"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (1)

Ngày đăng: 08:06 07/02/2024 Lượt xem: 123
------------------------
 
       Ban Biên tập Trường Sơn vừa nhận được chuỗi Hồi ký mang tên:“Huyền thoại một con đường” của tác giả Hoàng Văn Kính, Hội viên Hội VHNT Trường Sơn, Công tác viên Trang Thông tin và bản tin Trường Sơn. Nguyên Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 33 Anh hùng, Binh trạm 14. Một chuỗi hồi ký mà những người làm công tác Biên tập chúng tôi gọi là “Đúng tầm”, nó được hình thành từ những sự kiện thực tế kiêu hùng của bộ đội Trường Sơn Anh hùng mà có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới tỏ tường, ấp ủ và ghi nhớ…
32 Chương của chuỗi Hồi ký này sẽ được Báo Điện tử Trường Sơn lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc.
       Huyền thoại Trường Sơn là đề tài vô tận… Hy vọng chuỗi Hồi ký này sẽ góp phần nhỏ bé cho mỗi cán bộ chiến sỹ bộ đội, Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến… - Những người đã đồng lòng chung sức và hy sinh xương máu để có một Trường Sơn huyền thoại chúng ta được hiểu thêm về Trường Sơn, hiểu thêm về một trận mạc thời của chính mình. Và một hy vọng lớn hơn nhiều nhiều – đó là mỗi chúng ta hãy cùng nhau vào cuộc, lần trong ký ức của mình để có thêm những chuỗi Hồi ký, những bài viết, những câu chuyện góp phần làm dày thêm những trang sử chói lọi của Trường Sơn Anh hùng.

       Chuỗi Hồi ký này được đăng tải trong Chuyên mục "Ký ức còn mãi" của Báo Điện tử Trường Sơn.
 
Ban Biên tập Trường Sơn xin trân trọng!
 
 
HUYỀN THOẠI MỘT CON ĐƯỜNG
(Hồi ký đánh Mỹ trên đường Trường Sơn)

         Lời nói đầu của tác giả:
        Hướng tới kỉ niệm 65 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường (19/5/1959 – 19/5/2024) xin mời anh chị em đồng đội cùng sống lại với kí ức một thời đánh Mỹ trên con đường huyền thoại qua những trích đoạn trong hồi ức: “Huyền thoại một con đường” của tôi - Hoàng Văn Kính – một người lính Trường Sơn từng có mặt từ những ngày đầu tiên mở đường đường 20-Quyết thắng cho đến tháng 8 năm 1974 với cương vị Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 33 Anh hùng, Binh trạm 14.
       32 chương hồi ký, mỗi chương là một câu chuyện kể lại quãng thời gian sống và chiến đấu trong suốt chiều dài của con Đường 20 huyền thoại. Có vui, có buồn, cả chuyện tếu táo của những người lính trẻ nhưng trên tất cả là tinh thần chiến đấu quả cảm, sự thông minh sáng tạo và ý chí quyết chiến quyết thắng ngày đêm kiên cường bám trụ ở một trong những cung đường máy bay Mỹ ngày đêm đánh phá ác liệt nhất trên tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh. Mỗi mét đường được khai thông, mỗi chuyến xe đưa hàng vào tới đích là một kỳ công, một kỳ tích mang trong đó là sự hy sinh to lớn, là công lao của tất cả các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh. 
Hoàng Văn Kính      
   Chương I:
ĐƯỜNG XUYÊN MÂY
 
