"Đường ra trận - Hành quân vượt Trường Sơn" - Bút ký của CCB Phạm Minh Tâm

Ngày đăng: 07:52 10/04/2024 Lượt xem: 18
ĐƯỜNG RA TRẬN
(Hành quân vượt Trường Sơn)
Bút ký
Phạm Minh Tâm

 
       Rời đất Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Bấy giờ, trên vai mỗi người lính có ít nhất là 35 kg, đủ các loại từ tư trang cá nhân đến vũ khí. Cái níu xuống trên vai một phần, cái níu lại của những lời tiễn chào, những tiếng thút thít đâu đó làm đôi vai chúng tôi trễ thêm, chùng xuống. Từ đây - cuộc hành quân ra trận của chúng tôi bắt đầu khởi hành.
*
       Xóm làng quen thuộc đã dần mờ sau lưng. Buổi chiều, chỉ còn đi và thở. Nặng nề, chồn gối, mệt mỏi. Đi dưới rừng cây không một bóng nắng mà mồ hôi ai nấy cứ vã ra như tắm. Sau vài ba tiếng đồng hồ, chúng tôi leo lên những đồi sim hướng về phía núi. Lả đi, có đứa đã rơm rớm mắt. Tôi có cảm nghĩ mình khó theo nổi cuộc hành trình.
       Có thể nói vượt qua vài ngày đầu leo dốc lên với Trường Sơn là cả một thử thách ghê gớm, ngoài sức tưởng tượng. Nhưng đó lại là thử thách bất khả kháng trừ khi anh kiệt sức gục xuống dưới chân bạn bè. Không còn khí thế của những giờ giải lao hát đồng ca vang trời những bài ca ra trận trong những đợt hành quân dã ngoại. Mỗi lúc cô giao liên dẫn đường đi qua, lại thi nhau ríu rít hỏi: - Dốc này tên gì o ơi ; leo bao nhiêu tiếng nữa thì mới tới đỉnh hả chị…? Có khi lời đáp lại mừng, có khi thêm lo.
       Sang đến ngày thứ hai , thứ ba thì quả thật là kiệt sức rõ rệt. Chúng tôi bắt đầu giở thủ đoạn lén chỉ huy vứt bớt đi đủ thứ. Từ quân tư trang cá nhân đến đường sữa, muối, đồ hộp - mỗi thứ vứt bớt một ít cho dù biết những thứ đó là rất cần cho mai kia. Có đứa còn nhét vào bụi rậm cả lựu đạn hay cơ số đạn phụ mang theo. Dẫu biết vậy là vi phạm kỷ luật chiến trường, nhưng lúc này đã ai quan tâm đến hậu quả việc mình làm, mà mục đích cũng là để theo kịp đội hình, còn hơn rớt lại để rồi rơi vào mấy đơn vị thu dung.
       Trường Sơn đang mùa mưa, mưa rả rích. Dốc càng ngày càng cao thêm. Đường giao liên mặc dù đã được các đơn vị thanh niên xung phong lát gỗ làm bậc nhưng cũng vẫn trơn trượt. Đoạn nào dốc dựng thì có hai lan can bằng dây song để bám víu. Leo lên đã khổ, tụt dốc lại càng cực hơn, mấy chục cân trên vai cứ thổ xuống hai bánh chè đầu gối vốn đã xoay nhão ra khi rướn lên, giờ chùng khựng lại. Không cẩn thận là lăn chưa biết xuống tận đẩu tận đâu. Dép cao su đã đi cả tất vẫn cứ tuột ngược lên cổ chân, mỗi lần tránh sang một bên sửa dép là đã tụt lại sau vài ba người - mà tụt lại bước nào là theo khướt bước ấy. Lại nữa, vắt rừng cứ như đỉa đói dựng thẳng huơ vòi chực chờ những bàn chân chậm, chúng bíu được vào chân là bò ngược lên bẹn, kiếm chỗ da non rồi châm vòi lặng lẽ hút cho đến khi no máu, mập to bằng ngón tay cái mới chịu rơi. Lại có loại vắt xanh ở trên lá cây, chúng bắn sang mũ, áo rồi bò xuôi xuống cổ - loại vắt này cứ tìm vào chỗ có mạch máu phập phồng là nọc, khi mình thấy nhưng nhức là nó đã căng cứng, no nê tròn lẵn như bong bóng bơm. Gặp phải cánh lính “công tử bột”, cả đời không biết đỉa ruộng, cứ giật mình hét toáng lên, nhảy thót như dẫm phải lửa. Ấy thế mà mấy tay nghiện thuốc, trữ được vài bánh thuốc Lào Vĩnh Bảo Hải Phòng mang theo, giờ giải lao chụm lại rít, mắt say lơ mơ, có đứa lăn mấy vòng dở cười dở khóc.
