MÓN NỢ KHÔNG THỂ TRẢ
Nguyễn Kim Chúc
Cả đời theo nghiệp lính, đến khi nghỉ hưu tôi theo vợ con định cư ở Hà Nội. Nhưng tôi luôn nhận mình là dân nhà quê. Bởi trong tôi luôn nhớ và mong ngày về quê; Để thăm cái làng Dị Nậu bên hữu ngạn sông Hồng.
Làng tôi từ thuở xa xưa cho đến bây giờ đều là nơi đáng sống. Ở đó bọn tôi luôn được bình yên, đầy ắp tình yêu thương. Cứ ra khỏi ngõ là đụng tới những di tích lịch sử của làng, của nước mà chúng tôi được nghe kể từ thời bé tý. Đó là đền Quốc tế, điện Bắc, điện Nam, điện Đông, điện Tây, cây thị gần nghìn năm tuổi, cây đèn trăm ngọn trên chùa bà Đàm Nham … tất cả đều được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia với nhiều sắc phong vẫn được giữ gìn đến tận bây giờ.
Quê tôi non nước hữu tình có núi có sông, có đầm có phá với nhiều món ẩm thực độc đáo. Chả thế mà khi xưa ở cái trấn Hưng Hóa này nổi tiếng với: “Đinh tổng Hiền, Điền tổng Tứ lý sự tổng Văn, hay ăn tổng Dị”. Tổng Dị chính là Dị Nậu quê tôi. Nhiều cặp vợ chồng làm ăn lập nghiệp ở thành phố. Thấy làng quê có điện lưới quốc gia, có nước sạch lại dắt díu nhau trở lại làng Dị Nậu xây nhà tầng tổ chức làm ăn trở nên khá giả. Thời COVID - 19 hoành hành họ thi nhau về quê lập nghiệp. Ông trung tướng anh hùng LLVT bạn thời chăn trâu đánh trận giả với tôi, ông làm tới chức to nhất ở quân chủng PK - KQ có tư dinh bề thế ở Hà Nội, cũng trở về quê Dị Nậu. Thú thực tôi cũng muốn nhân dịp này về quê thôi. Nhưng tôi sợ, không dám về! Mỗi khi có việc phải về quê tôi rất hứng khởi nhưng cũng rất sợ. Sợ gặp những người trong một gia đình, có nếp nhà xinh xắn ngay đầu làng … Đó là món nợ mà tôi không thể trả được cho họ. Khi gặp họ tôi cười nói đấy, nhưng trong lòng héo hon, nhớ nhung không diễn tả nổi …
Ngôi nhà đó là nhà của cụ Tạ Quang Cương. Nhà tường đá ong ngói âm dương chắc chắn chịu được những cơn mưa ngoài đầm Dị Nậu thổi về. Ngôi nhà ấy không xa lạ gì với tôi. Từ khi anh cả tôi cưới người con gái duy nhất của cụ thì tôi lại có thêm một bạn mới. Đó là cậu em thứ hai của chị dâu tôi và là con út của cụ. Đó là Tạ Quang Đăng. Khi anh cả và chị dâu tôi có em bé, thì tôi và Đăng đều được gọi tên mới là cậu con và chú con. Chả là tôi là con trai út của bố mẹ tôi và cũng là em thứ hai của anh chị tôi. Tôi vẫn thường gọi Đăng là “cậu con”. Còn Đăng lại gọi tôi là “cậu Hoàng”.
Tình thông gia giữa nhà tôi và nhà Đăng thật hiếm có. Hai nhà đều tin tưởng hỗ trợ nhau hết mình. Cụ Cương góa vợ từ rất sớm. Cụ bà mất năm 1953 bởi viên đạn của lính Pháp càn vào làng bắn càn. Cụ Cương ở vậy nuôi các con. Chính vì vậy chị dâu tôi vừa là chị, vừa thay mẹ chăm sóc các em. Việc mua sắm nhất là quần áo mặc tết cho tôi có gì thì chị dâu tôi cũng mua cho Đăng như thế. Tôi và Đăng như tình anh em; tin cậy, tôn trọng và rất thâm tình… Còn cụ Cương, các anh của Đăng coi tôi như con em trong nhà. Cụ Cương có một trại lớn sát bờ đầm Dị Nậu. Cụ trồng nhiều thứ, mùa nào thứ nấy. Ở trại về bao giờ cụ cũng có quà cho tôi.
