“Hành trình tìm kiếm, xác minh và đưa Liệt sỹ trở về quê hương” - Ký của Lê Trung Khiên
Bài viết dưới đây là câu chuyện gắn với tôi suốt nửa thế kỷ trong hành trình tìm kiếm, xác minh và đưa Liệt sỹ trở về quê hương đất mẹ.
HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM XÁC MINH
ĐƯA LIỆT SỸ TRỞ VỀ QUÊ HƯƠNG
Ký của Lê Trung Khiên
Vào những ngày đầu tháng 6, mới đầu mùa hè thời tiết miền Trung thật đẹp. Suốt chặng đường từ Thanh Hóa vào Phú Yên xe chạy bon bon trên quốc lộ số 1 và đường cao tốc Bắc- Nam mới cảm nhận vẻ đẹp hút hồn của dải đất miền Trung. Nhớ lại 47 năm trước khi đại quân tiến về giải phóng Sài Gòn, những binh đoàn nối tiếp nhau hành quân bằng cơ giới trên quốc lộ 1 mà thấy lòng xốn xang, tưởng như mới ngày nào vậy. Đã gần hai chục năm, mới có dịp trở lại mảnh đất này để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn của dải đất đầy nắng gió với phong cảnh thiên nhiên kỳ thú. Những con đường đèo uốn lượn, những bãi biển ngày đêm sóng vỗ, những rặng dừa trĩu quả, những đường hầm xuyên núi, những thành phố đang hiện đại hóa đầy sức sống, những làng mạc trù phú…Tất cả cùng hòa quyện trong bức tranh đa sắc màu của miền Trung quê tôi…
Thành phố Tuy Hòa, đây là lần thứ hai tôi quay lại Tỉnh đội và Sở Lao động Thương binh xã hội Phú Yên sau ngày giải phóng miền Nam trong hành trình đi tìm, xác minh mộ Liệt sỹ - anh trai Lê Kim Tuấn, hy sinh ngày 10 tháng 6 năm 1970 “ tại mặt trận phía Nam”. Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, trong tôi cứ đau đáu việc tìm mộ anh trai hy sinh ở nơi nào trên mảnh đất miến Nam vừa trải qua chiến tranh khốc liệt. Nhiều lúc tự trấn an mình còn hàng vạn gia đình Liệt sỹ cũng trong hoàn cảnh này; dẫu vậy vẫn phải cố gắng để “ mò kim đấy biển”…
Đầu năm 2000 qua thông tin của thân nhân Liệt sỹ ở Thanh Sơn, Lục Nam, Bắc Giang và qua hồ sơ lưu tại tỉnh đội Phú Yên, tôi trực tiếp tìm hiểu và được biết anh trai là quân nhân thuộc tiểu đoàn 9 Tỉnh đội Phú Yên và hy sinh tại thôn Phú Xuân, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân trong một trận đánh vào Trung tâm huấn luyện biệt kích thám báo Mỹ ngụy. Cùng hy sinh trong trận đánh đó có 5 đồng đội người miền Bắc. Tỉnh đội Phú Yên cho biết, sau giải phóng miến Nam, năm 1978 hài cốt Liệt sỹ được quy tập về Nghĩa trang Liệt sỹ xã Xuân Phước. Tuy nhiên khi đến Nghĩa trang trên 200 ngôi mộ song phần lớn chưa xác định danh tính. Theo Chính quyền địa phương cho biết số Liệt sỹ này hầu hết là con em miền Bắc. Đồng Xuân là huyện miền núi, nằm cách thành phố Tuy Hòa gần trăm cây số về phía Tây Bắc. Nơi đây đồi núi trùng điệp, có những đỉnh núi cao trên 1.000 mét, phía Tây mờ xa dẫy Trường Sơn nối dài giáp tỉnh Gia Lai. Quốc lộ 19 về xã Xuân Phước qua thị trấn La Hai trải nhựa, uốn mình theo sườn đồi núi.
