Trại viết Trường Sơn và nỗi nhớ

Ngày đăng: 10:57 05/11/2023 Lượt xem: 145
TRẠI VIẾT TRƯỜNG SƠN VÀ NHỮNG NỖI NHỚ
 
Chúng tôi đến trại viết Trường Sơn lần thứ 2 trong một chiều mưa
tầm tã, cơn mưa suốt dọc đường từ Hà Nội đến Thái Nguyên. Bản làng
Thái Hải chìm trong màn mưa, trong những đồi cây ướt sũng. Chỉ nghe
mưa xối trên những tàu lá cọ, tôi nhớ đến mưa ở Trường Sơn, hình
ảnh những con suối cuồn cuộn chảy, những bước chân mò mẫm vượt
qua con suối lại hiện trong tâm trí tôi. Nhớ một buổi hành quân có
chị Liên người to lớn nhất tiểu đội bị ngã và bị bong gân, sai khớp, chân
sưng vù lên. Không thể để chị ấy ở lại trạm giao liên, chúng tôi đặt chị
lên võng và thay nhau cáng chị cùng hành quân. Tiểu đội có ba
đồng chí là nam, còn toàn con gái, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo vượt
rừng và hành quân đến trạm giao liên tiếp theo, kịp thời gian.
Căn nhà sàn nơi Ban Chủ nhiệm trại viết sắp xếp cho chị em trại
viên nữ chúng tôi thật rộng rãi, thoáng mát. Đêm ngủ màn mắc sát
nhau, khiến tôi liên tưởng đến căn hầm con gái chúng tôi ở
rừng Trường Sơn, căn hầm nằm trong hang đá tự nhiên. Những đêm
êm ả… chúng tôi thường kể chuyện cho nhau nghe. Một chị vui tính
nhất tiểu đội gọi là “ngàn lẻ một đêm của chúng tôi”, buộc ai
cũng phải kể về mối tình của mình. Hồi đó chúng tôi còn rất trẻ, tôi do
“khai man” nên chưa đủ mười bảy tuổi, đã có mặt ở Trường Sơn. Trong
chiến tranh, đôi khi gặp nhau chưa kịp hỏi tên đã vội đi, làm gì có thời
gian mà tìm hiểu để yêu cơ chứ, nên có chị lại đặt chương trình hay là
gọi là “những mối tình thoáng qua”. Có nghĩa có cảm tình một chút rồi
lại xa. Chỉ có chị tiểu đội trưởng là có một mối tình với anh cùng binh
trạm. Thỉnh thoảng chị nhận được thư anh, thư của hai người lính thì
cũng kể về chiến công, chẳng có gì phải giấu, chị thường đọc to trong
căn hầm con gái. Một lần chị đang đọc, bỗng ngập ngừng… rồi không
đọc nữa. Mặt chị đỏ bừng, mấy cô bé tinh nghịch nhất tiểu đội giằng lấy
lá thư của chị, hóa ra trong thư, anh ấy gửi chị một cái hôn. Tiểu đội
trưởng của chúng tôi rất dũng cảm xông pha ra tuyến cấp cứu thương
binh, nhưng lại bẽn lẽn xấu hổ vì nụ hôn chỉ ở trong thư. Mấy đứa tinh
nghịch cứ trêu chị mãi, để những tiếng cười khúc khích trong veo ngân
vang trong căn hầm con gái, những tiếng cười xua đi cái lạnh của núi
rừng.
Đã lâu lắm rồi tôi mới được sống lại những ngày trong quân ngũ,
bên những người đồng đội, và hơn nữa lại là những người lính cầm bút,
chúng tôi có niềm đam mê là viết về ngày hôm qua, về những người
đồng đội. Có những người trại viên tuổi rất cao, vẫn khát khao được
học hỏi dù chỉ để tác phẩm của mình được hoàn chỉnh hơn, hay hơn,
để hình ảnh về những người đồng đội ngã xuống hôm qua, sẽ sống mãi
trong thơ ca, trong lòng bạn đọc. Và Ban Chủ nhiệm trại viết cũng mong
muốn những tác phẩm của trại viên được như vậy mà quên tuổi tác,
bệnh tật. Ban Chủ nhiệm trại viết đem hết khả năng chăm lo cho các
trại viên mọi tiện nghi, tạo mọi điều kiện để các trại viên có nhiều thuận
tiện viết nên những tác phẩm của mình! Tôi trân trọng những tấm lòng
của những người lính Trường Sơn năm xưa… nay dẫu mái đầu đã bạc,
nhưng vẫn mang trong tâm một tình yêu Trường Sơn đến cháy lòng,
bởi nơi đó biết bao đồng đội đã nằm lại và chúng tôi, những người cầm
bút luôn cảm thấy chưa làm trọn bổn phận của mình. Tình yêu ấy,