        Đầu tháng 1 năm 1966 dơn vị chúng tôi được điều động từ làng Ho thuộc huyện Lệ Thủy về Phong Nha Quảng Bình tham gia mở đường 20-Quyết thắng.
       Chiến trường đòi hỏi sự chi viện ngày càng lớn hơn, nhiều hơn và khẩn trương hơn. Thay vì chỉ có 1 cửa khẩu duy nhất đường 12A qua các trọng điểm Khe Ve, Cổng Trời, Mụ Giạ…bị địch khống chế. Vào mùa mưa, lũ về ngập trắng Xeng Phan biến nơi đây thành 1 túi nước. Ngập úng, sình lầy làm ách tắc giao thông kéo dài. Trước tình hình đó, Bộ chính trị đã quyết định mở thêm tuyến đường mới để phá thế độc đạo của đường 12A, rút ngắn cự li vận chuyển từ phía Bắc xuống đường 9.
        Một quyết định kịp thời, sáng suốt và táo bạo của Đảng ta.
       17 giờ ngày 21-01-1966, loạt bộc phá đầu tiên khai hỏa mở màn chiến dịch “ Chọc thủng Trường-Sơn, mở đường thắng lợi”. Với một lực lượng hùng hậu gồm: 2 Trung đoàn bộ binh số 10 và số 41, Tổng đội Thanh niên xung phong số 25 với hàng vạn nam, nữ thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi của các Tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà nam, Ninh Bình. Sau 77 ngày đêm lao động khẩn trương với 519.280 ngày công, đào đắp 915.913m3 đất đá. Ngày 14-4-1966, 2 mũi thi công từ phía trong ra và từ phía ngoài vào cùng với một lực lượng “ nhảy dù” vào giữa đánh sang 2 bên đã hội tụ  trên đỉnh Trường-Sơn tại Km 65 và tới ngày 5-5-1966 một đoàn xe 14 chiếc chở đầy gạo chính thức khai thông tuyến đường.
       Đường 20-Quyết thắng con đường của tuổi trẻ, của ý chí và quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ có chiều dài 125Km như một sợi chỉ đỏ từ Đông sang Tây vắt qua đỉnh Trường-Sơn. Điểm xuất phát từ Phong-Nha Quảng-Bình nối với đường 128B tại ngã ba Lùm Bùm thuộc Huyện Bu-La-Pha, Tỉnh Khăm Muôn (Lào).
    Tuổi trẻ khát khao dâng hiến, chỉ với hai bàn tay, một ý chí thép cùng với cái cuốc, lưỡi xẻng, búa, xà beng và thuốc nổ đã làm nên một kì tích “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước ”. Để ghi nhận sự hy sinh, cống hiến đó, từ năm 1967 con đường được mang tên: Đường 20 Quyết Thắng.
Trong số 125 Km đường, có tới gần 40 cây số đi chênh vênh trên lưng chừng núi đá. Nhiều đoạn hẹp chỉ vừa đủ cho bánh xe lăn. Đoạn qua dốc Ba-thang phải xẻ đôi cả một dẫy núi. Hàng trăm m3 đá hộc qua vai nam, nữ thanh niên xung phong đổ xuống dòng nước chảy xiết của sông Trạ Ang, Cà-roòng, A-ki, Ta-lê…để tạo ra những đoạn đường ngầm chạy dưới mặt nước. Hàng chục quả đồi đất, đá gan gà nối tiếp nhau, được bàn tay nam, nữ TNXP đu mình, xẻ núi từ trên đỉnh xuống với vách taluy dương dựng đứng cao hàng chục mét, một bên là vực sâu hun hút nhìn xuống là thấy hoa mắt, chóng mặt. Nhiều đoạn uốn lượn, vắt vẻo trên đỉnh Trường Sơn, mây giăng trắng xóa, giữa mùa khô phải đến 10h mới thấy mặt trời, lúc thì lạnh như cắt da thịt, khi thì nóng như lửa nung…
          Đi xuyên qua rừng nguyên sinh. Muỗi, vắt nhiều vô số kể, rình rập, len lỏi cả vào trong giấc ngủ. Sốt rét rừng “ mắt trắng, môi thâm” ghẻ lở, đói khát, thiếu thốn trăm bề, hành hạ bào mòn dần sức lực. Tất cả như đã đến giới hạn cuối cùng của sức chịu đựng. Chỉ có một thứ duy nhất không nao núng là ý chí và nghị lực phi thường của con người. Càng được thử thách, càng thể hiện rõ sự vững vàng, kiên cường không thể khuất phục.