Nhớ lại ngày còn ở Trường Sơn tại Binh trạm 14 trên đường 20 Quyết Thắng, tôi nhận được thư của anh trai gửi lại trạm giao liên trên đường hành quân vào chiến trường. Trong tâm trí tôi mãi không quên anh viết: “ có thể đây là lá thư cuối cùng viết cho em trên đường ra mặt trận…”. Năm tháng trôi đi, mùa khô rồi mùa mưa kế tiếp trên đường Trường Sơn; sau ngày ký Hiệp định Pa Ri, tháng 11 năm 1974, tôi nhận tin anh trai hy sinh. Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước bằng nhiếu phương thức, tôi cố dò tìm nơi anh ngã xuống. Nhờ sự giúp đỡ của đồng đội, sự kiên trì và thực hiện ước nguyện của bố mẹ khi qua đời, đến năm 2000 đã xác minh được nơi anh trai hy sinh.
Tìm kiếm, xác minh đơn vị, nơi hy sinh của Liệt sỹ là quá trình khó khăn, công phu, song để xác minh được danh tính chính xác phải dựa trên cơ sở khoa học là xét nghiệm DNA. Quy trình này với tôi phải mất 12 năm qua nhiều bước, đến tháng 7 năm 2012 đã có kết luận của Viện Công nghệ & Sinh học thuộc Viện Khoa học Công Nghệ Việt Nam phối hợp với Cục Người có công Bộ Lao động Thương binh xã hội thông báo kết quả giám định gen hài cốt Liệt sỹ: “ xác nhận DNA tách từ mẫu hài cốt đã phân tích có liên quan huyết thống theo dòng mẹ với DNA tách từ mẫu sinh phẩm của chị gái, anh trai và em trai Liệt sỹ Lê Kim Tuấn”. Cũng năm đó, trên mộ Liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân được gắn bia với đầy đủ danh tính. Đầu tháng 6 năm 2022 gia đình đã thu xếp di chuyển hài cốt Liệt sỹ về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Yên Định, Thanh Hóa. Như vậy sau 52 năm hy sinh nằm trên mảnh đất Phú Yên, hài cốt Liệt sỹ đã trở về quê mẹ, cùng nằm bên đồng đội tại Nghĩa trang liệt sỹ quê nhà.
Nhớ lại những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những đoàn quân vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam chiến đấu phải ròng rã mấy tháng trời ngày đi, đêm nghỉ; nhiều người đã nằm lại với Trường Sơn vì bom đạn và sốt rét. Lời bài hát “ Đường tôi đi dài theo đất nước” của nhạc sỹ Vũ Trọng Hối như còn văng vẳng bên tai:
“…Dẫu thác lũ băng băng, dẫu bão núi dông rừng
Dù đường trơn trời nghiêng hề chi
Đường Trường Sơn từng quen nhịp đi
Những bước chân coi kinh gian nguy…”
Hôm nay trên con đường vào Nam, di chuyển hài cốt Liệt sỹ trở về quê hương trên quãng đường 1.200 km xe chạy chỉ 24 tiếng đồng hồ, càng thấy ý nghĩa lớn lao sự hy sinh của những liệt sỹ góp phần vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, để đất nước có được ngày hôm nay. Song nỗi đau, trăn trở vẫn còn đó, khi hàng vạn Liệt sỹ hiện nay chưa tìm được hài cốt, các anh còn nằm đâu đó trong lòng đất, nơi rừng sâu, núi thẳm hoặc đã quy tập về Nghĩa trang Liệt sỹ nhưng chưa xác định được danh tính, trong đó có những người lính Trường Sơn.
Với tôi hành trình 47 năm sau đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam tìm kiếm, xác minh, đưa Liệt sỹ trở về quê hương đất mẹ là chặng đường dài, công phu và may mắn. Mong sao sẽ có thêm nhiều Liệt sỹ được quy tập, được trả lại tên tuổi để vơi đi nỗi đau mất mát của người thân và đồng đội.
Đón Liệt sỹ tại NTLS xã Xuân Phước, Đồng Xuân, Phú Yên (2 ảnh trên)
Lẽ truy điệu, an táng Liệt sỹ tại NTLS huyện Yên Định (2 ảnh trên)
Lê Trung Khiên
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN