“Làng Việt thời chiến” - Truyện ngắn của Hoàng Minh Đức

Ngày đăng: 04:32 04/11/2022 Lượt xem: 275

LÀNG VIỆT THỜI CHIẾN

Truyện ngắn của Hoàng Minh Đức

       Gõ bàn phím. Tôi chợt thấy trên màn hình Facebook Ngọc Lanh xuất hiện dòng chữ Phóng viên báo Kinh doanh và Pháp luật. Sống tại Thanh Hóa.

       Xa hơn nửa thế kỷ rồi, không biết có phải anh Ngọc Lanh ở làng Phùng, xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa ngày xưa của tôi không? Có thể bây giờ anh đã theo nghề làm báo. Khi đang học cấp 3 trên Thiệu Nguyên, anh đã từng đem về một tờ báo khoe bài thơ được đăng.

       Năm 1982, khi mới ra quân, tôi có gửi cho anh mấy lá thư nhưng đều bị trả lại. Lần cuối cùng, đằng sau phong bì có ghi “Không còn địa chỉ này, cả hợp tác xã Thống Nhất đã đi kinh tế mới trong miền Nam rồi”.

       Hồi đó, nói chính xác hơn là tháng 11 năm 1967, học sinh Quảng Bình chúng tôi đi K8 sơ tán ngoài Thanh Hóa. Tôi ở nhà anh Lê Ngọc Lanh, hợp tác xã Thống Nhất, ngay cổng chợ Phùng. Ngôi nhà nhỏ như cái bát được úp trên nền đất đắp cao hơn 2 mét. Nhà lợp tranh, bốn bề che bằng những tấm phên nứa, cột nhà là những thân cây lồ ô, đòn tay, rui mè làm bằng cây luồng. Phía tây là một cái chái nhỏ dùng nhốt con bò đực mỗi khi trời mưa. Nhà anh Lanh ngoảnh ra giữa chợ. Chợ nhóm họp dưới vườn cây táo và ổi của nhà anh, có giao thông hào nối ra cánh đồng ngô trồng xen với đậu tương và lạc

       Anh Lanh là con thứ hai trong nhà, học cấp ba sơ tán trên Thiệu Nguyên, xa hơn chục cây số. Không có xe đạp nên anh phải ở trọ, chiều thứ 7 mới về nhà lấy gạo. Anh vẽ tranh Apphich ở bảng tin của xã dựng ngay ngã tư đường. Anh ngồi vắt vẻo trên chạc ba cây xoan của ông già mù đọc tin chiến thắng. Những ngày anh đi học vắng thì ông mù lại vác cái loa sắt tây của anh đi khắp làng loan tin thắng trận.

       Có thể là anh Lanh của tôi lắm chứ. Thời chiến tranh, rất nhiều nhà báo trưởng thành từ phong trào thông tin tuyên truyền của xã như anh.

* * *

       Đi đánh bóng chuyền hơi, tôi để quên chiếc điện thoại ở nhà, về mở thấy có một cuộc gọi nhỡ từ số lạ. Có thể ai nhầm máy. Gọi lại, nghe pha giọng Bắc, hơi nằng nặng, lại khàn khàn. Biết ngay đây là tiếng của một ông già quê Thanh Hóa. Không ngờ chính là anh.

       Anh Lanh báo thầy u đã mất sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cả làng đi kinh tế mới trong Sông Bé rồi. Chị cả theo chồng di dân lên huyện Thạch Thành miền núi, cái huyện mà ngày xưa bà con vẫn mang chè, sắn về bán ở chợ Phùng làng ta. Chị thứ ba đi Thanh niên xung phong, lấy chồng trong Nông Cống. Hai chị đều đã chết. Còn ba anh em dời nhà sang hợp tác xã Quyết Thắng phía trong đê.

