"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (10)

Ngày đăng: 08:24 04/03/2024 Lượt xem: 91
 
 
(Tiếp theo)
   Chương X:
CHUYỆN Ở MỘT ĐƠN VỊ ĐẶC BIỆT
 
        Đặc biệt ở chỗ nó là một đơn vị tù binh, có phiên hiệu C7 cũng thuộc D33 Anh hùng. C7 có bộ khung từ Tiểu đội phó đến thủ trưởng Đại đội đều là cán bộ QĐNDVN. Số còn lại là gần 300 binh lính và sỹ quan ngụy quân, ngụy quyền của chế độ Sài Gòn.
     Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Hàng loạt sỹ quan và binh sỹ ngụy bị bắt làm tù binh. Số này được giao cho các đơn vị Công binh trên đường mòn Hồ Chí Minh cai quản và sử dụng.
     C7 có nhiệm vụ lát đá, sửa đường trên đoạn tránh cua chữ A dài hơn7 Km. Vì là tù binh nên họ bị quản thúc chặt chẽ theo một chế độ nghiêm ngặt. Mọi sinh hoạt và hưởng thụ theo đúng các quy định với tù binh. Nói chung là thiếu thốn và kham khổ. Mỗi bữa trưa và chiều chỉ được ăn 3 miệng bát cơm, bữa sáng 2 miệng bất, với sức vóc trong độ tuổi từ 18-40 họ phải ăn cả cân gạo một bữa mới đủ no. Thức ăn với cơm chủ yếu mắm tôm mặn. Mỗi tù binh được 2 bộ quần áo màu đen may theo kiểu bà ba. Một cái mũ lá, một đôi dép lốp. Rửa mặt bằng tay, không xà phòng, không đánh răng. Tối nào cũng vậy tất cả phải tập trung học tập và nghe thời sự Đài tiếng nói Việt nam.
    Anh Báu Chính trị viên Đại đội. sau anh được đề bạt Chính trị viên Tiểu đoàn rồi Phó Chính ủy Binh trạm 14. Đại đội trưởng anh Thanh. Anh hơn tôi dễ đến gần chục tuổi, hai anh em thân nhau. Phải nói đấy là bộ khung lãnh đạo Đại đội rất tuyệt vời: giỏi giang, can trường và đầy mình kinh nghiêm. Anh Thanh hay qua chỗ tôi, anh em chuyện trò, tâm sự .
      Một lần tôi tò mò hỏi anh chuyện về cái Đại đội đặc biệt này. Anh kể:                                                        
    - Đâị đội có gần ba trăm tù binh, chủ yếu quân của Sư đoàn Dù, Sư đoàn Thủy quân lục chiến, một số ít của Sư đoàn 1 Bộ binh Ngụy. Đấy là các đơn vị thiện chiến của chế độ Sài Gòn đánh nhau với quân ta trong chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Một số bị bắt sống trong lúc đánh nhau, số đông còn lại đào ngũ chạy trốn bị ta bắt. Bọn này chả biết lúc còn đang trong quân ngũ thì thế nào chứ về đây là những kẻ hèn nhát và rất sợ chết. Nghe tiếng máy bay gần, đứa nào mặt mày cũng sám ngoét, chân tay run cầm cập. Có đứa chui xuống ở lì dưới hầm cán bộ phải chui vào lôi nó mới chịu theo ra.
       Mặc dù cùng là kẻ bại trận, là tù binh như nhau nhưng chúng vẫn quan hệ, đối sử với nhau, gọi nhau theo cấp bậc quân hàm. Cấp quân hàm cao nhất là Đại úy, cấp thấp nhất là Hạ sĩ. Lúc đầu những đứa có quân hàm cao hơn không chịu ở chung, ngồi ăn chung, ngủ chung môt giường, không chơi với bọn có cấp thấp hơn. Có lần nghe tiếng máy bay ở gần mấy đứa tranh nhau xuống hầm, thằng Đại úy giơ tay tát thằng Thiếu úy thế là cả bọn xông vào đánh nhau buộc Tiểu đội trưởng phải nổ súng bắn cảnh cáo. Lúc máy bay đánh gần chúng chạy tán loạn, chỉ việc đi tìm cho đủ, rồi gom lại cũng đã đủ mệt.
