"Huyền thoại một con đường" - Hồi ký Trường Sơn của Hoàng Văn Kính (29)

Ngày đăng: 01:20 11/04/2024 Lượt xem: 33
 
 
(Tiếp theo)
   Chương XXIX:
BÙA HỘ MỆNH
                       
       Mọi sự đánh phá của máy bay Mĩ trên đường mòn Hồ Chí Minh chỉ có một mục đích là ngăn chặn sự chi viện từ hậu phương Miền Bắc cho chiến trường Miền Nam. Chúng đã sử dụng rất nhiều loại bom mìn với đủ các thủ đoạn đánh phá để tiêu diệt mọi sinh lực của ta, cắt đứt mạch máu giao thông. Để chống lại, hầm trú ẩn là một giải pháp hữu hiệu nhất để ta sinh tồn.
       Dọc đường Trường-Sơn đi đến đâu cũng bắt gặp những căn hầm trú ẩn, nhiều kiểu, nhiều loại được đào đắp dọc 2 bên đường. Do điều kiện của chiến tranh nên những căn hầm ấy chủ yếu được làm bằng thân cây gỗ tròn. Hầm cá nhân đủ chỗ cho  1-2 người, đường kính thân cây gỗ thường khoảng 7-10 cm. Còn loại hầm to hơn đủ cho khoảng một tiểu đội trực chiến thì đường kính thân cây khoảng 20-25 cm. Sau này vỏ quả bom bi mẹ cũng được dùng để thay thế gỗ.
       Về nguyên tắc: đã là hầm trú ẩn thì tất cả phải được đào sâu vào lòng đất.
       Có 3 loại hầm phổ biến nhất.
      Loại thứ nhất là hầm ếch. Loại hầm này được đào khoét sâu vào vách ta luy dương. Ưu điểm là thi công nhanh, chỉ cần một cái cuốc hoặc xẻng không cần đến cây que. Nhược điểm là không thể đào được ở nơi đất đã bị bom đánh tơi xốp, hoặc ở nơi đất cứng có lẫn đá. Loại hầm này chỉ được sử dụng ở giai đoạn đầu mới thông tuyến, sau một thời gian ngắn thì bị loại bỏ vì nó không an toàn, chỉ cần bom nổ gần là hàng chục khối đất đá từ ta luy dương ập xuống lấp kín cả hầm, lúc ấy rất khó xác định vị vị trí chính xác để ứng cứu.
       Loại thứ hai là hầm mái bằng. Loại hầm này được đào sâu xuống đất khoảng 1,2-1,5m rồi rải một lớp cây que lên, phia trên lớp cây que là một lớp ván rải đều được lấy từ thùng thuốc nổ để chống đất lọt xuống dưới qua các khe gỗ, sau đó thì lấp đất. Lớp đất phía trên càng dầy càng tốt, nhưng thường thì  khoảng 1m. Loại hầm này cũng chỉ được ứng dụng một thời gian ngắn rồi sau đó được thay thế bằng hầm chữ A. Nếu so với hầm chữ A, cùng diện tích, loại hầm mái bằng số lượng cây que phải dùng chỉ bằng nửa nhưng độ chắc chắn, an toàn thì kém xa. Chống chọi với bom bi, đạn rocket, đất đá thì được, nhưng với bom phá thì dễ bị bay nắp hoặc xập. Khi đã xập thì việc ứng cứu cũng gặp nhiều khó khăn.
       Loại thứ ba: Hầm chữ A. Đây là loại hầm được dùng phổ biến nhất. Nó giống như hình chữ A nằm chìm dưới đất. Ở giữa hầm là một cây gỗ to làm kèo đỡ. Hai bên mái được dựng bằng thân gỗ tròn, phía trên gối lên kèo, phía dưới chân gỗ chống vào 2 bên vách đất. Sau đó thì đất được lấp kín 2 bên vách chữ A, phía trên được phủ đất dầy khoảng 1m. Ưu điểm của loại hầm này là rất chắc chăn, không bị xô, không bị xập trừ trường hợp bom đánh trúng hầm. Nhược điểm của loại hầm này là thấp, thi công mất nhiều thời gian. Khâu khó khăn nhất, vất vả nhất là kiếm được gỗ.
       Để tránh thương vong trong quá trình tác nghiệp, trên các trọng điểm cứ khoảng 15-20m có một hầm chữ A đủ cho 2 người trú ẩn. Được sửa chữa, gia cố và bổ xung liên tục. Cứ bước vào đầu mùa khô, việc đầu tiên phải làm là tập trung đào hầm rồi sau đó mới nghĩ đến việc thông tuyến. Bất kì lúc nào có mấy bay địch là bộ đội ta có chỗ trú ẩn ngay. Hầm được đào bên phía taluy âm để tránh bị đất vùi lấp. Còn hầm trực chiến cho cả 1 Tiểu đội thì được làm kiên cố hơn, vững chắc hơn, phía trên còn được gia cố bằng một lớp tôn chống mưa được cắt ra từ các thùng phuy. Hầm trực chiến được trang bị đầy đủ điện thoại, súng đạn, thuốc nổ, bông băng và các loại thuốc cấp cứu. Những thời điểm địch đánh phá ác liệt, để giải phóng nhanh mặt đường ta đưa cả máy ủi ra chốt tại trọng điểm, đào những căn hầm to âm vào vách taluy, ngụy trang cẩn thận để cất giấu.