       Ngày nào nghe cánh lính ở chiến trường ra, kể về sốt rét Trường Sơn như là một thách thức, một nghĩa vụ không ai tránh khỏi, thì bây giờ đây một số anh em đã được nếm mùi. Bạn tôi ngồi gục trên ba lô run lên bần bật. Bạn tôi bỏ cơm trưa, người nóng ran, miệng luôn ừng ực nước - thế là sốt. Rồi lần lượt mỗi đại đội vài ba người lên cáng. Sốt nhẹ thì khiêng theo đội hình để đảm bảo quân số hành quân, sốt nặng thì khiêng tới trạm xá binh trạm bàn giao. Tội thằng ốm nằm trên võng đã đành, mấy thằng khiêng ngược dốc, vai chầy tứa máu, đến khi thay ca, đeo ba lô vào vai rát ràn rạt. Còn mấy thằng sốt nhẹ rong theo được đội hình thì anh em mang hộ hành trang, chỉ chống gậy đi không thôi, mà chiều nào đơn vị cũng phải cử người quay lại đón. Đến khổ mấy cậu y tá ngày nào cũng về sau cùng theo anh em ốm.
*
       Sau hơn chục ngày hành quân, toàn tiểu đoàn được nghỉ một ngày vừa tổng vệ sinh cá nhân, vừa lấy lại sức, đơn vị thì tổ chức rút kinh nghiệm trong hành quân đường dài.
       Từ bãi khách giữa Trường Sơn này, chúng tôi đã nghe thấy tiếng súng của những trận giao tranh phía mạn Đông vọng về, tiếng máy bay trực thăng phành phạch xoi mói tìm dấu lạ. Đêm xuống, tiếng loa chiêu hồi từ trên chiếc máy bay cánh quạt L19 lượn đi lượn lại ra rả một giọng sặc mùi chiêu hồi như được phát ra từ một băng cas sets - nửa lôi cuốn dụ dỗ, nửa hăm doạ: “Hỡi các bạn cán binh trong hàng ngũ Bắc Việt và Việt Cộng - các bạn hãy quay súng, rời bỏ hàng ngũ, trở về với chánh nghĩa quốc gia... đừng làm bia đỡ đạn cho bè lũ Cộng sản. Mẹ Việt Nam giang rộng vòng tay chờ đón những đứa con lầm lạc trở về. Nếu không, các bạn sẽ bị tiêu diệt dễ dàng bởi hoả lực hùng hậu của quân lực Việt Nam Cộng Hoà và quân đội đồng minh”…
       Tiếng bom súng, tiếng loa chiêu hồi, những gian khổ trong mấy ngày hành quân, những trận sốt rừng, những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại ven rừng phía sau và cả chặng đường sắp tới nữa chưa làm ai lung lay, nản chí rõ rệt, nhưng ít nhiều cũng có tác động ảnh hưởng tới suy nghĩ của bộ đội. Có anh muốn xách súng ra nả một băng cảnh cáo cái điệp khúc nhai đi nhai lại trên bầu trời kia cho đã nư, nhưng cũng có đứa tiếng rên trong cơn sốt trở nên to hơn.