       Ăn tết xong, vợ chồng tôi theo chuyến tàu SE8 ra, xuống ga Thanh Hóa. Thành phố Thanh Hóa sầm uất, nhiều dãy nhà cao tầng mọc lên, không còn bóng dáng lụp xụp của cái ga thời chiến ngày xưa. Đầu hè năm 1969, khi giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc lần thứ nhất, tôi đã trốn về. Thấy các chú Công an hay cô Công nhân Nhà ga, chúng tôi liền ẩn vào một vài cái quán, chờ khi tàu sắp chuyển bánh mới nhảy lên…

       Hai vợ chồng anh Lanh đón chúng tôi trên sân ga. Chúng tôi qua cầu phao Vồm rồi chạy xuống dọc đê. Con đê chạy từ Thiệu Quang vòng qua làng Phùng rồi đến Thiệu Hợp. Tôi đã từng đi bộ với anh Lanh theo con đê này lên ngã Ba Chè chụp ảnh để gửi về quê. Khi mới đến đây thì nghe tiếng máy bay. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy một chiếc máy bay Mỹ bay trên bầu trời Thanh Hóa. Thỉnh thoảng cũng có nghe tiếng bom, tiếng pháo cao xạ từ phía cầu Hàm Rồng vọng lại. Một chiếc MiG - 17 của ta từ sân bay Sao Vàng lao vút lên. Thằng Mỹ quay đầu định ra phía biển. Không kịp nữa rồi, một quả tên lửa phóng tới làm nó bốc cháy rơi xuống triền đê. Tôi nhổ cái cọc tre xăm xăm chạy về. Đến đầu làng mới biết đó là chiếc máy bay không người lái. Khi anh em chúng tôi chạy đến ngọn lửa vẫn rừng rực cháy.

       Anh Lanh chỉ về cánh đồng ngô trước mặt: “Chú còn nhớ cái bãi tha ma ngày trước không? Bây giờ bốn mùa đều trồng ngô. Người ta đấu thầu cả đấy”.

       “Em quên sao được cơ chứ. Có thằng bạn đã từng ví đây là bãi chiến trường khi đánh trận giả của học sinh K8 bọn em”.

       Ngày ấy chúng tôi chia thành hai phe. Một phe là học sinh làng Phùng, một phe là học sinh K8. Những con bò đực như những con chiến mã lao vào húc nhau. Và chúng tôi những chiến binh hai bên cầm những thanh gươm bằng tre dài rạp mình trên lưng “ngựa” cũng hăng hái không kém. Chơi chán lại cùng nhau đi bắt châu chấu, hái nấm cỏ may nướng ăn. Có khi còn vào giữa ruộng ngô của hợp tác bẻ trộm. Nhờ những trò chơi đó mà quên đi nỗi nhớ nhà…

       Cất hành lí xong, anh dẫn tôi ra đồng thăm lại vườn nhà cũ. Toàn ngô là ngô. Ngô chạy từ bờ đê ra đến ngã ba Bông. Dấu vết còn lại của vườn nhà tôi là một bụi tre nhỏ ven đường. Cả làng. Cả hợp tác xã Thống Nhất ngày xưa đã biến thành cánh đồng ngô. Ngay cái Nhà thờ đạo cũng chẳng còn. Móng Nhà thờ được đào lên để lấy đá xây những bồn hoa cây cảnh. Một khu lưu niệm của làng dựng lên giữa cánh đồng ngô để nhớ về ngôi làng cũ. Có những cây quý bà con đi kinh tế mới mang về trồng, cắm biển đề tên.

       Tháng ba. Hoa xoan thơm ngan ngát. Những cánh hoa tim tím nhỏ xíu lả tả rơi xuống trên vai áo tôi. Những cây ngọc lan với chùm hoa trắng muốt tỏa hương dìu dịu xuống đường đi. Một cây hoa mộc miên Ấn Độ màu đỏ ối. Năm cánh hoa như ngôi sao sáng rực trên bầu trời.