          Ngay từ khi con đường được khai thông và đưa vào sử dụng, với vai trò và vị trí chiến lược của nó, đế quốc Mĩ đã không từ một thủ đoạn nào đánh phá, ngăn chặn sự vận chuyển của ta.
          Các loại phương tiện chiến tranh hiện đaị nhất ở thời điểm đó ( trừ bom nguyên tử ) như: Máy bay phản lực Thần sấm, Con ma, AC130, OV10 đến B52…thường xuyên túc trực không ngớt gầm rú. Chúng đã thi thố mọi hình thức đánh phá như: đánh bom rải thảm, đánh tọa độ, chỉ thị mục tiêu bằng đạn khói, bổ nhào cắt bom, bắn rốc két…cả ngày và đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Tất cả các các loại bom thông thường như: bom phá, bom phát quang, bom nổ chậm, bom cháy, bom lân tinh, bom bi đến các loại thông minh như bom từ trường, bom lazes, tên lửa, cây nhiệt đới…Các loại mìn cóc, mìn bướm, mìn lá, mìn dây…đều đã được đem ra sử dụng. Sự sống dọc con đường bị hủy diệt bởi hàng ngàn lít chất độc Đioxin, cây cỏ chết khô, đất đá và nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
          Trên dọc tuyến đường, có hàng chục vị trí xung yếu trở thành trọng điểm, là những “túi bom”, “ tọa độ lửa” địch tập trung đánh phá. Đấy là những nơi ác liệt nhất,  nơi ta phải chịu nhiều tổn thất nhât, đồng thời cũng là nơi bộ đội và TNXP… đã thể hiện rõ nhất chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng.
          Những địa danh nổi tiếng: Trạ Ang, ngầm Cà-roòng, ngầm A-ki, Chà-là, hệ thống trọng điểm liên hoàn ATP ( cua chữ A, ngầm Ta-lê, đèo Phu-la-nhích) đã thành huyền thoại bất tử. Riêng tại cua chữ A, địch đã đánh phá 3.020 trận. Ngầm ta-lê và đèo Phu-la-nhích dài 5Km đã bị đánh 10.000 lần. Cũng tại đây, AHLLVT Nguyễn Thị Vân Liệu và Anh hùng Vũ Tiến Đề đã lập nhiều chiến công xuất sắc, là biểu tượng của một thế hệ thanh niên chống Mĩ cứu nước. Có những thời điểm ở mùa khô 1971-1972, trong nhiều đêm liền bộ đội ta cả nam và nữ phải thay phiên nhau dầm mình dưới dòng nước lạnh buốt làm 2 hàng cọc tiêu sống chỉ dẫn cho xe qua ngầm trong tiếng gầm rú của máy bay địch, phía trên là pháo sáng trắng trời. Tại Trạ Ang chỉ với chiều dài 5 Km có thời điểm địch đánh phá lên tục 87 ngày đêm, gây tắc đương kéo dài. Ta phải dùng sức người chuyển tải xăng. Chỉ riêng 2 ngày cuối tháng 9/1968 để đưa được 30 phuy xăng sang sông đã có 29 cán bộ chiến sỹ hy sinh. Máu hòa với xăng thành biển lửa rực cháy trên mặt sông. Ngày 14/11/1972, tại Km 16,5, tám đội viên TNXP tuổi mười tám đôi mươi đã bị bom Mĩ chôn sống trong hang đá. Để tri ân các anh chị, nơi đây đã lập miếu thờ, trở thành địa danh linh thiêng  “Hang 8 cô”…
          Đây là cuộc đối đầu bằng cả ý chí, nghị lực, lòng quả cảm và sự thông minh, sáng tạo. Để phá thế hiểm của ngầm Ta-lê, ta đã mở thêm ngầm B, ngầm C. Bí mật bắc 2 cầu treo bằng dây cáp, dấu kín dưới tán lá cây, cứ đêm đến mới lao dầm ghép mặt cầu. Mở đường kín 20B dài 9 Km vòng tránh cua chữ A. Đường kín 20C dài 31 Km vòng tránh cả hệ thống trọng điểm ATP. Khi đường kín bị phát hiện ta lại mở đường tránh 20D dài 22 Km. Đến đầu năm 1969 mở tiếp đường tránh 20E dài 15Km.
