TRẬN ĐÁNH THÁNG 5 “HOA CHIẾN CÔNG DÂNG BÁC".

Ngày đăng: 03:20 24/03/2023 Lượt xem: 197
                           TRẬN ĐÁNH THÁNG 5
“HOA CHIẾN CÔNG DÂNG BÁC".

 
Tháng 5 năm 1966, Đại đội 1 trung đoàn 231 pháo cao xạ 57 ly sư đoàn phòng không 367 do Đại đội trưởng Nguyễn Quốc Duyệt chỉ huy có nhiệm vụ bảo vệ bầu trời khu vực phụ cận cầu Hàm Rồng, cầu Đò Lèn, đập Bái Thượng, sân bay Sao Vàng, đồng thời bảo vệ tiểu đoàn tên lửa 64 ở Triệu Sơn, Thanh Hóa.
Đêm 31/5/1966, khi đơn vị đóng quân tại ngã ba Sim, xã Hợp Thành, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Dưới sự chỉ huy của Tham mưu trưởng Trung đoàn Nguyễn Quang Chính và đại đội trưởng Nguyễn Quốc Duyệt, đơn vị thực hành huấn luyện phương án đánh địch bay đêm. Trong luyện tập phương án đánh đêm, khó nhất là phân biệt giữa máy bay cánh quạt của ta và máy bay địch, bởi thời kỳ này không quân nhân dân Việt Nam đang sử dụng máy bay cánh quạt bay ra biển làm nhiệm vụ quan trọng đột kích bất ngờ vào các chiến hạm của địch đậu ngoài khơi vùng biển Thanh Hóa.
Vào lúc 23 giờ 45 phút, từ phía cầu Hàm Rồng, những vệt đạn pháo cao xạ bắn lên sáng rực. Đại đội trưởng Nguyễn Quốc Duyệt ra khẩu lệnh quay pháo về hướng bên trái núi Nưa theo phương án máy bay địch sẽ bay qua khu vực trận địa. Đúng như phương án tác chiến, từ dãy núi Nưa trước mặt, dưới ánh trăng mờ, một máy bay cánh quạt to tướng bay rất thấp xuất hiện. Đại đội trưởng Duyệt ra lệnh nạp đạn, bắt mục tiêu.
Chiếc máy bay bay rất thấp, lừ lừ bay vào hướng trận địa, khi đại đội trưởng chưa kịp nhận dạng là máy bay của ta hay của địch để hạ lệnh bắn. Thấy ngon ăn, sợ lỡ thời cơ, từ khẩu đội 6, một viên đạn bắn lên, cả 6 khẩu đội pháo đồng loạt nổ súng. Với 34 viên đạn từ 6 khẩu pháo 57 ly trùm lên chiếc máy bay. Ngọn lửa bùng lên trên thân máy bay, sáng rực cả khu vực ngã ba Sim. Chiếc máy bay khổng lồ trúng đạn, nó ngoi lên cao, lại lao xuống, tiếng gầm rú kinh hoàng, như con quái vật trúng đạn, sau đó đâm đầu xuống đất cách trận địa vài cây số. Một khối lửa khổng lồ hình nấm phụt lên cao, một tiếng nổ ầm vang rung chuyển cả mặt đất. Cảnh tượng diễn ra ngoạn mục ngay trước mắt các pháo thủ, tiếng reo hò của quân và dân vang vọng khắp vùng. Lúc đó là 0 giờ 30 phút ngày 31/5/1966. Ngày sơ kết đợt thi đua “Hoa tháng năm dâng Bác” của đại đội 1. Đây cũng là chiến công có ý nghĩa mừng ngày sinh nhật, tròn 1 năm đón 100% tân binh là những chiến sỹ của đơn vị là chiến sỹ mới người Hà Tây về thành lập đơn vị.
Đại đội trưởng Nguyễn Quốc Duyệt sau giây phút ngỡ ngàng, anh thốt lên: Đây là máy bay gì? Anh vừa mừng vừa lo, mừng vì đơn vị có trận đánh tuyệt vời, bắn rơi máy bay với hiệu suất chiến đấu rất cao, chỉ bằng một điểm xạ, 34 viên đạn, đã bắn rơi máy bay tại chỗ; nhưng anh ngay ngáy lo vì chưa tin lắm đây là máy bay địch, lỡ mà...
Tham mưu trưởng Trung đoàn Nguyễn Quang Chính, đại đội trưởng Nguyễn Quốc Duyệt và cán bộ chiến sĩ đại đội 1 lúc này cùng có chung tâm trạng vừa mừng vừa lo. Đêm hôm đó, sở chỉ huy của Trung đoàn 231, Trung đoàn 228 trực tiếp bảo vệ cầu Hàm Rồng, cả tỉnh đội Thanh Hóa, không nơi nào nhận được thông tin về sự xuất hiện của chiếc máy bay này.
