"Sự kiện Gạc Ma" - Ký ức chiến trường của Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 10:14 19/02/2023 Lượt xem: 183
BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO TRƯỜNG SA
 
SỰ KIỆN GẠC MA
 
       Cuối năm 1997, Trung Quốc đã cho lực lượng hải quân chiếm đóng trái phép 4 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, Bộ Quốc phòng đã chỉ thị cho Quân chủng Hải quân phải tranh thủ đóng giữ thêm các bãi cạn chưa có người thuộc chủ quyền của ta.
       Ngày 4 tháng 3 năm 1988, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng hop bàn thực hiện chỉ thị của trên: “Phải đóng giữ thêm mô số bãi đá ngầm chưa có đối phương”. Qua nghiên cứu thấy một số bãi cạn đá san hô ở khu vực cụm đảo Sinh Tồn và Nam Yết, khả năng đối phương có thể tiếp tục xâm chiếm như: Đá Thị, Ét - Mân, Ba Đầu, Đá Rốt, Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Én Đất..và một số bãi ở đông kinh tuyến 115 như Vành Khăn, Suối Ngọc, Suối Ngà, Cỏ Mây...
       Xét khả năng hiện tại ta chưa đủ sức đóng giữ hết tất cả các bãi cạn đá san hô được. Thấy vị trí các bãi cạn Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, nếu đối phương chiếm giữ sẽ khống chế hành lang đi lại của ta ở khu vực 2 và khu vực 3. Vì vậy, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân đã thống nhất: Trước hết phải đóng giữ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, còn các bãi khác sẽ đóng giữ sau. Đóng giữ ba điểm này có thể xảy ra tranh chấp, vì Ga Ven, Châu Viên, Chữ Thập, Huy Gơ đều có tàu chiến của Trung Quốc đứng bảo vệ với số lượng khá lớn.
       Đầu tháng 3 năm 1988, Trung Quốc huy động tăng số lượng tàu hoạt động ở quần đảo Trường Sa, thường xuyên có từ 9 đến 12 tàu chiến, tàu hỗ trợ gồm: 1 tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải LSM, 1 tàu kéo, 1 tàu đo đạc và 1 pông tông cỡ lớn cùng một lực lượng lớn tàu vận tải và các loại tàu giả dạng tàu cá đến trinh sát, thăm dò, khảo sát... gây nên tình trạng rất căng thẳng trên cả khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước những diễn biến phức tạp, Bộ tư lệnh Hải quân đã chỉ thị cho Lữ đoàn tàu vận tải 125, Lữ đoàn giữ đảo 146, Trung đoàn Công binh 83 chuẩn bị sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp theo.
       Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Hải quân, ngày 16 tháng 2 năm 1988 (tức 30 tết Mậu Thìn) Trung đoàn Công binh 83 cơ động từ Đà Nẵng vào Cam Ranh. Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy trung đoàn đã tập trung lãnh đạo đơn vị khẩn trương triển khai nhiệm vụ xây dựng nhà C3 chốt giữ các đảo chìm, đồng thời khẩn trương cơ động toàn Trung đoàn từ Đà Nẵng vào Cam Ranh để nhận nhiệm vụ mới.
       Sở chỉ huy Quân chủng tại Cam Ranh chỉ đạo: nhiệm vụ đóng giữ các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao hết sức khẩn trương triển khai, bí mật và tập trung. Để nghi binh răn đe đối phương, Sở chỉ huy báo cho đảo Sinh Tồn sẽ có tàu nước và tàu hàng đến tiếp tế; đồng thời lệnh cho đảo Nam Yết bắn pháo về phía nam 15 km, đảo Song Tử Tây bắn thử các loại súng về phía bắc 4 km. Trong các ngày 9 và 10 tháng 3, không quân ta cho máy bay luyện tập ở khu vực 1.
       Lúc 11 giờ ngày 12 tháng 3 tàu HQ671 do đồng chí Cúc làm thuyền trưởng từ Đá Lớn đi Nam Yết qua phía nam Ga Ven để quan sát, thu hút sự chú ý của đối phương, 15 giờ cùng ngày đến Nam Yết. Lúc 9 giờ ngày 13 tháng 3 tàu HQ671 trở về Đá Lớn.
       Tàu HQ605 đang ở Đá Đông đến Tốc Tan trước 7 giờ ngày 13 tháng 3 gặp đồng chí Ngô Tiến Cai - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (ở tàu Đại Lãnh) nhận nhiệm vụ sẵn sàng đóng giữ Len Đao.