       Đêm Trường Sơn dường như cũng lạnh hơn ở đồng bằng. Tiếng mưa chuyền qua nhiều lớp lá rơi tí tách lẫn tiếng suối róc rách, tiếng đàn vượn đâu đó tru tréo, tiếng cú mèo hú đêm, tạo ra một âm thanh hỗn độn vừa quen vừa lạ chui vào khoảng trống thao thức của người lính trẻ lần đầu xa nhà, xa quê đến với chiến trường, đang đón đợi sự nghiệt ngã trận mạc.
       Ngày hôm sau, chúng tôi chỉ hành quân một buổi sáng rồi được lệnh nghỉ tại chỗ. Chuẩn uý Bảy - chính trị viên trung đội nhận lệnh về cho biết: Đêm nay sẽ vượt đường số 9, quãng này có nhiều bãi trống, địch thường xuyên đánh phá ngăn chặn lực luợng ta chi viện cho phía trong, nên phải hành quân vào ban đêm.
       Cơm xong, chắc chừng mới 5 giờ chiều, nhưng trời rừng đã chập choạng, chúng tôi được lệnh lên đường. Hình như hôm ấy là một đêm cuối tháng, mưa sây hạt, trời không một vì sao, đêm sập xuống là tối như hũ nút. Chúng tôi chỉ còn cách bám tay vào túi cóc ba lô của nhau mà đi. Có thằng nào đó thông minh lấy que củi mục có phát ra ánh sáng lân tinh bên đường dắt vào túi cóc sau ba lô bạn và thế là mọi người làm theo. Đúng là cái khó ló cái khôn! Thỉnh thoảng một ai đó phía sau đứt đội hình, lệnh truyền lên, chúng tôi lại đứng chùng cả gối. Muỗi đêm reo như ve sầu mùa hạ. Tôi sờ vào đũng quần, một chú vắt tròn lẵn mọng máu, khi cởi được cúc quần lôi nó ra thì đã nhầy nhụa máu cả bẹn, cực ơi là cực. Thỉnh thoảng máy bay địch treo vài ngọn đèn dù mới thấy sáng ra một chút, nhưng lại phải đứng như tượng, có khi đến cả mấy chục phút liên tục, vai cứ ì xuống như đeo đá.
       Khi hừng đông mờ mờ đủ để chúng tôi nhìn thấy lưng nhau thì cũng là lúc vượt qua trọng điểm. Chao ơi - hành quân đã cực, hành quân đường rừng đêm mưa gió mới cực làm sao. Đoạn đường không dốc lắm nhưng lầy và trơn. Bấy giờ mới khen nhạc sĩ Phạm Tuyên - tác giả bài hát Chiếc gậy Trường Sơn. Chẳng biết ông đã cùng bộ đội vượt Trường Sơn hay chưa nhưng quả thật chiếc gậy Trường Sơn là một phần linh hồn của chiến sĩ quân giải phóng, theo suốt và nâng đỡ bước chân chúng tôi, mà nếu thiếu nó khó ai có thể vượt nổi Trường Sơn, xuyên rừng vào với miền Nam đánh giặc. Thế hệ chúng tôi đã đành, nhưng bảo tàng lịch sử quân sự mai sau nên lưu giữ lấy một phần linh hồn đó của chúng tôi - Một kỷ vật đơn sơ nhưng có công vô cùng lớn lao trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc.

 
*
       Những cơn mưa cuối mùa mưa không lớn, nhưng nước ở thượng nguồn lắm thác nhiều ghềnh nên khá dữ dội. Bộ đội chuyển sang chế độ quần đùi, áo cộc hành quân. Nhẹ nhóm, thoáng đãng hơn, ướt nhanh khô hơn,vắt leo lên đâu, biết đó. Kinh nghiệm ấy học ở cánh lính binh trạm và nghiệp vụ của mấy cô giao liên truyền lại.
