"Tôi không nghĩ đây lại là lần cuối gặp ông" - Ký ức của Phạm Sinh

Ngày đăng: 07:48 21/09/2024 Lượt xem: 69
TÔI KHÔNG NGHĨ ĐẤY LẠI LÀ LẦN CUỐI GẶP ÔNG

       Trung tuần tháng 10 năm 2022 theo sự phân công của Thường trực Ban Thường vụ Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Sư đoàn 471, tôi có chuyến đi vào thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông dự Lễ Kỷ niệm 51 năm ngày thành lập Sư đoàn 471 và Kỷ niệm 46 năm ngày Sư đoàn chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vùng đất Tây Nguyên – Lễ Kỷ niệm do Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 Khu vực miền Trung Tây Nguyên tổ chức. Thay vì đặt vé dịch vụ hàng không vào Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc. Tôi chuyển hướng đặt vé vào Thành phố Hồ Chí Minh với mục đích ghé thăm anh chị em đồng đội Sư đoàn thuộc Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 471 Khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ. Cùng với đó còn có mục đích đến thăm người Thủ trưởng trân quý – Thiếu tướng Phan Khắc Hy vì đã hơn một năm qua tôi không có dịp thăm ông.
       9h30 ngày 12 tháng 10 vợ chồng tôi có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh và được cô cháu gái ở Biên Hòa, Đồng Nai mang xe ra đón. Khi đó tôi tính luôn chuyện đến thẳng nhà thăm Thiếu tướng Phan Khắc Hy (nhà ông rất tiện đường và gần sân bay Tân Sơn Nhất). Sau hồi bấm chuông – Người giúp việc trong nhà ông ra mở cổng và đón chúng tôi vào nhà. bước chân vào cửa tôi thấy ông đang ngồi trước bàn uống trà, vợ chồng tôi đến gần chào ông và tôi hỏi” Chú có nhận ra cháu không?”, nhìn tôi một lúc ông nói: “Nhớ rồi Sinh… Phạm Sinh đã mấy lần đến thăm và đã tặng chú bức trang thơ về Trường Sơn kia kìa…”. Nói đoạn ông giả bộ nghiêm nét mặt và chỉ vào vợ tôi – ông hỏi “Đứa nào kia”, động tác và câu hỏi của ông làm cho vợ tôi “hơi run”, nhưng rồi cũng hiêu đấy là câu hỏi vui và chứa ẩn chất thân mật của ông… Ông ra hiệu mời chúng tôi ngồi vào ghế và rót nước mời chúng tôi uống. Tôi vừa dứt lời hỏi thăm sức khỏe của ông và chưa kịp nói gì thêm thì Thiếu tướng Phan Khắc Hy đã cắt lời và hỏi thăm sức khỏe các đồng chí lãnh đạo Hội Trường Sơn Việt Nam, hỏi thăm về tình hình hoạt động của Hội…


Tấm ảnh lưu niệm Thiếu tướng Phan Khắc Hy cùng vợ chồng Phạm Sinh ngày 12-10-2022
 
