QUÊ HƯƠNG - Truyện ký: Phạm Huy Liệu

Ngày đăng: 10:01 01/12/2023 Lượt xem: 140
QUÊ HƯƠNG

Truyện ký:  Phạm Huy Liệu

     Chia tay các anh trạm 5 Quảng Bình, lòng thấy bịn rịn và lưu luyến. Mọi người đi trên sườn Đông Trường Sơn… Ôi Tổ Quốc muôn vàn kính yêu. Những đứa con hoàn thành nhiệm vụ, trở về đất mẹ Việt Nam rồi đây. Nhìn quê hương từ trên cao mà thấy lòng bồi hồi đến lạ…

        Khi ra khỏi cánh rừng già, nhìn tít mờ xa phía trước là đồi núi thấp dần... Đúng là sườn Đông khác hẳn với sườn Tây Trường Sơn, bởi sự cằn cỗi, sỏi đá, toàn cây cối lúp xúp, mọc đầy gai góc, thấp lè tè, vì đất màu đã bị trôi ra biển hết. Chỉ còn trơ trọi những tảng đá, cùng bao nhiêu viên sỏi lớn nhỏ rải rác khắp nơi. Đi trên sườn núi không cẩn thận mà trượt chân, có khi lăn xuống vực...
      Hôm sau đã thấy thấp thoáng nhà sàn của dân ẩn hiện trong thung lũng. Đoàn theo giao liên đi tắt xuống đồng bằng cho đỡ vất vả.

     Lại nói khi ra Bắc tôi có đem theo một chiếc mũ sắt của sĩ quan trung cấp bộ đội cao xạ, trông rất đẹp để làm kỷ niệm. Nhưng khi vào nhà dân nghỉ, thì một ông già mà ở đây gọi là bọ, rất quý chúng tôi. Bọ nghèo nhưng tình cảm thì vô cùng chan chứa… có ít sắn cũng luộc cho bộ đội ăn. Nói chung chả tiếc thứ gì. Thấy bọ cứ ngắm cái mũ sắt rồi khen đẹp, nên tôi đã tặng bọ chiếc mũ mang từ Trường Sơn ra.
     Cứ thế hành quân cuốc bộ từ Quảng Bình qua Hà Tĩnh, Nghệ An rồi Thanh Hoá. Chỉ ngày mai là đến Ninh Bình, vào viện 5 của quân đội nghỉ ngơi, khám sức khỏe, rồi phân loại thương bệnh binh, để đưa về các đoàn an dưỡng.

     Chúng tôi lên xe về Đoàn 251, QK3 đóng quân ở Triều Dương, Tiên Lữ, Hưng Yên.
     Được hơn tuần thì về Quốc Trị, Tiên Lữ. Đây là đại đội an dưỡng, chờ phân loại sức khỏe thương bệnh binh. Ai không đủ sức khỏe phục vụ trong quân đội, cho về phục viên xuất ngũ. Ai bị thương thì chuẩn bị hồ sơ để giám định thương tật. Sau khi khám thương xong, sẽ ưu tiên cho làm đơn đi học các trường chuyên nghiệp, theo trình độ văn hoá khai trong lý lịch.

     Về Quốc Trị gần một tháng thì tôi lên cơn sốt, giống như sốt rét, sáng hôm sau đơn vị cho xuống quân y tiểu đoàn, điều trị một tuần ở Cương Chính, Tiên Lữ, nơi Tiểu đoàn bộ (D3) đóng quân, nhưng không tìm ra nguyên nhân bệnh do đâu. Đoán là sốt rét, nên khi anh trai tôi làm Trưởng ban hành chính E2, tỉnh đội Hải Hưng đến thăm; đưa cho mấy bịch thuốc sốt rét (NiVaQuin). Tôi uống liên tục 3 tháng đều đặn nên từ đó không bị sốt lại nữa.