       Lệnh vượt sông, chúng tôi gói ba lô vào phao ni lông, khoác súng ra sau lưng, tay bám theo dây song, cứ thế bơi qua giữa dòng Sê Pôn (dòng sông của nước bạn Lào) xiết xoáy. Ai sơ sẩy tuột tay khỏi dây song là dòng nước cuồn cuộn kia sẽ đưa anh chưa biết về đâu, mà cũng chẳng cầu ai cứu được. Nghe mấy cô giao liên nói: “Một vài đơn vị đi trước cũng đã có người sẩy tay, để mấy anh trinh sát ở lại tìm kiếm nhưng chỉ là mò kim đáy bể; các anh xem - biết con nước cuồn cuộn kia đẩy đi đến đâu, nhét vào chỗ nào mà lần” ! Tôi cứ nghĩ: con sông này rồi cũng mò ra biển, đoạn đi qua đồng quê thì dòng sông nào cũng hiền hoà và có thơ mộng riêng của nó - nhưng có ai biết trước khi đến được với ngọt ngào êm ả ấy, có lúc nó đã vô cùng dữ dội, vô cùng tàn nhẫn với cánh lính chúng tôi.
       Sau mỗi ngày hành quân, chúng tôi lại dừng chân ở một vạt rừng mà có tên quen gọi là bãi khách. Mỗi bãi khách có thể trú cả đội hình Tiểu đoàn hoặc từng Đại đội. Đặt ba lô xuống là được phân công: ai đi đón người ốm rớt lại, ai đi kiếm củi, kiếm rau giúp anh nuôi, còn lại thay nhau mắc tăng võng. Khổ nhất cuối ngày dừng chân vẫn là mấy anh nuôi quân. Củi ướt, lò ướt, nấu có ngọn khói một chút là trung đội, đại đội gọi xuống: - “Đồng chí định chỉ điểm cho máy bay hả? Đồng chí định cho đơn vị xơi pháo, xơi bom B52 hả?”. Mặc ni lông che trước che sau thổi được chảo cơm, mưa chưa kịp đủ ướt nhưng áo thì vã mồ hôi chảy thành giọt.
       Ăn cơm chiều xong, cán bộ hội ý, còn ai thì về võng người nấy chờ đêm xuống. Đi kiểm tra chế độ mắc mùng là việc làm thường xuyên trước khi đi ngủ của cán bộ Tiểu đội. Muỗi ở Trường Sơn độc lắm, con nào con ấy mùng mình vi trùng, hễ nọc vào ai là trong máu có ngay ký sinh trùng sốt rét. Nghe đâu tiểu đoàn vừa có mấy trường hợp tử vong vì bị sốt ác tính, ấy vậy mà cũng còn có anh lười, treo võng lên là muốn bó lại
ngủ, chẳng mùng màn gì sất.
       Khác với thường ngày - hôm nay cán bộ trung đội trực tiếp nhắc anh em tuyệt đối giữ bí mật và yên lặng, tránh mọi tiếng động ồn ào vì ở khu vực này địch vừa mới rải “cây nhiệt đới” (một loại máy thu phát tiếng động, địch rải từ máy bay xuống, hình và màu sắc giống một cây rừng nhỏ, khi phát hiện được tiếng động lạ, máy truyền tín hiệu về trung tâm xử lý rồi cho máy bay rải thảm đến dội bom huỷ diệt).
*
       Suốt cả tháng hành quân, hôm nay lại được nghe các đồng chí cán bộ hội ý về phổ biến và quán triệt bổ sung:
- “ Chúng ta đã đi được non nửa chặng đường. Mặc dù bước đầu gặp không ít khó khăn thử thách trong hành quân, chúng ta đã cố gắng vượt qua. Nhưng càng vào sâu, ngoài những khó khăn đã có, chúng ta còn phải đối mặt với ác liệt của bom pháo và hoạt động của bọn thám báo, biệt kích gây trở ngại, thương vong cho quá trình hành quân đến địa điểm tập kết. Bởi vậy, các đồng chí cần xác định tư tưởng để kịp thời ứng phó”.