       Tôi khẳng định: Trên tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn, từ vị Tư lệnh đến người lính binh thường ai cũng ít nhất đã đôi ba lần phải chui xuống hầm, để tính mạng cho căn hầm che chở.
       Từ sau khi trên có chủ trương đưa bộ đội ra mặt đường, cách ứng trực được thay đổi hẳn. Các đơn vị rải ra, bám sát mặt đường, nơi xa nhất cũng không quá 300m nên khả năng cơ động cao hơn, việc sử lí các tình huống cũng nhanh hơn. Thường thì bộ đội ta lợi dụng các hang đá nằm kề mặt đường như ở các trọng điểm km 68, km79, km82 Bắc ngầm Ta-lê và km 34 phía Nam đèo Phu-la-nhích. Còn lại thì phải ở hầm, như ở cua chữ A, đèo Phu-la-nhích đều có đến 2 hầm trực chiến, đủ sức để giải quyết mọi tình huống xẩy cả ngày và đêm.
       Nghe đến đây, cô cháu ngắt lời: Bộ đội thì còn chạy được chứ hầm cố định ở một chỗ thì chạy đi trú ẩn ở đâu. Nó đánh trúng hầm thì sao?
       Tôi nói rõ thêm để nó khỏi băn khoăn: Tình huống ấy không thể tránh khỏi, nếu bị trúng bom thì ngay trong đêm hoặc sớm mai sẽ có căn hầm khác thay thế. Nhưng ở Đại đội của bác và cả Tiểu đoàn nữa cho đến khi kết thúc chiến tranh không có người lính nào bị thương vong khi đang trú ẩn trong hầm. Đấy là một sự thật mà nhiều người không thể tưởng tượng được. Bí quyết nằm ở chỗ ta hiểu và nắm rất rõ quy luật và thủ đoạn đánh phá của máy bay địch.
        Thứ nhất: Máy bay Mĩ chỉ cắt bom khi chúng đã xác định được mục tiêu cụ thể trên mặt đất. Đấy có thể là mục tiêu đã đươc chỉ định  trước ( tọa độ), hoặc bị phát hiện khi bay trinh sát, có khi chỉ là nghi ngờ trong quá trình trinh sát.
       Khi chúng đánh với mục đích phá hủy, cắt đứt giao thông ( hầu như ngày nào cũng xẩy ra ) thì ta luôn chủ động, có các phương án sơ tán đội hình ra khỏi phạm vi đánh phá.
       Thứ hai: Sau khi bị phát quang bằng bom hoặc chất độc Điô-xin, cả tuyến đường bị lộ hoàn toàn thì chúng chỉ tập trung đánh ở những điểm xung yếu nhất. Như ở cua chữ A từ km 78 đến 78+800. Ở ngầm Ta-lê quanh quẩn trong phạm vi  khoảng 150m cả ngầm và đường dẫn xuống ngầm…còn lại nếu không phát hiện được những gì khác thường thì ít khi chúng sờ đến. Tiềm lực và khả năng của Mĩ cũng chỉ đến thế thôi, làm sao đủ sức mà đánh phá liên tục xuốt dọc hàng trăm km đường. Hầm có an toàn hay không phụ thuộc vào vị trí đặt hầm nơi mà địch ít nghi ngờ nhất, nơi mà bom B52 không thể với tới, phụ thuộc vào công tác ngụy trang kể cả đường đi dẫn vào cửa hầm và sự kiên cố của mỗi căn hầm. Điều này thì lính ta ý thức rất đầy đủ.
       Nó à lên một tiếng: Đúng là “ bùa hộ mệnh”. Thần kì, bộ đội ta giỏi thật, thông minh thật, chả trách bọn Mỹ thua ta là phải bác ạ.
       Thấy nó tâm đắc, tôi ngẫu hứng làm bài thơ: Ở nơi ấy ”.
Ở nơi ấy/ Trên đỉnh Trường Sơn/ Có những căn hầm/ Phơi mình giữa trọng điểm/ Thách thức kẻ thù/ Ở nơi ấy/ Có những người lính/ sống chết với con đường/ Trong những căn hầm dưới lòng đất/ Những căn hầm không bê tông, sắt thép/ Chỉ có cây que và đất/ Hứng mọi nỗi đau bám trụ giữ đường/Những căn hầm không hề biết sợ/ Ngày qua ngày đối mặt đạn bom/ Là thành lũy chở che bộ đội/ Là điểm tựa giữ đường thông tuyến/ Là mái ấm trọn tình đồng đội/ Giữa chiến trường khốc liệt đạn bom/ Những căn hầm chỉ biết hy sinh/ Không có tên riêng, ai còn nhớ.


(Còn nữa)
 
tin tức liên quan