những suy nghĩ ấy! Khiến chúng tôi đoàn kết, chăm sóc nhau trên tình
đồng đội.
Không biết có phải Ban Chủ nhiệm muốn gợi lại cho các trại viên
chúng tôi nhớ lại Trường Sơn một cách gần gũi hơn không? Mà bố trí
trại viết nằm trong bản làng sinh thái, nơi có những đồi cây xanh thắm,
những con đường nhỏ lát sỏi đá quanh co. Đi dạo qua những con
đường đầy hoa dại, tôi nhớ Trường Sơn đến nao lòng. Tiếng mưa rơi
trên mái nhà sàn, rơi trên tàu lá cọ, cũng làm tôi nhớ đến tiếng mưa rơi
trên mái bạt ở trạm quân y dã chiến, nhớ con suối cạn, có những nhành
hoa rừng, nơi mà tôi vẫn dìu thương binh đi dạo vào mỗi buổi hoàng
hôn. Nhớ những ca phẫu thuật không có thuốc gây mê, phải cất tiếng
hát để đồng đội quên đi những cơn đau. Nhớ những ánh mắt của
những người đồng đội trước khi ra đi mãi mãi, những ánh mắt ấy tôi
không bao quên được.
Trại viết ở ngay trong bản làng, người dân dành tình cảm cho
chúng tôi rất nhiều! Từ ánh mắt và lời chào thân thương, chăm sóc từ
bữa cơm đến chén trà. Và chúng tôi rất cảm kích được sống trong tình
quân dân gắn bó, ra về còn lưu luyến mãi. Một tuần cũng đã trôi qua
thật nhanh … chúng tôi lại chia tay. Mỗi người về một ngả đường,
nhưng trong lòng vẫn ấp ủ, vẫn mang theo những kiến thức được học,
đặc biệt là sự quan tâm của Ban Chủ nhiệm. Chúng tôi quên sao được
sự quan tâm của Chủ nhiệm, nhà báo, nhà văn Phạm Thành Long, dù
tuổi đã cao, nhưng rất nhiệt tình chu đáo, ân cần chỉ bảo chúng tôi như
một người thủ trưởng. Phó Chủ nhiệm, Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu
Qúy luôn say sưa truyền đạt kinh nghiệm sáng tác. Nhà thơ luôn mong
mỏi những tác phẩm của hội viên đạt chất lượng. Một tình yêu Trường
Sơn cháy bỏng trong anh luôn mang đến cho chúng tôi sự hào hứng và
trách nhiệm. Phó Chủ nhiệm Phạm Sinh phụ trách công tác hậu cần thật
chu đáo, nhưng giọng hát và tình yêu nghệ thuật của anh cũng thật
tuyệt vời! Tôi nghĩ, chỉ có Trại viết của những người lính Trường Sơn
mới có những con người đầy tâm huyết, cả Ban Chủ nhiệm và các đồng
chí trại viên đều có chung một niềm đam mê, một tình yêu Trường Sơn
cháy bỏng đến vậy! Và tôi tin sẽ có nhiều tác phẩm hay, tâm huyết đang
chờ chúng ta ở phía trước.
Tạm biệt bản làng Thái Hải, nơi có những ngôi nhà sàn xinh xắn
nằm bên những đồi cây xanh thắm, cảnh sắc và con người nơi đây đều
hiền hòa và bình yên đến lạ. Xin cảm ơn bản làng đã cho chúng tôi được
trải nghiệm những ngày thật thú vị, sẽ nhớ mãi những bữa cơm thân
mật và các món ăn mang bản sắc ẩn thực độc đáo, nhớ mãi quán trà
ấm áp, nên thơ bên hồ nước trong xanh thơ mộng, nơi những người
đồng đội có những giây phút ngồi bên nhau thưởng thức vị trà thơm
ngon nổi tiếng của đất Thái Nguyên, cùng nhâm nhi chén trà nóng trong
cái se lạnh của mùa Thu và trao đổi với nhau những tâm sự về tác phẩm
về cuộc sống và có cả những trận cười đến đau cả bụng, bản chất người
lính là vậy! Dù mái tóc đã diểm bạc, nhưng vẫn giữ sự lạc quan yêu đời
và vô tư đến bình thản. Xin tạm biệt những người đồng đội, những
người lính Trường Sơn năm xưa… nay cùng chung một niềm say mê,
chung một tình yêu Trường Sơn. Xin hẹn gặp lại.

                                                                 Đỗ Thu Yên
                                                   Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
 


tin tức liên quan