Trong lịch sử văn nghệ cách mạng, Nguyễn Đình Thi là một dấu ấn khó phai mờ. Tên ông đã được đặt tên cho đường ven Hồ Tây (Hà Nội). Con đường kéo dài để rồi gặp đường Văn Cao chạy xuống tạo thành một đỉnh tứ giác. Có lẽ cái sự sắp đặt góc phố như ngẫu nhiên ấy lại khiến ta liên tưởng đến hình ảnh giữa "gia đình văn nghệ" quần tụ tới bốn thế hệ, Nguyễn Đình Thi sừng sững như một cây đại thụ.

Vào đầu thế kỷ trước, không ít thương gia Hà Nội chọn nước bạn Lào làm nơi lập nghiệp. Thân sinh của Nguyễn Đình Thi cũng vậy. Tuy ở làng Vũ Thạch (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) nhưng ông lại đem gia đình sang làm ăn ở Luang Prabang (Lào). Nguyễn Đình Thi được sinh ra ở đó ngày 20-12-1924, tuổi Giáp Tý. Song ở Lào cũng chỉ được vài năm, gia đình Nguyễn Đình Thi trở về Hà Nội và lập nghiệp tại Hải Phòng.

Ngôi trường Bonnal (nay là Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng) là nơi giáo dưỡng đầu đời hai bậc tài danh Văn Cao và Nguyễn Đình Thi như một "cặp bài trùng" trong lịch sử văn nghệ cách mạng. Họ cùng trưởng thành và bắt đầu bằng những bài hát viết cho Đoàn hướng đạo. Khi Nguyễn Đình Thi lên Hà Nội học ở Trường Bưởi thì Văn Cao cũng về Thủ đô học dự thính Trường Mỹ thuật Đông Dương. Rồi định mệnh lại cuốn họ vào hoạt động cách mạng với sự chỉ đạo của đồng chí Vũ Quý, cán bộ cách mạng của Việt Minh.

Ngoài cùng hoạt động trong Đội danh dự với Văn Cao, Nguyễn Đình Thi còn hoạt động văn hóa cứu quốc. Hoạt động này của ông rất bí mật nên Văn Cao không biết. Cũng do hoạt động này, Nguyễn Đình Thi bị bắt và phải nhờ tới sự giúp đỡ của luật sư Nguyễn Mạnh Tường thì mới được thả. Dù hoạt động ở Đội danh dự (thực chất là đội ám sát Việt gian phản động, thực dân phát xít), nhưng công việc đầu tiên mà Nguyễn Đình Thi và Văn Cao được giao cuối năm 1944 là viết bài hát cách mạng. Nguyễn Đình Thi viết “Diệt phát xít” hào sảng. Văn Cao thì cụ thể hơn là viết hành khúc cho đội quân Việt Minh vừa thành lập. Và “Tiến quân ca” ra đời, được chọn là bài ca chính thức của Mặt trận Việt Minh, rồi trở thành Quốc ca Việt Nam đến nay. Còn "Diệt phát xít" của Nguyễn Đình Thi thì ngày 7-9-1945 lại được sử dụng làm nhạc hiệu cùng với lời xướng: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, mở đầu các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam từ thời đó đến mãi sau này.

Nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Ảnh tư liệu 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nguyễn Đình Thi cùng Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Như Phong làm Tạp chí Tiên phong và có nhiều bài viết về văn nghệ với cuộc chiến đấu của dân tộc. Sau đó, ông làm Chủ tịch Đoàn Văn nghệ Bắc Bộ rồi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội ở Hải Phòng và trở thành đại biểu Quốc hội khóa I trẻ nhất (22 tuổi).

Toàn quốc kháng chiến, Nguyễn Đình Thi tham gia hoạt động tại Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) cùng anh em văn hóa cứu quốc nhưng vẫn theo dõi tình hình chiến sự Hà Nội. Lúc này đã sang năm 1947 dương lịch và sắp Tết Nguyên đán Đinh Hợi, Nguyễn Đình Thi được anh em Báo Cứu quốc gợi ý viết một cái gì văn nghệ cho số Tết kháng chiến đầu tiên. Một chiều, đi qua ngôi nhà ở nông thôn, nơi có người Hà Nội tản cư tá túc mà lại còn kê được cả một cây piano tủ, Nguyễn Đình Thi thong thả ngồi trước đàn. Biết bao cảm xúc của những ngày Hà Nội xa xưa, cả những ngày Hà Nội chiến lũy đã dào dạt trong ông giờ qua mười ngón tay tràn ra phím đàn... Và thế là trường ca đầu tiên của cách mạng, trường ca mà khi hoàn thành, ông đặt tên cho nó là "Người Hà Nội", đã vang lên trong không gian hoàng hôn ở một vùng quê ven Thủ đô. Không chỉ thành "đặc sản" cho số Tết Báo Cứu quốc, "Người Hà Nội" còn được dựng thành hợp xướng tham dự Liên hoan Thanh niên, sinh viên thế giới tại Budapest (Hungary) do chính Nguyễn Đình Thi chỉ huy.

Sau ngày hòa bình ở miền Bắc, "Người Hà Nội" vẫn vang lên trên làn sóng phát thanh bằng hình thức hợp xướng. Đến thời kỳ chống Mỹ, "Người Hà Nội" lại được khai thác ở dạng trường ca qua một giọng nam hoặc nữ độc diễn trên nền nhạc piano. Đầu tiên là Mỹ Bình với phần đệm Nguyễn Hữu Tuấn. Rồi đến Quang Thọ và đặc biệt là Lê Dung. Bằng giọng nữ cao tài năng, Lê Dung đã đưa "Người Hà Nội" lên đỉnh cao của tác phẩm. Năm 2010, tôi có tuyển chọn một tuyển tập "Một trăm ca khúc Thăng Long-Hà Nội", trong đó có "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi. Khi phóng viên hỏi nếu chỉ chọn một nhạc phẩm về Hà Nội, ông chọn bài nào? Tôi không ngần ngại mà trả lời rằng "Người Hà Nội". Như thế đủ thấy tác phẩm này có vị trí vàng son như thế nào trong lịch sử âm nhạc Việt Nam!

