"Gặp gỡ chiến trường xưa" - Ghi chép của Đại tá, PGS, TS Đỗ Ngọc Thứ
GẶP GỠ NƠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA
Ghi chép
Với người dân Đà Nẵng, Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước là biểu tượng của lòng kiên trung, của tinh thần yêu nước, là biểu tượng của khát vọng và tự do. Với Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn – Tổng cục Chính trị QĐNDVN thì cái tên Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước luôn là ký ức đẹp của một thời hoa lửa.
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, tôi về dự buổi gặp mặt truyền thống của Chi hội Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh quận Liên Chiểu, tổ chức tại khu di tích lịch sử Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước, thuộc phường Hoà Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Những ngày tháng 5 này, miền Trung thường gay gắt nắng. Song, những hội viên trong bộ quân phục xanh màu lá, ngực lấp lánh những tấm huân chương vẫn vui vẻ cười nói trong không khí hân hoan và xúc động. Cũng chẳng dễ gì có được cái không khí ấy, bởi theo quy chế, cứ hai năm một lần, các chi hội cấp quận trực thuộc Hội Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh thành phố Đà Nẵng mới tổ chức gặp mặt, giao lưu kỷ niệm ngày mở đường Trường Sơn thắng lợi (19/5). Hai năm là 24 tháng, là 24 mùa trăng tròn, trăng khuyết. Dài đấy chứ ngắn ngủi gì. Bởi vậy, lần gặp gỡ nào cũng rộn rã tiếng cười xen lẫn những dòng nước mắt lăn trên những gương mặt đã hằn dấu thời gian.
Trong khi chờ đông đủ hội viên và khách mời, tôi tranh thủ đến thắp hương cho các cụ thân sinh ra hội viên Dương Thành Thị. Vừa bước chân vào nhà, tôi ngạc nhiên khi thấy Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và anh Dương Thành Thị đang ngậm ngùi đứng trước bàn thờ. Thắp hương cho các cụ xong, cả ba chúng tôi ngồi bên bàn trà trò chuyện. Biết tôi là Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh thành phố Đà Nẵng, Trung tướng nói:
- Các cậu chọn khu di tích lịch sử Căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước để tổ chức buổi gặp mặt thật ý nghĩa.
- Cũng nhờ sự tư vấn của anh Thị đấy ạ. Anh Thị là hội viên của chúng tôi. Thủ trưởng cũng quen biết gia đình anh Thị ạ?
- Không phải chỉ là quen biết mà các cụ đây là ân nhân của tớ đấy, còn Thị thì có thể coi như là đồng đội.
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Trung tướng hớp ngụm trà nóng rồi khẽ khàng: “ Năm 1973, tớ được Khu uỷ Quảng Đà phân công về hoạt động tại đây với nhiệm vụ nắm cơ sở cách mạng, trinh sát nắm địch để báo cáo cho Khu uỷ và huấn luyện du kích về phương pháp đánh địch trong thành phố, sau này phát triển thành biệt động thành phố Đà Nẵng. Khi ây, Thị mới 12 tuổi nhưng đã là một giao liên gan dạ, mưu trí và dũng cảm. Tớ ở hầm bí mật của gia đình bà Dĩ – một cơ sở cách mạng và là mẹ của chú Thị đây. Ngày ấy, vùng này toàn cát trắng, dưới sự vây ráp, kiểm soát gắt gao của Mỹ, Ngụy, cuộc sống của người dân nơi đây khổ cực trăm bề. Bữa ăn chủ yếu là khoai lang, có loong gạo, con cá… thì dành cho cán bộ dưới hầm bí mật”.
