"Chúng tôi nữ Chiến sỹ Trường Sơn ngày ấy" - TG: Nguyễn Thị Huy

Ngày đăng: 09:06 28/07/2024 Lượt xem: 60
------------
       Nhân dịp Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19.5.1959 – 19.5.2024). Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 – 22.12.2024). Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07.5.1954 – 07.5.2024) và hướng tới Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát động cuộc thi “Hào khí Trường Sơn”; “ Chiến sỹ Trường Sơn Anh hùng năm xưa và trong cuộc sống hôm nay”. Từ đó tập hợp và tuyển chọn những tác phẩm Văn xuôi tiêu biểu nhất trong 2 cuộc thi để xuất bản cuốn sách mang tên “Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh”- Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân. Phát hành vào tháng 5 năm 2024.
       “Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh”Tựu chung là những trang viết về những con người và sự kiện đã làm lên một huyền thoại Trường Sơn trong cuộc chiến tranh vệ Quốc của dân tộc Việt Nam – Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những Cựu binh Trường Sơn miền quê Quan họ… Không dừng lại ở đó“Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh”còn là nén tâm hương nghĩa tình đồng đội, tưởng nhớ và đời đời biết ơn những người con ưu tú của quê hương đất nước đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”
       Bên thềm Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2024) Từ 132 tác phẩm của gần 100 tác giả đăng trong cuốn sách “Lính Trường Sơn – Ký ức chiến tranh” của Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tỉnh Bắc Ninh. Ban Biên tập Trang Thông tin và Bản tin Trường Sơn sẽ "nhóm" một số bài trong cuốn sách này để lần lượt giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc Trường Sơn.
       Xin trân trọng!
 
CHÚNG TÔI NỮ CHIẾN SỸ TRƯỜNG SƠN NGÀY ẤY!
 Nguyễn Thị Huy
Hội TS Thị xã Quế Võ - Bắc Ninh
Tác phẩm đạt giải Ba cuộc thi viết về “những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước” và “Hào khí Trường sơn anh hùng” (2018-2019).
       Vào những ngày tháng 5 lịch sử. 19/5 kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, cũng là ngày kỷ niệm Truyền thống Đường Trường Sơn Hồ Chí Minh – Con đường huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc (19/5/1959 - 19/5/2022). Anh em, đồng đội CCB, chiến sỹ Trường Sơn chúng tôi lại có dịp đến với nhau thăm hỏi, chia xẻ, động viên nhau trong cuộc sống, cũng là dịp ôn lại những kỷ niệm một thời để nhớ của một thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Đó cũng là câu chuyện xúc động của nữ chiến sỹ trường sơn Nguyễn Thị Huy (Quế Võ, Bắc Ninh) kể cho đồng đội chúng tôi nghe về một thời đáng nhớ ở Trường Sơn…
       Hơn 50 năm đã đi qua. Với tôi không bao giờ quên cái ngày 20/5/1971 năm ấy. Vừa học xong lớp 10 cuối cấp, tôi tròn 19 tuổi. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi cùng các bạn nam nữ trong trường Cấp III Quế Võ xếp bút nghiên, tình nguyện lên đường tòng quân đi đánh Mỹ. Xã tôi đợt nhập ngũ đó đi rất đông. Riêng làng tôi đã có 7 chị em gái: Thành, Nhiệm, Lợ, Sấn, Thùy, tôi và Điền ở Phù Lãng.
