“Xuyên” - Truyện ngắn của Thiếu tướng Hồ sĩ Hậu

Ngày đăng: 07:04 14/07/2022 Lượt xem: 296
-----------------------------------------------------------------------

XUYÊN
( Truyện ngắn của Hồ Sĩ Hậu)

       Tan cuộc gặp mặt bộ đội đường ống Trường Sơn nhân bốn mươi năm xăng vào Bù Gia Mập, Lãi đưa tôi lên viếng mộ Xuyên. Nghĩa trang liệt sỹ thị xã Sầm Sơn đặt trên một ngọn đồi lộng gió. Trời đã xế chiều. Mặt trời đỏ ối đang xuống gần mặt biển. Những cơn gió mát rượi từ biển thổi vào xóa đi cái nóng oi bức đầu hè. Con đường đi lên Nghĩa trang qua ba tầng bậc đá trắng. Hai bên đường, những bông hoa vàng xen trong đám cỏ xanh khiến cho nơi các anh chị nằm càng trở nên thơ mộng. Người quản trang nói với chúng tôi: Mộ liệt sỹ Lê thị Hồng Xuyên mang số ba. Ngôi mộ này thiêng lắm. Nhiều người đã đến đây thắp hương cầu khấn.

(Ảnh minh họa)
 
       Chúng tôi dừng trước mộ Xuyên. Một ngôi mộ như bao ngôi mộ trong nghĩa trang. Nhưng lạ quá, nó được phủ bởi một bụi hoa màu tím. Tôi thầm nghĩ: Thiên nhiên cũng thương cho sắc đẹp của em. Cô gái Quảng Xương ngày ấy mười tám tuổi, mũi dọc dừa, mắt bồ câu, nước da trắng mịn, dáng người mảnh mai thon thả khiến người trong đơn vị ai cũng trầm trồ. Chỉ huy phó của tôi, một người đàn ông đứng tuổi, có giọng hát trầm ấm, lãng mạn đã có lần ngẩn ngơ: “con cái nhà ai mà đẹp vậy ta?”.
       Lãi đặt lên mộ hoa quả, tiền, vàng mã. Khói những nén hương chúng tôi cắm lên mộ Xuyên bảng lảng trên những chùm hoa tím, rồi tan trong nắng chiều đã nhạt. Lãi khấn: “Xuyên ơi. Hôm nay bộ đội đường ống Trường Sơn, cả ngàn người tụ tập về đây. Gặp nhau mừng tủi ôn lại những ngày tuổi trẻ gian khổ, ác liệt, nhưng đáng sống và đáng tự hào. Mọi người nhắc lại kỷ niệm về những người đã khuất trên tuyến ống Trường Sơn huyền thoại. Xuyên ơi, anh Hậu kỹ sư mà chúng mình chăm sóc hồi ấy, bây giờ là Chủ tịch Hội Xăng dầu – đường ống Trường Sơn, cũng lên thăm mày đây…”. Nói đến đây Lãi òa khóc: “Xuyên ơi. Ở trên ấy đừng quên chăm sóc sắc đẹp nhé. Tao nhớ thương mày lắm, Xuyên ơi!” Tôi đứng bên Lãi nghẹn ngào. Những kỷ niệm năm xưa lại hiện về.
Mùa mưa năm 1969, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ thi công tuyến ống vượt đèo 700; 900 để đến bản Cọ trên đất Lào. Đây là nơi gần nhất mà xăng đường ống có thể đến được vĩ tuyến 17, nên địch ngăn chặn rất quyết liệt. B52 chà đi xát lại, quyết không cho chúng tôi đưa được tuyến ống vượt qua biên giới. Hàng trăm người đã ngã xuống khi vác ống, thi công. Đây là lần đầu tiên xuất hiện các trọng điểm của riêng đường ống. Địch đánh tuyến này, ta nắn sang tuyến khác. Tuyến vừa phát xong, B52 lại chà xát. Các tổ khảo sát tuyến thay nhau lên đường. Ba đồng chí hy sinh, một kỹ sư bị thương, nhưng chúng tôi không nản chí. Ba tháng quần nhau với bom đạn địch, cho đến khi chúng tôi chọn một tuyến mạo hiểm vượt qua đỉnh cao