       Tiếp chuyện tôi. Ngoài những lời thăm hỏi trên, ông không nói nhiều về mình mà ông chỉ nói câu: “Chú chỉ được cống hiến cho Trường Sơn có 4 năm thôi, chỉ bằng một phần tư (¼) thời gian của 16 năm mà các thế hệ cán bộ chiến sỹ Trường Sơn làm nên một con đường huyền thoại, trong 4 năm ấy với cương vị nằm trong bộ máy lãnh đạo chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn chú được chứng kiến sự cống hiến và hy sinh hết sức lớn lao của các lực lượng Bộ đội Trường Sơn anh hùng… Và ngày nay vẫn với Truyền thống anh hùng ấy chúng ta đã thành lập được tổ chức Hội Truyền thống Trường Sơn và Hội hoạt động rất có hiệu quả, chú mừng lắm…”. Cũng nói về những vấn đề liên quan đến hai tiếng “Trường Sơn” Thiếu tướng Phan Khắc Hy phấn khởi “khoe” với tôi rằng: Cháu biết không chú còn thấy một điều rất đặc biệt và cũng đáng ghi nhận và đáng mừng nữa – Đó là tại Thành phố Hồ Chí Minh này lại có một tổ chức gọi là Ban Liên lạc con em Trường Sơn – Ban này tự nguyện thành lập và xin được đứng trong tổ chức của Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn Thành phố Hồ Chí Minh. Người khởi xướng thành lập và đứng đầu Ban này là anh Võ Kim Cương, con trai của đồng chí Võ Bẩm – Người tiên phong cầm quân đi mở đường Trường Sơn từ những ngày đầu tiên… Ban Liên lạc con em Trường Sơn hoạt động rất tốt và có rất nhiều đóng góp cho hoạt động chung của Ban Liên lạc Truyền thống Trường Sơn Thành phố Hồ Chí Minh và cho cộng đồng xã hội trên địa bàn Thành phố.   
       Ngồi cạnh tôi trong lúc tôi tiếp chuyện Thiếu tướng Phan Khắc Hy. Vợ tôi “rỉ tai” nói nhỏ: Cụ vui tính và tình cảm quá anh nhỉ. Mà sao em thấy nhà của một ông Tướng mà cũng bình dân vậy…? Từ câu hỏi của vợ mình tôi chuyển hướng vừa tiếp chuyện Thiếu tướng Phan Khắc Hy, vừa để mắt quan sát tổng thể phòng khách của ông tôi thấy đơn sơ đến kỳ lạ – Phòng khách của căn nhà không thấy trưng bày những gì đại loại như Huân huy chương, những thứ gọi là kỷ vật, cùng với đó là những cuốn sách viết “hơi quá” về mình… nó không giống như ở đâu đó một số cán bộ cấp cao họ thường trang bị cho mình một không gian gọi là “Phòng lưu niệm”hoặc một “tiểu Bảo tàng” nhằm tôn vinh thân thế sự nghiệp của mình…
       Trở lại những câu chuyện mà hai chú cháu chúng tôi tâm sự và chia sẻ với nhau – Đoạn nói về gia đình và một chút nói về xã hội, Thiếu tướng Phan Khắc Hy thổ lộ với tôi một câu chuyện. Ông có thằng cháu theo học và tốt nghiệp tại một trường thuộc ngành bay – Hàng không. Cháu làm hồ sơ và nộp cho hãng Hàng không Quốc doanh để xin việc … Chú nghe láng máng đâu bảo ai đó trong bộ máy làm công tác tổ chức và tuyển dụng của hãng Hàng không này họ “đòi tiền”, sau khi biết chuyện này là có thật chú đã quyết định “chỉ đạo” bố mẹ cháu và cháu rút hồ sơ rồi chuyển sang xin làm việc tại một hãng Hàng không khác, cũng ngay sau thời điểm đó cháu đã được hãng này nhận vào làm việc, từ đó đến nay công việc của cháu rất ổn định mà chẳng có phiền hà vướng mắc gì… Nói đoạn ông thở dài rồi lại tiếp câu chuyện – ông nói: Chú từng là một trong những người có nhiều đóng góp cho việc thành lập và phát triển của ngành Hàng không Việt Nam, trong trường hợp xin việc cho thằng cháu, ngay ban đầu nếu chú trực tiếp đứng ra can thiệp thì chắc là ổn, nhưng chú không thể làm việc ấy… Chú hơi buồn về một hiện trạng của xã hội hiện nay với một bộ phận không nhỏ những người thực thi việc công nhưng họ bị biến chất dẫn đến hành động tham nhũng, vòi vĩnh và đòi hối lộ…Chú rất bức xúc và kiên quyết phản đối tư tưởng và việc làm bất chính của họ…
       Qua câu chuyện của ông tôi nhớ lại lần cách nay khoảng 7 năm (Năm 2017) đọc báo tôi bắt gặp bài viết trong đó có đoạn Thiếu tướng Phan Khắc Hy kể với phóng viên Báo Tuổi trẻ - ông nói:  "Ngày nay không còn là ngày xưa, không thể kêu gọi người người dẹp bỏ lợi ích cá nhân, nhưng lợi ích chân chính mới có thể lấy làm động lực. Lợi ích phi nghĩa xâm hại đến người khác, đến nhân dân, đất nước, dân tộc nhất thiết phải đấu tranh". Có lẽ việc ông quyết định không dùng tiền để “chạy” xin việc cho cháu của ông là cách đấu tranh và để khẳng định câu nói của mình – “Lợi ích phi nghĩa xâm hại đến người khác, đến nhân dân, đất nước, dân tộc nhất thiết phải đấu tranh".
       …Đồng hồ chỉ thời gian trong nhà Thiếu tướng Phan Khắc Hy đã chỉ con số 11h30 – Cuộc trò chuyện của hai chú cháu đã hơn một giờ đồng hồ, vợ chồng tôi xin phép ông để về Biên Hòa thăm nhà cháu gái, ông nói: Không được, vợ chồng phải ở lại dùng cơm trưa với chú, mấy khi có dịp cả hai vợ chồng đến nhà chú. Tôi trình bày với lý do chính đáng vì quỹ thời gian có hạn mãi rồi ông mới chịu… Chia tay ông trong bịn rịn, tôi hứa với Thiếu tướng Phan Khắc Hy – mỗi khi có dịp vào TP Hồ Chí Minh, bất kể trong trường hợp nào tôi sẽ ghé thăm ông – ông mỉm cười gật đầu và tiễn chúng tôi ra cửa.   
       Hôm nay Thiếu tướng Phan Khắc Hy đã mãi mãi về cõi vĩnh hằng. Ông - một con người là biểu tượng của Dũng khí Trường Sơn năm xưa và của Truyền thống và nghĩa tình Trường Sơn hôm nay. Sự ra đi của ông đã để lại trong gia đình, người thân, trong cộng đồng xã hội và cả những Cựu binh Trường Sơn niềm tiếc thương vô hạn. Còn với ông – chắc ông rất thanh thản khi mình ra đi trong niềm tiếc thương của mọi người đã giành cho mình…
       Riêng tôi – Trong khoảnh khắc tiễn biệt Thiếu tướng Phan Khắc Hy tôi còn thêm chút buồn thương ông bởi chắc rằng khi mãi ra đi ông chưa nguôi điều trăn trở đến bức xúc từ câu chuyện xin việc làm của đứa cháu mình – Một điều trăn trở và bức xúc không chỉ riêng ông mà của cả xã hội bấy lâu nay…
       Trong niềm thương tiếc ông tôi không nghĩ lần gặp và thăm người Thủ trưởng đáng kính - Thiếu tướng Phan Khắc Hy kể trên lại là lần cuối cùng…

Phạm Sinh

tin tức liên quan