BINH TRẠM TRƯỞNG BT14
Ký của Lê Trung Khiên
Đường 20 Quyết Thắng đã đi vào lịch sử bằng những chiến công chói lọi, với những con người đã bám trụ hơn 2.500 ngày đêm dưới bom đạn giặc Mỹ và mưa nắng Trường Sơn. Để viết nên bản trường ca bất diệt đó, là sự hợp đồng tác chiến của các lực lượng trên toàn tuyến dưới sự chỉ huy thống nhất của Binh trạm 14. Trong đó Binh trạm trưởng Hoàng Trá là một chỉ huy tài ba, đức độ.
Đường 20 Quyết Thắng dài 123 km từ làng Phong Nha, huyện Bố Trạch, đến ngả ba Lùm Bùm đường 128 A nước bạn Lào. Câu chuyện mở đường 20 là một huyền thoại: Ngày 21/01/1966 tức 01 tết Bính Ngọ tiếng bộc phá nổ rung chuyển núi rừng mở màn chiến dịch, với sự tham gia của gần 8.000 bộ đội, TNXP dưới khẩu hiệu “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”. Chỉ 3 tháng sau, ngày 27/4/1966 đã hình thành tuyến vận tải chiến lược Tây Trường Sơn. Trên tuyến đường này, Đế quốc Mỹ đã sử dụng những loại vũ khí hiện đại, tối tân nhất hòng ngăn chặn sự tri viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Những trọng điểm máy bay đánh phá tạo thành những “ tọa độ lửa”, “ xa mạc lửa”… như Trạ Ang, Khe Dim, Khe Tum, CUA 32, Km 41, ngầm Cà Roòng, A Ky, dốc 68, cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, Chà Là, Tam Đảo v.v…Đó là chưa nói đến cái nắng nóng mùa hè, mưa rừng, muỗi, vắt… đều là kẽ thù, là cội nguồn của những trận sốt rét đã tước đi bao sinh mạng các chiến sỹ. Tháng 3 năm 1973, sau Hiệp định Pa Ri, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm tuyến đường cùng với tư lệnh trưởng Đồng Sỹ Nguyên, đứng trên đỉnh đèo Phu La Nhích ông nói: “ Đường 20 Quyết Thắng đã trở thành một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí độc lập, tự do làm nên”.
Hơn 40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; ngày 30 tháng 4 năm 2016 những người lính của Binh trạm 14 gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày thành lập binh trạm tại hội trường Quân khu Thủ đô Hà Nội; những người đồng đội cũ từ khắp miền đất nước gặp nhau tay bắt, mặt mừng, ai cũng muốn ôn lại những kỷ niệm niệm khắc sâu sau gần nữa thế kỷ cách xa. Tôi đang chuyện trò cùng một số bạn bè binh trạm bộ thì anh Nguyễn Thành Long trưởng ban liên lạc đến vỗ vai: “ Thủ trưởng hỏi anh có đến không”
- Ông đang ở đâu?
- Trong hội trường cùng phu nhân
Tôi và số anh chị em đến gặp ông, tuy đã độ tuổi 90 nhưng trông ông vẫn phong độ trong bộ quân phục sáng màu, mang quân hàm đại tá.
- Thủ trưởng nhận ra ai không? anh Long nói với ông.
- Sau một thoáng, ánh mắt ông sáng lên, nhìn lướt qua một lượt, vẫn chất giọng Quảng Ninh, Quảng Bình trầm ấm: - Khiên phải không? ông quay sang hỏi anh Long số anh em binh trạm bộ đến dự bao nhiêu?
- Báo cáo thủ trưởng nhiều người từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cũng có mặt. Ông vui vẻ bắt tay từng người, hỏi thăm sức khỏe, gia đình và không quên nhắc nhở cố gằng phát huy truyền thống Trường Sơn, truyền thống Binh trạm 14 anh hùng, thường xuyên trao đổi liên lạc, giúp đỡ nhau…
Gần 9 năm công tác trên đường 20, trong đó 8 năm ở binh trạm bộ, tôi là người gần gũi thường xuyên bởi là thống kê tổng hợp nên toàn bộ khối lượng hàng hóa đi, đến Binh trạm 14 tôi nắm để báo cáo mỗi buổi sáng giao ban và báo cáo về Cục Tham mưu Vận chuyển BTL 559. Những năm tháng ở Trường Sơn, tôi nhớ như in hình ảnh ông xông pha trên các trọng điểm. Với tôi và cán bộ chiến sỹ Binh trạm bộ 14, ông là vị chỉ huy tài ba, mưu trí, sáng tạo, bình tĩnh và quyết đoán.
