"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (6)
(Tiếp theo)
Chương VI:
KẺ GIẾT NGƯỜI BÍ ẨN
Kể từ ngày khai thông đường 20 Quyết Thắng, sau ba năm “ Sống bám đường, chết ngoan cường dũng cảm” chống chọi với bom đạn của Mĩ, giữ vững mạch máu giao thông chi viện cho chiến trường Miền Nam. Đến mùa mưa năm 1969 Tiểu đoàn 33 được lệnh về nghỉ dưỡng và củng cố lực lượng ở Cự Nẫm, Quảng Bình.
Ngày 3/9/1969 được tin Bác mất. Tất cả chúng tôi sững sờ như không còn tin vào tai mình. Thương nhớ Bác mọi người ôm lấy nhau khóc nức nở.
Trong nỗi đau khôn cùng ấy ngày 10/9 tôi được Tiểu đoàn giao nhiệm vụ phụ trách một bộ phận gồm 28 cán bộ, chiến sỹ ngay ngày hôm sau phải hành quân vào km 72-73 đường 20 - Quyết Thắng với nhiệm vụ phá hết bom từ trường, chuẩn bị khai thông tuyến cho chiến dịch vận chuyển mùa khô năm 69-70. Đoạn đường này cách chân cua chữ A chừng 3 cây số. Trước đó tôi đã được cử đi tập huấn phá bom từ trường tổ chức ở binh trạm 32.
Tôi được toàn quyền sử lí mọi tình huống tại thực địa. Chỉ có hai yêu cầu: nhanh nhất và an toàn nhất.
Trên đường 20 Quyết Thắng đoạn km 72-73 chạy qua một thung lũng mọc toàn cỏ tranh, rộng và bằng phẳng nên địch ít sử dụng bom phá, chúng thường đánh bằng bom phát quang, bom lân tinh, bom bi và bắn rocket, mức độ phá hoại và sát thương hiệu quả hơn. Đến mùa mưa năm 1969 chúng thay đổi thủ đoạn, dùng bom phá đánh hỏng nhiều đoạn đường sau đó thả bom từ trường với mật độ khá dầy hòng ngăn chặn, làm chậm lại thời gian thông tuyến .
Bom từ trường được mệnh danh là “ kẻ giết người bí ẩn”. Khi rời khỏi máy bay, nó xòe bốn cánh bằng hợp kim như bung dù. Bốn cánh này đủ rộng để khống chế tốc độ rơi của bom, đồng thời để giữ cho quả bom không thụt sâu xuống đất.
Thời kì đầu loại bom này mới ra dời, trên các phương tiện truyền thông của địch tuyên truyền: đấy là loại bom thông minh không thể phá. Lọai bom này có thể phân biệt được đâu là trâu bò đi qua, đâu là người… Thực ra nó là bom nổ chậm nhưng được kích nổ bằng cơ chế gây nhiễu từ trương. Qủa bom đang nằm yên, nhưng nếu có vật gì bằng sắt thép đi qua lập tức nó phát nổ. Sau này địch cải tiến cài thêm vào bom cơ chế “ thức và ngủ”, và cả cơ chế nổ chậm. Càng làm cho việc đối phó của ta thêm khó khăn. Mỗi quả lại có độ nhậy khác nhau nên không quả nào giống quả nào. Nếu đang ở chế độ ngủ thì dù có đưa thiết bị phá vào nó cũng không nổ. Nhưng ngược lại lúc bom đang “ thức” thì chỉ cần một cái khóa dây lưng bằng sắt đi qua cũng đủ làm cho bom nổ. Hoặc khi cơ chế nổ chậm vận hành thì nó tự phát nổ bất cứ lúc nào.
Nguyên lí hoạt động, cơ chế phát nổ của loại bom này đã được các nhà khoa học thuộc Trung tâm khoa học - Kĩ thuật quân sự Việt nam giải mã thành công. Chúng tôi chỉ là đơn vị vận dụng vào thực tế để phá bom. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên phải đối mặt với loại bom này nên không khỏi hồi hộp, lo lắng.
Trước khi vào trận tôi mang những kiến thức đã được tập huấn như nguyên lí nổ, cách phá bom, và những nguyên tắc có tính sống còn khi vào phá bom phổ biến, quán triệt kĩ đến từng người. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, ngày đầu tiên đi phá bom tôi cho tập hợp toàn phân đội, yêu cầu tất cả phải kiểm tra thật kĩ, lộn túi quần, sờ túi áo, dây lưng, mũ mão, giầy dép. Tất cả những vật dụng bằng sắt, thép dù to hay nhỏ đều phải bỏ lại.
Việc đầu tiên phải làm là đếm số lượng bom, cắm cọc đánh dấu, lập bản đồ vị trí của từng quả. Xác định vị trí đào hầm…
Ta đã sáng chế được nhiều phương tiện phá bom hiện đại bằng xe cơ giới, nhưng do đặc điểm của địa hình ở đây nên việc phá bom phải tiến hành thủ công bằng khung dây PK . Khung PK là một đoạn dây bằng đồng ( riêng đồng, nhôm không gây nhiễu từ) đầu dây được kéo từ chỗ ẩn nấp vòng qua quả bom trở lại hầm, khi phá mỗi đầu dây chập vào một cực của hai quả pin, xung điện gây nhiễu kích hoạt cho bom nổ.
