Bác Hồ viết “Tuyệt đối bí mật” – Ký của Phạm Huy Chương

Ngày đăng: 03:49 31/08/2024 Lượt xem: 227
-------------------

Kỷ niệm 55 năm thực hiện di chúc Bac Hồ (2/9/1969-2/9/2024).
 
BÁC HỒ VIẾT “TUYỆT ĐỐI BÍ MẬT”?   
Ký của Phạm Huy Chương.

       Tròn 30 năm thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch. Những câu chuyện kể Bác Hồ viết tài liệu “tuyệt đối bí mật” nay là “Di chúc “ của Người vẫn còn nhớ như in từng chi tiết nhỏ với người  thư ký riêng của Hồ Chủ tịch – đồng chí Vũ Kỳ. Câu chuyện được kể trước máy ghi hình của nhóm phóng viên đài PT&TH Bắc Ninh (tháng 5 năm 1999). Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ (2/9/1969-2/9/2024) xin viết lại giới thiệu cùng đọc giả.
       Ra tết Ất Tỵ năm 1965, mặc dù đã trên cái tuổi “xưa nay hiếm” – 75 tuổi,  Hồ Chủ tịch đã chọn dịp rằm tháng giêng (14, là 15/2/1965) đi thăm di tích Côn Sơn – Nơi hội tụ những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa Tôn giáo của Việt Nam. Địa danh gắn với những tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất việt như: Trần nguyên Đán, Huyền Quang, đặc biệt là người anh hùng dân tộc – danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Di tích chùa Côn Sơn trên đỉnh núi bao quanh là đại ngàn thông reo, huyền ảo và thơ mộng. Bác leo lên núi vào đền thờ, rồi lần xuống khe- những nơi Ức Trai ( Nguyễn Trãi) từng đi, ở, sinh sống những ngày xa chốn quan trường. Bác miệt mài chăm chú tìm dò, đọc, dịch từng chữ, từng câu chữ cổ nhân khắc trên từng tấm bia tại đền chùa Côn Sơn…
       Sau cuộc “gặp” lịch sử ấy, tròn 2 tháng, 25 ngày. Vào buổi đầu sáng thượng tuần tháng 5, hè 1965. Sau giờ thể dục buổi sớm bình thường như bao ngày bình thường khác, khoảng gần 6 giờ sáng thứ hai ngày 10-5-1965, Hồ Chủ tịch dặn đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng) của Bác: “ Chú Kỳ, tí nữa lên làm việc, lấy cho Bác mươi tờ giấy trắng và chiếc phong bì to nhé!”.
       Đúng 9 giờ trong phòng làm việc trên nhà sàn yên tĩnh, gió mát dịu, thoang thoảng hương thơm của hoa vườn, đan quyện tiếng chim chíu chít hót trong khu nhà sàn… Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên của bản tài liệu, đầu đề có ghi bốn chữ “Tuyệt đối bí mật” để dặn lại mai sau. Hôm ấy, Bác viết: “…Năm nay tôi đã 75 tuổi… Tôi để lại mấy lời này. Phòng khi tôi đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin và các vị cách mạng đàn anh khác …”
       Bác làm việc chăm chú, say sưa. Một giờ trôi qua. Đúng mười giờ, Bác gấp những tờ giấy, cẩn thận cho vào phong bì, để vào ngăn trên giá sách. Bác ung dung trở lại công việc hàng ngày của vị Chủ tịch nước. Sáng hôm sau, 11-5. Đúng chín giờ, Bác lại lấy chiếc phong bì xuống, ngồi vào bàn, chăm chú viết… Bác viết về Đảng, về đoàn kết, về nhân dân lao động, về đạo đức cách mạng… Tiếp đó những ngày 12-5, 13-5, cũng từ chín giờ đến 10 giờ, Bác viết tiếp các phần tiếp theo của bản tài liệu “Tuyệt đối bí mật”.
       Đến sáng thứ sáu, ngày 14-5, trong bộ quần áo gụ nâu quen thuộc, theo lịch công tác của Chủ tịch nước trong tuần, Bác đi thăm bà con nông dân xã Xuân Phương huyện Từ Liêm (Hà Nội) đang làm việc trên đồng;  đến mười giờ mới về nhà. Chiều hôm ấy Bác dành thời gian gấp đôi, từ 14 đến 16 giờ để viết tiếp “Tuyệt đối bí mật”, phần nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ, phong trào cộng sản thế giới.
