Ngày qua còn mãi - Truyện ký: Phạm Huy Liệu

Ngày đăng: 03:49 26/02/2024 Lượt xem: 105
              NGÀY QUA CÒN MÃI

                                                          Truyện ký

     Trung đội thông tin có anh Tuyến, quê Bắc Ninh, làm trung đội trưởng. Anh đẹp trai, da trắng trông rất thư sinh. Sống tình cảm nên tôi rất quý anh, coi anh như anh trai mình. Còn anh cũng quý tôi như em trai của anh vậy. Nhiều đêm anh đi họp về muộn, liền vào giường tôi cùng ngủ. Khi giở mình mới biết là anh Tuyến.

     Thế rồi anh được điều lên làm chủ nhiệm thông tin E57 ở chợ Môi. Khi anh đi rồi, nhiều đêm tôi giật mình quờ tay không thấy anh mà xốn xang lạ kì. Cảm thấy như mình mất đi một thứ gì đó rất quý giá… Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Tưởng anh Tuyến quên thằng em này rồi. Thì đột nhiên anh gọi điện, cũng là lúc đang gác tổng đài. Nghe tiếng anh tôi mừng rơn. Anh hỏi thăm mọi thứ, rồi chuyển sang tâm sự:
     Trước kia còn có trường hạ sĩ, thì anh sẽ cho em đi học. Khi có quân hàm hạ sĩ mới được đi học sĩ quan. Giờ em là binh nhất không thể đi học sĩ quan được. Hay là em đi học báo vụ. Khi về sẽ được phong hạ sĩ. Hiện nay có một lớp báo vụ của trung đoàn và lớp của QK3. Em muốn đi học lớp nào…
     Tôi xin anh cho đi học lớp báo vụ của QK3. Cũng từ đây xa sự giúp đỡ quý báu của anh.

     Lớp báo vụ có Nguyễn Văn Cương quê ở Thọ Vực, Hoàng Long, ngay bờ bắc cầu Hàm Rồng. Là người duy nhất thu báo bỏ được 4 chữ. Tức là khi nghe tín hiệu mooc xơ đến chữ thứ 5 mới đặt bút viết chữ tín hiệu thứ nhất, gọi là thu nước chẩy. Nghe đâu trên thế giới cũng chỉ ít người bỏ được 5 chữ. Riêng Việt Nam có đại uý Hoàng Hồng bỏ được 5 chữ. Mà thu nước chẩy thì tốc độ phát trên trăm chữ phút, vẫn thu bình thường lại ít sai. Còn phát tín hiệu nào thu tín hiệu đó, gọi là thu chộp. Thu chộp chỉ đạt dưới một trăm chữ phút, lại hay bị sai sót.
     Tôi phấn đấu hết mức cũng chỉ bỏ được 3 chữ thôi. Nhưng phần học thông báo lại khá nhất lớp. Mà đánh giá kết quả trình độ báo vụ khi ra trường, dựa vào khả năng thao tác máy và thực hành liên lạc, để kết luận phải kiến tập với thời gian là bao lâu. Lớp học đã ở đây trên hai tháng, đóng quân gần bến Đục, bên dòng sông Đáy, cách lối vào chùa Hương 2 km. Chiều chiều thả mình giữa dòng sông trong vắt mát rượi mà thấy đã đời. Đang yên ổn thì có lệnh chuyển trường.
     Buổi sáng hôm đó, trời oi nồng, sang chiều đã thấy vần vũ mây đen. Kiểu này dễ tối nay bị mưa mất. Nên A trưởng Phan Huyền dặn mọi người:
     Hãy chuẩn bị quân tư trang thật gọn gàng, đi giầy cao cổ cho đỡ trơn trượt... Mãi một thời gian sau chúng tôi mới biết rõ tên thật của anh là Phàn, tức Phan huyền Phàn.
     Đến gần tối xuất phát. Mỗi tiểu đội có một bộ máy 15w, gồm máy thu phát 102E vỏ sắt nặng trên 25kg. Một máy phát điện gọi là ra gu nô, bằng sắt vuông vắn như cục gạch gần 25kg. Một bộ chân máy phát điện, cũng bằng sắt ngót 20kg nhưng dài đeo nhũng nhẵng khó chịu lắm. Trong tiểu đội tôi là diện khoẻ, nên tự giác xung phong đeo máy thu phát, còn hai người nữa đeo ra gu nô và chân máy.