       Cái cồn Thoi ngày xưa chúng tôi thường bơi ra nhổ cây mía ngả nằm trong cát, nay đã biến mất. Cồn Thoi là nơi giao hội của hai con sông Chu, sông Mã. Anh Lanh nói cát tặc đã xúc hết cồn Thoi rồi. Chính vì tranh chấp cát mà có một vụ đổ máu đấy. Thế là mất cả bãi cây thầu dầu mang theo kí ức của tôi. Chúng tôi thường lấy quả xâu lại trên một cái que rồi ban đêm đốt lên đi soi rùa, ba ba giữa ruộng dâu. Một bãi dâu xanh mướt bạt ngàn chạy dọc theo bờ sông Chu cũng không còn nữa. Làng Phùng được hình thành nhờ bồi trúc của hai con sông Chu và sông Mã chắc hàng triệu năm. Vậy mà chỉ năm chục năm đã sạt lở mất hơn ba chục héc ta nên dân phải di dời. Bờ sông lở dựng đứng cao hơn ba, bốn mét so với mặt nước. Chúng tôi đã từng đứng trên bờ cao nhảy ùm xuống sông như những Phi công nhảy dù. Một trò chơi thử thách lòng dũng cảm. Lại hai phe Quảng Bình, Thanh Hóa. Từng tốp một. Mỗi bên mười đứa. Một bên là trẻ con làng Phùng lão luyện ngày nào cũng ngồi trên lưng trâu bơi qua dòng sông Mã. Có khi chúng còn chạy đến vườn mía của làng Gia bẻ chớp nhoáng rồi vụt chạy ra sông. Một bên là lũ học sinh K8 Quảng Bình chúng tôi mới ra lạ lẫm. Quê hương tôi cũng có con sông Gianh, quanh năm đầy bom và máu. Thú thực, nói là lớn lên bên bờ sông Gianh nhưng đã có lúc nào tôi được bơi trên sông đâu. Tôi biết bơi nhờ cái hố bom Mỹ thả xuống đồng làng.

       Thật là một trò nghịch dại. Cuộc thách đố diễn ra trên doi đất cát cuối bãi bồi. “Thanh Hóa nhảy trước”. Cậu trọng tài hô to. “Một, hai, ba…”.

       Sau tiếng hô, cả mười đứa Thanh Hóa nhảy xuống ùm xuống nước. Có đứa còn lộn một vòng trên không biểu diễn. Chúng tôi chưa kịp nhảy thì đất dưới chân tự nhiên rùng rùng chuyển động.

       Ầm! Một lớp đất cát ào ào đổ xuống. Lớp sóng duyềnh lên tung bọt ngầu trắng xóa. Lúc này đang con nước cạn. Chúng tôi đứng ở độ cao hơn 4 mét so với mặt sông. Sông Mã như con ngựa bất kham cuồn cuộn chảy. Tôi đếm chỉ được có chín đứa. Một đứa ngóc đầu lên mặt nước hét to. “Thằng Tuynh đuối nước rồi”. Không ngần ngại, cả lũ trẻ Quảng Bình chúng tôi nhảy ào theo. Lại một lớp đất cát nữa đổ xuống ào ào. Lần này nhẹ hơn. Chúng tôi ngụp lặn bơi xuôi theo dòng nước chảy. Không biết thằng Tuynh bị cuốn trôi đến chỗ nào. Mãi lúc sau thằng Rạng mới tóm được thằng Tuynh lôi sang cồn Thoi. Rạng làm động tác hà hơi thổi ngạt. Một lúc sau thì thằng Tuynh mới thoi thóp thở. Tất cả chúng tôi thở phào. Rạng với tôi cùng tuổi mười lăm nhưng Rạng học hơn tôi một lớp. Ra đây tôi mới lớp sáu nhưng nó đã học lớp bảy. Nhà nó sát bờ con sông Nan phía dưới cái cầu sắt Pháp xây hồi trước...

       Hôm sau anh Lanh dẫn vợ chồng tôi sang nhà bác Mạnh chơi. Bác Mạnh là anh ruột của thầy tôi. Bác ở Hợp tác xã Quyết Thắng từ đời nảo đời nào. Cả xã Thiệu Thịnh có ba Hợp tác xã thì hai Hợp tác Phong Thịnh, Quyết Thắng nằm trong đê còn Hợp tác Thống Nhất ngoài bãi. Trận lụt năm đó tôi đã đến trú nhà bác mấy ngày. Kí ức này tôi không bao giờ quên được. Cái đồng bãi làng này lạ lắm. Mỗi khi con nước dâng lên giun đất lại trồi lên mặt nước để thở. Nói là để thở cũng không đúng lắm. Con giun đất làm gì có phổi…