Mới hơn một tháng không được “ chăm sóc” bảo vệ, 2 km đường này đã bị máy bay địch đánh phá tan hoang. Chúng đã biến cả khu vực này thành một bãi bom từ trường. Nhiều đoạn không còn nhận ra đâu là mặt đương. Hàng trăm quả bom từ trường nằm rải rác, trong đó 107 quả phải phá ngay để thông đường. Những quả còn lại cắm cờ báo hiệu phá sau. Toàn bộ hầm trú ẩn hai bên đường cái thì bị phá hỏng, cái bị ngập nước không còn sử dụng được nữa.
Sau 2 ngày đào hầm, làm công tác chuẩn bị, chúng tôi thí điểm phá quả bom đầu tiên trong điều kiện thời tiết nắng, nóng như đổ lửa. Sau khỉ rải song khung PK tất cả trở về nơi ẩn nấp. Hồi hộp, lo lắng. Tôi trực tiếp cầm hai đầu dây dí vào hai cực của quả pin. Một tiếng nổ ầm, đất đá bắn tung lên, rào rào rơi xuống. Vui khôn tả. Bước đầu đã thành công.
Đánh tiếp quả thứ hai.
Lần này chập mãi bom không nổ. Vừa nóng, vừa căng thẳng ai nấy mồ hôi ướt đâm đìa. Tôi bỏ cục pin và hai đầu dây xuống, anh em chụm đầu lại trao đổi: Hay là quả bom này đã bị hỏng khi lao quá mạnh xuống đất? Hay là pin để tạo xung điện có vấn đề…còn đang tranh luận bỗng quả bom phát nổ. Hóa ra khi mọi người còn đang tập trung trao dổi, chiến sỹ Nguyễn Văn Hùng đã cầm hai đầu dây quệt liên tục vào hai cực quả pin, tạo ra hiện tượng chập ngắt điện liên tục, lúc đúng thời điểm bom “thức” quả bom đã phát nổ. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Lại có thêm một kết luận: Bom từ trường thả xuống đây là loại đã được cải tiến, có cài thêm cơ chế “ thức, ngủ”.
Suốt buổi sáng chỉ phá được hai quả bom, chậm quá. Buổi chiều trời đổ mưa, chúng tôi ở nhà rút kinh nghiệm. Nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh một câu hỏi: Nếu chỉ với 2 bộ khung PK thì tốc độ phá bom sẽ rất chậm, làm thế nào để tăng được hiệu xuất. Cuối cùng sáng kiến dung thùng phuy đập bẹp, nối dây vào 2 bên rồi kéo qua lại gần quả bom tạo ra nhiễu từ trường kích hoạt cho bom nổ được nhất trí áp dụng.
Ngày hôm sau thay đổi phương án chiến đấu. Chúng tôi chia bãi bom thành ba khu vực. Hai khu vực đánh bằng khung PK ( chúng tôi cũng chỉ có 2 bộ khung PK), môt khu vực dùng phương pháp kéo thùng phuy.
Cách phá này đòi hỏi khâu hợp đồng phải rất tỉ mỉ và chặt chặt chẽ, nếu không hậu quả sẽ khôn lường. Đây là trách nhiệm của người phụ trách chung.
Do nằm ngoài dự kiến ban đầu nên phương án dùng dây kéo thùng phuy kích hoạt cho bom nổ không được chuận bị trước. Nhặt nhạnh, tìm kiếm mới được khoảng 100m dây. Cách phá này cũng hiệu quả không kém gì khung PK, nhưng cũng có phiền phức và còn nguy hiểm nữa vì dây kéo hay bị đứt, anh em phải chạy vào bãi bom để sử lí.
Có chuyện sẩy ra tôi con nhớ mãi. Chỉ sau 2 ngày, các loại dây chúng tôi nối lại để kéo thùng phuy bị bom nổ làm đứt, văng mất hết. Mọi người trăn trở lấy đâu ra dây bây giờ. Tìm giây rừng thì phải vượt bãi bom, đi xa cả chục cây số, mà chắc gì đã có. Đang lúc bí thì Trần Thanh Tùng đưa ra ý kiên: lấy áo lót cắt ra rồi bện lại thành sợi dây, mỗi người có 2 cái chắc cũng đủ. Nếu còn thiếu tiếp tục cắt cả quần dài, chỉ mặc mỗi quần đùi, toàn cánh đàn ông cả ngại gì. Vả lại ta có thuốc chống muỗi sợ gì loại côn trùng ấy. Ý kiến hay, mọi người đồng thanh nhất trí.
Hôm sau khi đào hầm trú ẩn phá bom, chúng tôi tính toán lại cự li an toàn và quyết định rút ngăn khoảng cách từ quả bom đến hầm còn 30m thay vì 50m như trước đó, như vậy cũng ngắn được ít dây.
Một buổi chiều quan sát việc dải khung PK, tôi thấy cậu Hải loanh quanh mãi hình như đang có tính toán gì, rồi nó chạy lại báo cáo xin nối dài thêm dây PK. Nó bảo: Anh ạ em thấy có 2 quả chỉ cách nhau chừng 10m, ta vòng dây đánh thử, có thể một quả nổ sẽ kích hoạt quả kia nổ theo.
Ừ nhỉ, đơn giản thế mà mình không nghĩ ra. Tôi đồng ý cho làm và kết quả như ý, quả trước vừa nổ thì lập tức quả sau cũng nổ theo.
Với cách đánh ngày càng được hoàn thiện, chỉ sau một tuần chúng tôi đã phá được toàn bộ số bom nằm trong phạm vi có thể gây nguy hiểm cho giao thông trước khi đón cả tiểu đoàn trở lại chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1969-1970.
(Còn nữa)