       Tàu HQ13 từ Núi Le đi Tốc Tan nhận dầu ở HQ07 và ở đó sẵn sàng đợi lệnh. Sở chỉ huy có kế hoạch điều HQ13 lên chi viện cho các tàu của ta đang làm nhiệm vụ ở Gạc Ma và Cô Lin khi cần.
       Lúc 14 giờ ngày 13 tháng 3, tàu HQ17 từ Trường Sa lên Đá Lớn sẵn sàng chi viện cho các tàu của ta. Tàu HQ961 kéo pông tông Đ04 xuất phát từ Vũng Tàu lúc 23 giờ ngày 12 tháng 3 đi Tốc Tan khi cần sẽ điều HQ961 lên Len Đao.
       Ngày 7 tháng 3 năm 1988 Trung đoàn 83 tổ chức 2 khung 70 người xuất phát ra Gạc Ma và Len Đao, hành quân hơn 1 ngày đêm trên biển, gặp sóng lớn tàu phải quay về.
 
       Bộ Tư lệnh Hải quân tiếp tục đưa lực lượng ra đóng giữ đảo.
       Vào 20 giờ ngày 11 tháng 3 năm 1988, tàu HQ 604 của Lữ đoàn 125 do Đại uý Vũ Phi Trừ làm thuyền trưởng nhổ neo tại quân cảng Cam Ranh, chở hai khung xây dựng của Trung đoàn Công binh 83 gồm 70 người và vật liệu xây dựng 2 nhà C3 trên đảo Gạc Ma và đảo Len Đao. Khung Đại đội 7 do Kỹ sư Nguyễn Minh Tâm - Trợ lý tham mưu Trung đoàn làm khung trưởng. Khung của Đại đội 9 do đồng chí Trần Văn Phòng - phó đại đội trưởng về chính trị Đại đội 9 làm khung trưởng. Lữ đoàn 146 có 4 tổ chiến đấu thuộc 2 khung đi giữ đảo là 22 người. Tổ đo đạc của Đoàn 6 thuộc Bộ tham mưu Hải quân 4 người. Trung tá Trần Đức Thông - Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy chung. Chiều 13 tháng 3 tàu đến đảo Gạc Ma thả neo.
       Tàu hộ vệ của Trung Quốc từ Huy Gơ chạy sang Gạc Ma, có lúc cách tàu ta 500 mét. Lúc 17 giờ ngày 13 tháng 3 tàu hộ vệ 502 của
       Trung Quốc áp sát tàu HQ604 cách 50 mét, gọi loa khiêu khích, cán bộ chiến sĩ tàu HQ604 vẫn vững vàng, không để mắc mưu địch. Tàu hộ vệ 502 cùng 1 tàu hộ vệ, 2 tài vận tải của Trung Quốc thay nhau cơ động quanh bãi đá Gạc Ma.
       Tại Sở chỉ huy Quân chủng Hải quân nhận được diễn biến tình hình, dự kiến tình huống có thể xảy ra đồng thời báo cáo lên Tổng tham mưu trưởng đề nghị không quân cho máy bay trinh sát yểm trợ bộ đội trong khu vực đá Gạc Ma.
       Đề nghị Bộ Ngoại giao phản đối hành động của Trung Quốc. Về lực lượng, điều tàu HQ13 từ Tốc Tan lên khu vực Cô Lin, Gạc Ma; HQ931 từ Đá Đông và HQ671 từ Đá Lớn đến Gạc Ma. Đồng thời vào lúc 02 giờ ngày 12 tháng 3, Tàu HQ505 đang trực ở đảo Đá Lớn do đồng chí Vũ Huy Lễ làm thuyền trưởng được lệnh đến chốt giữ đảo Cô Lin.
       Phát hiện sự hoạt động của ta ở khu vực Cô Lin, Gạc Ma, tàu hộ vệ 502 của Trung Quốc cơ động từ Gạc Ma sang Cô Lin cách HQ505 khoảng 500 mét quan sát và đi về phía Tây Gạc Ma. Tàu 502 tiến sát HQ604 đang ở gần Gạc Ma và gọi loa khiêu khích “ Đây là lãnh thổ củaTrung Quốc, các người phải rời ngay”. Đến 20 giờ, tàu 502 của Trung Quốc lùi ra nhập với nhóm 2 tàu vận tải đang ở cách đó không xa lắm. Vào 22 giờ ngày 13/3 tàu HQ605 do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng đang trực ở Tốc Tan được lệnh cơ động đến giữ Len Đao.