       Sáng hôm đó tôi với cái Lan trong nhà vẫn mang cái vò đất đi bắt giun cho ngan vịt như mọi khi. Nhưng lần này nước lên mà không xuống. Chúng tôi đã bắt được hơn nửa vò giun mà nước chẳng chịu rút lui. Đến trưa nước tiếp tục lên. Trong quê tôi lụt lội thường xảy ra sau mưa bão mấy ngày. Đằng này trời đang nắng chang chang mà nước ngoài đồng, ngoài bãi cứ tràn về. Sau này tôi mới ngẫm ra. Con sông Mã rất dài nên mưa ở thượng nguồn mà mình không biết. Thanh niên trong làng vác nơm đi nơm cá. Có người bắt được hơn chục con. Cá Liêu, cá Gáy, cá Vược theo nước bạc lên đồng đẻ trứng. Có người trong xóm nơm được một con cá Vược nặng năm ký.

       Đêm đến thì nước đã lắp xắp cái sân gạch. Thầy tôi đóng một cái bè chuối để tôi dắt bò lên trên đê trú lụt. Đêm, ánh trăng bàng bạc. Những trái ổi, trái táo, trái sung chín trong vườn rơi lỏm bỏm xuống nước. Con bò đực bơi trước, tôi chống cái bè chuối theo sau. Có lẽ con bò cũng đã quen với những cuộc chạy lụt như thế này rồi…

       Nhà bác Mạnh to nhất làng. Già lụ khụ tuổi ngoài chín mươi vẫn ở một mình. Bác gái mất đã hơn hơn chục năm nay. Anh Khang con trai bác mời lên thành phố ở nhưng bác không chịu. Bác nói ở nhà để trông coi mồ mả bác gái và ông bà, tổ tiên. Tòa nhà bốn tầng này là do anh thuê thợ ngoài Nam Hà vào xây hồi mới đi Đức về. Nay anh đang làm Giám đốc một Công ty Trách nhiệm hữu hạn trên thành phố. Không biết vì sao anh chẳng chịu lấy vợ. Anh phải thuê một người bà con bên họ ngoại đến giúp việc và săn sóc bác Mạnh. Đã ngoài bảy mươi nhưng tóc anh vẫn còn đen. Người vạm vỡ cao to, dáng đi nhanh nhẹn như Thanh niên, lại có một chiếc răng khểnh trông thật có duyên. Anh rướn cặp lông mày hơi xếch nhìn tôi. “Chú mới Quảng Bình ra”. Tôi đáp: “Dạ! Vâng! Hồi đi K8 ra đây em cũng có nghe bác Mạnh kể nhiều về anh. Anh đang đi Bộ đội”. “Trong Quảng Bình chú có cái cầu sắt gì bắc qua con sông Gianh ấy nhỉ. Một đầu phía làng, một đầu phía núi”. “Ở quê em có đến những ba, bốn chiếc cầu sắt bắc qua sông Gianh. Sông Gianh gồm ba nhánh chính.”. “Không. Tôi hỏi đây là cái cầu bị rơi xuống 2 nhịp ven bờ chỉ còn lại độc trốc một nhịp ở giữa. Chúng tôi đi qua cái đình giữa đồng rồi mới đến dòng sông”. Tôi reo lên: “Đúng rồi! Đó là ở làng em. Ngày trước một khẩu pháo cao xạ của Nhật từng chốt để bảo vệ cầu. Xạ thủ bị xích chân lại bên khẩu pháo không được rời trận địa. Thế mà khi máy bay đồng minh lao xuống ném sập một nhịp cầu rồi chúng vẫn chưa bắn được một phát nào. Năm 1965 bom Mỹ lại đánh sập một nhịp nữa”. “Thế chú có biết một cô gái tên là Sanh hay chèo đò”. Làng tôi làm gì có cô nào tên là Sanh? Ờ, phải rồi. Bà Sanh năm nay đã tám mươi tuổi. Nhà ở xóm Nam.

