Trở lại thăm Đại tá Nguyễn Văn Sử nguyên Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 565 Binh đoàn 12.

Ngày đăng: 10:18 16/09/2022 Lượt xem: 190

TRỞ LẠI THĂM ĐẠI TÁ NGUYỄN VĂN SỬ

NGUYÊN BÍ THƯ ĐẢNG ỦY SƯ ĐOÀN 565-BINH ĐOÀN 12


Chân dung Đại tá Nguyễn Văn Sử

       Thế mà đã hơn 30 năm, tôi mới có dịp trở lại thăm anh và gia đình. Anh người đồng hương, người đồng đội, đồng chí, người anh, người thủ trưởng, người lính Trường Sơn năm xưa, sau Hòa bình cùng đơn vị, công tác trên công trình Thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà. Từ khi biết được thông tin về anh, hẹn về thăm anh, nhưng do mấy năm qua dịch bệnh tràn lan, nên chưa có dịp về thăm anh được. Nhân dịp tiết Trung thu năm nay 2022, tôi quyết tâm và sắp xếp chuyến đi trong dự kiến sẽ ở mấy ngày, nhưng rồi cùng chỉ được có 1 ngày về thăm lại anh chị và các cháu.

       Anh tên đầy đủ là: Đại tá: Nguyễn Văn Sử, nguyên Bí thư Đảng ủy Sư đoàn 565; sinh năm 1942 quê xã Gia Hòa huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình, năm nay anh đã ngoài 80 tuổi, anh tham gia công tác xã hội ở địa phương khi còn rất trẻ, phải khai tăng thêm một tuỏi để dược đi Thanh niên xung phong, từ Thanh niên xung phong anh chuyển qua bộ đội, phục vụ tại ngũ trên chiến trường Trường Sơn chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các tuyến đường Trường Sơn thuộc các Binh trạm; Trung đoàn 98… Sư đoàn 565 Binh đoàn 12, thời gian này tôi ở Sư đoàn 968 sau đó Sư đoàn 968 hành quân tham gia chiến dịch Tây Nguyên, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam. Tôi thuộc lực lượng ở lại Lào biên chế về Sư đoàn 565.

       Năm1982 anh được điều động về Sư đoàn 565 Binh đoàn 12 nhận nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn, anh công tác đến năm 1991 được đơn vị giải quyết nghỉ chế độ hưu trí, khi đó theo hồ sơ cán bộ anh 50 tuổi. (anh xây dựng gia đình năm 1959)

       Nói đến câu chuyện về thăm anh là một duyên nợ, một sự việc tình cờ, đã thôi thúc tôi mấy năm vừa qua, cũng do dịch bệnh Coovid 19 chưa về thăm anh được. Hôm đó cách đây khoảng 2- 3 năm, anh em tổ bóng bàn Vimeco đi viếng ông Nguyễn Văn Tám hội viên CLB bóng bàn đã có một số buổi chiều cùng tập bóng bàn và cùng Tổ dân phố 40, phường Trung Hòa, không may qua đời tại Bệnh viện 198 Bộ Công an, phường Mỹ Đình quận Cầu Giấy Hà Nội, khi đoàn viếng xong ngồi chia buồn cùng gia quyến, tôi đọc bản thông báo “…An táng tại quê nhà…” tình cờ hỏi anh thanh niên (sau này mới biết cháu tên Trần Văn Long) đang tiếp nước cho khách trên đầu có quấn khăn tang gần nơi tôi ngồi:

       Anh ơi cho tôi hỏi: Gia đình đưa thi hài ông Tám về quê an táng ở đâu ?

       Anh thanh niên đáp: Dạ đưa thi hài chú cháu về quê ở Ninh Bình ạ.

       Tôi lại hỏi: Ở huyện nào cháu?

       Anh thanh niên đáp: Dạ về huyện Gia Viễn ạ.

       Tôi lại hỏi: Về xã nào?

       Anh thanh niên trả lời: Dạ về xã Gia Hòa ạ.

       Như khơi lại trí nhớ và những kỷ niệm xưa trong tâm trí tôi, tôi liền hỏi: Ở xã Gia Hòa anh có biết ông Sử không? Ông Nguyễn Văn Sử bộ đội nghỉ hưu ý… Anh thanh niên liền trả lời, dạ cháu có biết, và hỏi lại tôi; sao chú biết ông Sử ạ ? Tôi trả lời: tôi và ông Sử ngày xưa cùng đơn vị bộ đội ở Trường Sơn và sau này ở Hòa Bình, tham gia xây dựng công trình Thủy điên Hòa Bình trên Sông Đà.

       Anh thanh niên lại hỏi; Có phải ông Sử ở bộ đội làm công tác Đảng, công tác Chính trị không chú ?

       Tôi trả lời: đúng rồi đó anh!

      Anh thanh niên lúc này khe khẽ nở nụ cười duyên và ngập ngừng trả lời…dạ… dạ..ông Sử ...là…bố vợ cháu… còn Chú Tám mất đây là em ruột của bố vợ cháu chú ạ!!!

       Lúc này tôi mừng rơn, như người vớ được của… liền hỏi dồn anh thanh niên?

       Bố cháu dạo này có khỏe không..?

       Về có làm gì thêm không…?

       Có tham gia công tác ở địa phương không cháu…?

      Chú cháu tôi cùng hỏi thăm nhau và nói chuyện vui có, buồn có… và cháu Long liền gọi điện thoại ngay cho bố Sử và chuyển điện thoại cho tôi nói chuyện, anh em lâu ngày gặp nhau trên điện thoại mừng vui khó tả, vì đang trong lúc tang gia, nên tâm sự không tiện, cho nhau số điện thoại và hẹn ngày tái ngộ.