     Tháng 3, đoàn 251 trả quân hàm thượng sĩ cho tôi, vì tất cả đều được lên một cấp. Đơn vị đóng quân ở Thiện Phiến, Tiên Lữ. Tôi được giao làm B phó. Cũng là lúc ai làm đơn đi học các trường trung cấp, đại học đều chuyển về D4, đoàn 251 đóng quân ở Khoái Châu, Hưng Yên (gần Bô Thời).
     Thế là chúng tôi bảo nhau tự ôn chương trình phổ thông mà mình đã học. Về D4 chờ học tôi vẫn làm B phó…

     Bác chủ nhà thấy chúng tôi là lính an dưỡng mới đến, nhưng không chơi bời lang thang hay tán tỉnh như một số đã đến ở nhà bác trước đây… rõ là lạ. Mấy hôm sau có chè ngon pha nước, bác gọi vào ngồi uống nước rồi tâm sự. Bởi nhà bác cũng có cô con gái khá xinh, lại ngoan hiền mà chẳng anh nào tán tỉnh, càng khó hiểu hơn… Tôi thưa với bác là chúng cháu về đây chờ đi học, các trường trung cấp và đại học bác ạ. Từ hôm ấy bác càng quý chúng tôi hơn. Luôn mua chè ngon pha nước gọi tôi, Hoà, Tạo… cùng uống. Bác có quyển bói Tử Vi gốc của Tầu cũng đưa cho xem. Tôi, Hoà thấy hay nên đã chép vào sổ, để xem thử cho người thân.

      Thế rồi chúng tôi nhận thông báo có 45 người của đoàn 251, QK3 được gọi đi học lớp dự bị Đại Học Y Khoa (học thêm văn hoá một năm). Nếu ai đủ tiêu chuẩn học lực, mới được vào đại học. Sau lại có 50 người gọi đi học lớp Trung cấp Chăn nuôi thuộc Bộ Nông trường. Khi nghe thông báo cả 50 người đều phản đối kịch liệt rồi tuyên bố, dứt khoát không đi học. Muốn ra sao thì ra…

     Cùng thời điểm đó Đài Tiếng Nói Việt Nam thông báo sức khoẻ Bác Hồ diễn biến khó lường. Yêu cầu toàn dân, toàn quân, hãy theo dõi thường xuyên trên đài Tiếng Nói Việt Nam.
     Cái gì đến thì rồi cũng đến. Sáng sớm Đài Tiếng Nói Việt Nam thông báo: "Bác Hồ đã trút hơi thở cuối cùng, về với thế giới người hiền". Cả nước như chùng xuống. Bầu trời mây đen xám xịt, thấy thấp hơn, chắc để nhìn thấu nỗi buồn của con dân nước Việt. Chúng tôi nghẹn ngào thương Bác vô ngần. Rồi sau đây ai thay Bác lãnh đạo toàn quân, toàn dân đánh tan Mỹ ngụy, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, như Bác hằng mong muốn...

     Một tuần tang Bác vừa xong, thì có giấy gọi 50 đồng chí đi học lớp Trung cấp Chăn nuôi của Bộ Nông trường. Nhận quyết định thấy thật lạ lùng. Năm mươi người khi nhận thông báo đi học, thì phản đối rầm rộ; vậy mà mai nhập học, lại im như thóc, thế mới lạ làm sao. Thì ra cái uy và lòng kính trọng của người lính với Bác Hồ, nên đã sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ gì Đảng Bác giao phó.
    Bốn mươi lăm người dự bị Đại học Y chúng tôi vẫn phải chờ. Nghe tin giữa Bộ Đại học và Bộ Quốc phòng có quan điểm trái ngược nhau. Bộ Đại học yêu cầu phải thi tuyển. Còn bộ Quốc phòng, bác Giáp giải thích, là bộ đội vào Nam chiến đấu có người gần chục năm, nên kiến thức không thể nắm vững như học sinh được. Vậy cứ theo trình độ văn hoá trong lý lịch quân nhân, rồi bồi dưỡng thêm để theo học các trường, cho đỡ thiệt thòi. Vì bao năm đã hi sinh xương máu nơi chiến trường...