Vào 21 giờ ngày 13 tháng 3, Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho bộ phận đi giữ đảo: Quyết giữ vững mục tiêu... Khẩn trương thả xuồng máy, xuồng nhôm, chuyển vật liệu lên làm nhà trên đảo ngay trong đêm 13 tháng 3 năm 1988. Toàn bộ lực lượng trên tàu khẩn trương triển khai ngay. Vào 3 giờ sáng 14 tháng 3, phân đội xây dựng nhà của Trung đoàn 83, tổ chiến đấu của Lữ đoàn 146, Tổ đo đạc của Đoàn 6 đã đổ bộ lên đảo Gạc Ma, xác định vị trí làm nhà, đã chở tập kết một số vật liệu, 3 giờ sáng tổ chiến đấu của Lữ đoàn 146 đã cắm cờ Việt Nam trên đảo Gạc Ma, triển khai bảo vệ bãi đá.
       Lúc 4 giờ 55 phút hai tàu hộ vệ 556, 531 của Trung Quốc từ bãi đá Chữ Thập đến Gạc Ma hỗ trợ, đe doạ. Ban chỉ huy tàu HQ 604 họp nhận định tàu Trung Quốc có thể dùng vũ lực can thiệp, quyết định chỉ huy bộ đội bình tĩnh xử lý, thống nhất thực hiện theo phương án tác chiến, quyết tâm bảo vệ đảo. Dùng loa đấu tranh với đối phương về chủ quyền rất kiên quyết.
       Bị tàu chiến của Trung Quốc áp sát đe doạ. Cán bộ chiến sĩ của ta vẫn kiên trì quyết tâm giữ đảo. Kế hoạch sau khi đưa quân và vật liệu lên đảo Gạc Ma xong , tàu HQ604 sẽ cơ động sang đảo Len Đao để đưa lực lượng và vật liệu sang xây dựng nhà C3 và chốt giữ đảo này.
       Trước tình hình này, Bộ Tư lệnh Quân chủng thống nhất xử lý: Lúc 21 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1988, lệnh cho các đồng chí Thông, Trừ (tàu HQ604) và đồng chí Lễ (tàu HQ505) quyết giữ Gạc Ma, Cô Lin và cho phép tàu ủi bãi để giữ bằng được hai bãi này. Lúc 22 giờ 5 phút ngày 13 tháng 3, lệnh tiếp: “Khẩn trương thả các xuồng máy, xuồng nhôm để bám giữ đảo, đồng thời chuyển vật liệu lên làm nhà”.
       Lúc 22 giờ 20 phút, Sở chỉ huy báo cáo tình hình tranh chấp ở Gạc Ma, Cô Lin và đề nghị cấp trên sáng 14 tháng 3 cho máy bay chiến đấu sẵn sàng chi viện, đồng thời máy bay trinh sát tuyến Sơn Ca - Nam Yết - Sinh Tồn - Đá Lớn.
       Lúc 23 giờ ngày 13 tháng 3 mệnh lệnh cho tàu HQ671 do đồng chí Cúc làm Thuyền trưởng đi ngay Đá Lớn đến cùng HQ604 giữ Gạc Ma và tàu HQ931 do đồng chí Thuỷ làm thuyền trưởng ngưng tiếp nước ở Đá Đông đi ngay đến cùng HQ505 giữ Co Lin.
       Trong lúc chưa nhận được báo cáo, Tư lệnh Quân chủng đã có lệnh tiếp: “Đã có lệnh đổ bộ lên đảo, các đồng chí thi hành ngay, không được để đối phương chiếm mục tiêu. Chuẩn bị vị trí để khi cần các đồng chí cho tàu ủi bãi”. Lệnh cho đồng chí Sơn ở tàu HQ605 “Tới mục tiêu cho đổ bộ quân lên giữ đảo. Cắm cờ ở hai đầu đảo. Khảo sát vị trí khi cần cho tàu ủi bãi”. Vào lúc 06 giờ sáng ngày 14 tháng 3, đối phương thả 3 xuồng máy chở khoảng 40 quân đổ bộ lên đảo. Dựa vào thế có tàu chiến uy hiếp, chúng hung hăng tiến vào giật cờ của ta. Các chiến sĩ Lữ đoàn 146 và Trung đoàn 83 do Thiếu uý Trần Văn Phương - Đảo phó chỉ huy bộ đội chống trả quyết liệt. Quân Trung Quốc dùng xuồng máy cắt dây kéo xuồng của tàu HQ604, không cho bộ đội ta trên tàu vào chi viện. Trung tá Trần Đức Thông - Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 hô: Đồng chí nào biết bơi nhảy xuống biển bơi vào chiến đấu giữ cờ, quyết không cho quân địch cướp lá cờ của ta. Bộ đội ta quần đùi áo lót nhảy xuống biển bơi vào đảo ngay.