Vào buổi chiều một ngày mùa khô năm 1967, tại chỉ huy sở tiền phương đóng ở phân kho C ( km 68 giáp biên giới Việt Lào), trực ban cầu đường báo cáo có nhiều bom nổ chậm tại cua chữ A, trong đó một quả nằm giữa tim đường. Theo báo cáo của đơn vị thanh niên xung phong, tiểu đội phó Nguyễn Thị Vân Liệu đề xuất phương án phá bom: “ đào hố sâu bên cạnh đặt khối bộc phá phía dưới quả bom, kích nổ để nâng bom nổ trên mặt đất…”. Sau khi nghe, ông trao đổi nhanh với tham mưu phó và trợ lý Cầu đường. Nhìn nét mặt trầm tư, tôi biết ông đang phải lựa chọn giữa hai lằn gianh giới: Nếu không phá quả bom sẽ ảnh hưởng hàng trăm xe qua trọng điểm; nếu phá bom có an toàn chiến sỹ và ông quyết định cho thực thi phương án như đề xuất. Trong căn hầm trực ban nữa nổi nữa chìm từng phút trôi qua chờ đợi. Trên bầu trời, máy bay C130 lượn vòng thả pháo sáng, vãi đạn 40 ly khu vực từ dốc 68 đến trọng điểm A-T-P không ngớt. Hơn một giờ trôi qua, không gian căn hầm yên lặng, tiếng bước chân binh trạm trưởng đi lại nghe rõ… Bổng chuông điện thoại đổ hồi dài; từ cua chữ A báo cáo đã “ giải quyết xong bom nổ chậm, không gây tắc đường” và nhiều quả bom nổ chậm khác đã được ủi xuống vực sâu. Cả căn hầm trực ban như trút được gánh nặng. Binh trạm trưởng lệnh trực ban điều độ thông báo các đơn vị xe của Tiểu đoàn 781 đang tập kết tại các điểm xuất phát. Đêm hôm đó gần 100 chuyến xe vượt A-T-P. Buổi giao ban sáng hôm sau, Chính ủy binh trạm yêu cầu Ban Chính trị và Cầu đường phối hợp tuyên truyền tấm gương dũng cảm, quên mình của Nguyễn Thị Vân Liệu và phổ biến kinh nghiệm phá bom trên toàn tuyến. Liệu được Bác Hồ gửi tặng huy hiệu của Người và tặng thưởng huân chương chiến công hạng ba. Sau này Liệu còn phá nhiều bom nổ chậm và hy sinh anh dũng. Bẵng đi thời gian dài, năm 2011, Tôi nhận tin từ một người bạn; Liệu được truy tặng danh hiệu anh hùng LLVTND tại quê nhà Kim Bảng, Hà Nam.
Tại Trạ Ang ( km 12- 16), nơi đây một bên là vách núi cao dựng đứng, một bên là vực sâu , giòng suối Trạ Ang trong xanh, quanh co, uốn khúc chảy men theo con đường độc đạo. Để ngăn chặn, Máy bay Mỹ đã mở cuộc tập kích kéo dài từ 01/7 đến 30/9/1968 đánh phá suốt ngày đêm. Trong gần 3 tháng, Mỹ đã đánh trên 710 trận, ném 17.200 quả bom phá và nhiều loại bom mìn khác như bom nổ chậm, bom bi giây, mìn vướng và rải thảm B52. Để đảm bảo chỉ huy trực tiếp, kịp thời, ông quyết định lập sở chỉ huy tại kho NH, bên cạnh trọng điểm. Nhiều lần ông cùng trợ lý cầu đường đích thân thị sát , tìm giải pháp thông đường và động viên, biểu dương cán bộ, chiến sỹ. Gần 90 ngày đêm mưa bom, bão đạn, các chiến sỹ công binh Tiểu đoàn 335 do Bộ tư lệnh 559 tăng cường và Đội TNXP 23 đã thể hiện ý chí kiên cường, lòng dũng cảm với tinh thần “ Một tấc không đi, một ly không rời”. Có thời gian tắc đường hàng tuần, phía trong thiếu xăng , xe phải ngừng chạy. Để giải quyết tình huống trên, một phương án táo bạo nhưng cũng đầy nguy hiểm được đề ra. Phải sử dụng sức người vần từng phuy xăng xuống suối Trạ Ang kéo ngược dòng. Mỗi ngày hơn trăm chiến sỹ, ngâm mình trong nước, dưới làn bom đạn địch, gần như ngày nào cũng có người hy sinh, bị thương, nước suối Trạ Ang xanh trong đã trở nên đục ngầu hòa lẫn máu các chiến sỹ. Mỗi buổi sáng giao ban, binh trạm trưởng không kìm nổi sự xúc động trước cái giá phải trả để giữ mạch máu giao thông không ngừng chảy. Trong một tuần chuyển 30 phuy xăng đã có 29 người ngã xuống. Có lần Đại tá Nguyễn Lang phó tư lệnh 559 về kiểm tra, chứng kiến khung cảnh bi hùng nơi đây, ông xúc động biểu dương ý chí quyết thằng của cán bộ chiến sỹ tại Trạ Ang.