Lớn lên tôi đi trọ học cấp 2 rồi cấp 3 ở huyện khác, hè mới về. Những tháng hè ấy tôi và Đăng lại có dịp bên nhau ở trại cụ Cương hái lượm hoa quả, cứu vớt những con cò non sa tổ. Trại cụ Cương là nơi trú ngụ của lũ cò. Phân cò trắng xóa cây cỏ, mùi tanh khẳn của cá chết của cò lâu dần tôi mới quen. Sau này xa quê hương nếm trải khói bom, khét đạn lại nhớ tới trại cò của cụ Cương …
Tháng 8 năm 1964 Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc. Tôi nhập ngũ ngay những ngày tháng ấy. Xe chở chúng tôi qua Hà Nội ngược đường số 6 về quân khu Tây Bắc. Cứ tưởng chỉ một năm sau trở thành cựu binh sẽ được đi phép. Nào ngờ từ thời khắc này xa quê biền biệt. Bước chân của anh học trò “dài lưng tốn vải” lại trải dài theo năm tháng qua các miền đất lạ rồi quen. Tôi là lính pháo binh “chân đồng vai sắt”. Tiểu đoàn pháo 105ly của chúng tôi sử dụng súng pháo Mỹ chính hiệu. Các khẩu đội đều được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng tôi tự hào về điều đó. Song với chiến trường Lào lúc ấy không thể dùng xe kéo pháo sang được. Vì vậy chúng tôi bảo dưỡng xe pháo niêm cất, huấn luyện chuyển loại. Dùng hỏa tiễn 122ly bắn có nòng tham gia chiến dịch Nậm Bạc. Nậm Bạc được giải phóng hành quân về nước.
Chưa được nghỉ ngơi tôi lại được điều về tiểu đoàn pháo 85 nòng dài hành quân vào Nam tham gia Mậu Thân 1968. Không kịp hưởng các chế độ đi B nghỉ phép, thăm nhà, an dưỡng trước khi đi. Sau khi tham gia đợt hai Mậu Thân 1968 giải phóng Khâm Đức và bắn phá chi khu Đákpét, tiểu đoàn chúng tôi về tập kết trong khu rừng nguyên sinh thuộc Hiệp Đức - Quảng Nam.
Rất bất ngờ tôi ngặp Đăng vào chiều 5.9.1968. Chiều ấy tôi đưa anh em đi cõng gạo ngoài đầu mối B46 về hậu cứ nghỉ lại ở bờ bắc sông Nước Mỹ. Trời mưa lâm thâm tôi nằm trên võng nghe tiếng người phía trong đi ra, lên tiếng nhắc anh em để đồ đạc gọn gàng. Chợt có tiếng gọi:
- Cậu Hoàng. Có tiếng bước chân chạy vội về phía tôi. Tôi tung bọc võng ngồi dậy. Nhận ra Đăng, chúng tôi ôm lấy nhau, mừng mừng tủi tủi và bắt đầu những câu hỏi đáp không đầu không cuối đầy ắp nhớ thương. Đăng đã là chiến sỹ quân giải phóng trước tôi hai năm. Hóa ra tôi và Đăng đóng quân rất gần nhau. Đăng làm thống kê kho của Trung đoàn hậu cần quân khu ở phía tây dốc Cúm. Còn tôi là trợ lý tác chiến Tiểu đoàn pháo 17 đóng quân phía đông dốc Cúm. Khỏi phải nói hai chúng tôi mừng vui như thế nào khi gặp lại nhau. Gặp nhau được ít phút, Đăng phải đi cho kịp đoàn. Tôi khoác áo mưa tiễn Đăng đi ra. Lúc này chúng tôi mới hỏi nhau về quê nhà về những người thân trong gia đình. Thì ra Đăng cũng như tôi hai năm qua không nhận được thư nhà. Chúng tôi bịn rịn chia tay nhau hẹn ngày gặp lại. Đăng cùng anh em trong đơn vị cũng ra đầu mối B46 cõng hàng về hậu cứ như bọn tôi. Tạm biệt Đăng trong tôi đong đầy cảm xúc. Giữa rừng xanh núi đỏ mưa gió mịt mù chỉ nghe tiếng nói mà nhận ra nhau.
