Sau 3 năm triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ và quân đội các nước đồng minh vào miền Nam, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, thực hiện âm mưu kết thúc chiến tranh bằng sức mạnh quân sự, đế quốc Mỹ chẳng những không thực hiện được âm mưu đề ra, mà ngày càng sa lầy và đứng trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Trong khi đó, quân và dân ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của thế trận chiến tranh nhân dân, đẩy mạnh và liên tục tiến công, đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, giành và giữ thế chủ động chiến lược. 

Nhận rõ sự lúng túng, bế tắc về chiến lược của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đánh giá đúng thế và lực của cách mạng miền Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, dùng đòn tiến công của bộ đội chủ lực đánh vào hệ thống phòng thủ của Mỹ và quân đội Sài Gòn ở Đường 9 - Khe Sanh, kết hợp với đòn tiến công chiến lược chủ yếu đánh vào thị xã, thành phố, trọng điểm là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng; đồng thời, phát động quần chúng ở nông thôn và đô thị nổi dậy trên toàn miền Nam.

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh: Đòn nghi binh chiến lược cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

 Quân Giải phóng tiến công căn cứ lính thủy đánh bộ Mỹ ở Khe Sanh. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 6-12-1967, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ tư lệnh Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh nhằm thu hút, giam chân, tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ và quân đội Sài Gòn, phá vỡ một phần hệ thống phòng ngự của địch ở Đường 9, phối hợp với các chiến trường toàn miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bộ tư lệnh chiến dịch do Thiếu tướng Trần Quý Hai, Phó tổng Tham mưu trưởng làm Tư lệnh; Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy. Đảng ủy và Bộ tư lệnh Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương. Địa bàn chiến dịch được xác định từ Cửa Việt - Đông Hà đến biên giới Việt - Lào, phía bắc giáp Cồn Tiên - Dốc Miếu; trong đó khu vực Khe Sanh là hướng chính. Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đề ra, Bộ tư lệnh Chiến dịch huy động các sư đoàn bộ binh 304, 320, 324, 325, lực lượng đặc công, pháo binh, công binh, phòng không… cùng lực lượng vũ trang địa phương các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Đây là lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta tổ chức một chiến dịch quy mô lớn, có nhiều sư đoàn chủ lực và nhiều đơn vị binh chủng tham gia, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam.

Sau một thời gian chuẩn bị tích cực về mọi mặt, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh chính thức mở màn vào đêm ngày 20-1-1968 - 10 ngày trước khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân bắt đầu. Từ ngày 20-1 đến ngày 7-2-1968, ta tiến công quận lỵ Hướng Hóa và cứ điểm Huội San, diệt cứ điểm Làng Vây, làm chủ đoạn Đường 9 từ Cà Tu đến biên giới Việt - Lào. Trong khi Mỹ và chính quyền Sài Gòn đang dồn tâm trí và lực lượng vào Đường 9 - Khe Sanh thì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam Việt Nam nổ ra mà hướng chính là nhằm vào các đô thị trên toàn Miền. Đòn tiến công bất ngờ và hiểm hóc này đã đặt đối phương vào tình trạng phải phân tán lực lượng và bị động đối phó với ta trên khắp chiến trường miền Nam.