       Năm 1966, Bộ đội bắt đầu về đóng ở làng tôi. Họ chỉ nghỉ một đêm rồi ngày mai đi tiếp vào trạm T15 ở Cự Nẫm. Cũng có khi họ ở lại an dưỡng ở làng tôi một vài tuần. Đợt lâu nhất là ba tháng. Nhà tôi ở xóm Bắc. Làng tôi thời chiến tranh, bà con xóm Nam sát sông Nan kéo ra xóm Bắc sơ tán hoặc nằm hầm ở ngoài đồng. Một số gia đình vào làm lán trại trong rú Ma Ca bên kia sông. Ban đêm tôi theo mấy anh chị lớp sáu, lớp bảy làm giao liên cho Xã đội. Đầu hôm chúng tôi cùng cán bộ Xã đội lên đón trên kiệt Năm Thôn. Các chú Bộ đội ai cũng có một tấm dạ quang gắn đằng sau mũ. Người sau cứ nhìn theo ánh sáng lân tinh của người đằng trước mà đi. Chúng tôi dẫn Bộ đội về từng nhà. Con nít, người già nằm ngủ dưới hầm, nhường nhà và giường phản cho Bộ đội. Bộ đội nghỉ một ngày rồi khuya hôm sau lại hành quân tiếp. Chúng tôi hăng hái đi chặt chiếc “gậy Trường Sơn”, bẻ lá đùng đình cho các chú cắm lại vòng ngụy trang. Thứ lá này bền như lá dừa, giữ được màu xanh rất lâu. Hội “Mẹ Chiến sĩ” mang khoai sắn đến tặng các chú lên đường. Có người còn vác cả buồng chuối hay quả đu đủ chín đến úy lạo. Chúng tôi ai nấy bịn rịn tiễn chân các anh, các chú vào tận bến đò. Mấy anh lớp bảy còn mang đỡ ba lô cho các chú một chặng đường. Nhạc sỹ Hoàng Vân đã từng nghỉ lại ở làng tôi. Ông sáng tác bài “Quảng Bình quê ta ơi”. Sau này khi vào Bộ đội tôi nghe cánh lính khu Ba thường hát chế “Quảng Bình/ Khoai khoai toàn khoai…”. Đúng là quê tôi gió Lào cát trắng. Ruộng không có nước chỉ trồng được khoai lang. Cả năm có một vụ lúa vãi thì phải nhờ trời. Cày bừa đập đất cho nhỏ rồi gieo hạt lúa xuống. Chờ khi trời mưa, bà con xã viên mang tơi đội nón ra đồng cấy giắm. Đã thế khi gặp trận bão, mất mùa, lúa đổ rạp xuống phải gặt xanh về mà ăn lớ. Lớ là thứ lúa lép rang lên rồi giã nhỏ rây lấy cám mịn mà ăn. Khi ăn phải lấy thìa hay lá mít cuộn lại xúc đổ vào mồm không dám thở mạnh.

       Một buổi khuya tháng sáu. Bộ đội tập kết ở vườn phụ lão trên động Lòi để chuẩn bị qua đò. Đó là một vườn cây trồng toàn chè và mít. Phía ngoài là hàng dừa soi bóng xuống dòng sông. Mấy chiếc đò ban ngày nhấn chìm dưới rặng bần đã được kéo lên khỏi mặt nước. Chị Sanh được Xã đội cử làm Tiểu đội trưởng, Tiểu đội chèo đò. Chị làm Bí thư Chi đoàn Thanh niên. Chị là người lớn tuổi hơn tất cả. Trước chiến tranh, trai làng tôi thường vây quanh nhưng chị chẳng chọn được ai. Chị mặc một chiếc áo bà ba nâu với chiếc quần lụa đen. Trên vai khoác một tấm vải dù màu xanh lá cây. Chị đẹp như diễn viên Trà Giang trong phim chị Tư Hậu. Khi đã sang bờ bên kia rồi nhiều anh Bộ đội còn quay lại xin địa chỉ. Tuổi mười bốn như tôi mà cũng phải mê li chứ nói gì đến các anh Bộ đội. Mà chị nào ở làng tôi cũng xinh như thế cả.