Đông dốc Cúm và tây dốc Cúm gọi như thế là gần. Nhưng thực ra vượt qua được dốc Cúm cũng mất cả ngày đường leo đèo vượt dốc. Do vậy tôi và Đăng chưa một lần gặp nhau ở nơi đóng quân. Công việc của người lính cuốn hút theo mệnh lệnh cấp trên; sẵn sàng có lệnh là đi.
Để chuẩn bị cho những trận đánh lớn, Tiểu đoàn chúng tôi được lệnh tham gia gùi hàng từ đầu mối B46 về kho nơi Đăng ở. Cung đường này được giao cho Tiểu đoàn nữ Thanh niên xung phong 232 đảm nhận. Song nhu cầu đạn súng cung cấp cho các chiến trường tăng cao. Địch lại bắn phá rất ác liệt đầu mối B46. Vì vậy bọn tôi phải đảm bảo tuyến đầu lấy hàng ở B46. Chúng tôi dùng sức trẻ nhanh chóng tiếp cận, nhanh tay, nhanh mắt người thì hòm đạn, người bó súng nhanh chóng rời khỏi nơi địch đánh phá; giao hàng cho chị em Tiểu đoàn 232.
Qua chị em Tiểu đoàn 232 tôi và Đăng vẫn liên hệ được với nhau. Chiến trường Quảng Ngãi cần đạn hỏa lực. Đơn vị chúng tôi lại được chuyển vào trong. Đoạn gùi hàng của chúng tôi đảm nhiệm là đoạn qua ngầm sông Tranh theo đường mòn về phía nam. Nghĩa là tôi đang ở đoạn gùi cách kho hàng của Đăng ba trạm. Rất muốn gặp Đăng mà không thể. Chị em tiểu đoàn 232 vẫn ở phía ngoài nên không có cách gì tin cho Đăng.
Sáng ngày 24.5.1969, tôi đang gùi hòm đạn B41 đi vào còn cách ngầm sông Tranh chừng một giờ đi bộ. Đột nhiên bầu trời vang rền tiếng máy bay cánh quạt bay thấp. Nhìn lên đã thấy chiếc C123 hai cánh đang phun ra những làn nước chết chóc. Tôi vội vàng tung tấm ni lon che lên người và hòm đạn, thì cũng là lúc những bụi nước từ máy bay rơi ràn rạt lên tấm ni lon. Tôi hiểu Mỹ đang rải chất độc hóa học hủy diệt khu rừng này… Không còn tiếng máy bay, không còn bụi nước rơi trên tấm ni lon. Tôi thận trọng ra khỏi ni lon. Có tiếng người phía trong đi ra. Họ tới gần tôi nhận ra họ là anh em mình đi cõng hàng từ vùng địch lên cứ. Họ lần lượt bước qua tôi. Có tiếng gọi:
- Cậu Hoàng.
Quá bất ngờ, tôi làm rớt tấm ni lon dính đầy chất hóa học khi nhận ra Đăng trước mặt tôi trên vai đang cõng thùng mắm. Tôi cúi xuống định nhặt tấm ni lon, Đăng vội bảo:
- Thôi bỏ đi anh, độc lắm đấy. Nói rồi Đăng mở bao gùi đưa cho tôi tấm ni lon mới mua:
- Anh dùng thứ này tiện hơn. Em mới mua dưới cửa khẩu. Tôi đứng sững người nhìn Đăng. Lần đầu tiên Đăng gọi tôi là anh xưng em. Thực sự Đăng ít tuổi hơn tôi gọi anh xưng em cũng đúng. Nhưng bao lâu rồi không gọi. Giờ Đăng gọi thế thực sự trong tôi đong đầy cảm xúc. Tôi có dịp ngắm kỹ Đăng. Vẫn dáng thư sinh, nước da mai mái của sốt rét rừng, môi vẫn đỏ không thâm xám. Ngày trước môi Đăng đỏ như môi con gái. Cằm vẫn hơi lẹm, được cái răng khểnh bên phải nên cũng ưa nhìn …
Đã đến lúc phải chia tay, Đăng bảo:
- Ước gì cả hai anh em mình cùng về Dị Nậu sau chiến tranh.
- Nhất định là thế mình cùng về quê mà. Tôi cướp lời Đăng.