     Đợi mãi càng lo nhiều hơn. Thế rồi có lệnh giải tán đoàn 251 QK3 để về các tỉnh, vì thương bệnh binh ra ngày càng nhiều. Hải Hưng có 12 người chúng tôi được gửi về đoàn 155, đóng quân ở Kẻ Sặt, Bình Giang. Vì là quân chờ học, nên Đại Tá Phạm Vát gửi chúng tôi về D3, đóng quân ở đình Đậu, Trà Phương, Ân Thi, Hưng Yên. Tiểu đội 12 người, tôi Phạm Huy Liệu - Quang Minh Gia Lộc làm A trưởng. Nguyễn Hữu Hoà - quê An Khải - Bắc Sơn Ân Thi, Nguyễn Quang Tạo - Tiền Phong Ân Thi… Đến đầu năm 1970, lên Bộ hỏi, thì họ trả lời vì tang Bác, muộn rồi không tổ chức khoá học nữa, khi nào khai giảng, sẽ thông báo sau..
     Thế coi như là dấu chấm hết cho 45 đứa chúng tôi. Thật sự quá buồn, đối với loạt thương bệnh binh đầu tiên, của chiến trường, ra Bắc an dưỡng…

     Tiểu đội bị điều động mỗi người một nơi. Chỉ còn lại mình tôi A trưởng, không có lính.
      Thời gian này Tiểu đoàn hay gọi tôi lên viết những tài liệu vào sổ sách cho Tiểu đoàn, bởi chữ báo vụ của tôi viết trông cũng dễ coi...
     Cuối tháng bẩy, tôi có quyết định về làm cán sự Huyện đội, nên được quân nhu ưu tiên phát cho bộ ka ki Liên Xô; còn mọi người đều quân phục vải chéo Triều Tiên, xấu nhất trong các loại quân phục thời đó.
     Tưởng đã được an bài, nào ngờ sáng hôm sau, ba lô gọn gàng, rồi lên Đại đội nhận quyết định, thì được báo hoãn, vì có lệnh giảm biên chế. Thế là tiu nghỉu, trở lại nhà dân ở xã Hồ Tùng Mậu, Ân Thi, nơi vừa chào từ biệt sáng nay xong...

     Nghe tin chuẩn bị có đợt ra quân đông, nên tôi bàn với Hoà, hiện nay Tiểu đoàn có đợt đi xây dựng cảng quân sự ở chùa Vẽ Hải Phòng, hai thằng đăng ký đi cho vui...
     Đơn vị đóng quân giáp đò Cậy, Bình Giang, chờ ngày xuống cảng. Cũng gần Quốc Khánh 2/9, nên cho về nghỉ tranh thủ mấy hôm, rồi sẽ lên đường. Sáng mồng ba, được thông báo hoãn... Kiểu này phải về phục viên chứ chả chơi.
     Đang nằm dài than thở với Hoà, sao số hai đứa mình hẩm hiu thế, thì nhận quyết định về tỉnh đội Hải Hưng làm Đài trưởng 15w. Thấy lòng bồn chồn khó tả... Trưa hôm sau khoác ba lô chào đồng đội, chào gia đình, đến bến đò để ra quốc lộ 5. Khi lên đò vẫn thấy Hoà đứng trên bờ, mà thương Hoà đến quặn lòng...

     Lên đò tôi đi thẳng ra đường Năm rẽ hướng Hải Dương thẳng tiến. Chỉ hơn chục cây số nữa là đến tỉnh đội, sẽ được gặp những đồng đội mới, những báo vụ viên của tổ Đài, lại ngồi bên máy 15w, gõ ma níp tịch tà, cùng mọi người hát tiếp bản hùng ca: “KHÚC QUÂN HÀNH”…


Phạm Huy Liệu
Hội viên Hội Trường Sơn tỉnh Hải Dương


tin tức liên quan