       Được tăng cường thêm quân số, bộ đội ta dũng cảm đứng vây quanh kiên quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc không cho đối phương lao vào. Thiếu uý Trần Văn Phương đã động viên bộ đội “Thà hi sinh chứ nhất định không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống của Quân chủng”. Giành giật với lực lượng của ta khôngđược, binh lính Trung Quốc điên cuồng nổ súng vào người chỉ huy dũng cảm, kiên cường bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Thiếu úy Trần Văn Phương hi sinh. Cuộc giành giật lá cờ giữa bộ đội ta với quân đối phương ngày càng quyết liệt. Ngay lúc đó binh nhất Nguyễn Văn Lanh chiến sĩ của Trung đoàn Công binh 83 cùng đồng đội xông lên xiết chặt đội ngũ xung quanh bảo vệ lá cờ của Tổ quốc. Đồng chí Lanh đã dũng cảm đánh văng khẩu súng ngắn trong tay tên sĩ quan chỉ huy của Trung Quốc, rồi lao vào nhanh trí cuốn lá cờ đỏ sao vàng vào quanh ngực mình. Trước hành động anh dũng, kiên cường của bộ đội ta, chúng không giật được cờ, một tên lính của đối phương hèn hạ dùng lưỡi lê đâm lén phía sau vào vai đồng chí Lanh, bị thương nhưng không thể làm anh gục ngã, hai đồng đội đã nhanh chóng hỗ trợ đồng chí Lanh đứng thẳng, hiên ngang trước quân thù. Quân ta đã nắm tay nhau đứng vòng quanh quyết bảo vệ lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc trên đảo Gạc Ma, dùng xà beng, dụng cụ lao động chống trả lại những hành động hung hãn của quân thù.
       Sau gần một tiếng đồng hồ giành giật với bộ đội ta, không làm gì được, chúng dã man dùng súng AK bắn vào bộ đội ta, hai viên đạn xuyên qua bả vai bên phải đồng chí Lanh làm anh bị thương nặng hơn. Bộ đội ta không nhụt chí.
       Không thể phá vỡ được vòng tròn bất tử của các chiến sỹ Hải Quân nhân dân Việt Nam, chúng rút quân lên tàu . Hai tàu hộ vệ 502 và 532 xả pháo 37 ly, súng 12, 7 ly bắn vào quân ta trên đảo làm một số cán bộ chiến sĩ thương vong. Sau đó vào 07 giờ 50 phút, hai tàu 502 và 532 của Trung Quốc dùng pháo bắn vào tàu HQ604. Tàu vận tải HQ604 bắn trả nhưng chỉ có vũ khí bộ binh nên không hiệu quả. Tàu HQ 604 bị chìm bên bãi cạn Gạc Ma. Đây là một hành động vô cùng dã man của Hải quân Trung Quốc.
       Sau khi tàu Trung Quốc rút đi, trên đảo Gạc Ma còn lại khoảng bốn chục cán bộ chiến sĩ chủ yếu của Trung đoàn 83, một số của Lữ đoàn 146, tổ đo đạc của Đoàn 6, và trên tàu HQ604 bị chìm bơi vào, trong đó có Đảo Trưởng đảo Gạc Ma Bùi Hoàng Hải bị thương trên tàu.
       Tại Cô Lin vào lúc 6 giờ ngày 14 tháng 3 năm 1988 tàu HQ505 đã cắm hai lá cờ trên bãi đá. Khi thấy tàu của Trung Quốc bắn vào tàu HQ604, đồng chí Vũ Huy Lễ thuyền trưởng tàu HQ505 lập tức ra lệnh nhổ neo ủi bãi kiên quyết bảo vệ đảo của ta. Hai tàu hộ vệ 502 và 531 của Trung Quốc lại điên cuồng bắn vào tàu HQ505 làm tàu hỏng lái. Song tàu HQ505 vẫn kiên cường chạy hết tốc lực ủi bãi, trườn được hai phần ba thân tàu thì bốc cháy. Cán bộ chiến sĩ trên tàu dũng cảm dập lửa bảo vệ tàu và tổ chức cấp cứu thương binh. Đồng thời nhanh chóng đưa xuồng máy đến Gạc Ma đón, cứu, vớt đồng đội.