       Thế rồi dịch bệnh lại bùng phát, không thể về thăm anh được, tôi cũng đã nhờ anh em bạn bè có phương tiện, người cùng quê anh, cùng tuyến đường và dặn khi nào có điều kiện về quê cho tôi cùng đi nhờ để về thăm anh. Nhưng chờ mãi vẫn chưa có điều kiện về thăm anh và gia đình được.

       Gần 10 năm (1982-1991) cùng công tác trong cơ quan Sư đoàn bộ, tôi và anh cũng chỉ giữ mối quan hệ anh em, đồng đội, đồng chí, đồng hương. Với cương vị trong quân đội anh là người lãnh đạo (từ Phó CNCT- Bí thư Đảng ủy, Chính ủy) tôi là cán bộ cấp dưới người bị lãnh đạo, mối quan hệ anh em, đồng chí đồng đội… rất đúng mực, không có gì đặc biệt, sống thật thà chân chất, nên khi anh về nhận nhiệm vụ và khi nghỉ hưu cũng chẳng nhớ năm nào nữa. Khi đó lượng thông tin không đầy đủ, tầu xe đi lại khó khăn, kinh tế còn khó khăn lắm, không có điện thoại di động… Xa anh, cảm thấy nhớ da diết những năm tháng cùng anh công tác trên công trình Thủy điện Hòa Bình, anh là người lãnh đạo, người chỉ huy rất đúng mực, có trách nhiệm cao trong công việc, trong quan hệ, trong cuộc sống… anh luôn hòa mình, sống dản dị, mềm dẻo, mẫu mực có tính thuyết phục cao, là cán bộ Chính trị (Bí thư Đảng ủy; Chính ủy Sư đoàn) anh như người anh trong gia đình, người Chị hiền trong cơ quan, ngoài giờ làm việc anh thường xuyên xuống thăm anh chị em, đồng đội, cán bộ chiến sĩ trong cơ quan, tới khu gia đình thăm nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, yêu quý và chơi đùa, bồng bế các cháu nhỏ…Thật hiếm có người lãnh đạo nào lại hòa nhập quần chúng như thế.

       Năm 1995 Sư đoàn 565 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Công lao đóng góp của anh không nhỏ, người đã trực tiếp lãnh đạo và chắp bút viết, tờ trình, báo cáo thành tích đề nghị các cấp, các cơ quan có thẩm quyền, xét đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động của tập thể Sư đoàn 565 trên công trình Thủy điện Hòa Bình. Nhưng rất tiếc khi đơn vị đón nhận danh hiệu và thành tích đó, anh đã về nghỉ chế độ hưu trí.

       Khi anh em còn công tác, tôi đã một lần kết hợp đi công tác có ghé về thăm gia đình anh, cũng đã 35-40 năm rồi, khi đó các cháu con anh chị còn bé thơ. Năm nay được về lại thăm anh chị và các cháu, hai người lính già hai mái đầu đã bạc trắng, bắt tay nhau mừng mừng tủi tủi đôi mắt ngấn lệ, anh chị người cùng quê, cùng tuổi, được trời phú cho sức khỏe tuổi già anh chị khá tốt, anh chị sinh được năm người con (1 trai ; 4 gái): Con trai đầu, cháu đã thiệt phận mất năm 2010, bốn cháu gái Liên; Lan; Thắm;Tươi các cháu đã xây dựng gia đình, có công ăn việc làm ổn định, hạnh phúc; Cháu Liên lấy chồng cùng quê ở nhà, là cô giáo dạy bậc tiểu học; ba cháu còn lại đều làm ăn tại Long Biên… Hà Nội.

       Hơn 30 năm nay mới có dịp gặp lại, lớp lãnh đạo đơn vị thời kỳ đó, thuộc thế hệ các anh, hầu hết đã trở thành người thiên cổ. Gặp lại nhau, anh em hàn huyên những kỷ niệm của cuộc đời quân ngũ, những buồn vui, vất vả, lúc cuộc sống đời thường... Biết anh, tuy tuổi đã cao, nhưng sức khỏe khá tốt, ăn ngủ tạm ổn. Khi mới về nghỉ hưu anh cũng tham gia công tác với địa phương, như Hội khuyến học, khuyến tài, Hội Cựu Thanh niên xung phong, Cựu chiến binh Trường Sơn…Anh ở quê nhưng vẫn cập nhật thông tin khá đầy đủ, nhất là bộ đội Trường Sơn.

       Câu chuyện của hai người lính già Trường Sơn năm xưa, cứ ào ào tuôn chảy mãi, lưu luyến mãi không thôi, lúc xe tới đón tôi trở về Hà Nội, đành phải tạm biệt anh chị và các cháu ra về, kẻo chiều Chủ nhật về Hà Nội muộn sẽ bị tắc đường.

       Được trở lại thăm anh và gia đình sau hơn 30 năm, trong tôi như nhẹ đi một phần duyên nợ, bớt đi những áy náy suy tư… Kính chúc anh chị sống khỏe, sống lâu, sống hạnh phúc cùng con, cháu, chắt và gia đình. Luôn giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống bộ đội cụ Hồ, truyền thống bộ đội Trường Sơn Anh hùng. Hẹn anh chị cùng các cháu ngày tái ngộ./

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2022

Nguyễn Văn Xuân

Hội viên Hội VHNT Trường Sơn


tin tức liên quan