       Làm việc trong đường kín, công việc cũng nhẹ nhàng. Hầu hết lười lao động, có mặt cán bộ chúng tỏ vẻ chăm chỉ, khi cán bộ quay đi chúng phản ứng tức thì bỏ cuốc xẻng ngồi chơi. Nhắc nhở thì chúng dở đủ trò, kêu đói, kêu mệt…
        Kỉ cương, kỉ luật rất nghiêm. Ai có việc vào C7 phải được phép của Thủ trưởng Tiểu đoàn, phải qua hai vọng gác. Ăn uống, lao động, ngủ nghỉ, tắm giặt…thậm chí gặp gỡ, chuyện trò nhất nhất phải tuân thủ đúng nội quy. Ngoài giáo dục, nhắc nhở, thì động viên treo thưởng, khuyến khích bằng vật chất là chiêu có tác dụng hơn cả. Chỉ 1-2 lạng đường, 1lạng sữa bột, một gói lương khô hay vài điếu thuốc lá… là chúng vui ra mặt.
      Ở thời điểm ấy mặc dù đang bị quân ta đánh mạnh, thua liên tiếp trên các chiến trường, nhưng chế độ Sài Gòn vẫn được Mĩ chống lưng, hà hơi tiếp sức nên còn rất hung hăng, nuôi ảo tưởng tiêu diệt Việt Cộng. Tù binh ở C7, bọn này mặc cảm về tội lỗi thì ít, nhưng mặc cảm về thân phận của kẻ thất trận thì nhiều, đa số vẫn nuôi hy vọng, mong có ngày được giải cứu. Đứa nào cũng lầm lì, tìm cách gặp gỡ, nhỏ to với nhau.
      Một buổi tối trời mưa to, lực lượng canh gác của ta sơ ý 5 tên sỹ quan đã bỏ trốn. Sáng hôm sau lúc điểm danh ta mới phát hiện được. Thế là một tiểu đội được huy động truy lung. Thực ra các tình huống tù binh bỏ trốn đã được chỉ huy C7 chủ động lên phương án sử lí.
         Nhận định bon này chưa thể di xa vì tầm 2h sáng lúc mưa to chúng mới bỏ trốn. Không giày, không bản đồ, không la bàn nên chúng chỉ có thể đi theo đường mòn. Với 5 cân gạo và một ít mắm tôm lấy trộm được, chúng chỉ có thể đang chui rúc trong một cái hang đá, nấu ăn chờ đến tôi mới chạy tiếp. Việc tìm ra bọn này không khó vì đêm mưa dấu chân, bùn đất còn vương vãi đến tận cửa hang. Khi đã bị ta bao vây, cả 3 lần kêu gọi ra hàng, chúng đều im lặng, buộc phải nổ súng cảnh cáo, sau đó ập vào áp đảo. Với 2 cái xẻng. một con dao tông chúng không thể chống cự buộc phải giơ tay xin hàng.
Cũng từ đấy ta mới phát hiện được âm mưu của chúng: nếu bọn này trốn thoát, chúng sẽ móc nối trở lại, lợi dụng đêm tối, trời mưa làm bạo loạn. Phối hợp với biệt kích được trực thăng đưa đến từ ngoài đánh vào. Cướp súng, giết hết cán bộ, giải thoát tù binh.
          Sau này khi đã hiểu rã chính sách nhân đạo của ta, chúng mới nói thật: Hôm ấy nếu có súng trong tay chúng sẽ chiến đấu đến cùng không để bị bắt lại. Vì chúng được tuyên truyền nếu để bị bắt lại thì Việt Cộng sẽ sử tử ngay.
