"Một lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng" - Bút ký của Lê Trung Khiên
------------
MỘT LẦN ĐƯỢC GẶP
TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Bút ký
Vào tháng 10 năm 2003 được Tỉnh ủy Thanh Hóa thông báo sẽ có đoàn cán bộ của Ban Lý luận Trung ương về thăm và làm việc tại huyện, nội dung chủ yếu là nghe báo cáo về kết quả thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện. Thường trực Huyện ủy giao tôi chắp bút báo cáo, bởi tôi đã có thực tiễn làm lãnh đạo bên Nhà nước, mặt khác được đào tạo chính quy tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Gần nửa tháng sau, đoàn công tác của Trung ương do ông Nguyễn Phú Trọng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng lí luận Trung ương cùng Bí thư tỉnh ủy Trịnh Trọng Quyền về làm việc. Trên xe bước xuống, ông Nguyễn Phú Trọng niềm nở bắt tay mọi người, trong chiếc áo khoác màu xẫm đen đã sờn, tóc bạc trắng, tuy năm đó ông mới 59 tuổi. Tôi nhận ra trong đoàn công tác có nhiều người quen, là thầy dạy 5 năm tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc khi tôi học lý luận và nghiên cứu sinh kinh tế khóa VI ( 1979- 1983).
Không vào phòng họp, ông nói: Bây giờ cho chúng mình xuống thăm cơ sở, sau đó về làm việc với huyện, tất cả gói gọn trong buổi sáng nay.
Đoàn công tác về thăm xã Định Tường (nay đã sát nhập vào thị trấn Quán Lào), một xã điển hình về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện và tỉnh. Đi đến các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ông hỏi về phương thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thu nhập hàng tháng của người lao động, tôi quan sát thấy ông gật đầu vui vẻ. Đến thăm cánh đồng lúa, ngô lai F1 đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch, nhìn những ruộng lúa chín vàng, bông trĩu hạt, ông hỏi về năng suất, giá trị thu nhập một ha… Sau khi biết hiệu quả vượt trội so với sản xuất lúa thường, ông cười vui cùng trao đổi ngay bên bờ ruộng. Đến thăm mô hình trang trại chăn nuôi của Hợp tác xã quy mô trên 70 lợn nái ngoại và 300 lợn thịt, ông quan tâm về lĩnh vực xử lí môi trường, dịch bệnh, bảo hộ cho người lao động; ông căn dặn phải xử lý môi trường cho tốt, tránh gây ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân trong vùng.
Làm việc với cán bộ xã, ông nhận xét: Qua 17 năm đổi mới, địa phương thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế như vậy là tốt, cần tiếp tục phát huy; ông cũng nêu một số gợi ý về đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa tập trung v.v…Hai năm sau, năm 2005 xã Định Tường vinh dự được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Làm việc với huyện, tôi được Thường vụ Huyện ủy giao trực tiếp đọc báo cáo về kết quả thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện. Bản báo cáo dài hơn 20 trang đánh máy A4 (đã được gửi trước về Tỉnh ủy). Tôi đọc bản tóm tắt khoảng 15 phút, ông vừa nghe vừa cầm bút đánh dấu vào từng trang.
Thực ra thời ký đó, Yên Định đang còn là huyện kinh tế thuần nông, chưa có cơ sở sản xuất công nghiệp, không nằm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh. Tuy nhiên lại là huyện luôn dẫn đầu tỉnh Thanh Hóa về sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, giá trị cao trên một đơn vị diện tích như: Mô hình lúa- cá trên diện tích đất ngập úng; mô hình phát triển lúa, ngô lai; mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô lớn và vừa; phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp v.v…; nhất là cuộc “cách mạng về dồn điền đổi thửa”. Lúc bấy giờ phấn đấu đạt 50 triệu đồng/ha gieo trồng trở lên cũng chật vật lắm.
Sau những ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn, ông Nguyễn Phú Trọng kết luận: Ông đánh giá cao sự chuẩn bị công phu bản báo cáo của Thường vụ Huyện ủy, đặc biệt gắn lí luận với thực tiễn ở huyện. Tuy chưa đi được nhiều điểm, nhưng qua khảo sát tại xã Định Tường và báo cáo của huyện, ông khẳng định sự lãnh đạo chỉ đạo về chuyển dịch cơ cấu kinh tế là đúng hướng, tích cực và đạt hiệu quả bước đầu, ông nhấn mạnh về kết quả “ đổi điền dồn thửa” là bước đi đột phá khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất để hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Về định hướng, ông gợi mở Yên Định cần phát huy truyền thống là huyện của quê hương bà Triệu đã được Bác Hồ về thăm tháng 11 năm 1961 và Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm năm 1977; đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, phá thế độc canh, bố trí cây trồng, con nuôi hợp lý; nâng cao hơn nữa giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, TTCN, xây dựng cơ bản và dịch vụ, giảm tỷ trọng cơ cấu nông nghiệp; xây dựng quy hoạch, nhất là các khu công nghiệp. Phấn đấu không còn hộ đói, giảm hộ nghèo, chú trọng nâng cao đời sống mọi mặt của người dân…Ông còn nói nhiều đến công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, vai trò đầu tầu gương mẫu của cán bộ đảng viên; xây dựng củng cố khối đại đoàn kết và công tác quốc phòng an ninh v.v…
21 năm đã trôi qua, từ ngày ông về thăm huyện Yên Định; thực hiện lời ông cặn dặn và sự lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh Thanh Hóa, sự cố gắng nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, năm 2010 huyện Yên Định vinh dự được tuyên dương danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và năm 2015 là huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và Bắc miền Trung được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; theo mục tiêu phấn đấu trong năm 2024 sẽ về đích nông thôn mới nâng cao.
Khi được tin ông từ trần, tôi lấy tấm ảnh chụp với đoàn công tác cách đây 21 năm, ngắm nhìn nét mặt hiền từ phúc hậu, “đẹp trai” của ông mà nước mắt trào ra. 21 năm qua ông đã giữ những chức vụ cao nhất trong Đảng, Nhà nước, ông ra đi khi vẫn đương chức Tổng Bí thư. Trong những năm tháng đó ông đã để lại cho đất nước một gia tài lớn “… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Ông là nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhà lý luận lỗi lạc, một nhân cách lớn, cuộc sống vô cùng bình dị, sáng trong như ngọc; là học trò xuất sắc của Bác Hồ, người kế tục xứng đáng những nhà cách mạng tiền bối của Việt Nam; được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Ông nói “Tiền bạc nhiều làm gì, chết có mang theo được đâu, danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý”. Tôi còn nghe những câu trích của ông từ “Thép đã tôi thế đấy”, những câu trong truyện Kiều của Nguyễn Du và đọc thơ Tố Hữu viết về Bác… đó cũng là những lời khuyên răn của ông đối với các thế hệ cán bộ
Công cuộc chống tham nhũng mà ông là người khởi xướng, chỉ đạo đã làm nhân dân tin tưởng, yên lòng, làm cho Đảng mạnh lên, làm cho đất nước giầu hơn và tin rằng sự nghiệp đó sẽ được kế tục một cách trọn vẹn. Cầu mong ông về cõi vĩnh hằng mãi mãi bình yên và phù hộ cho đất nước vươn tới khát vọng thịnh vượng./.
Trong ảnh: Ông Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc tại huyện Yên Định tháng 10 năm 2003
(tác giả đứng hàng thứ 2 , gần người đeo kính đứng giữa về phía trái).
21/7/2024
Lê Trung Khiên
Hội VHNT Trường Sơn