩ lên phòng làm việc của tôi để nhận lại chiếc đồng hồ. Cầm chiếc đồng hồ trên tay, chị xem xét một hồi rồi áp chiếc đồng hồ lên ngực. “Đây mới đúng là chiếc đồng hồ tôi tặng chồng tôi. Tôi có cho khắc tên chồng tôi lên đó mà!” Rồi chị khóc nấc lên…

Tôi thở phào như trút được hòn đá tảng đè nặng lên ngực tôi suốt mấy ngày qua…

Câu chuyện của anh Hoàng Ánh Cầu quá ấn tượng đối với tôi. Thấy chúng tôi mải mê chuyện trò, anh Nguyễn Văn Ca, Chủ tịch Hội Trường Sơn Thạch Thất vội xen vào:

-Thôi thôi các anh! Vừa ăn vừa nói chuyện. Cơm canh nguội hết cả rồi! Nào chúc mừng anh Cầu đã tìm lại được chiếc đồng hồ để trả lại cho gia đình liệt sĩ. Nào! Mời các anh!...

Câu chuyện của anh Hoàng Ánh Cầu cứ ám ảnh tôi mãi. Hôm nay tôi viết ra để các đồng chí cùng đọc để chia sẻ với những đồng chí làm công tác hậu phương quân đội của chúng ta. Giải quyết những vấn đề liên quan đến thương binh liệt sĩ không bao giờ đơn giản cả!   

tin tức liên quan