GẶP NGƯỜI LÍNH PHÁ ĐÁ MỞ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN NĂM XƯA
Năm 1972, đội TNXP N297 Đề Thám Hà Bắc được thành lập và nhận nhiệm vụ lên đường vào Trường Sơn mở đường, thông ngầm, thông tuyến cho các chuyến xe chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là một công việc hết sức vất vả và nhiều khó khăn gian khổ nhưng các chiến sĩ đội TNXP N297 Đề Thám vẫn luôn quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó có Tiểu đội trưởng Nguyễn Đức Ngơi - người có nhiều thành tích và kinh nghiệm trong việc phá đá mở đường được đồng đội khâm phục.
Ông Nguyễn Đức Ngơi sinh năm 1954, tại phường Việt Hùng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1971, ông xung phong nhập ngũ lên đường chiến đấu nhưng bị hen phế quản được cho về. Năm 1972, ông lại viết đơn xin đi thanh niên xung phong, được phiên chế vào đội N297 Đề Thám, Hà Bắc. Sau hơn 2 tháng học tập chính trị và huấn luyện quân sự, ngày 30/11/1972, tại khu rừng Lim thuộc xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, Đội TNXP 297 làm lễ xuất quân lên đường vào Nam làm nhiệm vụ. Ông Ngơi cho biết: vì được tuyển vào đội TNXP chính quy, nên khi xuất quân các ông được cấp phát quân tư trang gồm quần áo, đồ dùng cá nhân và mũ cối có sao (giống bộ đội). Sau 55 ngày đêm trèo đèo, lội suối, băng rừng, nhiều lần bị máy bay giặc Mỹ đánh ác liệt vào nơi trú quân, có lần đánh vào đội hình đang hành quân nhưng toàn đội vẫn đảm bảo an toàn. Khi vào tới Quảng Bình, đơn vị nhận nhiệm vụ khẩn cấp mở 20 km đường 15C để vận chuyển lương thực và vũ khí vào chiến trường qua Lào tránh các trọng điểm pháo kích và B52 của địch.
Kết thúc chiến dịch mở đường 15C, đơn vị tiếp tục hành quân vào nhận nhiệm vụ đảm bảo giao thông tại Thừa Thiên Huế. Ngày 15/1/1973, tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị làm lễ giao nhận quân. Đội N297 lúc này được mang phiên hiệu Tiểu đoàn 193 thuộc Trung đoàn 271, Sư đoàn 473, Đoàn 559. Nhiệm vụ của đơn vị là mở đường vào chiến trường, giữ vững liên lạc thông tuyến, thông đường, thông ngầm cả ngày lẫn đêm để các đoàn xe vận chuyển hàng quân sự vào chiến trường trên tuyến đường 14 Đông Trường Sơn, từ đường 9 Lao Bảo vượt sông Đắc Rông chạy ngang sườn Đông Trường Sơn đến ngã ba Đông Dương. Toàn đội bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu mới, ngày đêm mở đường, mở ngầm.
Cuối năm 1973, do yêu cầu cấp bách của chiến trường, tiểu đoàn đã tập trung lực lượng phối hợp với đơn vị xe máy của Sư đoàn mở chiến dịch 15 ngày đêm san phẳng một quả đồi của đèo 41, hạ thấp độ dốc của đèo A Pông từ 28,9 độ xuống 9,5 độ, mở rộng độ cao cho xe đặc chủng chuyển tên lửa vào tuyến trong. Địa hình thi công càng khó khăn vì tuyến đường chạy ngang sườn núi phải san ủi để lấy đá rải kè ở nhiều khe suối thành đường. Với ý chí quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ, phát huy sáng kiến kinh nghiệm trong lao động, toàn đơn vị đã phát động phong trào thi “làm tăng giờ, tăng năng xuất” để hoàn thành nhiệm vụ. Trong đơn vị đã xuất hiện các tập thể điển hình có kỷ lục năng suất định mức từ 110 - 146%, năng suất bình quân đạt 6,7 m3/ ngày.
