CHIẾN TRANH VÀ NGƯỜI LÍNH
Truyện Ký: Phạm Huy Liệu
(Viết trước thềm Kỷ niệm ngày thành lập QĐNDVN - 22/12)
Thế là sắp hoàn thành khoá học báo vụ QK3. Giờ đã là những tháng cuối. Nên gấp rút chuẩn bị sát hạch ra trường. Chủ yếu là chương trình thu phát báo. Kết quả được đánh giá chính là thành tích học thông báo (còn gọi là thực hành liên lạc) xem ai phải kiến tập thời gian là bao lâu. Có người kiến tập cả tháng vẫn chưa đảm nhiệm trọn vẹn phiên việc. Trong giấy giới thiệu tôi kiến tập một tuần.
Nhận giấy giới thiệu về tiểu đoàn cao xạ 37 ly của BTL Phòng Không, đóng quân ở Mỗ Lao thị xã Hà Đông, bảo vệ vòng ngoài Hà Nội.
Đến quân lực chỉ xuống gặp tổ đài 15w. Người tôi gặp là đài trưởng Mai Đăng Khoa, nhập ngũ trước tôi 9 tháng, quê Hải Hậu Nam Định. Anh dẫn tôi nhận chỗ nghỉ xong, đưa vào nơi để máy. Cũng là lúc có phiên việc. Bảo tôi mở máy rồi chỉnh máy. Nhìn tôi thao tác nhanh, chính xác đạt công suất tốt, làm anh hài lòng và bảo tiếp tục lên máy gọi đài bạn. Tôi gọi và được đài bạn trả lời đạt công suất QSA4.
Chính vì thấy tôi lần đầu bắt liên lạc đảm bảo phiên việc rất hoàn hảo, nên đài trưởng Mai Đăng Khoa giao ngay cho tôi từ ngày mai phụ trách đài, không phải kiến tập một tuần như giấy giới thiệu.
Tổ đài có ba báo vụ là Lã Xuân Định quê Trung Dương Kiêu Kỵ Gia Lâm Hà Nội - Lê Văn Dy ở Tống Xá Quyết Tiến Phù Cừ Hưng Yên - Nguyễn văn Hưng ở Đông Tân Đông Hưng Thái Bình và quay viên là anh Nhiêm quê Ý Yên Nam Định.
Được khoảng hai tháng thì có lệnh về Phủ Lý Hà Nam đóng quân bên bờ sông nhỏ phía tây thị xã.
Hơn chục ngày sau, có lệnh chuyển tổ đài về D1 cao xạ, đóng quân ở phía nam cầu Lèn. Là tiểu đoàn cơ động số một trực thuộc QK3. Chủ yếu bảo vệ dọc đường Một, từ Ninh Bình đến giáp Nghệ An. Nhiệm vụ chính là phối thuộc cùng E228 bảo vệ cầu Hàm Rồng, cầu Tào, cầu Lèn, phà Ghép, rồi đi bảo vệ pháo bờ biển ở Hoằng Hoá, cửa Hới, Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia.
Một thời gian sau được lệnh về Đông Tân Đông Sơn bảo vệ phía nam cầu Hàm Rồng. Nhà tôi ở, có cô bé nhỏ xinh mới mười ba tuổi. Nhưng rất lạ, chỉ khi nào một mình tôi ngồi trực máy, mới lẻn vào ngồi cùng, rồi áp tai vào một bên tai nghe của máy để cùng nghe tín hiệu tịch tà... còn tỷ tê hỏi đủ chuyện. Nhưng khi có người về là lủi ra ngay.
Lính báo vụ không hiểu sao ai cũng ngủ khiếp ghê. Đặt đồng hồ báo thức phiên 12 giơ đêm, để ngay đầu giường mà nhiều đêm không ai nghe thấy, nên bỏ mất phiên 12 giờ là rất nguy hiểm, vì hay có điện đột xuất.
Tuần này anh Khoa ra QK họp, nên tôi đã bàn với mọi người, muốn không bị mất phiên liên lạc 12 giờ đêm, chỉ còn một cách, là tối không ai được đi tiểu trước khi đi ngủ, để nửa đêm sẽ có người thức dậy, xem đồng hồ, nếu qua 12 giờ thì lấy lại chuông phiên 4 giờ sáng, rồi báo tôi dậy gọi đài canh, xem QK có điện gì cho D1 không.