Đại đội trưởng Nguyễn Quốc Duyệt vội cử mấy trinh sát ra tận nơi máy bay rơi để xác định xem là máy bay của ta hay của địch. 6 giờ sáng, các chiến sĩ trinh sát chạy về vừa thở không ra hơi vừa báo cáo: đó là máy bay địch – máy bay vận tải C130. Khi máy bay rơi, bom mang theo nổ tung, giặc lái chết hết. Anh em thu về một mảnh cờ Mỹ, một mảnh máy bay có ký hiệu C130 và một vài thứ khác.
Mọi người mừng rỡ, tránh được nỗi lo. Với chiến công bắn rơi máy bay C130, khẩu đội trưởng khẩu đội 6 Đỗ Xuân Sót người phất cờ cho khẩu đội bắn viên đạn đầu tiên vừa nhận kỷ luật của đơn vị, vừa được Sư đoàn tặng bằng khen, đại đội 1 trung đoàn 231 được tặng thưởng Huân chương chiến công.
Sau này nhờ có một tờ báo của Mỹ (tờ Bưu điện Oa-Sinh-Tơn tháng 6/1966), báo Quân đội nhân dân đã đưa tin ta mới biết rõ nội dung như sau: Sau mấy năm bằng nhiều thủ đoạn đánh phá với hàng trăm lượt chiếc máy bay, hàng ngàn quả bom, 19 phi công bị bắn rơi, không quân Mỹ vẫn không triệt hạ được cầu Hàm Rồng. Lần này, Mỹ thay đổi chiến thuật, tổ chức ra Chiến dịch “Vầng trăng Ca-ro-li-na” quyết hạ cầu Hàm Rồng vào ban đêm. Chúng sử dụng 2 máy bay C130 mang bom loại 2000kg, lần lượt xuất phát từ Đà Nẵng, bay sát mặt biển, ngược lên thượng nguồn sông Mã, tiến hành thả thủy lôi trôi dọc sông, khi bom trôi về đúng vị trí cầu Hàm Rồng mới kích cho bom nổ để phá cầu.
Để đảm bảo cho chiến dịch này chắc thắng, Mỹ đã tổ chức 2 tổ bay, ngoài việc lợi dụng địa hình, bay thấp, phối hợp với hai tổ bay này còn có các máy bay cường kích đánh lạc hướng sự tập trung của pháo phòng không để máy bay C130 không bị phát hiện. Tổ bay thứ nhất do Thiếu tá Rem-mơ chỉ huy tiến hành vào đêm 30/5/1966 bị cụm pháo cao xạ Hàm Rồng bắn rát thả bom không thành công. Chiếc máy bay C130 thứ hai là chiếc máy bay đuợc giao nhiệm vụ ngay đêm hôm sau đã bị đại đội 1 trung đoàn 231 bảo vệ cầu Hàm Rồng bắn hạ đêm 31/5/1966 do thiếu tá Rây-Sơ điều khiển. Đây là chuyến bay thứ 2, đã được rút kinh nghiệm, đã thay đổi hướng bay nhưng cũng thất bại.
Chiến công bắn rơi chiếc máy bay C130 của đại đội 1, trung đoàn 231 đơn vị bảo vệ cầu Hàm Rồng vào đêm 31/5/1966 có ý nghĩa lịch sử. Đây là chiếc máy bay C130 đầu tiên và cũng là chiếc máy bay C130 duy nhất bị bắn rơi trên miền Bắc, chiến công này của đại đội 1, trung đoàn 231 đã đập tan chiến dịch “Vầng trăng Ca-ro-li-na” dùng máy bay vận tải C130 triệt hạ cầu Hàm Rồng vào ban đêm, buộc Mỹ phải dừng chiến thuật này.
Đã 57 năm trôi qua (31/5/1966 -31/5/2023), cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã dần lui về quá khứ, nhưng trận đánh có hiệu suất chiến đấu cao, một bông hoa đẹp trong đợt thi đua “Hoa tháng năm dâng Bác” của đại đội 1, trung đoàn 231 sư đoàn phòng không 367 quân chủng phòng không không quân vẫn là một kỷ niệm sâu sắc của mỗi người lính phòng không chúng tôi.
                                                                            Đức Dụ (Hội viên Hội VHNT TS)
Địa chỉ liên lạc:
Thượng tá: Nguyễn Văn Dụ,
117/106B Nguyễn Hữu Cảnh
Phường 22, Q. Bình Thạnh, Tp.HCM
ĐT: 0903788893

 
 
 
 
 

tin tức liên quan