       Tại Len Đao vào 4 giờ 30 phút ngày 14 tháng 3 tàu HQ605 cho bộ đội lên cắm cờ trên bãi đá. Đến 8g 20 phút tàu hộ vệ 556 của Trung Quốc từ Gạc Ma tới dùng pháo bắn vào tàu HQ605 làm tàu bốc cháy. Bộ đội ta dũng cảm dập lửa cứu tàu nhưng do cháy quá lớn nên phải rời tàu lên xuồng về đảo Sinh Tồn. Đến 3 giờ ngày 15 tháng 3 tàu HQ605 chìm xuống biển ở bãi đá Len Đao.
       Tại đảo Gạc Ma còn hơn bốn chục người trong đó có 38 cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 83 ẩn nấp tránh được làn đạn như mưa của địch. Trên đảo Gạc Ma chỉ chết mấy người thôi.
        Theo thượng uý Nguyễn Văn Chương - Trung đội trưởng của Trung đoàn Công binh 83 kể lại: Khi tàu địch rút đi, đồng chí Chương đã chỉ huy bộ đội cứu thương binh, dựng lại lá cờ, do bị quân địch bẻ gẫy cán, các chiến sĩ của ta đã dùng 3 cột bê tông chụm lại giữ lá cờ. Lá cờ đỏ sao vàng vẫn phấp phới tung bay trên đảo Gạc Ma, biểu hiện chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Quân Trung Quốc đã đến đánh chiếm đảo này bằng vũ lực. Đồng thời Trung Quốc đổ quân lên một đầu đảo chiếm đảo Gạc Ma.
       Nước bắt đầu lên cao dần, chưa thấy tàu xuồng ra ứng cứu, đồng chí Chương đã chỉ huy bộ đội dùng xuồng nhôm bị quân địch bắn thủng, xé quần áo ra bịt lại đưa anh em thương binh lên xuồng trong đó có đồng chí Hoàng Bùi Hải - Đảo trưởng đảo Gạc Ma bị thương, cùng nhau dùng các mảnh gỗ làm bơi chèo chèo từ 10 giờ sáng, đến chiều thì tới gần đảo Cô Lin. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ nhìn thấy cho xuồng máy của tàu HQ505 ra cứu và đã sang Gạc Ma cứu hết số anh em về đảo Cô Lin. Trung Quốc đưa quân lên một đầu đảo chiếm đảo Gạc Ma của ta.
       Sau khi nhận được tin các tàu HQ604, HQ605 , HQ505 bị bắn chìm, bắn cháy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã điện cho tàu HQ13 không đến Gạc Ma nữa; lệnh cho HQ671 và HQ931 treo cờ Chữ thập đỏ đến khu vực Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao làm nhiệm vụ cấp cứu, cứu hộ. Bị tàu Trung Quốc ngăn chặn, khiêu khích liên tục, tàu HQ671 vẫn tới Cô Lin lúc 15 giờ ngày 14 tháng 3 để đưa cán bộ chiến sĩ tàu HQ604 đã cứu được về đảo Sinh Tồn vào lúc 22 giờ. Tàu HQ931 cũng vượt qua sự ngăn chặn, khiêu khích của quân Trung Quốc, 13 giờ đến được Len Đao, sau khi quan sát chỉ thấy lá cờ Tổ quốc đang tung bay trên đảo, tàu HQ605 đang cháy và chìm dần. Không đón được ai, do cán bộ chiến sĩ tàu HQ605 đã dùng xuồng rời tàu về đảo Sinh Tồn, tàu HQ931 quay về Sinh Tồn.
       Trong sự kiện ngày 14 tháng 3 năm 1988, tàu Trung Quốc đã bắn cháy 1 tàu đổ bộ,  bắn chìm 2 tàu vận tải của ta, 64 đồng chí hy sinh, 11 đồng chí bị thương.
       Sự kiện Gạc Ma không phải là một trận Hải chiến, Hải quân nhân dân Việt Nam không đưa tàu chiến ra, không bắn phát pháo nào cả. Đây là cuộc xung đột vũ trang trên biển do hải quân Trung Quốc đơn phương gây ra. Các lực lượng của Hải quân nhân dân Việt Nam kiên quyết chống trả tự vệ để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhưng do lực lượng có hạn và các điều kiện gặp nhiều khó khăn, quân Trung Quốc đã đánh chiếm trái phép đảo chìm Gạc Ma của Việt Nam.