Tranh minh họa
Bến phà Xuân Sơn được xem là “ túi bom” của vùng “ chảo lửa” yết hầu trên đường 15 nối vào đường 20. Nơi đây gần như không giờ phút nào vắng tiếng nổ ghê rợn của bom đạn. Vào một ngày tháng 6 năm 1967 theo báo cáo từ đội cầu phà 16, máy bay Mỹ thả xuống khu vực bến phà khoảng 100 quả bom từ trường. Các đoàn xe của Binh trạm 12 phải nằm chờ tại làng Troóc. Để thông phà, Đại đội trưởng 16 công binh đề xuất phương án của tiểu đội trưởng lái ca nô Võ Thành Chơn dùng ca nô lướt sóng băng qua bãi bom, tạo sóng xung kích để kích hoạt bom nổ. Từ chỉ huy sở, binh trạm trưởng chỉ thị Trưởng Ban Cầu đường đến bến phà trưc tiếp chỉ huy việc rà phá bom. Một cuộc họp chi bộ cấp bách và hạ sỹ Võ Thành Chơn được chấp nhận lái ca nô phá bom. Cũng như bao lần trước, lễ truy điệu sống được tổ chức ngay bên bến phà. Mọi người ngậm ngùi mắt rưng lệ, đại đội trưởng Nguyễn Văn Hòe cũng không cầm được nước mắt… Nguyễn Thành Chơn bước lên ca nô , còn ngoảnh lại mỉm cười dơ tay chào mọi người. Chiếc ca nô lao vun vút với tốc độ cao nhất; không khí yên lặng bao trùm từng giây, từng phút…Bổng những tiếng nổ lớn vang lên, mọi người nhìn rõ những cột nước tung cao; cả không gian vỡ tung bởi tiếng reo hò của đồng đội: Nổ rồi! nổ rồi… chiếc ca nô vẫn tiếp tục lao lên phía trước, lượn vòng kèm theo những tiếng nổ, những cột nước đục ngầu, trắng xóa trùm xuống ca nô. Giòng sông Son hàng ngày nước xanh trong mà giờ đây vẫn đục, tiếng sóng vỗ vào bờ, hất tung khi gặp mũi đá nhô ra. Bóng dáng Võ Thành Chơn lúc ẩn, lúc hiện trong chiếc áo phao, đầu đội mũ sắt cùng chiếc ca nô trong ánh hoàng hôn. Sau nhiều vòng rà đi sát lại, không còn tiếng bom nổ, chiếc ca nô dừng lại bên bờ Nam phà B Xuân Sơn, mọi người ùa xuống ôm chặt người chiến sỹ dũng cảm còn ướt sũng nước. Đêm hôm đó gần 300 lượt xe vào ra vượt phà. Sáng mai giao ban, binh trạm trưởng và chính ủy quyết định phong quân hàm vượt cấp cho Nguyễn Thành Chơn lên Thượng sỹ và được cấp trên thưởng chiếc đồng hồ Pônzôt. Sau này về hưu tại quê nhà xã Hải Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình, ông mang quân hàm trung tá và người ta vẫn quen gọi ông là “con cá kình trên bến phà Xuân Sơn”.