May quá phiên 12 giờ, vừa mở máy đã nghe trưởng mạng báo có điện “tối khẩn” (TK). Tôi vội vàng trả lời là đã sẵn sàng nhận điện. Trưởng mạng phát một mạch và tôi cũng thu hoàn chỉnh bức điện. Xong xuôi vội vã sang đưa cho anh Phong cơ yếu dịch...
Khoảng 20 phút sau có lệnh cơ động về bảo vệ cầu Lèn gấp.
Tổ đài nhanh chóng thu gọn quân tư trang, máy thu phát, dây anten đưa ra xe gát 51 của D bộ hành quân.
Chúng tôi được bố trí nhà ở ngay sườn núi, cách cầu Lèn khoảng 1km, theo đường chim bay. Tiểu đoàn đóng quân ở bờ nam cầu Lèn.
Khi nhận xong chỗ ở... nơi đây là sườn núi, nên đất đá rắn khó đào hầm máy, mà ở đây đã có sẵn công sự và giao thông hào ngay đầu nhà, nên tôi đặt máy VTD ngay cạnh giường ngủ. Xong xuôi tranh thủ một giấc.
Đang mơ màng thì kẻng báo động. Mọi người bổ chửng dậy... đã nghe tiếng rít của máy bay phản lực, tiếng nổ giòn tan của pháo cao xạ và các hoả lực của dân quân tự vệ.
Cả bầu trời cầu Lèn ầm vang tiếng máy bay, tiếng bom, tiếng rốc két... cùng tiếng nổ của pháo phòng không và dân quân tự vệ ta bắn trả mãnh liệt. Suốt từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều, máy bay không ngừng oanh tạc, nhưng không đạt được như mong đợi của chúng. Kết quả ta bắn rơi tại chỗ hai máy bay, bắn cháy nhiều chiếc khác và giữ nguyên vẹn cây cầu.
Theo nhận định của cấp trên ngày mai máy bay Mỹ sẽ đánh báo thù dữ dội hơn hôm nay. Lệnh yêu cầu các đại đội củng cố trận địa ngay trong đêm.
Quả đúng như nhận định. Mới lờ mờ sáng hôm sau, mặt trời còn ngái ngủ, thì từng đàn... từng đàn đủ loại máy bay phản lực như thần sấm F105, F100, F8, A4, rồi con ma F4H... bổ nhào tấn công tất cả các trận địa ta bằng mọi hướng, nên quay nòng pháo hướng nào cũng có máy bay... Một số ít tấn công ở tầm thấp, còn đa phần ở độ cao 4 - 5 km, quá tầm khống chế của pháo 37 ly.
Từ tít trên cao chúng quan sát các trận địa pháo, theo ánh chớp đầu nòng của quả đạn, rồi giội bom, phóng rốc két, tên lửa xuống như mưa hòng huỷ diệt các trận địa pháo của ta.
Đến gần trưa anh Phong đưa cho tôi bức điện "Tối Khẩn", bảo bằng mọi giá phải chuyển ngay. Tôi gọi hai người vào quay máy phát điện, rồi yêu cầu đài canh báo trưởng mạng nhận điện "Tối Khẩn" nhưng được đài canh trả lời trưởng mạng đang bận phải chờ. Như thế này thì gay go to rồi. Nên bảo hai người ra hầm trú ẩn để nghĩ cách...
Tôi mở máy thu tìm trưởng mạng, thì một loạt bom nổ ngay cuối dẫy nhà. Mảnh bom, đất, cát bay rào rào... Với phản xạ tự nhiên tôi ôm chặt máy thu phát báo. Khi hết tiếng bom, kiểm tra không sao, lại tiếp tục dò tìm đài trưởng mạng và rất may là trưởng mạng đang phát điện, ( Bởi các báo vụ viên chỉ nghe tiếng gõ ma níp tịch tà cũng đoán được tính nết, tác phong, tình cảm của báo vụ viên. Nên khi nghe, tín hiệu đã đoán ngay là trưởng mạng, đang chuyển điện cho E228 Hàm Rồng. Tôi nẩy ra ý táo bạo, ngoài chương trình đã học, là chỉnh máy phát, đặt sóng đè lên sóng trưởng mạng, làm nhiễu phá sóng.