       Hôm đó chỉ còn một chuyến đò nữa là qua sông hết. Chị Sanh chèo cắt mái băng băng. Đò mới ra được hai con sào thì bỗng có tiếng máy bay. Hôm nay thằng Mỹ ra đánh sớm. Máy bay đã gầm gào trên đầu. Chị hô: “Tất cả ngồi yên không được động đậy”. Chị ghìm mái chèo cho đò dừng lại. Ầm ầm! Veo veo!. Mặt sông dựng ngược từng cột sóng. Chiếc đò bị tung lên rồi nhào xuống dập dềnh. Bộ đội nhảy xuống sông, ba lô nổi bập bềnh. Chị Sanh vẫn bình tĩnh giữ mái chèo. Chị hét: “Mặc kệ hắn. Hắn đánh bom dưới cầu không can chi mô. Hãy bình tĩnh mà lội đến bám vô mạn nôốc(*)”. Có tiếng la: “Chị ơi! Em không biết bơi”. Một Chiến sĩ mang ba lô trên vai, hai tay chới với. Chị Sanh buông chèo nhào tới. Chị lấy vai xốc nách anh lính trẻ, bơi vào bờ. Mặt anh còn non choẹt. Vào đứng dưới cội bần, áo quần chị Sanh dính bết vào người. Lúc này trông chị càng đẹp. Anh lính trẻ nhìn chị cười ngượng nghịu. Chiếc răng khểnh trông đến là duyên.

       Máy bay địch đánh phá phà Gianh. Một tốp bay theo con sông Son lên đánh phà Xuân Sơn. Một tốp khác lên săn lùng tàu Hải quân trên dòng sông Nan dưới rừng tre Thọ Hạ. Hai dòng sông đều về họp mặt ở chợ Mới làng tôi trước khi đổ ra cửa Gianh. Máy bay địch lồng lộn quần đảo suốt ngày. Chúng thả bom bi dọc theo bờ sông. Phóng tiếp mấy quả rốc két xuống cái lò vôi dưới Hói Đồng. Bộ đội và dân quân làng tôi ra công sự ngoài đồng bắn trả. Có người kê khẩu súng K44 lên cây khế trước sân nhà đứng bắn. Pháo cao xạ bắn lên rầm trời. Tiếng bom tạ, bom sát thương nổ long trời lở đất. Những quả đạn pháo 37 li để lại những đám khói trên nền trời như cánh đồng bông. Pháo 57 li nổ cao hơn. Khói nở ra từng cụm trắng xóa. Tiểu đội trưởng quyết định ở lại ngày mai vượt sông đuổi theo đơn vị.

       Hôm sau nghe mấy chị chèo đò kháo nhau, khi sang tới bờ sông bên kia anh lính trẻ thả ba lô chạy lại. Anh nói với chị Sanh: “Chị ơi! Chị đẹp lắm. Chị cho em ôm hôn chị một cái. Đời người lính không biết sống chết khi nào. Em chưa biết mùi con gái”. Chị Sanh ôm lấy anh, để mặc cho anh vục mặt xuống ngực mình. Chị hôn lên trán người lính trẻ, ánh mắt dại đi, rười rượi yêu thương. Chị nhìn theo đoàn quân cho đến khi họ khuất hết trong rừng.

       Thế rồi cái bụng chị Sanh ngày một lớn dần lên. Họp hành kiểm thảo bao lần chị cũng không chịu khai ai là tác giả của đứa con trong bụng. Xã Đoàn quyết định cách chức Bí thư, khai trừ Đoàn. Đi K8, rồi đi Bộ đội về nữa tôi vẫn thấy chị nuôi con một mình.

       Hết chiến tranh, tôi theo nghề dạy học. Tôi Chủ nhiệm thằng con trai của chị. Đứa con nói có rất nhiều người, có cả trai tơ đến đặt vấn đề với mẹ. Họ muốn em có một cái tên cha ghi vào học bạ nhưng mẹ lắc đầu. Mẹ nói trên đời này mẹ chỉ yêu có một người thôi. Mẹ mòn mỏi đợi chờ trong vô vọng.