Một buổi chiều đầu tháng 3 năm 1971, khi chiến dịch Đường 9- Nam Lào đang bước vào giai đoạn cuối, ông gọi điện yêu cầu tôi và trưởng Ban Hàng hóa Trần Đăng Khoa báo cáo số lượng tồn kho đạn ĐKB theo lệnh của 559; sau khi kiểm tra nắm chắc từng loại, ông chỉ thị Tham mưu trưởng Trần Thiết, trực ban điều độ Nguyễn Văn Mạch cho hạ những xe hàng đã xếp để vận chuyển đạn vào mặt trận. Ngay đêm hôm đó đoàn xe của tiểu đoàn 781 và 52 vận chuyển trên 70 tấn đạn vượt trọng điểm A-T-P chạy thẳng giao hàng cho mặt trận, phục vụ kịp thời chiến dịch Đường chín- Nam Lào.
Tháng 4 năm 1972, Đế quốc Mỹ trở lại đánh phá đường 20 ác liệt hơn. Trọng điểm Trạ Ang một lần nữa phải đối đầu với bom đạn suốt ngày đêm. Ngoài những thủ đoạn đánh phá thông thường, chúng sử dụng tên lửa, bom la ze ném vào vách núi, mỗi ngày hàng nghìn tấn đá lấp kín mặt đường. Thời kỳ này chỉ huy sở chính của binh trạm đặt trong hang tại km 14. Sáng ngày 14 tháng 11 năm 1972, địch đánh tắc đường từ km 16 +200, một hang đá bên đường bị bom đánh sập, trong đó có nhiều TNXP và lính cao xạ mắc kẹt. Từ sở chỉ huy, binh trạm trưởng Hoàng Trá cùng trợ lý cầu đường trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, cùng Ban 67 và Đội 25 TNXP giải quyết thông đường và thương binh liệt sỹ. Nhiều phương án cứu nạn được đưa ra tại hiện trường, song tất cả đều vô vọng. Bởi tảng đá đè lấp cửa hang nặng hàng nghìn tấn. Qua ngày thứ bảy, mọi người ngậm ngùi đưa tiễn 8 TNXP quê Hoàng Hóa, Thanh Hóa và 5 chiến sỹ pháo cao xạ với tấm bia ghi mộ liệt sỹ tập thể. Là người chỉ huy đã từng chứng kiến nhiều lần sự hy sinh của cán bộ, chiến sỹ, song lần này ông thấy lòng mình nặng trĩu, xót thương bởi biết người trong hang còn sống mà không cách nào cứu được. Suốt một tuần, sáng nào giao ban, ông cũng nghe báo cáo cặn kẽ với nét mặt đượm buồn và khóe mắt ngấn lệ. 37 năm sau, ngày 15/5/2009 Chủ tịch nước đã ký quyết định tuyên dương danh hiệu anh hùng LLVTND tập thể cho 13 liệt sỹ. “Hang tám cô” một sự kiện bi hùng trong kháng chiến chống Mỹ, sau này được công nhận di tích lịch sử quốc gia và là “địa chỉ đỏ” trên đường 20 Quyết Thắng.
Còn biết bao nhiêu câu chuyện đã in đậm trong ký ức tôi về hình ảnh Binh trạm trưởng Hoàng Trá trong những năm tháng chiến tranh ác liệt trên tuyến đường 20 Quyết Thắng. Cuối buổi gặp mặt, ông cùng mấy anh chị em binh trạm bộ ngồi quây quần bên mâm cơm; lúc này tôi mới có dịp nói với ông về chuyện gia đình, học hành, công tác. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông được điều về làm sư trưởng xây dựng tại Xuân mai, Hòa Bình; khi về hưu, gia đình ở tại phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Hơn 40 năm gặp lại ông và đồng đội, những kỷ niệm về Trường Sơn cứ ùa về trong ký ức của một thời tuổi thanh xuân đạn bom ác liệt nhưng hào hùng xen lẫn niềm tự hào của người lính Trường Sơn .
Vào cuối năm Tân Sửu 2021, tôi được tin từ con gái ông thông báo: “ Ba em đã ra đi, hưởng thọ 95 tuổi”. Vậy là những cựu chiến sỹ Trường Sơn, Binh trạm 14 đã mất đi một người chỉ huy, một thủ trưởng tài ba, mẫu mực được moi người hết lòng kính trọng, cảm phục./.
Th sỹ: Lê Trung Khiên
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
ĐT: 0912 384 909