"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (15)

Ngày đăng: 07:07 13/03/2024 Lượt xem: 63
 
 
(Tiếp theo)
   Chương XV:
LỖI TẠI CHIẾN TRANH
 
        Ở đại đôi 5 tôi và Đính mỗi đứa cầm đầu một trung đội. Hai cung đường mà chúng tôi bảo đảm liền sát nhau, nên hai đứa cũng thường gặp nhau, và trở nên thân thiết.
        Đính bằng tuổi tôi, cùng sinh năm Canh Dần 1950. Hiền lành, dễ gần, người cao to, nước da ngăm đen, và đặc biệt nó có rất nhiều tài lẻ. Có duyên nói chuyện, làm thơ và hát thì thôi rồi ai nghe cũng phải gật gù, mê tít.
     Đính sinh ra và lớn lên ở Thái Lan. Năm 10 tuổi theo cha mẹ hồi hương về nước. Lúc ấy nhà nó giàu lắm, đã có xe đạp Peugio và xe máy để chạy.
     Thuộc diện Việt kiều nên ở thời điểm năm 1965 được ưu tiên không phải nhập ngũ. Nhưng nó quyết định trốn đi Thanh niên xung phong.
     Lúc tâm sự với tôi Đính bảo: cũng thương cha lắm, mẹ mất sớm lúc nó mới 12 tuổi, lúc ấy cha mới trên 50 nhưng ông quyết ở vậy nuôi 3 anh em nó. Trong khí thế cả nước ra trận đánh Mĩ, tuổi trẻ thôi thúc nó phải ra đi. Đi đâu, làm gì cũng được miễn là được góp sức đánh Mĩ.
      Lúc còn ở nhà Đính có một cuộc sống như công tử bột, được cung phụng đến tận răng, chỉ có ăn, học và chơi. Khi vào Trường sơn, mặc dù cuộc sống vô cùng gian khổ, thiếu thốn, hy sinh, vất vả nhưng Đính vẫn can trường chịu đựng, vượt lên và tiến bộ rất nhanh. Lúc được bổ nhiêm đại đội trưởng mới 21 tuổi, vỏn vẹn có 6 năm từ một thiếu niên chưa đủ tuổi bộ đội, phải trốn đi thanh niên xung phong.
      Đính sống rất tình cảm, ở đơn vị dù cấp trên, cấp dưới hay cùng trang lứa ai cũng quý mến. Có việc gì nhờ nó thì cứ yên tâm hoàn toàn, mĩ mãn, đâu vào đấy.
        Trong chiến đấu Đính là người có bản lĩnh, thông minh, quyết đoán và rất khôn khéo. Miệng nói, tay làm. Khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới bao giờ Đính cũng trực tiếp tham gia vào chỗ khó khăn, nguy hiểm nhất. Chả thế mà cung đường do D33 Anh hùng bảo đảm dài hàng chục cây số, trong đó có hệ thống trọng điểm liên hoàn ATP, chỗ nào khó khăn ác liệt nhất, chỗ đó nó được điều động đến và bao giờ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hình như bom đạn kị mặt nó hay sao, chúng tôi vẫn đùa: bom đạn Mĩ phải sợ mà tránh nó. Có một lần Đính bị thương, một vết vào đầu, vết vào khuỷu tay trái và một vết vào lưng, toàn phần mềm. Chỗ nặng nhất là sức ép boom làm rỉ máu tai. Phải đi trạm phẫu điều trị mất 10 ngày.
         Hôm ấy khoảng 9h sáng, trời mùa đông, mây thấp. Một loạt boom toa độ, 2 quả trúng phía bắc ngầm Ta lê, hàng trăm khối đất đá sạt lở. Cả đơn vị đang san lấp thì bỗng lại nghe tiếng máy bay, mọi người chỉ kịp lao xuống tránh boom dưới đáy của những hố boom trước. Một loạt tiếng nổ, khói bụi mù mịt, đất đá rơi rào rào. Dưới đáy một hố bom nơi Đính và một chiến sĩ khác cùng nhảy xuống ẩn nấp, Đính bị thương do đất đá vùi nửa thân người, còn chiến sĩ bên cạnh bị hi sinh do trúng mảnh bom.
        Đính được nhanh chóng đưa đi cấp cứu thì cũng tại vị trí ấy lại dính tiếp trận bom nữa. Mọi người bổ đi tìm nhưng không tìm thấy chiến sỹ hy sinh đâu.
       Gần chỗ tiếp giáp giữa 2 cung đường do tôi và Đính đảm nhiệm, có một cái hang đá nằm ở Km 82 nên được gọi là hang 82. Hang nhỏ thôi nhưng kín đáo và mát mẻ, chúng tôi hay vào đấy nghỉ tạm, tránh máy bay.
     Một hôm đi trinh sát đường, tôi qua lối tắt đến gần cửa hang, bỗng nghe có tiếng người khóc. Tôi lẳng lặng rẽ vào thì chợt thấy Đính đang  nấc lên từng hồi, 2 tay ôm lấy mặt gục xuống đầu gối. Bên cạnh nó là một lá thư cũng ướt đẫm nước mắt.
      Không hiểu chuyện gì đã xảy ra vì cả tuần nay chúng tôi không gặp nhau. Tôi ngồi xuống bên cạnh, khoác tay ôm chặt lấy bờ vai, cứ thế im lặng cho nó khóc.
       Cầm lá thư đã ướt nhòe nước mắt lên đọc. Câu được, câu chăng tôi mới hiểu ra Đính nhận được thư của chị gái báo tin bố đã bị mất vì một cơn bạo bệnh. Thư gửi cách đây đã hơn 3 tháng. Chị bảo trước phút lâm chung ông cứ gọi mãi tên nó mà không sao nhắm mắt được.
        Thể nào gần tuần nay tôi không thấy Đính. Hóa ra hôm nào nó cũng lặng lẽ vào đây một mình ngồi nhớ và thương bố, ôm mặt cho nước mắt  thấm vào đá.
       Hai đứa ngồi tâm sự. Đính bảo: thương bố lắm, nhưng không biết làm sao được. Chiến tranh mà. Chắc ở nơi chín suối ông cũng thương và tha thứ cho nó. Nó cứ day dứt mãi vì những ngày bố bị ốm nặng không được ở bên cạnh để phụng dưỡng. Giọng nó trùng hẳn xuống: Nếu không có chiến tranh chắc bố được ra đi thanh thản hơn. Rồi nó nghẹn giọng dặn tôi không được nói chuyện này cho ai biết. Theo nó, có biết thì cũng chẳng giải quyết được gì. Nó không trình bầy để xin về. Nó không muốn được thương hại mà cho về. Không ai cho về, mà cũng không thể về được trong lúc này. Nỗi đau mất mát như vậy là trạng thái chung của cả dân tộc trong lúc đang có chiến tranh, không phải của riêng nó, nói ra chỉ càng làm phiền mọi người.
        Tôi chỉ còn biết chia sẻ và an ủi nó.
Không thể làm theo lời dặn của Đính là giữ im lặng. Hôm sau tôi lên gặp báo cáo với thủ trưởng Đại đội. Tôi được biết thủ trưởng đại đội đã gọi Đính lên hỏi han và động viên, an ủi.
       Những ngày sau tôi thấy phía sau nắp túi trên ngực áo của Đính có mảnh vải tang màu đen bằng 2 đốt tay. Đính không muốn ai biết chuyện buồn của riêng mình.
 
(Còn nữa)
tin tức liên quan