       Về hưu, tôi cũng ít khi vào xóm Nam. Vợ chồng tôi bận bịu với đàn cháu nhỏ. Thằng con trai chị đi Bộ đội, xuất ngũ rồi lấy vợ. Bù lại cho mẹ, nó có cả một đàn bốn, năm đứa con. Hết trầm, vàng, lại đi mây, lá nón, phụ hồ. Kinh tế khá giả được một chút chị lại phải lo chăm đàn con cho nó. Rồi chị lâm bệnh ho rũ rượi. Nhiều người nói chị ho lao. Đứa con đấu thầu cánh đồng Ma Ca ở bên kia sông. Nó trồng dưa hấu nhưng nhiều năm mất trắng vì hạn không có nước. Đây là cánh đồng mà bà con xóm Nam sang khai hoang hồi chống Mỹ. Hòa bình họ trào về làng để đất bỏ hoang. Nó từng nói với tôi cái ý tưởng cải tạo lại cánh đồng này. Trên cao trồng chè và cây ăn quả, giữa cánh đồng trồng dưa hấu, sát hói Ngã Năm đào ao thả cá. Nó nói: “Em ước gì có thêm vài trăm triệu nữa thầy ạ. Em sẽ mua một cái máy cày làm đất chứ quanh năm phải cuốc vất vả lắm. Vừa rồi thế chấp Ngân hàng vay được một trăm triệu làm xong đường ống dẫn nước là hết tiền. Mà cũng chỉ mới đủ cho trâu bò uống. Muốn nước đủ tưới cả cánh đồng này phải ngăn khe ông Huy lại, đắp đập đầu nguồn để nước dâng cao. Cũng phải làm đường kéo điện vào nữa chứ ở đây không có ti vi, đèn đóm gì hết, buồn lắm”.

       Nghe tôi kể, đôi mắt anh Khang rơm rớm nước, thoáng thấy những giọt đắng, giọt cay, giọt buồn ươn ướt.

       “Thế có lần nào anh đi qua làng em nữa không”. Tôi buột miệng hỏi, mặc dù không biết có phải anh là người lính trẻ năm xưa không.

       “Không. Mười tám tuổi mình đi Bộ đội. Vào chiến trường miền Nam rồi sang chiến đấu bên Lào. Đánh đấm mấy trận, bị thương được chuyển ra ngoài Bắc. Hòa bình đi xuất khẩu lao động một lèo”. Anh nhìn tôi như người có lỗi.

       “Sao anh không lấy vợ”. Tôi tò mò hỏi. Anh dừng lại thở dài: “Mình không thể nào quên được chị ấy. Hơn nữa mình không thể có con. Cái trận đánh vào thị xã Pắk - Soòng đã cướp đi quyền làm bố của mình”.

       Vậy là anh cùng một sư đoàn 968 với tôi. Trận đánh vào thị xã Pắk - Soòng tôi làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội trinh sát của Đại đội 5, Tiểu đoàn 2. Chúng tôi đã đánh vào Chỉ huy sở Trung đoàn 401 và Tiểu đoàn 614 của Thái Lan. Chúng tôi truy kích bọn lính bỏ chạy tới đồi Chùa. Bọn này chạy vào thị xã thì gặp Đại đội 20, Trung đoàn 9 đón đánh. Qua ống nhòm tôi thấy bọn địch ở điểm cao 1316 cũng đã bỏ chạy vào thị xã. Tôi nói: “Anh cũng tham gia trận đánh ở thị xã Pắk – Soòng à? Vậy là anh em mình cùng ở Sư đoàn 968 rồi”. “Ừ! Mình ở Đại đội 20, Trung đoàn 9 - Cù Chính Lan. Bọn mình chặn đánh một Đại đội của Trung đoàn 401 Thái Lan đang chạy về thị xã. Có một Chiến sĩ đơn vị bạn đang đứng trên mỏm đá đưa ống nhòm lên quan sát thì một thằng lính Thái tì súng vào thân cây ngắm bắn. Nhanh như cắt mình lao tới đấm văng khẩu súng. Viên đạn bay vèo lên trời. Hai người quần nhau bằng dao găm. Lúc đó có một quả đạn M79 bắn tới. Thằng địch chết ngay tại trận, còn mình dính mảnh bị thương”. “Rứa là anh đã cứu em rồi. Trận đánh ngày mùng 8 tháng 2 năm 1973, em chỉ huy Tiểu đội trinh sát ở Tiểu đoàn 2. Thế ra chính anh là người lính bị thương bên xác thằng lính đánh thuê. Trận đó Sư đoàn ta đã giải phóng toàn bộ thị xã Pắk – Soòng, trên Cao nguyên Bô lô ven”.