       Quả thật, trên đường hành quân chúng tôi đã chạy như nín thở qua các bãi bom – “toạ độ chết” trống hoang, còn khét lẹt mùi khói bom. Ngược chiều chúng tôi là những đơn vị tải thương khiêng cáng thương binh trở ra. Hỏi qua được biết là anh em bị thương nặng từ mặt trận đưa về tuyến sau. Có anh còn ló được mặt ra hỏi thăm nhau, nhưng cũng có người đầu quấn băng trắng muốt che kín cả mặt. Tiện thể, thư gửi về hậu phương của cánh lính chúng tôi cứ thi nhau vất đại lên cáng, có khi thấm cả máu đồng đội. Thỉnh thoảng hai bên đường chúng tôi lại gặp vài nấm mộ, có mộ đã phủ kín lá rừng, có cái còn mới tinh, đỏ au mùi đất - không bia, không tên tuổi, nhưng biết đó là đồng đội đồng chí của mình đã ngã xuống trên đường hành quân ra trận .
       Một buổi chiều - cô giao liên có dáng người thon thả, quần xắn cao quá gối để lộ đôi giò trắng thon, eo lưng lủng lẳng bi đông nước có buộc chiếc khăn ở quai đeo, nói rặt giọng Huế - Cô có nhiệm vụ dẫn quân cung đường hai ngày nên nghỉ lại với cánh lính chúng tôi tại bãi khách qua đêm. Qua cô, chúng tôi được biết mình đang trú quân ở mái Tây Trường Sơn - trên phần đất của nước bạn Lào, sớm mai sẽ leo một dốc cao vượt đỉnh Trường Sơn sang mái Đông trở về đất Việt. Còn chúng tôi thì mù tịt về địa danh địa lý, nhưng lòng cũng thấy nôn nao, phấn chấn, dẫu sao cũng đã được về đất Mẹ.
       Đêm ấy, những cơn mưa cuối mùa giữa Trường Sơn vẫn lao xao trên cây, tí tách trên lá. Hình ảnh cô giao liên có lẽ cũng tầm tuổi tôi ấy - như một thần tượng cứ chập chờn trong tôi, một cảm xúc đầu đời lâng lâng khó tả. Ngày mai, chúng tôi cùng hành quân với cô một ngày nữa rồi lặng lẽ chia tay như đã chia tay hàng chục cô giao liên dẫn đường khác để đi sâu vào chiến trường rồi trở thành quên lãng…
*
       Ngày qua ngày, cứ sáng ra là đeo ba lô lên lưng, ngước mắt nhìn lên những con dốc hun hút tưởng chừng không có đỉnh. Bắp chân đầu gối đã quen dần với cái chồn, cái mỏi. Vắt rừng đã không còn là nỗi đáng sợ của vài anh “lính phố”. Mọi hoạt động đi đến, trú quân đã trở thành thói quen. Cán bộ cũng không còn phải nhắc nhở nhiều.
Chúng tôi cứ thế đi, trèo đèo lội suối, lên dốc xuống khe, quen dần gian khổ nguy nan, dường như không ai còn nghĩ đến phía sau lưng để tính ngày nhớ tháng trở về.
       Cho đến một ngày, toàn Tiểu đoàn dừng chân, tập trung nghe cán bộ thông báo là đã đến địa điểm tập kết. Thì cũng là lúc các đơn vị chiến đấu phía trước đến nhận quân bổ sung, chia chúng tôi ra từng nhóm như chia phần rồi dẫn về nhiều hướng. Hướng nào cũng ì ầm bom pháo và tiếng súng giao tranh.

PMT

tin tức liên quan