Phối hợp với đòn tiến công vào các đô thị, tại chiến trường Đường 9 - Khe Sanh, ta tăng thêm lực lượng, đẩy mạnh tiến công, vây lấn, buộc đối phương phải tung vào đây Sư đoàn kỵ binh không vận số 1, Sư đoàn thủy quân lục chiến số 3 và nhiều đơn vị thiện chiến khác, đồng thời huy động tối đa không quân, pháo binh nhằm chi viện ồ ạt cho quân đồn trú và quân giải cứu nhằm đánh bật lực lượng vũ trang cách mạng ra khỏi khu vực Khe Sanh. Từ ngày 10-2 đến ngày 31-3-1968, ta phát triển lên vây lấn Tà Cơn suốt 50 ngày đêm, diệt nhiều địch; bao vây Cồn Tiên, đánh một số trận ở hướng Đông Quốc lộ 1. Tiếp đó, từ ngày 1 đến ngày 30-4-1968, ta tổ chức lực lượng đánh địch ứng cứu, giải tỏa, giữ vững các khu vực Làng Khoai, Cu Bốc, các điểm cao 689 và 622, triệt phá giao thông trên Đường 9, nhưng bị địch chiếm lại một số trận địa ở phía Nam và Tây Nam Tà Cơn. Từ ngày 8-5 đến ngày 15-7-1968, ta chủ trương tiếp tục đánh mạnh để khôi phục thế vây lấn, uy hiếp Tà Cơn, đánh địch rút chạy khỏi Khe Sanh.

Trải qua hơn 170 ngày đêm chiến đấu liên tục, vô cùng anh dũng và quyết liệt, đến ngày 15-7-1968, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh kết thúc thắng lợi. Các lực lượng tham gia chiến dịch đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 12.000 sinh lực địch với phần lớn là quân Mỹ, phá hủy, phá hỏng nhiều vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh; phá vỡ một mảng tuyến phòng thủ Đường 9 của địch; giải phóng huyện Hướng Hóa với gần 10.000 dân, mở rộng hành lang chiến lược Bắc - Nam; thu hút, giam chân được một lực lượng lớn quân Mỹ, tạo thuận lợi cho các chiến trường, trước hết là Thừa Thiên - Huế thực hành thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Rút kinh nghiệm từ thất bại của người Pháp, đế quốc Mỹ muốn thiết lập một “Điện Biên Phủ đảo ngược” ở Khe Sanh, sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội hòng đè bẹp ý chí chiến đấu, khuất phục “hào khí Điện Biên” và khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, với ý chí quyết chiến, quyết thắng, quân và dân ta đã giành thắng lợi oanh liệt trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, đập tan ý định thực hiện “Điện Biên Phủ đảo ngược” ở chiến trường Đường 9 - Khe Sanh.

Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh thể hiện ý chí quyết tâm cao của quân và dân Việt Nam trước quân đội nhà nghề được trang bị hiện đại của quân Mỹ. Lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta mở chiến dịch tiến công hiệp đồng quân binh chủng, đột phá trực tiếp vào tuyến phòng ngự mạnh của quân Mỹ, đánh bại các sư đoàn thủy quân lục chiến, kỵ binh không vận của quân đội viễn chinh Mỹ, buộc chúng phải tháo chạy khỏi Khe Sanh. 

Đòn nghi binh chiến lược Đường 9 - Khe Sanh 1968 là sự phát triển của cách đánh chiến dịch kết hợp tiến công vây hãm quân địch trong căn cứ với đánh địch đến ứng cứu, thay quân, rút chạy; từ tác chiến chủ yếu bằng bộ binh trong các đợt hoạt động trước đó, chuyển sang tác chiến hiệp đồng binh chủng trong chiến dịch, với sự xuất hiện lần đầu tiên của lực lượng tăng - thiết giáp. Thành công của chiến dịch không chỉ bởi hoạt động tác chiến của các binh chủng mà đó còn là kết quả nỗ lực cao độ của các thành phần, lực lượng tham gia chiến dịch; là thành quả của nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng, phát huy vai trò của từng đơn vị, từng bộ phận của chiến dịch.

Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968 gây chấn động mạnh mẽ nội tình nước Mỹ và thế giới, góp phần đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Nhà Trắng, trở thành biểu tượng sức mạnh, ý chí quyết tâm và lòng tự hào của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đánh giá về sự kiện lịch sử trọng đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cuộc thắng lợi của ta ở Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, nó góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của miền Nam từ đầu Xuân đến nay. Cùng với những thắng lợi của ta ở các chiến trường khác, nó mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa”.[1]

Thiếu tá, ThS LÊ MINH NAM - Viện Lịch sử quân sự