* * *

       Nghe tin tôi từ Quảng Bình ra thăm, Tuynh có mặt ngay. Anh đang ở thành phố Thanh Hóa. Tuynh là Thương binh nặng có người phục vụ. Anh nói lần này muốn vào thăm các bạn K8 Quảng Bình. Nhất là Rạng, người đã cứu sống anh trên dòng sông Mã năm nào. Tôi bảo Rạng đi Công an đang nghỉ hưu trong thành phố Vũng Tàu. Bạn vào Quảng Bình, hội K8 chúng tôi sẽ đem đi thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phong Nha – Kẻ Bàng.

       Nói thế nhưng rồi vấp phải dịch cúm Covid -19 chưa đi được. Cuộc sống giãn cách, thời gian trôi chậm lại. Tôi theo Tuynh đi khắp các địa danh trên cánh đồng ôn lại kỷ niệm xưa, hồi tưởng những tháng năm sống trên quê hương Thanh Hóa anh hùng. Bà con nghe tin có người học sinh K8 ra, ai cũng gọi điện hỏi thăm tíu tít. Họ hỏi về những đứa con Quảng Bình đã từng ở nhà mình.

       Hết 14 ngày “cách ly xã hội”, anh Khang cho một chuyến xe công ty chở bác Mạnh, anh Lanh và Tuynh vào Quảng Bình. Anh nói chắc chắn đứa con của chị Sanh chính là con trai anh. Lần này anh sẽ vào đầu tư cho hai mẹ con chị làm cái Trang trại bên kia cầu. Nhưng tôi cứ thắc mắc mãi, hôm đó anh hành quân vào Cự Nẫm thì làm sao chị Sanh có con với anh được. Hơn nữa lúc đó chị đã là hai lăm, anh mới vừa tròn mười tám. Ờ, mà trên đời này có những cái tưởng chừng như không thể vẫn cứ xảy ra. Sự sắp đặt của đất trời. Chẳng hạn như hai làng chúng tôi cũng đều ở ngã ba sông. Cùng cứu nhau, cùng sang chiến trường Lào giúp bạn, mà lại ở một đơn vị nữa chứ. Tôi mang theo suy nghĩ ấy cho đến khi về tận nhà.

       Đến làng thì mới biết chị Sanh đã chết trước đó một ngày. Chị được đưa từ bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng về nhà hôm qua. Chị bị ung thư phổi. Anh Khang quỳ sụp trước linh sàng, đầu khăn tang trắng. Anh khóc “Chị ơi hôm nay em về muộn. Em không biết chúng mình đã có một đứa con. Năm mươi tư năm rồi chị nhỉ…”.

* * *

       Chị Sanh được đưa sang nghĩa trang Cồn Dưa. Nơi đó có cánh rừng thông quanh năm gió hát. Nơi có một con đường độc đạo Bộ đội đi xuyên qua cánh rừng rậm thời chiến tranh. Con đường cả nước hành quân vào Nam đánh Mỹ. Con đường qua bến đò làng tôi, qua rú Ba U, qua hòn Bung, hòn Léc, Đá Chậu, Truông Mòn rồi mới vào Binh trạm Cự Nẫm. Nơi đó mỗi khi một chuyến tàu đi qua cầu lại hú lên một hồi còi dài báo hiệu. Tiếng còi tàu reo vui niềm vui Thống nhất. Con tàu đi qua những làng quê, nối liền đất nước Việt Nam. Và những ngôi làng quê hương ta nơi nào cũng đẹp, đâu đâu cũng đẹp. Và đẹp nhất là mối tình, thủy chung son sắt quên cả khoảng cách tuổi tác của anh Khang với chị Sanh ở làng tôi.

-----------------------------------------------------

(*) Chiếc đò.

Hoàng Minh Đức

Trường THCS Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

Điện thoại: 0379872648.


tin tức liên quan