nhất trong vùng, đỉnh 911, thì người Mỹ bị bất ngờ, và chúng tôi đã vượt qua được “cửa tử”. Mấy tháng trời ròng rã khảo sát tuyến trong mùa mưa, chân tôi luôn ngâm trong đôi giầy sũng nước nên bị nhiễm trùng. Một thứ vi khuẩn mà sau này các bác sỹ nói với tôi, được gọi là xoắn trùng mảnh. Thứ vi khuẩn ấy xâm nhập vào máu, khiến tôi sốt ly bì, các cơ đau nhức, rồi dần dần chân tay bị liệt. Ở bệnh xá, cứ sốt thì được chẩn đoán ngay là sốt rét. Tôi được tiêm ký ninh liều cao, nhưng thân nhiệt luôn xấp xỉ bốn mươi độ. Hàng chục ngày như thế, tôi cứ nửa tỉnh nửa mê. Trong bệnh xá, Lãi và Xuyên là hai cô y tá thay nhau chăm sóc tôi. Lãi nói với Xuyên: “Cái ông đang sốt ly bì kia là kỹ sư. Tuyến đang bị đánh ác liệt, mấy ông này quan trọng cho đơn vị lắm, cố mà chăm sóc cho ông ấy khỏi bệnh”. Bệnh xá không có gì bồi dưỡng, hai cô đem cơm nguội và gạo đổi cho bà con dân tộc được hai quả bí. Họ ninh bí đỏ lên, nấu với đường thành chè. Lúc ấy, một bát chè bí đỏ là thứ thực phẩm rất cao cấp mà lính khó mơ tới. Xuyên bưng bát chè lên, lay tôi dậy ăn, nhưng thấy tôi nằm ly bì, nên để bát chè bên cạnh, nghĩ rằng nếu tỉnh dậy, tôi sẽ gọi y tá lên cho ăn. Chừng nửa giờ sau, Xuyên lên kiểm tra thì thấy tôi nằm lăn lộn trên một thứ sền sệt vàng vàng. Cô chạy xuống mếu máo: “Chị Lãi ơi, ông Hậu bĩnh ra đầy giường rồi!”. Lãi chạy lên kiểm tra, rồi phì cười: “ Đây là chè bí đỏ chứ có phải gì đâu mà sợ”. Nhìn cái bát lăn lóc dưới đất, Xuyên xấu hổ: “Thế mà em cứ tưởng…”. Cơn sốt của tôi không hề thuyên giảm. Tôi không thể nuốt được bất cứ thứ gì. Xuyên loay hoay tìm được một ít đậu xanh nấu cháo. Giữa rừng, bát cháo đậu xanh là hiếm hoi lắm. Vậy mà khi cô đưa thìa cháo đến gần miệng, tôi lập tức nôn thốc tháo. Không thể ép tôi ăn được, hai cô y tá ngồi bên giường, bất lực. Lãi dân dấn nước mắt: “Đồng chí ơi. Chúng tôi thương đồng chí lắm, nhưng chúng tôi vụng về không nấu được gì ngon cho đồng chí ăn. Đồng chí có thông cảm cho chúng tôi không”. Tôi cất giọng yếu ớt : “Cảm ơn các bạn. Các bạn vất vả vì tôi quá”. Bệnh tình của tôi ngày càng nặng. Dần dần, hai tai điếc đặc vì tiêm ký ninh liều cao, liệt hẳn hai chân vì cái giống xoắn trùng mảnh quỷ quái kia. Tôi được đưa đi cấp cứu ở tuyến trên. Sau một tháng điều trị và tập đi như môt đứa trẻ, tôi trở lại đơn vị. Hai cô y tá thấy tôi về, mừng lắm: “Nói dại, chúng em cứ sợ anh tuổi còn trẻ mà bị làm sao thì tiếc lắm!”. Tôi cười: “Sống chết có số các bạn ạ”.
       Ngày 22 tháng 12 năm 1969, đường ống của chúng tôi đã đưa xăng vào đến bản Cọ. Mở ra một khả năng đảm mới cho vận tải cơ giới phía nam vĩ tuyến 17. Bước sang mùa mưa năm 1970, chúng tôi được rút ra Quảng Bình, đóng quân ở hồ Cẩm Ly để tranh thủ mùa khô đông Trường Sơn, nối tuyến ống từ đường 15 vào đoàn 559. Năm 1970, Mỹ đã ngừng ném bom miền Bắc, nên ra đến Quảng Bình, cuộc sống là một thế giới mới. Chúng tôi làm nhà bạt trên một khu đất thoáng đãng. Chiều chiều chơi bóng chuyền. Tối đèn điện thắp sáng các nhà…