Lời Trung tướng như đến từ một nơi rất xa. Hình như ông đang xúc động khi nhắc lại những ký ức về một thời hoa lửa. Tôi thấy nơi khoé mắt ông có cái gì như nước ứa ra. Ông bỏ kính, dụi dụi đôi mắt đã có phần đo đỏ, rồi tiếp:
- Ngày ấy, để vượt qua sự vây ráp, kiểm soát gắt gao của địch, tớ và chú Thị phải đóng vai người đi thả lưới bắt cá. Với chiếc ghe nhỏ, Thị đưa tớ đi khắp các bàu nước ngay sát bốt đồn của địch để trinh sát. Khi trở về, tớ ngồi dưới hầm bí mật vẽ sơ đồ, viết báo cáo, Thị ở trên cảnh giới. Nhờ có người dân nơi đây đùm bọc, trở che và nuôi dưỡng nên tớ cũng như các cán bộ cách mạng hoạt động ở đây được an toàn và sống đến bây giờ. Chắc cậu cũng biết, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trên mảnh đất miền Nam này có biết bao cơ sở cách mạng, biết bao hầm bí mật, nhưng có lẽ không có nơi nào như Hồng Phước. Một thôn chỉ vẻn vẹn 64 hộ dân nhưng có tới 46 hầm bí mật. Có gia đình đào từ 3 đến 7 cái. Như gia đình bà Hà Thị Mau, gia đình bà Nguyễn Thị Liên…Hệ thống hầm bí mật ở đây được xây dựng tinh vi, kín đáo và bền vững. Đặc biệt có những căn hầm hai tầng, tầng trên lộ thiên để tránh bom đạn, tầng dưới là hầm bí mật. Căn cứ cách mạng này được xây dựng từ năm 1959 -1960 và hoạt động cho đến ngày Đà Nẵng giải phóng (29-3-1975). Trong suốt hai cuộc kháng chiến, không một cán bộ nào bị bắt, bị giết do có người khai báo hoặc bị lộ. Trong sự vây ráp, kiểm soát gắt gao của địch thì đây thực sự là một kỳ tích. Kỳ tích đó, chiến công đó thuộc về nhân dân, không có dân thì chẳng có kỳ tích nào cả, chẳng có chiến công nào cả”.
Nghe câu chuyện của Trung tướng, tôi thầm nể phục và trân trọng lòng kiên trung, ý chí kiên cường của Ông, của người Hội viên Dương Thành Thị và của người dân nơi quê hương Hồng Phước nhiều nắng và gió. Tôi trộm nghĩ, có lẽ chính Ông đã truyền ngọn lửa yêu nước, ý chí kiên cường, lòng dũng cảm cho người hội viên Dương Thành Thị. Nhờ đó, sau này Dương Thành Thị đã trở thành một đội viên du kích gan dạ. Năm 15 tuổi, chính Anh và người đồng đội Phạm Đình Khôi đã trực tiếp hạ lá cờ ba que của chế độ Sài Gòn và kéo lên lá cờ giải phóng tại trụ sở Hội đồng xã Hoà Khánh vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 29 tháng 3 năm 1975, đánh dấu giờ phút quê hương được giải phóng. Khi 19 tuổi, Anh đã là Đại đội trưởng Đại đội TNXP phục vụ chiến đấu cho sư đoàn 307 ở chiến trường Tây Nam và chiến trường Căm Pu Chia. Có lẽ hơn ai hết, Dương Thành Thị hiểu rõ nỗi khổ cực và sự hy sinh cho cách mạng của người dân Hồng Phước quê anh. Nên sau này, khi trở thành Phó Bí thư quận uỷ, Chủ tịch UBND, HĐND quận Liên Chiểu, Dương Thành Thị luôn đau đáu với việc xây dựng quê hương, chăm lo cho cuộc sống người dân, thực hiện các chính sách đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo. Điều đó đã được ghi nhận bởi hai Huân chương Lao động hạng ba (2013; 2022) và ba bằng khen của Thủ tướng chính phủ tặng thưởng cho anh.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi tạm dừng khi đã đến giờ khai mạc buổi gặp mặt. Ba chúng tôi đi trên con đường rợp bóng mát, những tia nắng chiều lọt qua kẽ lá hắt xuống mặt đường lấm chấm như hoa. Vừa thong thả bước, vừa nắm tay tôi, Trung tướng dặn dò: “Con đường Trường Sơn là con đường huyền thoại, là biểu tượng của ý chí kiên cường, của lòng yêu nước, nơi đã nhuốm bao máu xương của đồng đội. Vì vậy, trong hoạt động Hội, các cậu phải đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng sự đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau với tiêu chí vì nghĩa tình Trường Sơn, vì nghĩa tình đồng đội”. Qua câu chuyện và lời dặn dò của Trung tướng, tôi ngộ ra bao điều. Tôi thầm cảm ơn và thấy hãnh diện, tự hào khi buổi gặp mặt truyền thống của chúng tôi lại được Trung tướng về dự. Sự có mặt của Trung tướng không chỉ là sự cổ vũ động viên lớn lao đối với Hội chúng tôi mà nó còn là minh chứng cho sự giữ gìn, phát huy và lan toả ý nghĩa Trường Sơn, giá trị Trường Sơn đến các thế hệ mai sau./.
Mô hình Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và Dương Thành Thị
trong vai người thả lưới bắt cá để trinh sát địch
Tác giả và Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn tại gia đình cụ thân sinh hội viên Dương Thành Thị
Tác giả và anh Dương Thành Thị chụp tại khu di tích Căn cứ lõm B1 Hồng Phước
Bài và ảnh: Đại tá, PGS, TS Đỗ Ngọc Thứ -
Phó CT Hội TT Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh thành phố Đà Nẵng.