          Thực ra ở đây không có đủ điều kiện để ta áp dụng khuôn mẫu của một trại tù binh. Chỉ căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể để vận dụng phần nào. Rút kinh nghiệm sau sự kiện này công tác quản lí được siết chặt hơn. Đặc biệt tách hẳn số sỹ quan cầm đầu, số có biểu hiện chông đối ra thành đơn vị riêng. Phân hóa triệt để giữa tốp có tiến bộ với bọn còn nặng tư tưởng chống đối, chia khu vực quản lí, tăng cường thêm lực lượng bảo vệ…
          Đến cuối mùa khô, nhiều đoạn trên con đường kín này bị lộ, máy bay địch gia tăng đánh phá, nơi ẩn trú của tù binh C7 không còn được an toàn.  Một hôm, trời về chiều, đơn vị đang chuẩn bị nghỉ thì bị máy bay ập đến đánh trúng đội hình. Một số bị thương, 7 tên bị chết. Do chúng sợ quá chạy tản sâu vào trong rừng nên mãi đến trưa hôm sau mới tìm thấy hết thi thể số bị chết. Việc chôn cất như thế nào cũng chưa ai biết. Quan tài không đủ, quần áo mới để thay không có. Hỏi ban Chính sách Binh trạm họ cũng chỉ ấm ớ, trả lời chung chung. Trong đơn vị cũng có hai luồng ý kiến. Thứ nhất: Tìm thấy thi thể họ thế nào thì cứ thế đem chôn, không thể tổ chức mai táng đàng hoàng được. Lập luận để bảo vệ cho ý kiến này xoay quanh tội ác mà chúng đã gây ra cho dân tộc ta, họ không xứng đáng để được hưởng bất kì môt ân huệ nào. Loại ý kiến thứ hai: Mặc dù mang tội ác, nhưng suy cho cùng họ cũng là con người, cùng là người Việt ta cả. Ông cha ta đã dậy: “Nghĩa tử là nghĩa tận”, bởi vậy ta nên mở lòng khoan dung, tổ chức mai tang trong khả năng có thể. Vả lại đây cũng là dịp để ta thể hiện chính sách nhân đạo, cảm hóa kẻ thù.
         Trong khi ta còn đang bàn thì có một tốp tù binh xin gặp lãnh đạo đơn vị. Số này chủ yếu là anh em, họ hàng với số tử vong, trong đó có 2 tên từng bỏ trốn. Họ khóc lóc, cầu xin ta 3 điều. Thứ nhất: Cho tử thi được liệm trong quan tài gỗ. Thứ hai: Cho tử thi được mặc quần áo mới hoặc sạch, không bị rách. Thứ ba: Cho họ được trực tiếp chôn cất tử thi, mỗi tử thi được cúng một bát cơm và một nén nhang. Chả là chẳng biết ở đâu ra cái dư luận với tù binh như bọn này chết thì chỉ vùi xác.
         Xét thấy cả 3 nguyện vọng này cũng rất tình người. Sau  khi nghe báo cáo, Thủ trưởng tiểu đoàn đồng ý cho triển khai. Những người biết chút ít về nghề mộc ở C3 chúng tôi được huy động, trong một buổi chiều phải đóng song 7 cỗ quan tài. Quần áo mới được xuất ở kho ra. Hương nến đơn vị đã có sẵn.
          Lực lượng bảo vệ của ta phong tỏa khu vực đào huyệt. Đến 9h tối mọi công tác chuẩn bị mới song. Việc chôn cất diễn ra  đúng kế hoạch, trên một khoảnh đất riêng. Số tù binh thân cận với tử thi được phép trực tiếp đào huyệt, chôn cất, làm các thủ tục theo phong tục của họ.
          Lúc chuẩn bị ra về, Trung đội trưởng tập hợp điểm danh bỗng số tù binh đi chôn cất không ai bảo ai tất cả đều quỳ, gục mặt xuống đất nói lời cảm tạ bộ đội ta trong niềm súc động thật sự. Họ nói: Không thể tin được Việt Cộng lại nhân đạo như vậy.
          Tôi hỏi anh Thanh: Sau cái lần ấy thái độ chung của tất cả số tù binh thế nào. Anh bảo: Nó không còn lầm lì nữa, phản ứng ít tiêu cực hơn, không khí trong đơn vị dịu đi. Hầu hết không còn giữ thái độ im lặng, số đông tỏ ra cởi mở và thân thiện. Rồi giọng anh trùng xuống: Mình nghiệm ra một điều: Một chính sách được vận dụng đúng đắn và khéo léo, một tình huống xẩy ra giữa con người với con người mà được giải quyết thấu tình, đạt lí…nó có tác dụng hơn mọi lời nói, mọi câu khẩu hiệu hay một bài diễn thuyết kêu gọi chung chung. Cuộc đời còn dài lắm, bạn cứ chiêm nghiệm mà xem.
 

(Còn nữa)
tin tức liên quan