"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (13)
(Tiếp theo)
Chương XIII:
SAU LẦN VẤP NGÃ
Chiến dịch đường 9-Nam Lào diễn ra trong xuốt 77 ngày đêm từ tháng 1 cho đến tháng 4 năm 1968. Đây là một trong những chiến dịch có nhiều trận đánh vô cùng ác liệt giữa quân đội ta với các lực lượng Mĩ - Ngụy Sài-gòn.
Cũng do tính chất ác liệt, gian khổ, thời gian của chiến dịch lại kéo dài nên một bộ phận nhỏ lực lượng tham gia chiến đấu, hầu hết là các chiến sỹ mới bị thất lạc đơn vị, trong số đó cũng có một số ít bỏ trận địa chạy về phía sau.
Khoảng giữa tháng 3, lác đác từng tốp chiến sỹ ăn mặc nhếch nhác, thân hình phờ phạc, đói khát, mệt mỏi, không súng đạn đi ngược ra dọc theo tuyến đường đơn vị chúng tôi phụ trách.
Khi gặp chúng tôi, tất cả số anh em đó đều có thái độ im lặng, sợ xệt, nhưng không ai bỏ chạy. Trước tình cảnh ấy, được sự đồng ý của Thủ trưởng cấp trên chúng tôi đưa họ vào đơn vị.
Sau 5 ngày được ăn uống, nghỉ ngơi, sức khỏe hồi phục. Đơn vị tổ chức gặp mặt, đối thoại nghe từng người trình bầy lí do quay ra Bắc, tâm tư, tình cảm và nguyện vọng.
Mỗi người có một lí do và nguyện vọng riêng, nhưng tựu trung lại là: bị ốm không theo kịp đơn vị, bị lạc trong lúc hành quân, lúc đánh nhau. Một số anh em thú nhận vì là con một, nhập ngũ trong đợt tổng động viên nên sợ bị hy sinh gia đình và cả dòng họ mất giống. Cũng có người lần đầu tiếp xúc với bom đạn do sợ hãi mà bỏ chạy. Nhưng tất cả họ đều xin được ở lại làm lính thuộc biên chế của đơn vị. Tâm tư, nguyện vọng ấy được cấp trên đồng ý thu dung. Anh em được coi là chiến sỹ mới.
Trong toàn Tiểu đoàn, Trung đội nào cũng được biên chế chiến sỹ mới, trung đội tôi được 7 người. Trong buổi họp gặp mặt, Thủ trưởng Tiểu đoàn căn dặn rất kĩ 4 điều:
Một là: Nghiêm cấm dùng những ngôn từ có tính xúc phạm, miệt thị như: đào ngũ, bỏ chạy, B quay…với số anh em này.
Hai là: Không được có thái độ phân biệt đối sử. Phải luôn gần gũi, động viên, chỉ bảo coi họ là chiến sỹ mới, là đồng đội thân thiết của mình.
Ba là: trong thời gian đầu đi đâu, làm gì cũng phải cử người kèm. Nhất là khi phải tác nghiệp trong điều kiện địch đánh phá hoặc đi trực, đi trinh sát.
Bốn là: phải kèm cặp, hướng dẫn cụ thể các thao tác của lính công binh. Không được để anh em tự ý khi chưa nắm vững kĩ thuật.
Dần dà rồi tất cả số anh em ấy cũng gỡ bỏ được mặc cảm, hòa đồng với nhịp sống vất vả, gian khổ, hy sinh nhưng rất tình nghĩa của cả đơn vị. Tất cả đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hồi ấy tôi là Trung đội phó, được giao nhiệm vụ trực tiêp giup đỡ 2 chiến sỹ mới là Nguyễn Trường Sinh và Vũ Đắc Hải. Trong đó Sinh để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu đậm nhất.
Vóc người cân đối; mái tóc cứng, dầy, đen; nước da trắng; khuôn mặt nghiêm nghị. Đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học sư phạm Hà Nội, Sinh được gọi vào Sư đoàn 325, khi vào đến chiến trường thì đổi thành Mặt trận B5. Một thời gian ngắn huấn luyện ngoài Bắc, Sinh cùng cả đơn vị hành quân vào mặt trận.