          Bất lực trước “ Thiên la, địa võng” đường tránh qua trọng điểm liên hoàn ATP. Mùa khô 1971-1972 địch tập trung đánh trọng điểm Chà-là. Suốt 90 ngày đêm ( từ 10/10/1970 đến 10/1/1971) chúng đã huy động cả ngàn lần chiếc cường kích và 880 lần B52 trút xuống trọng điểm này hàng vạn tấn bom mìn hỗn hợp. Đối phó lại, ta mở đường tránh QZ25 phá thế độc đạo của “chảo lửa” này.
         Chống lại thủ đoạn đánh phá của AC130 chuyên săn lùng  xe bằng tia hồng ngoại, bắn đạn cối “xuyên thùng” ở những cung đường bằng phẳng, ta thực hiện phương châm  “Nhất tốc, nhì thông, tam vòng, tứ tránh”, mở rộng, làm phẳng mặt đường, tăng tốc độ xe chạy. Cùng với đó là 22 Km đường K ( đường kín) được ngụy trang cẩn thận, đi dưới tán rừng già cho xe chạy cả ban ngày.
         Rút kinh nghiệm sau mùa vận chuyển 1968-1969,  các đơn vị của Tiểu đoàn 33 công binh đã chuyển toàn bộ lực lượng ra áp sát mặt mặt đường. Cả 3 Trung đội của Đại đội 3 đóng quân chỉ cách trọng điểm ngầm Ta-lê, đèo Phu-la-nhích khoảng 200m. Một hệ thống hầm chữ A, hầm xương cá  kiên cố được làm ngay tại các trọng điểm, lực lượng chốt giữ có mặt thường xuyên 24/24 tiếng. Cứ 20-30m lại có 1 hầm trú ẩn. Có đêm ( đầu năm 1973) lực lượng tại chỗ đã ứng cứu hơn 40 chiếc xe cháy trong sự đánh phá điên cuồng của máy bay Mĩ. Nhờ có giải pháp này mà mọi sự cố xẩy ra như: tắc đường, bom mìn, san lấp hố bom, giải cứu xe hàng, cứu chữa thương binh dù ngày hay đêm đều được sử lí kịp thời.
         Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 33 có sáng kiến tạo ra lớp mây nhân tạo bằng vật liệu tại chỗ phủ kín ngầm Ta-lê đã vô hiệu hóa thành công bom Lazes. AHLLVT Nguyễn Thị Vân Liệu có sáng kiến phá bom nổ chậm bằng cách đào hố đặt thuốc nổ phía dưới thân quả bom, khi bộc phá nổ hất quả bom lên cao, đồng thời kích bom nổ bảo đảm an toàn cho mặt đường. Tổng đội 25 TNXP có sáng kiến chống lầy bằng “Rong đanh” thay vì bằng đá trong thời kì đầu thông tuyến. Nắm vững quy luật đánh phá của địch có nhiều thời điểm ta tổ chức cho xe chạy cả ban ngày. Trong những giây phút hiểm nguy, Anh hùng LLVTND Khúc Văn Lượng đã tự nguyện cho xe lao qua bãi bom từ trường, kích thích cho bom nổ để thông tuyến. Anh hùng Kim Ngọc Quảng bất chấp bom đạn, chạy lấn sáng, lấn chiều vượt cung tăng chuyến trở thành cánh chim đầu đàn trên tuyến vận tải…
         Từ chỗ chỉ là một con đương đơn tuyến với 125Km, đến cuối cuộc chiến tranh đường 20-Quyết thắng đã trở thành một  “Trận đồ bát quái” với tổng chiều dài 260 Km. Một thế trận vững chắc, hoàn toàn chủ động để ta đưa hàng vào Nam, làm phá sản mọi thủ đoạn đánh phá của địch.
         Không thể đong đếm hết được những tổn thất và sự hy sinh to lớn của bộ đội, TNXP…đã mở và ngày đêm bám trụ giữ vững con đường, chăm chút cho từng chuyến xe qua. Những câu khẩu hiệu: “ Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”,  “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để chiến thắng”, “ Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”…đã trở thành lẽ sống của tuổi trẻ, là nguồn cổ vũ tinh thần, tạo thành sức mạnh to lớn góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta.
----------------------------------------------------------
         *Có sử dụng tư liệu của đồng nghiêp.

(Còn nữa)
tin tức liên quan