       Ngày 1 tháng 5 năm 1970, buổi sáng nắng vàng rực rỡ. Trên đường ra công trường, tôi gặp Xuyên. Xuyên mặc thật chỉnh tề, mái tóc đuôi sam được tết kỹ, bộ quân phục mới bó sát người càng tôn thêm vóc dáng óng ả của em. Tôi hỏi: “Xuyên sắp đi đâu mà diện thế?” “Các anh bên tuyên huấn hứa chụp cho em một kiểu ảnh để gửi về cho mẹ”- em đáp và đi về phía cơ quan Chính trị.
       Tôi đi được một lát thì bỗng bầu trời đen đặc máy bay phản lực. Chúng gầm rít, rồi từng loạt bom rơi xuống. Nhiều mục tiêu bị đánh phá , trong đó có đơn vị tôi. Không biết có phải vì không thể ngăn chặn được tuyến ống, nên Mỹ đã phản bội cam kết không ném bom miền Bắc? Trận oanh tạc này làm ta hoàn toàn bất ngờ. Khi tôi chạy về, doanh trại đã tan hoang. Lãi chạy lại ôm lấy tôi gào lên: “Anh ơi. Cái Xuyên chết rồi!” Hơn mười người đã hy sinh trong cuộc đánh phá mang tính chất cắn trộm này. Xế chiều, đơn vị mới hoàn tất việc chôn cất tử sỹ. Chúng tôi bắn loạt đạn tiễn đưa đồng đội. Xót xa quá. Hầu hết những người hy sinh trong trận bom này đều là các chàng trai cô gái, trong đó có Xuyên, cô gái xinh đẹp nhất, và cậu Vinh thợ máy, đẹp tai nhất đơn vị …Sau hôm ấy, cả tháng trời, chiều nào Lãi cũng khóc. Đủ biết khi Xuyên còn sống, họ thân nhau như ruột thịt. Chính trị viên đơn vị nhắc: “Đồng chí Lãi, hãy cứng cáp lên. Đồng đội hy sinh rồi, cứ khóc mãi thế này thì làm sao có sức chiến đấu”.
       Tôi đang nghĩ miên man, thì chợt nhận ra một con bướm lớn, màu sắc sặc sỡ từ đâu bay đến đậu lên vai đang rung theo tiếng nấc của Lãi. Tôi xua con bướm. nó bay lên rồi lại đậu xuống. Mấy lần như vậy, Lãi nói: “Xuyên nó về đấy anh ạ!” Rồi cô khấn: “Xuyên ơi. Vậy là mày biết tao và anh Hậu đã đến thăm. Cầu mong mày bên ấy luôn bằng an, phù hộ cho gia đình và đồng đội”. Lạ quá. Chúng tôi ra về, con bướm vẫn đậu trên vai Lãi. Cho đến khi chúng tôi lên xe, nó mới cất cánh lượn một vòng , rồi trở lại nghĩa trang. Lãi làm rầm khấn: “Tạm biệt nhé, Xuyên ơi!”.Chiều đã nhọ mặt người, tôi bỗng thấy gai người trước cái cảnh nhuộm màu liêu trai này.
       Xe lăn bánh rời khỏi nghĩa trang, mà đôi vai Lãi vẫn rung lên. Tôi chợt nhận ra những sợi bạc trên mái tóc của cô. Chúng tôi đã già rồi. Tôi đã ở tuổi bảy mươi, còn Lãi cũng đã ngoài sáu mươi. Chỉ có Xuyên trong ký ức của chúng tôi mãi mãi là một cô thiếu nữ xinh đẹp mười chín tuổi. Bất giác tôi nhớ tới câu thơ:
Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.
       Không chỉ có Xuyên. Những chàng trai cô gái ngày ấy ngã xuống, trong ký ức đồng đội và trên những trang sử, mãi mãi tuổi thanh xuân.

Tháng 10/2015
Hồ Sỹ Hậu
Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam
Chủ tịch Hội Xăng dầu - đường ống Trường Sơn
tin tức liên quan