     Năm giờ hơn xuất phát. Khi đeo máy xong, đứng dậy thì không tự cúi xuống lấy ba lô được, phải nhờ người đưa ba lô cho để đeo. Lúc này ba đứa nhìn nhau, cứ cười khúc khích… (vì đây là lần đầu đeo ba lô đằng trước như bà bầu).
     Đi khoảng 30 phút, thì qua bến Đục. Tuy ở đây khá lâu, nhưng chưa đứa nào đến thăm chùa Hương, vì bận học. Đơn vị đi vòng theo bờ sông Đáy vượt qua khe núi sang Kim Bảng Hà Nam.
     Trời đã tối dần, bầu trời bỗng xám xịt, sấm chớp ầm ầm, nghe như những loạt bom... Rồi tiếng mưa, mỗi lúc một nặng hạt. Đường đất đang khô đã bao ngày, nay mưa tuôn làm nhão nhoét như bùn. Cứ dò dẫm từng bước, từng bước, dẫm đạp nối nhau, càng trơn trượt hơn. Bởi đất đồng chiêm trũng quý người ghê gớm, cứ bám chặt đế giầy, khó lòng mà dứt ra được.
     Trời về khuya, nhiều mây nên càng tối. Mọi người bám theo nhau kẻo lạc, nếu chẳng may ngã thì có người kéo đứng dậy mới đi được. Khi qua huyện Thanh Liêm để sang Duy Tiên, cũng quá nửa đêm. Hai chân giờ đã rã rời, chẳng khác gì chân của người ta cho mượn. Hơn nữa đất cứ bám chặt lấy đế giầy như muốn kéo lại, không cho đi. Giờ thì bụng đói lép, mồm miệng phì phò thi nhau thở, chả đứa nào còn trêu đùa, hay tếu táo được nữa.
     Dừng lại nghỉ giải lao, A trưởng Phan Huyền lấy trong ba lô ra lọ đường kính, dúm cho mỗi đứa một dúm, bảo ngậm cho nó tỉnh. Dúm đường anh vừa thả vào miệng tôi, mà tự nhiên thấy người tỉnh lại, tưởng như ở trần đời này, chưa từng có vị ngọt nào ngon đến thế. Tôi cố chỉ ngậm cho được lâu, để mà chiêm nghiệm. Đúng như các cụ ta nói, “một miếng khi đói bằng một gói khi no.” Quả không sai.
     Nhìn đội hình hành quân lúc này, sao mà thảm hại. Riêng ba thằng đeo máy chúng tôi vẫn cố gọ gẵng đi được. Còn mấy chàng thư sinh nhỏ con thì thở phều phào, nói đứt hơi, người phờ phạc, lấm lem như ma chôn, ma vùi... Cứ ngã là nằm, chả thèm dậy nữa. Các A trưởng đến động viên, rồi mang đỡ đồ, mà chân không lê nổi bước đi.
     Tôi về vào đoạn giữa, chắc hơn 5 giờ, còn hậu quân phải hô hào mấy đồng chí khỏe ra hỗ trợ mới về tới đích.

      Cuộc hành quân chuyển trường vô cùng gian khổ có một không hai, sẽ khắc sâu trong kí ức đời lính, mãi không phai mờ trong tâm trí tôi!…


               Phạm Huy Liệu
Hội viên hội Trường Sơn tỉnh Hải Dương
       Nguyên lính cao xạ đoàn 559


tin tức liên quan