Sau khi viết "Người Hà Nội" ở Hà Đông, dự lễ cưới Văn Cao và Nghiêm Thúy Băng ngày 12 Tết Đinh Hợi xong, Nguyễn Đình Thi và gia đình lên Phú Thọ cùng Nguyễn Huy Tưởng dậm dạp chỗ ở cho Hội Văn nghệ Cứu quốc. Rồi tờ báo của cơ quan văn nghệ ra đời, Nguyễn Đình Thi lại lo viết bài hướng dẫn sáng tác trong kháng chiến trên báo. Còn Văn Cao cũng được dịp trổ tài hội họa, làm cả vi-nhét và măng-séc cho báo.

Tháng 4-1957, Hội nghị thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Đình Thi là một trong 25 Ủy viên Ban Chấp hành Hội. Ngay sau đó, Báo Văn ra đời, được một thời gian thì chuyển thành Tạp chí Văn nghệ, Chủ nhiệm là Đặng Thai Mai; Nguyễn Đình Thi là Thư ký tòa soạn. Dù bận nhiều việc ở cương vị lãnh đạo, ông vẫn ấn hành những tác phẩm thơ, văn xuôi, kịch liên tục và gây tiếng vang trong văn đàn như: Tập thơ "Bài thơ Hắc Hải" (1959-1961), "Con nai đen" (kịch, năm 1961), "Vỡ bờ" (tiểu thuyết, tập 1 năm 1962, tập 2 năm 1970), "Vào lửa" (tiểu thuyết, năm 1966), "Mặt trận trên cao" (tiểu thuyết, 1967), "Dòng sông trong xanh" (thơ, năm 1974)...

Hồ Gươm-trái tim của Thủ đô Hà Nội.  Ảnh: LÊ BÍCH 

Trong trường kỳ kháng chiến chống Pháp, ông đã đi cùng người lính đến cuối cùng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuối năm 1974, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông ở tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh" vẫn cùng Tế Hanh và Phạm Tiến Duật rong ruổi Trường Sơn với không ít gian khổ và hiểm nguy rình rập. Nếu ở trận Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Thi nhận ra màu của chiến thắng là màu của một đóa hoa nghệ rừng, thì trong hành trình vượt Trường Sơn, ông nhận ra ngày thống nhất qua chiếc lá đỏ với câu thơ tiên đoán “Hẹn gặp nhé! Giữa Sài Gòn” mà Hoàng Hiệp đã nhanh chóng phổ nhạc. Ghi chép trong cuốn sổ tay cũ tùy thân dọc hành trình ấy, Nguyễn Đình Thi đã viết như sau: “Những tháng cuối năm 1974 và đầu năm 1975, tôi đi dọc đường Trường Sơn vào đến hết Nam Bộ, qua sông Bé, Tây Ninh, rồi đi tiếp xuống Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang. Những ngày lóp ngóp lội bùn giữa mênh mông, bạt ngàn cỏ rậm, lổn nhổn những hố bom, lỗ đạn pháo. Những đêm vượt qua, vượt lại con lộ 4 (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) dưới đạn pháo bay vèo vèo và nổ ầm ầm phía sau, phía trước...".

Cuốn sổ quý giá đó còn ghi lại nhiều bài thơ của những người lính, du kích, trí thức Sài Gòn ra chiến khu... Công việc này suốt những năm tháng lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, có lẽ ông chưa từng làm, chỉ khi hành trình xuyên Trường Sơn ngoạn mục thế này, ông mới có thể thực tâm hồn nhiên làm công việc ghi chép ấy để nhận ra: “Con người Việt Nam vẫn sống vì những lẽ phải lớn, những niềm khao khát lớn”.

Trở về cương vị của mình, ông lại tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm như “Hoa và ngần” (kịch), công diễn kịch “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” do Nguyễn Đình Nghi (con trai nhà thơ Thế Lữ) đạo diễn năm 1980 kỷ niệm 600 năm Ngày sinh Nguyễn Trãi. Vở kịch đã được Đỗ Nhuận viết thành một nhạc kịch cùng tên mà biết đâu vào dịp trăm năm Nguyễn Đình Thi năm 2024 này sẽ trình diễn hoành tráng. Rồi “Tia nắng” (thơ), “Giấc mơ” (kịch), “Tiếng sóng” (kịch), “Rừng trúc” (kịch), “Hòn cuội” (kịch), “Trong cát bụi” (thơ), “Sóng reo” (thơ) và “Tuyết” (truyện ngắn)...

Tại Đại hội lần thứ IV Hội Nhà văn Việt Nam năm 1989, Nguyễn Đình Thi rời cương vị lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, song ông vẫn đủ tín nhiệm để trở thành Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tận tới khi từ trần ngày 18-4-2003, thọ 79 tuổi. 

Nguyễn Đình Thi có dáng vóc cao to và nước da ngăm đen với nụ cười sáng bóng. Từ khi 20 tuổi, ông đã là thần tượng của nhiều thanh niên. Đó là một người nói vui như nhà văn Kim Lân, đàn ông thì ghen tức, đàn bà thì đắm say. Cao lớn, đẹp trai, hát rất hay, văn hóa lịch lãm, hiểu biết rộng rãi, ăn nói dịu dàng, ứng xử tế nhị. Ông là một số phận được trời đất biệt đãi.

Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA

Danh Bình ST từ QĐND