- Thú thật nhiều lúc em rất nhớ nhà, nhớ quê, nhớ Lan. Bọn em định cuối năm làm đám cưới thì em nhập ngũ đi B luôn …
Tôi không bao giờ quên cái buổi sáng ấy gặp Đăng ở phía bắc ngầm sông Tranh. Tôi cũng không ngờ đó là lần cuối tôi gặp Đăng. Ở lần gặp này tôi thấy Đăng hơi khác nói những điều như gở. Đăng còn bảo:
- Cố gắng để về Dị Nậu anh. Anh có về trước em thì nói với Lan hộ em là em rất yêu cô ấy. Đợi em về sẽ cưới …
(Ảnh minh họa)
Xa Đăng tôi được điều động về chiến đấu ở mặt trận Chu Lai từ tháng 9 năm 1969. Giờ hai đứa ở hai nơi Đăng ở trên rừng, tôi ở dưới biển. Tôi nếm trải đủ sự ác liệt của chiến tranh. Quần nhau sinh tử với bọn Mỹ, bọn Đại Hàn. Trải qua bom B52 rải thảm, B57 tọa độ, pháo bầy, pháo chụp … Ngày, đêm nào không nghe tiếng pháo, tiếng bom rơi, đạn nổ lại cảm thấy bất an, đêm không ngủ ngon giấc. Rồi bọn tôi cho bọn Mỹ ở căn cứ không quân Chu Lai biết thế nào là sự trả giá của tội ác mà chúng gây ra cho nhân dân Việt Nam.
Hàng trăm quả đạn hỏa tiễn 122ly trùm lên căn cứ Mỹ. Hàng trăm máy bay, hàng trăm giặc lái Mỹ bị loại khỏi cuộc chiến… Hoàn thành nhiệm vụ tháng 7 năm 1970 chúng tôi lại trở về Hiệp Đức hậu cứ của chúng tôi.
Trong những ngày quần nhau với giặc ở căn cứ không quân Chu Lai, tôi luôn nhớ tới Đăng. Khi đặt chân tới vùng giáp danh lính hậu cứ quen gọi là cửa khẩu. Tôi thầm nghĩ Đăng đã đặt chân tới đây. Khi quần nhau với bọn Mỹ lết thu được những vật dụng dùng cá nhân tôi cũng xí phần cho Đăng. Tôi vẫn dành cho Đăng con dao con nhiều lưỡi, chiếc bấm móng tay xinh xinh, chiếc mở đồ hộp có hình mỏ neo nhọn sắc, vải dù … Hẹn khi gặp Đăng trao tặng.
Bọn tôi phải mất bảy ngày để vòng qua trận càn tháng 7 để về cứ. Hôm về tới trạm bắc sông Tranh tôi được lệnh tách đoàn, một mình tôi trở ra khu đầu mối B46. Tôi quyết định rẽ vào thăm Đăng trong khu vực tổng kho. Xuất trình giấy tờ cần thiết xong tôi được người nhà kho tiếp. Tôi trình bày là người nhà Đăng làm thống kê kho ở đây. Tôi chết lặng, trời đất như sụp đổ khi hay tin Đăng mới hy sinh ba ngày trước trong khi thi hành nhiệm vụ. Đợi tôi trấn tĩnh lại đồng chí phụ trách phân kho cho biết:
- Ba ngày trước, Đăng cùng tổ kỹ thuật được giao kiểm đếm sắp xếp lại kho đạn hỏa tiễn. Sơ ý đạn nổ, anh em có mặt tại đó hy sinh cả không tìm thấy phần thi thể nào …
Ở chiến trường tôi cũng đã từng chứng kiến đồng đội hy sinh. Cũng nhiều lần rơi nước mắt nhớ thương đồng đội. Giờ nghe tin Đăng mất trong vụ nổ kho đạn hỏa tiễn. Tôi hiểu sự thể ra sao rồi. Theo lý thuyết trung tâm điểm nổ nhiệt độ lên đến 2.700 0 C. “Đạn nổ phát giết hại” này sẽ tung ra hàng trăm, hàng ngàn mảnh nhỏ. Khốc liệt đến thế là cùng. Tôi không thể đi được nữa. Đành xin nghỉ lại qua đêm nơi đây. Đêm nằm trên võng lắng nghe hơi thở của rừng càng nhớ Đăng. Phải chi đêm nay được mắc võng bên Đăng trò chuyện quê nhà. Hình ảnh Đăng hôm gặp ở bắc ngầm sông Tranh hiện lên rõ mồn một: sốc thùng nước mắm lên vai, Đăng quay lại nắm chặt tay tôi căn dặn: “Anh nhớ đừng để sốt rét. Cố gắng để về Dị Nậu sau chiến tranh. Em đã gửi mấy lá thư về nhà, gửi người tin cậy ra Bắc báo tin anh em mình gặp nhau. Em đi nghe anh” …
Từ anh lính quân giải phóng tôi lại được điều về làm lính Trường Sơn. Một lần nữa lại trở về đất Lào xa lạ, rồi ở Lào miết đến hết chiến tranh. Hiệp định Pari được ký kết. Tôi về thăm quê sau mười năm xa cách. Cảnh vật làng quê Dị Nậu hầu như không thay đổi. Cây đa, bến nước, sân đình vẫn thế. Ngay bến đò vào làng mấy hố bom toang hoác. Thì ra quê tôi cũng bị bom Mỹ tàn phá. Tôi về nhà tối hôm trước, ngay hôm sau cụ Cương đã chống gậy tới nhà. Cụ đã già, chân chậm, tai điếc nặng. Câu đầu tiên cụ hỏi tôi:
- Chú về sao không thấy Đăng về.
