KÝ ỨC XUÂN QUÝ SỬU 1973
Truyện ký: Lê Trung Khiên
Ngày 27/01/1973 đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi với Hiệp định Pa Ri về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt nam. Đã 50 năm đi qua, không thể nào quên thời khắc lịch sử trọng đại trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Cuộc tập kích của không quân Mỹ ( mật danh Linebacker II) bằng máy bay B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận thất bại; quân dân Hà Nội đã viết nên bản anh hùng ca bất hủ bằng trận “ Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm; buộc Đế quốc Mỹ phải quay lại bàn đàm phán tại Pa ri và ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra.
Vào đầu tháng 1 năm 1973, trên tuyến đường 20 Quyết thắng số lượng xe hàng ngày càng lớn, ngoài ba tiểu đoàn xe của Binh trạm 14, còn xe của Binh trạm 12 giao hàng chạy thẳng vượt cung đường. Thời gian này lực lượng vận tải Binh trạm 14 giao hàng cả hai hướng, phía tây Binh trạm 32 và hướng đông Binh trạm 16. Trên tuyến giao liên các đơn vị hành quân vượt Trường Sơn tăng gấp nhiều lần. Không khí những ngày giáp tết khẩn trương sôi động hơn.
Từ ngày 15/1/1973 Ních Xơn tuyên bố chấm dứt toàn bộ ném bom, bắn phá miền Bắc. Đường 20 từ km 68 trở ra ( biên giới Việt Lào) không còn tiếng gầm rú của máy bay. Nhưng bên kia biên giới, nhất là khu vực trọng điểm A-T-P bom đạn vẫn trút xuống suốt ngày đêm. Binh trạm bộ chuyển về địa điểm mới gần Cửa rừng trên khu đất bằng phẳng để thuận lợi chỉ huy vận chuyển về hướng đông. Trong những chuyến giao hàng vào Binh trạm 16 ở đường 10, tôi đã chứng kiến trên quốc lộ 1 và quốc lộ 15 từng đoàn xe xanh lá ngụy trang nối đuôi nhau hàng chục cây số vào Quảng Trị; trong đó có cả tên lửa, xe tăng, pháo cỡ lớn nối đuôi nhau, bộ đội hành quân bằng xe cơ giới… nhiều nơi nhân dân đứng bên đường tay cầm cờ vẫy chào dưới trời mưa rét của những ngày cận tết. Đã tám năm trong bom đạn trên Trường Sơn, được chứng kiến cảnh tượng này, tôi mới cảm nhận hết giá trị của giờ phút hòa bình trên mảnh đất Quảng Bình, Vĩnh Linh không còn khói lửa chiến tranh.
Ngày 23 tháng 01 năm 1973 Đài tiếng nói Việt Nam thông báo Hiệp định Pa Ri đã được các bên ký tắt. Trong đầu tôi suy nghĩ mông lung “ hòa bình đã đến thật rồi sao! liệu Mỹ có tráo trở như tháng 12 năm 1972 không? ”. Những ngày này công việc cuốn hút suốt ngày đêm, lúc trên đường vào Vĩnh Linh giao hàng, lúc trực tại Ban Tham mưu Vận chuyển, cùng với không khí tết Qúy Sửu đã cận kề.
Ngày 27 tháng 01 năm 1973 ( 24 tháng 12 Nhâm Tý) Hiệp định Pa Ri được ký kết chính thức, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, quân đội Mỹ phải rút về nước, Đế quốc Mỹ công nhận độc lập chủ quyền nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngay sau khi Hiệp định Pa Ri ký kết, Binh trạm 14 cũng nhận được lệnh từ Bộ tư lệnh 559: “ Bộ đội không hành quân theo đường 20, chuyển sang hướng đông. Tin hiệp định Pa ri ký kết, làm nức lòng mọi người, chúng tôi cùng chia sẻ niềm vui về thắng lợi của cuộc đấu trí, đọ tài và bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong đấu tranh ngoại giao kéo dài hơn 4 năm.