       “… Cuối cùng tôi để lại muôn vàn thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng…”
        Và sau giờ cuối ngày làm việc 14/5/1965, khoảng 16 giờ rưỡi Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ đi cùng Bác sang gặp đồng chí Lê Duẩn Bí thư thứ Nhất BCHTW Đảng Lao động Việt Nam để báo cáo và chứng nhận chữ ký của đồng chí Bí thư thứ Nhất Lê Duẩn vào bản viết tài liệu “Tuyệt đói bí mật”, Bác vừa khởi thảo – Bác tôn trọng, đề cao, giữ gìn kỷ luật của Đảng như thế đó.
       Buổi tối hôm ấy, Bác đi dự lễ kỷ niệm lần thứ 24 ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong với các cháu thiếu niên Thủ đô về, vừa đúng 21 giờ. Bác trao chiếc phong bì to cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn: “ Chú cất giữ cẩn thận cho Bác. Sang năm, mồng 10 tháng 5, nhớ đưa lại cho Bác!”. Như vậy, những điều đã viết ra Bác cho là chưa đủ và rõ ràng là “còn thời gian”.
      Sáng 15/5/1965. Bác đáp máy bay đi Quảng Châu. Hôm sau đến Trường Sa thăm Chủ tịch Mao Trạch Đông, rồi lại bay đi Bắc Kinh, tiện ghé thăm Tế Nam, rồi đi tàu về Dương Châu, tới Khổng Phủ. Bác bảo để kíp “gặp” Khổng tiên sinh vào đúng ngày sinh nhật của mình (19/5) – tránh được các cuộc mừng thọ “năm chắn” mà ở trong nước cũng như sang nước bạn, Bác đều không muốn.
        Đầu giờ chiều ngày 19/5 Bác đến Khổng Phủ. Quang cảnh thật trang nghiêm, vắng lặng lạ thường. Người phương xa tới, như lạc vào một thế giới u tịch thần bí, trước những mái ngói rêu phong, những tường thành thiên cổ, những hàng cây cổ thụ mấy ngàn tuổi…Hai Bác cháu bước qua cử Tam quan vào Khổng phủ, bỗng đâu một cơn gió thổi ào qua khu sân gạch rộng, cuốn theo những chiếc lá khô tung lên, quay quay mấy vòng tròn trước mặt Bác…Bác im lặng, dừng lại trước luồng gió và lớp gió cuốn theo. Đợi gió ngừng hẳn, Bác thong thả dạo bước, nét mặt trang nghiêm nhưng dáng vẻ thư thái trong bộ quần áo lụa Hà Đông, ung dung tự tại như một tiên ông trong một thế giới huyền ảo: y như Bác đang đi bên cạnh tâm tình với đức Khổng Tử. Bác dừng lại bên cây đại thụ 2.400 năm tuổi do chính Khổng Tử trồng, rồi Người kể cho đồng chí Vũ Kỳ nghe về lời dạy của đạo Khổng: “ Không sợ nghèo. Chỉ sợ lòng dân không yên. Đã công bằng thì không nghèo. Đã hòa mục thì không thiếu. Lòng dân đã yên thì không sợ nghiêng đổ…”.
       Rời Khổng miếu sang Khổng lâm, đi dưới những hàng cây đại ngàn, Bác nói tiếp về quan điểm “Lấy dân làm gốc” của Khổng Tử, được Mạnh Tử phát triển thành: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Từ tiếng Hán nghĩa là: “Lợi ích của nhân dân trước hết, thứ đến lợi ích Quốc gia, còn lợi ích của Vua – không đáng kể. Rồi Bác hỏi vui đồng chí Vũ Kỳ: “ Bác dịch thế có được không?”. Đồng chí Vũ Kỳ im lặng mà trong lòng rưng rưng niềm hạnh phúc ngập tràn, nhưng vô cùng thương Bác bởi suốt cả cuộc đời, Người hy sinh phấn đấu chỉ vì một mơ ước tột bậc là: “làm sao cho đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Vậy mà nay Bác tuổi đã cao, cuộc kháng chiến chống Mỹ còn lâu dài, gian khổ; hẳn chưa thể thực hiện trọn vẹn. “Dân vi quý”, Người phải dặn lại: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân…”