Tôi không biết trả lời cụ sao cho phải. Đành rót nước mời cụ… Tôi trả phép đúng hẹn và chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Chiều 30.4.1975 chúng tôi đã tới dinh Độc Lập. Tháng 9 năm 1975 tôi đi phép. Sáng 2/9/1975 tôi đã ở quê nhà. Mọi người quây quần bên chiếc đài bán dẫn nghe tường thuật lễ duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình thì cụ Cương chống gậy tới nhà. Cụ hỏi:
- Chú về khi nào.
- Con mới về tối qua, xe đưa về khi tối. Tôi tiếp lời cụ.
- Chú về sao không thấy Đăng về… Cụ hỏi như năm trước. Mặc dù
cụ đã biết, Chính quyền xã đã gửi giấy báo tử, làm lễ truy điệu cho Đăng. Thì ra những năm trước gia đình nhận được thư Đăng báo tin chúng tôi đã gặp nhau ở chiến trường và hẹn ngày chiến thắng chúng tôi sẽ cùng về thăm nhà. Chính vì vậy mà mọi người đều chờ đến ngày chiến thắng tôi và Đăng sẽ cùng nhau trở về…
Cứ như thế, mỗi khi tôi về quê lại được hỏi cùng một câu “Sao Đăng chưa về”. Tôi lại càng thương nhớ Đăng. Chị dâu tôi biết tin Đăng hy sinh khóc đến không còn nước mắt. Song tuyệt nhiên chưa thấy chị khóc trước tôi khi nói về Đăng. Hình như mọi tình cảm dành cho Đăng giờ chị dồn cho tôi. Chị mong tôi chân cứng đá mềm để theo hết nghiệp lính. Chị không muốn tôi buồn. Tôi rất biết ơn chị. Cụ Cương, sau này là bác Khánh anh cả Đăng lại khác.
Tôi đã chứng kiến những giọt nước mắt của họ. Nước mắt của những người đàn ông - nghẹn đắng tận đáy lòng. Bác Khánh còn hi vọng tôi ở Hà Nội - gần Trung ương sẽ hỏi được nơi Đăng trú ngụ. Và chính tôi chứ không phải ai khác dẫn bác đi. Cụ Cương giờ đã về với tiên tổ. Bác Khánh giờ cũng vào tuổi 90. Lần nào về quê tôi cũng tới thăm bác. Coi đó là việc không thể chối từ và tôi lại được nghe câu hỏi của bác: “Chú đã hỏi được chưa để dẫn tôi đi”. Đó là món nợ mà tôi không thể trả.
Tháng 7 năm nay, nếu không còn dịch dã cản trở tôi sẽ lại về thăm bác Khánh, thắp cho Đăng nén hương nơi bàn thờ Đăng trong ngôi nhà cổ. Để lại được nghe bác đòi nợ, nhưng tôi sẽ ấm lòng hơn là được cầu nguyện cho Đăng và đồng đội của chúng tôi ở trên cao phù hộ cho dân ta ấm no hạnh phúc - Quốc thái dân an./.
Nguyễn Kim Chúc
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Trường Sơn.
(Quê quán: Dị Nậu, Tam Nông, Phú Thọ. Trú quán: 25/268 đường Ngọc Thụy,
TDP 22, P.Ngọc Thụy, Q. Long Biên,Hà Nội).
ĐT: 081.798.9008