       Sau năm tháng huấn luyện ở Trung đoàn 8, Quân khu Tả Ngạn (Quảng Ninh), Nhiệm ở lại, còn 6 chị em cùng đơn vị đi Lào. Nghe cấp trên nói là đi nhận nhiệm vụ đặc biệt. Lúc đó tôi là trung đội phó. Đường sang Lào vượt đỉnh Trường Sơn, đoàn chúng tôi ra đi mang theo khí thể hào hùng của cả một dân tộc yêu chuộng Tự do, Độc lập, chưa bao giờ biết khuất phục trước họa ngoại xâm, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Đúng như lời cấp trên nói, đơn vị mới của chúng tôi là một đơn vị đặc biệt, ngay ở trên ghế nhà trường hay suốt thời kỳ huấn luyện, tôi cũng chưa nghe nói đến bao giờ. Đó là Tiểu đoàn 668 thuộc Trung đoàn 592 làm nhiệm vụ vận chuyển xăng dầu bằng đường ống phục vụ chiến đấu các chiến trường. Một con đường ống chạy ngang dọc, đông tây Trường Sơn, vượt đèo cao suối sâu, dưới mưa bom, bão đạn, của giặc Mỹ, mà lại vận chuyển xăng dầu thì quả là đặc biệt. Vào đến tiểu đoàn, theo sự phân công của cấp chỉ huy, mỗi người một nhiệm vụ. Người về tổ tuần tra bảo vệ tuyến, người đến thông tin, người lên cơ quan. Tôi ở lại tiểu đoàn bộ ít hôm, rồi được cử đi theo học lớp quân y. Xong chương trình lý thuyết, tôi được cử về Đại đội 1 thực tập. Đại đội 1 ở vùng giáp ranh giữa ta với Lào, quanh năm mưa gió. Cái khó nhất của công tác quân y ở đây là phòng chống sốt rét, bệnh ngoài da, bệnh phụ nữ, nấm chân tay... Khi nhiệm vụ đòi hỏi phải nối dài tuyến ống xuống sát đường 9, tôi được điều vào Đại đội 2.
       Cuộc đời quân ngũ của tôi ở Đại đội 2 in đậm những kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên. Đại đội 2 đóng quân tại huyện Sê Pồn tỉnh Xavana Khét, Nam Lào. Ngoài công việc chuyên môn hàng ngày tôi còn nhiệm vụ vào bản Xà Lùng, tức xã Xà Lùng chữa bệnh cho nhân dân trong bản, đồng thời cũng là làm công tác dân vận, để nhân dân cùng ta bảo vệ tuyến ống. Tôi nhớ mãi lần anh Núi chủ tịch xã Xà Lùng bị sốt nặng, vợ anh lại bị ngã đau lưng, tôi cứ chiều đi, tối về, chữa bệnh cho anh chị. Có hôm trời tối quá thấy tôi chưa về, đơn vị lại cử em Tâm và anh Tấn qua sông Sê Mu vào bản đón tôi. Khoảng hơn 10 ngày anh chị Núi khỏe hẳn, đơn vị cử tôi vào tặng dân bản thuốc sốt rét, đường sữa, hướng dẫn dân bản cách uống thuốc. Xong việc, tôi xin phép ra về nhưng mọi người trong bản đã quây lấy tôi, dạy tôi cách múa lăm vông. Sau đó dân bản khoác lên vai tôi chiếc gùi, nào thì đu đủ, gạo nếp, năm con gà to, và nói dân bản cám ơn y tá Huy và bộ đội Việt Nam nhiều nhiều lắm!
Tôi cảm động vô cùng trước tấm lòng của vợ chồng anh Núi và bà con dân bản. Đúng là: “Đẹp muôn thủa tình người Lào - Việt / Hơn Hồng Hà, hơn nước Cửu Long”, như Bác Hồ khái quát câu văn, ý thơ thắm mãi quân dân Việt - Lào. Chuyện về tình quân dân như cá với nước thì nhiều lắm, không sao kể hết…
       Năm 1972 việc vận chuyển ống bằng đường ô tô qua trọng điểm Pha Băng Nưa là rất nguy hiểm. Để có đủ lượng ống dự phòng, thay thế cho những đoạn tuyến bị máy bay Mỹ đánh phá, đơn vị đã tìm cách vận chuyển bằng đường sông. Lợi dụng dòng chảy sông Sê Băng Hiên, chúng tôi đóng ống thành bè thả xuôi dòng nước được mấy chuyến trót lọt, sau địch phát hiện, chúng dùng đủ loại vũ khí ngăn chặn. Một hôm máy bay trinh sát OVIO phát hiện bè ống, chúng bắn cối chỉ điểm, lũ phản lực ở đâu bu tới dội bom. Đầu tiên là bom phát quang, sau đó là các loại bom phá. Hai hầm chữ A, nơi tôi và tổ tuần tra ống ẩn nấp đều bị đánh bật nắp, rất may tôi, anh Luyện và Việt không ai việc gì. Ngớt đợt bom thứ nhất anh Luyện hô chạy về hang 43. Nếu chạy xuôi theo dòng nước về phía đơn vị, chắc không thoát. Bè ống bị đánh tan tành. Trên đường chạy, không may túi thuốc của tôi mắc vào cành cây, văng xuống đất. Trong mù mịt khói bom, tôi cố tìm bằng được, lúc này mất túi thuốc là có tội, anh em bị thương lấy gì cấp cứu. Khi tôi vừa lao đến cửa hang một quả bom nổ gần, một tảng đất từ phía sau đập vào vai phải làm tôi ngã xuống ngất đi không biết gì nữa. Tôi mơ màng tỉnh dậy khi thấy Việt đang gào khóc: “Các anh ơi chị Huy chết rồi”. Có lẽ nhờ tiếng khóc của Việt đã làm tôi tỉnh lại. Mọi người ai cũng mừng rỡ. Nghỉ được mười phút, anh Tấn người Hà Tây phát hiện đường dây không liên lạc được với tổng đài. Chúng tôi lại lao đi nối tuyến. Tôi nhớ lúc ấy anh Phi (Người thôn Nam Cầu, Dương Quang, Gia Lâm, Hà Nội) quát rất to: “Cô Huy ở lại”. Anh sợ tôi chưa khỏe, nhưng tôi vẫn xách túi thuốc chạy theo mọi người. Trên bầu trời, máy bay Mỹ vẫn gầm rú điên cuồng cùng với những tiếng bom nổ ầm ầm.