Vội gọi hai người vào quay tiếp, để chèn sóng trưởng mạng, làm mạng viên bị nhiễu, không thu được, phải yêu cầu trưởng mạng dịch sóng ra khỏi chỗ nhiễu, như vậy là trưởng mạng sẽ làm thủ tục chuyển dịch sóng, rồi để mạng viên gọi lại, báo đã được chưa mới tiếp tục phát tiếp. Chỉ chờ có thế, tôi vội mở máy thu tìm về khu vực tần số của mạng viên, thì thấy đang gọi tên trưởng mạng. (Vì thủ tục mạng viên phải gọi tên trưởng mạng ba lần, nên kịp nhận ra mạng viên). Quá may mắn, vội chỉnh máy phát, cho đè sóng của tôi lên sóng mạng viên và liên tục réo gọi trưởng mạng là D1 có điện “Tối Khẩn”.
Với cách xử lý ngoài sách vở, để đạt mục đích cuối cùng (chắc chưa từng có đài 15w nào của quân đội ta dám làm như vậy), bằng mọi giá phải chuyển được bức điện “Tối Khẩn”.
Trưởng mạng bị tôi làm nhiễu, không thu được điện của E228 Hàm Rồng, biết tôi cố tình yêu cầu nhận điện của D1, ưu tiên ba, nhưng là điện “Tối Khẩn”...(sau cả E250 đang bảo vệ nhà máy dệt Nam Định), nên phải đồng ý cho tôi phát điện, và yêu cầu E228 “ZMO” tạm dừng ít phút. Chỉ chờ có thế, tôi bảo quay viên hãy cố quay mạnh lên một chút, và thật đều tay cho ra tín hiệu tốt nhất để trưởng mạng thu... Thế là tôi phát một mạch, hết bức điện. May mà trưởng mạng cũng thu trọn vẹn, không phải hỏi lại nhón điện nào. Tôi thở phào nhẹ nhõm, và tự hào mình đã làm được một việc không tưởng. Rồi bảo hai người ra hầm trú ẩn, còn tôi ở lại tiếp tục mở đài canh, xem có bức điện nào gửi cho D1 không. Sau này được biết nội dung của bức điên: (Cơ số đạn sắp hết. Yêu cầu QK cấp đạn cho D1 để tiếp tục chiến đấu).
Máy bay Mỹ vẫn tiếp tục đánh phá không ngừng. Đứng ở trên sườn núi nhìn xuống trận địa pháo, khói bay mù mịt. Mỗi lần có máy bay lao vào, là nhìn rõ ánh chớp đầu nòng của các khẩu pháo, cũng nhìn rõ từng tốp máy bay ở tầm cao phóng rốc két, tên lửa, chủ yếu nhắm vào trận địa pháo 57 và pháo 100 ly mà thấy thương các đồng đội!
Riêng đại đội pháo 57 của D1, đến chiều không còn đủ người chiến đấu... Phải gọi D bộ xuống hỗ trợ. Cũng từ sau trận này, D1 không còn đại đội pháo 57ly nữa.
Đây là trận chiến khốc liêt nhất, mà đời lính của tôi trực tiếp tham gia, với cương vị giữ thông liên lạc cho trận đánh. Hình ảnh máy bay Mỹ từng tốp, từng tốp, đủ loại, bay trắng bầu trời cầu Lèn, bom, rốc két, tên lửa, như mưa giội lên đầu đồng đội!
Biết bao kỷ niệm của một thời chiến đấu ác liệt với không lực Hoa Kỳ. Cũng là trận chiến có một không hai trên đời mà tôi tham gia, rồi tận mắt nhìn thấy, không bao giờ phai mờ trong tâm trí. Dù có viết hàng trăm câu chuyện, hàng nghìn bài thơ cũng không ca ngợi hết sự gian khổ,ác liệt, hi sinh chiến đấu anh dũng, kiên cường, của những người chiến sĩ pháo cao xạ. Nó ám ảnh tôi suốt cuộc đời. Trong những giấc mơ vẫn luôn ùa về, nhìn thấy từng tốp, từng tốp, máy bay, bay trắng bầu trời. Cái thấp cái cao, to nhỏ đủ loại... Thôi thúc tôi cầm bút ghi lại những gì mình đã trải qua, đã từng chứng kiến. Để nhắn gửi con cháu sau này, hình dung phần nào, sự hi sinh của cha ông, mà trân trọng và đừng bao giờ quên quá khứ!…
Phạm Huy Liệu
Hội viên hội Trường Sơn tỉnh Hải Dương
ĐT: 0988.252.935