Do mặc cảm nên thời gian đầu Sinh lầm lì ít cười nói, sống tách biệt, ngại giao du. Nhưng rồi cuộc sống sinh tử nơi chiến trường luôn gắn kết mọi người lại với nhau, chẳng mấy chốc Sinh cũng hòa nhập được với anh em đơn vị, được sự quan tâm, gần gũi, giúp đỡ tận tình của mọi người anh dần cởi mở hơn. Tâm sự với tôi anh thổ lộ:
Nhà có 2 chị em, chị cả đã lấy chồng ở Huyện bên, Sinh là con trai duy nhất. Bố Sinh là trưởng họ, dòng họ lại hiếm con trai nên việc Sinh phải đi bộ đội trong đợt tổng động viên này là điều không ai mong muốn. Hôm anh lên đường gần như cả dòng họ ra tiễn, nước mắt và tiếng thở dài nhiều hơn tiếng cười. Ai cũng mong anh mạnh khỏe, bình an trở về.
Đường ra trận, không như các bạn cùng trang lứa, trong tâm hồn người chiến sỹ trẻ nặng trĩu ưu tư. Vào đến khu vực tác chiến, chưa kịp bắn phát đạn nào đơn vị đã bị trúng dồn dập nhiều loạt đạn pháo 105 ly. Toàn chiến sỹ mới, lần đầu ra trận, lần đầu bị trúng đạn, Trung đội trưởng hy sinh, cả Trung đội tán loạn. Trong khói bụi mù mịt, Sinh bỏ sung cắm đầu chạy thục mang, càng xa tiếng bom đạn càng tốt.
Chạy đến sáng, anh bắt gặp vài chiến sỹ nữa thế là cả bọn rủ nhau cứ theo hướng đường mòn đi. Sau 5 ngày sợ hãi, đói khát, mệt mỏi, tốp của Sinh đến được cung đường do Trung đội tôi phụ trách.
Trong câu chuyện của Sinh tôi bắt gặp một nỗi buồn day dứt. Anh tâm sự: Giá Trung đội trưởng không bị hy sinh ngay từ loạt đạn pháo đầu, giá các chiến sỹ mới không bị đánh phủ đầu, giá được biên chế lẫn với các chiến sỹ cũ đã dầy dạn kinh nghiêm trận mac…thì chắc chắn anh sẽ không hành động như vậy. Rồi Sinh hứa:
-Được các anh cho ở lại là em yên tâm rồi. Em hứa sẽ sửa chữa sai lầm, phấn đấu hết mình để hoàn thành thật tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Sau thời gian đầu còn ngại ngùng sợ sệt, Sinh dần quen với môi trường chiến đấu mới, trở thành nhân tố tích cực của đơn vị
Bởi đã có một lỗi lầm như thế nên anh được thử thách nhiều hơn. Lúc đầu Sinh đi đâu, làm gì đều có người kèm. Sau quen dần với bom đạn anh trở nên dạn dĩ xung phong tự mình đi trinh sát mỗi khi máy bay địch đánh phá, một mình đi đếm bom, phá bom, cứu đường, cứu xe…Anh trở tành một nhân tố tích cực trong đơn vị, luôn có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất, ở những thời điểm khó khăn nhất.
Hai năm sau, Sinh được đề bạt Tiểu đội trưởng cùng với hai tiểu đội khác trong Trung đội trấn giữ ngầm Ta-lê. Tôi được giao nhiệm vụ là người bảo đảm thứ hai giới thiệu anh vào Đảng.
Khoảng 9 giờ tối một ngày cuối tháng 5 năm 1971, đoàn xe đang ì ạch leo Phu-la-nhích thì bị trúng bom. Đường tắc, xe cháy, Tiểu đội Sinh được điều động vượt ngầm lên hỗ trợ. Anh chỉ huy bộ đội lao lên dập lửa, cứu hàng. Trên xe là những hòm đận DKB, DKZ, không nhanh đạn bén lửa gây nổ thì thiệt hại khôn lường không chỉ vật chất mà còn tính màng của các chiến sỹ đang cứu đường, cứu xe. Hơn một giờ xả thân vật lộn dưới tiếng gầm rú của máy bay, ánh đèn pháo sáng chập chờn, những hòm đạn được chuyển đến chỗ an toàn, đoạn đường trúng bom, hàng chục m3 đất đá sạt lở được khai thông.
Sáng hôm sau, Trợ lí chính trị Tiểu đoàn hỏa tốc mang quyết định kết nạp đảng viên xuống đơn vị. Chính trị viên Đại đội tổ chức ngay lễ kết nạp đảng viên mới cho Nguyễn Đình Sinh và 2 chiến sỹ khác. Lễ kết nạp được tổ chức ngay tại phía băc ngầm Ta-lê.
Sau khi đọc lời thề, Sinh đã khóc. Tôi hiểu đấy là những giọt nước mắt hạnh phúc của một người lính đã từng bị lầm lỗi nhưng biết đứng dậy, ngẩng cao đầu bước lên phía trước.
(Còn nữa)