       Một năm đi qua. Trước 9 giờ ngày 10-5-1966, đồng chí Vũ Kỳ đã đặt bì thư “Tuyệt đối bí mật” trên bàn làm việc của Bác. Nhưng hôm ấy, Bác không viết gì thêm. Và trong những ngày 11,15,16-5 – 1966, Bác đều dành một giờ, từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, xem kỹ lại từng trang đã viết, và bổ sung tài liệu… 14 giờ ngày 16-5- 1966, Bác trao lại chiếc bì thư “ Tuyệt đối bí mật” cho đồng chí Vũ Kỳ cất giữ và bảo: “Chú Vũ Kỳ chuẩn bị ngày mai chúng ta lại đi công tác sớm…”.
       Rồi lại đúng một năm sau; đúng 9 giờ ngày 10-5-1968, Bác lại ngồi vào bàn viết, chiếc phong bì đựng tài liệu trước mặt… từ 11 đến 18-5, cứ đúng vào cái “giờ thiêng” ấy, Bác mải miết đọc, rồi sửa lại tài liệu.
       Năm sau. Sáng 10-5-1969, Hội nghị Trung ương họp ở nhà khách Hồ Tây, Bác lên dự, rồi về nhà lúc hơn 9 giờ. Bác bảo đồng chí Vũ Kỳ: “ Chú Vũ Kỳ chuẩn bị tài liệu cho Bác!”. Hôm ấy, Bác làm việc từ 9 giờ rưỡi đến 10 giờ rưỡi. Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu vào mặt sau tờ Tin tham khảo đặc biệt ngày 3-5-1969 của Thông tấn xã Việt Nam. Phần cuối cùng của “Tuyệt đối bí mật” bác viết: “ Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. phía dưới có đề chữ: Hà Nội ngày 10 tháng 5 năm 1969 – Hồ Chí Minh.”.
       Như vậy là đến ngày 10-5-1969, Bác đã viết xong toàn bộ “Tuyệt đối bí mật” - Bản Di chúc lịch sử - kể từ 10-5-1965 đến 10-5-1969 vừa chẵn bốn năm. Trừ phần cuối vẫn giữ nguyên như năm 1965, còn phần đầu, phần giữa đều được Bác thêm, bớt, sửa chữa qua bốn năm nghiền ngẫm. Riêng năm 1968, Bác viết bổ sung thêm nhiều điểm quan trọng, nhưng giống như là một bản phụ lục, chứ không viết vào bản chính thức như đã công bố.
       …Và đến Buổi chiều 18-5-1969. Từ 14 đến 15 giờ 25 phút, anh em trong cơ quan tổ chức mừng thọ Bác 79 tuổi một cách nhẹ nhàng, ấm cúng… Không ai biết được. Đây lại là lễ mừng thọ Bác lần cuối cùng của Người.
       Kể chuyện Bác Hồ viết “Tuyệt đối bí mật” (nay là Di chúc Bác Hồ), đồng chí Cố Vũ Kỳ tâm sự: “ Từ sau ngày Bác Hồ mất. ngoài nhiệm vụ được giao hàng ngày. Tôi thường tới các cơ quan, về các tỉnh, thành, các đia phương kể chuyện về cuộc đời hoạt động của Bác, những gương sáng đẹp, từ lời nói đến việc làm, lối sống giản dị mẫu mực của Bác. Với tâm nguyện của tôi mang đến với mọi người là: Thương nhớ Bác Hồ bao nhiêu? Tôn kính Bác Hồ bao nhiêu? Mỗi chúng ta phải thường xuyên “Sống, lao động, học tập và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại” bấy nhiêu! ”
       Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ. Tôi viết lại những tư liệu này để một lần nữa ghi lòng, tạc dạ công ơn trời, biển của Bác Hồ đã hiến trọn cả cuộc đời vì dân, vì nước. vì nền Độc lập – Tự do của Tổ quốc.
Trong ảnh: Tác gỉa chụp kỷ niêm với đồng chí Vũ Kỳ sau cuộc phỏng vấn (tháng 5 năm 1999)
tại nhà riêng - Khu gia cư ở Hoàng Cầu Hà Nội.

PHẠM HUY CHƯƠNG
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn tại Bắc Ninh
(Ghi theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ năm 1999)


 
tin tức liên quan