 
MỘT SỐ NÉT BẢO ĐẢM HẬU CẦN
CHO NHIỆM VỤ CHỐT GIỮ ĐẢO CHÌM GẠC MA
 
       Lực lượng tham gia chốt giữ đảo chìm Gạc Ma bao gồm:
- Tàu vận tải HQ 604 chở vật liệu và lực lượng ra khảo sát xác định vị trí, lắp dựng nhà C3, chốt giữ bảo vệ đảo.
- Tổ đo đạc của Đoàn 6 đo đạc và biên vẽ hải đồ thuộc Bộ Tham mưu Hải quân: 2 người ( 4 người làm nhiệm vụ trên 2 đảo Gạc Ma và Len Đao).
- Phân đội Công binh của Trung đoàn Công binh 83 lắp dựng nhà C3 tại bãi cạn Gạc Ma, quân số 35 người.
- Phân đội của Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân chốt giữ bảo về đảo Gạc Ma, quân số 11 người.
 
       Bảo đảm Hậu cần cho nhiệm chốt giữ đảo
1. Tàu HQ 604 : Bảo đảm đầy đủ các mặt làm nhiệm vụ vận chuyển lực lượng, vật liệu ra lắp dựng nhà C3 trên 2 đảo chìm Gạc Ma và Len đao, cấp nước ngọt cho lực lượng xây dựng đảo và chốt giữ đảo. Trực bảo vệ cho lực lượng lắp dựng nhà, đón lực lượng 2 phân đội của Trung đoàn Công binh 83 và Đoàn 6 quân số 74 người về đất liền. Thời gian dự kiến một tháng.
2. Phân đội Lắp dựng nhà của Trung đoàn Công binh 83 được tăng cường 2 chiến sĩ đo đạc của Đoàn 6, quân số 37 người.
- Bảo đảm doanh trại: Bảo đảm khung nhà cao chân C3 do Ban Công binh Vùng 4 sản xuất cấu kiện và vật liệu đồng bộ, Trung đoàn Công binh 83 tiếp nhận bốc xếp xuống tàu, vận chuyển ra đảo, bốc xếp lên đảo chìm để lắp dựng nhà. Nhà vừa lắp dựng vừa là doanh trại cho bộ đội ở trong quá trình thi công.
- Bảo đảm quân nhu: Bảo đảm lương thực, thực phẩm trong quá trình đi biển, ăn trên biển, lắp dựng nhà C3, cơ động về đất liền. Gồm gạo, một số thực phẩm tươi sống ăn trên tàu và tuần đầu làm nhiệm vụ. Lương khô, đồ hộp dự trữ tiếp theo bảo đảm trong một tháng.
- Bảo đảm vận tải: Xuồng chuyển tải chở vật liệu từ tàu vào đảo, chở nước từ tàu vào đảo, đón bộ đội hoàn thành nhiệm vụ lên tàu.
- Bảo đảm nước sinh hoạt: Téc chứa nước cho bộ đội ăn khi thi công trên đảo.
- Bảo đảm xăng dầu: Xăng dầu cho máy phát điện hoạt động trong quá trình thi công.
- Quân y: Có y sỹ trong khung xây dựng, trang bị y cụ, đủ thuốc phòng chữa bệnh cần thiết, bao tử sỹ dự phòng.
3. Phân đội chốt giữ bảo vệ đảo
- Bảo đảm doanh trại: Tiếp nhận nhà C3 để ở sinh hoạt và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo.
- Bảo đảm quân nhu: Bảo đảm cho phân đội ăn trên tàu trong quá trình lắp dựng nhà, mang theo nấu ăn trên tàu. Bảo đảm ăn giữ đảo
trong 6 tháng, dùng gạo, lương khô, đồ hộp.
- Bảo đảm nước sinh hoạt: Nhà C3 được trang bị 16 téc nước loại 2 m3, tiếp nhận đủ nước do tàu cấp, bảo đảm cho phân đội sinh hoạt trong 6 tháng.
- Bảo đảm vận tải: Có xuồng để cơ động trong quá trình làm nhiệm vụ bảo về đảo.
- Bảo đảm xăng dầu: Có máy phát điện, xăng chạy máy phát điện.
- Bảo đảm quân y: Y sỹ trong biên chế. Thuốc phòng chữa bệnh theo cơ số.

 
Thiếu tướng Hoàng Kiền
( nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 Hải quân)

tin tức liên quan