Theo Hiệp định Pa Ri, 8 giờ sáng ngày 28 tháng 01 ngừng bắn trên toàn lãnh thổ miền Nam, các bên“ đang đóng ở đâu, ở nguyên vị trí đó”; song quân Ngụy Sài Gòn lợi dụng lúc giao thời, mở các chiến dịch lấn chiếm hòng giành thêm dân, đất đai. Tại Quảng Trị chiến dịch lấn chiếm cảng Cửa Việt của quân Ngụy diễn ra hết sức ác liệt. Địch đã huy động hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, máy bay B52 và pháo hạm Mỹ ngoài biển bắn hỗ trợ hòng đẩy lùi quân giải phóng khỏi Cửa Việt. Chiến dịch chống lấn chiếm kéo dài từ ngày 25 đến 31/01/1973 ( tức 22 đến 28 tháng chạp Nhâm Tý). Quân Ngụy bị thất bại hoàn toàn, trận Cửa Việt được ví như “ vòng cung Kursk ” trong chiến tranh Việt Nam, trận đấu xe tăng lớn nhất của quân giải phóng. Trong chiến dịch này lực lượng vận tải Binh trạm 14 góp phần đưa vũ khí, đạn dược vào mặt trận.
Xuân Qúy Sửu năm 1973 là xuân đầu tiên được hưởng không khí hòa bình trên đất Quảng Bình sau 8 năm bom đạn. Từ sáng 30 tết cơ quan Binh trạm bộ đã trang trí cờ hoa; mỗi người một việc, trên nét mặt ai cũng phấn khởi, rạng rỡ. Trưa 30 tết, toàn cơ quan Binh trạm bộ ăn tết tập trung; mâm cỗ tết có bánh chưng, dò nạc, dò mỡ, nem nướng, rượi cam, rựu chanh …Binh trạm trưởng và Chính ủy đến từng mâm chúc rượu cán bộ, chiến sỹ. Chiều tối các dẫy nhà đã bật điện máy nổ sáng trưng, mỗi bộ phận phân công trực ban 24/ 24 giờ để điều độ xe hàng, đảm bảo cầu đường hạn chế ùn tắc, nhất là khu vực cấu phao Xuân Sơn.
Thời khắc giao thừa đã đến, trong căn nhà trực ban của các bộ phận sôi động hẳn lên. Trên chiếc bàn chính giữa nhà, mấy chị em hành chính đã chuẩn bị đầy đủ bánh, mứt, kẹo, rượi….mọi người tụ tập đông đủ chờ đợi từng giây trôi qua. Tiếng chuông đã điểm trên Đài tiếng nói Việt Nam, tiếng pháo nổ ròn, tiếng nhạc Quốc ca vang lên hùng tráng; mọi người chăm chú lắng nghe chúc tết của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và nghe Đài tiếng nói Việt Nam đọc lại bài thơ chúc tết năm 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Binh trạm trưởng Hoàng Trá với giọng Quảng Bình ấm áp chúc mọi người. Ngoài trời ngay từ lúc chuẩn bị đón giao thừa, tiếng súng bắn mừng xuân đã nổ lác đác. Mấy trận địa pháo cao xạ bảo vệ phà Xuân Sơn và khu vực cửa rừng cũng nổ súng rạch đỏ màn đêm. Tôi thầm nghĩ “ đây là tiếng súng thay tiếng pháo đón giao thừa, cũng là chào mừng hết chiến tranh ở miền Bắc”. Buổi đón giao thừa nhanh chóng kết thúc, chúng tôi quay về phòng trực ban; bên máy điện thoại, tôi và vài anh chị thống kê gọi điện về các kho hàng, đơn vị xe lấy báo cáo khối lượng hàng hóa nhập, xuất và số lượng đầu xe vào ra để báo cáo về Cục Vân chuyển Bộ tư lệnh 559.
Sáng mùng 1 tết hội nghị giao ban kéo dài hơn thường lệ. Sau thủ tục chúc tết của lãnh đạo Binh trạm và báo cáo của các bộ phận, Binh trạm trưởng Hoàng Trá thông báo nhiệm vụ sau tết và một số tình hình, ông nhấn mạnh nhiệm vụ của Binh trạm 14 có thể sẽ thay đổi để đáp ứng yêu cầu mới của chiến trường sau Hiệp định Pa Ri. Những ngày tết mọi hoạt động trên tuyến vận tải của Binh trạm khẩn trương hơn, nhưng chủ yếu tập trung đưa hàng vào hướng đông. các kho trên đường 20 không nhập thêm hàng. Cuối mùa khô, tôi cùng một một số Trợ lý hàng hóa được giao nhiệm vụ gom hàng trên đường 20 và đường 15 để chuyển vào tuyến trong.
Sau mùa khô năm 1973, Binh trạm 14 chuyển thành trung đoàn công binh 14 xây dựng đường chiến lược cho đến năm 1975 giải phóng miền Nam. Với tôi, 8 lần đón xuân ở Trường Sơn, nhưng xuân Qúy Sửu 1973 là mùa xuân có những kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời người lính./.
Lê Trung Khiên
Hội viên Hội VHNTTS
CTV Báo điện tử và bản tin TS tại Thanh Hóa