       Ngày ấy tôi chưa có người yêu. Nói là chưa có thì không đúng. Chúng tôi chỉ mới hẹn hò, nhưng hai người không ở gần nhau. Sau này gặp tôi, anh bảo: “Khi thấy bom nổ nơi em, anh lo lắng vô cùng, anh lên xin thủ trưởng được đến bên em, các anh dứt khoát không cho đi. Hóa ra thế cũng may.” Cấm yêu. Không được quan hệ nam nữ. Chỉ có hai người một nam, một nữ, nói chuyện cầm tay nhau đã là... “Liệu đấy”. Ít nhất cũng phải đưa ra hội nghị chi đoàn. Thế mới có chuyện “Tưởng của em, chứ nếu biết của chi đoàn thì…! ”. Trong chiến tranh, qui định của thủ trưởng là luật pháp!
       Ngày 30/1/1973, B52 đánh vào trung đoàn bộ. Đại đội 2, Đại đội 10, Đại đội 4, trừ một số ở lại thường trực còn toàn bộ nam giới, các y tá đều được lệnh về cấp cứu cho trung đoàn bộ. Tôi đến nơi. Ôi! Trung đoàn bộ tan hoang sau trận bom, lửa khói nghi ngút, cây cối đổ ngổn ngang, những thi thể người vung vãi, máu me loang lổ. Tiếng kêu rên nhiễu loạn. Tôi không còn tin vào mắt mình nữa. Ba ở Hiệp Hòa, Vân gốc Hoa, Ninh, Vy, Quyên… tất cả đều đã chết. Tổng đài thông tin toàn con gái, hy sinh gần hết. Ngọc, Thoa, Xuân, Ninh, những đứa bạn thân cùng đợt nhập ngũ với tôi, bây giờ nằm đây. Trong số hy sinh hôm ấy có Ba cùng kết nạp Đảng với tôi ngày 14/10/1971. Mơ ước lớn nhất của Ba là được làm cô giáo. Bây giờ thì em không còn nữa. Nỗi đau mất mát xé ruột gan tôi. Tôi kéo tay Ba xuôi xuống rồi lao vào phía tổng đài, nơi đấy có ai vừa gọi: Y tá đâu?...Đêm hôm đó và cả ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm trong đống đổ nát. Những thi thể người chết được đưa về một nơi. Thương binh sau sơ, cấp cứu, được khẩn trương chuyển về tuyến sau.