Ông Nguyễn Đức Ngơi lúc này là tiểu đội trưởng phụ trách 16 anh em, chia thành các tổ, mỗi tổ 3 người tiến hành phá đá mở đường. Trong đội có ông Mí (Thuận Thành) là người có sức khỏe nhưng lười hay giả ốm nên trong đội không ai nhận. Ông Ngơi nhận ông Mí về và động viên ông cùng làm. Mỗi buổi sáng các ông lên kho quân dụng lấy thuốc và kíp nổ. Ông Ngơi cho biết: Có 2 cách dùng mìn đế phá đá. Thứ nhất là dùng dây kíp mìn (dây điện và kíp nổ) gài trong khối thuốc nổ 100 - 200 kg đặt sâu xuống đất 5 - 6 m để phá nổ một tảng đá lớn (thậm chí là bạt núi, bạt đồi) để mở đường. Cách thứ 2 là cắt dây cháy chậm thành từng đoạn dài ngắn khác nhau (tùy thuộc vào khối lượng thuốc nổ) để đánh nhỏ đá rải đường cho xe chạy. Ông thực hiện thuần thục cả hai cách trên. Sau khi phá đá mở đường được 1 km thì tiến hành đánh đá rải đường.
Qua nhiều lần đánh đá, ông rút được kinh nghiệm: cứ mỗi khối đá cho 3 lạng thuốc nổ sẽ đạt hiệu quả cao nhất (nghĩa là dùng 3 lạng thuốc nổ để đánh vỡ 1 khối đá còn đủ kích thước san đường), làm cho tỉ lệ đá sôi nhiều hơn và đỡ tốn thuốc nổ. Nếu cho nhiều thuốc quá thì đá vỡ vụn không san được đường. Còn cho quá ít thuốc thì lại không đủ phá vỡ đá. Và tùy từng loại đá thì lại cho lượng thuốc nổ khác nhau. Đá xanh thì cho ít thuốc hơn (vì đá càng cứng càng dễ vỡ). Đá ong thâm thì phải tăng thêm thuốc. Khi đo kết quả, trong cùng một thời gian với lượng thuốc nố như nhau thì tổ của ông Ngơi, ông Mí đạt năng suất cao nhất 11 m3/ ngày, phá kỷ lục trong công trường. Ông Ngơi được đơn vị khen thưởng, xét cho đi học cảm tình đảng ở chiến trường và được bình xét tiêu chuẩn cho đi học ở nước ngoài.
Kết quả, sau 13 ngày đêm, tiểu đoàn đã mở thông đường qua đèo Bê Ke, sân bay A Sầu, A Lưới với khối lượng 15.786 m3 đất đá; 39.780 m3 đá lát đường đã vượt thời gian thông đường cho hàng ngàn đoàn xe chở đạn dược, chở hàng vào chiến trường trước thời gian quy định, mở màn cho những trận đánh thắng lợi đầu năm 1974. Kỷ niệm đáng nhớ của ông là khi đang đánh đá mở đường ông bị bom Mỹ dội xuống bị thương ở trán và bị sức ép ngất tại chỗ được đồng đội sơ cứu mới tỉnh...
Năm 1975, ông là 1 trong 10 thanh niên xung phong của cả nước được lựa chọn đi học và làm việc ở Bungari 7 năm. Kết thúc khóa học ông đạt loại xuất sắc được giấy khen của Đại Sứ quán Việt Nam tại Bungari và được giữ ở lại làm việc thêm 6 năm nữa. Năm 1988, ông về nước tham gia làm ăn kinh tế ở địa phương. Hiện ông sinh hoạt trong Ban liên lạc Cựu TNXP N297 Đề Thám khu vực tỉnh Bắc Ninh và tham gia các hoạt động xã hội chung tay xây dựng quê hương Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp.
Phan Thị An Ngọc - Bảo tàng Bắc Ninh
Đc: Số 2, đường Lý Thái Tổ, phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh
ĐT: 0974436240