       Sáng hôm sau, 14 chiếc quan tài được chuyển sang sườn đồi bên cạnh. 14 lỗ huyệt đã đào sẵn. Mọi người chuẩn bị làm nghi lễ cuối cùng dành cho người hy sinh, thì bỗng thấy đất dưới chân rung lên bần bật. B52 đấy! Tiếng ai quát lên. Tôi nghe rõ tiếng thủ trưởng Bảo - Chủ nhiệm chính trị: “Tất cả xuống hầm”. Sau này tôi nhớ mãi, người chết chưa được an nghỉ thì người sống đã tranh huyệt trước. Cũng lần cấp cứu ấy, có một anh cùng quê, mà sau này tôi mới nhận ra, đó là anh Côn ở bộ phận Mật mã B. Anh bị một vết thương ở cổ, một vết ở phần ngực phía sau lưng. Quần áo rách nát, mặt đầy máu. Lúc nâng đầu anh lên để băng, anh bảo vẫn nhận ra tôi là con ông Hào ở Đồng Sài. Từ ngày hòa bình đến nay, anh là chỗ thân quen của vợ chồng tôi…
       Sau 3 năm lăn lộn với bom đạn trên cánh trừng Trường Sơn, mấy lần bị bom vùi dập, sức khoẻ tôi giảm sút. Năm 1974, bác sĩ Trương Hường chủ nhiệm quân y trung đoàn ký giấy chuyển tôi về tuyến sau điều trị, gần nửa năm trời, qua các Viện 559, Viện 111, Viện 108, Viện Mắt Trung ương, rồi về an dưỡng ở Đoàn 157. Sức khoẻ tôi hồi phục. Tôi được cấp trên cho đi học, ra trường tôi xin về quê công tác cho đến khi nghỉ hưu.
       Thấm thoát đã 50 năm trôi qua, nhưng tôi không thể nào quên những ngày ở Tiểu đoàn 668 đường ống xăng dầu. Hình ảnh Ba, Quyên, Vân, Vi, Ngọc, Thỏa... cùng các anh những đồng đội thân yêu của tôi đã hy sinh trong ngày 30/1/1973 vẫn cứ còn hiển hiện lên trước mặt tôi. Những con người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, để non sông thu về một mối, nhân dân cả nước đi lên trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Tôi cũng không sao quên được dòng Sê Băng Hiên, Sê Mu trong xanh êm dịu, nhưng một thời đạn lửa, cũng cuồn cuộn trôi hung hãn, gầm rú. Nhớ những cánh rừng đại ngàn xanh biếc nhưng một thời đạn bom cầy xới dọc ngang, chỉ còn lại một vùng đất bazan trơ trụi hoang tàn như cánh rừng Pha Băng Nưa cháy sém. Tôi nhớ bản Xà Lùng. Nhớ Chủ tịch Núi. Nhớ những cô gái Lào hiền lành, chất phác, khỏe mạnh, ngày ngày cần mẫn, phơi mình trên nương rẫy chăm tỉa, xới trồng lúa ngô nuôi chồng con và giúp đỡ bộ đội tình nguyện Việt Nam đánh giặc giữ bản làng. Trong khốc liệt của chiến tranh, cái nắng cái gió của nước Lào đã ngời lên tình đồng chí, tình hữu nghị Việt - Lào. Quanh ta vẫn còn vang câu hát: “Nhìn mây bao la. Theo đàn chim trắng bay xa. Yêu sao mảnh đất Việt - Lào…”. Yêu lắm đất nước Triệu Voi xinh đẹp. Nhớ lắm những ngày cùng đồng đội, đội bom đánh Mỹ, chiến đấu trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Những năm tháng không thể nào quên!
Nữ chiến sĩ Trường Sơn chuyển thương binh về trạm phẫu tiền phương mùa mưa Trường Sơn.
     (Ảnh tư liệu TTXVN).
       Hôm nay tuy tuổi đã xế chiều, cuộc sống chưa được may mắn lắm, nhưng tôi luôn được chồng, con và đồng đội động viên. Hàng năm chúng tôi vẫn họp mặt tiểu đoàn và trung đoàn. Cũng có người do bệnh tật và tuổi cao không còn được gặp lại nữa, nhưng những người còn sống vẫn thăm hỏi và giúp đỡ nhau. Như cụ Mai Trọng Phước tuổi gần 90, cụ vẫn đi làm từ thiện. Hay các anh Thuần, Giá, Thọ, Nhận, Mai, Việt, Thành vẫn thường xuyên tìm về những gia đình của đồng đội, những người có hoàn cảnh khó khăn, để động viên, thăm hỏi và làm công tác nghĩa tình chia xẻ cùng đồng đội. Những lần họp mặt tiểu đoàn, trung đoàn dẫu thời gian ngắn ngủi, nhưng vẫn để lại cho mỗi chúng tôi những ký ức không phai về một thời lính Trường Sơn Anh hùng.
 
 N . T . H

tin tức liên quan