Những người không trở về - Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 08:29 13/07/2017 Lượt xem: 1.453
NHỮNG NGƯỜI KHÔNG TRỞ VỀ
Nguyễn Kim Chúc

 
         Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, lớp lớp những người con ưu tú của miền Bắc xã hội chủ nghĩa vượt Trường Sơn chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Tôi vinh dự là một trong những chiến sỹ ấy.
         Sau tám năm ở khu V và Trường Sơn tôi trở về vòng tay của mẹ. Nhưng nhiều bà mẹ vẫn thẫn thờ ngày ngày ngóng con trở về. Nhiều đồng đội của tôi không được trở về, họ mãi mãi ở tuổi thanh xuân trong mắt mẹ. Tôi luôn bị ám ảnh bởi khuôn mặt tuấn tú của các bạn tôi đi không trở về.
         Người luôn theo sát tôi trong những ngày chuẩn bị chiến trường ở Quảng Nam là Nguyễn Đức Thiệu - lính Công binh. Bọn tôi lính Pháo binh tìm trận địa thiết bị bắn, còn các đồng chí Công binh tìm phương án đánh Mỹ bằng bẫy mìn khi chúng ùa vào trận địa bắn. Theo chân du kích Kỳ Sanh vừa mới yên vị trong căn hầm tránh pháo thì được thông báo:
         - Bọn Mỹ đi càn về đang qua sát ta, mọi người chú ý.
         Tôi vạch mấy cành cây lúp xúp để quan sát. Thấy rõ bọn Mỹ đang ngang qua bọn tôi, hàng ngũ chúng lộn xộn, vừa đi vừa chọc ghẹo nhau, chỉ cách bọn tôi vài chục mét. Thấy động bên cạnh, ngoái lại Thiệu lăm lăm khẩu AK hướng nòng về bọn Mỹ. Tôi khẽ vít nòng súng của Thiệu xuống ra hiệu: Bình tĩnh, lặng im …
         Khi bọn Mỹ đi khỏi, tôi hỏi Thiệu:
         - Vừa nãy Thiệu định bắn mấy thằng Mỹ hay sao mà súng cứ hướng vào bọn Mỹ, lại còn căng thẳng nữa.
        - Em biết chớ! Nổ súng là tự sát mà. Em con một, luôn thận trọng để còn giữ “gáo” về cho mẹ chứ. Thiệu cười nửa miệng.
         Quả thực nổ súng bắn nó thì ta khó lòng thoát. Đây là vùng của chúng kiểm soát, xung quanh dày đặc các điểm chốt của Mỹ. Biết Thiệu là con một nên bọn tôi có ý bảo vệ anh, nhường thuận lợi cho anh. Cũng như mọi lần mắc võng qua đêm, cả toán tìm được một hang đá, nhường Thiệu mắc võng trong cùng nghĩ đã là chỗ an toàn hơn cả. Nào ngờ nửa đêm một quả pháo nổ ngay miệng hang. Định thần lại, mọi người đều lên tiếng: không sao. Gọi Thiệu không thấy thưa, rọi đèn kiểm tra thì Thiệu đã vĩnh biệt anh em. Một mảnh pháo lớn găm vào ngực anh. Chúng tôi xếp đá để chôn cất anh. Anh ở lại với cánh rừng mãi mãi ở tuổi hai mươi, để lại mẹ già và chị gái ngày ngày mòn mỏi ngóng anh ở miền quê Nghệ Tĩnh.
         Trung đội chỉ huy của tôi có Tuyên là Tiểu đội trưởng trinh sát. Anh quê Hòa An - Cao Bằng. Những lúc hành quân trên đường anh thường tụt lại đi phía sau cùng. Có lần tôi phải nhắc:
         - Đi lên với anh em chứ! Sao cứ tụt lại sau vậy.
         Đến gần, Tuyên nói nhỏ đủ tôi nghe:
         - Cho em đi sau một chút nữa, quả thực em nhớ mẹ em lắm.
         Đành để Tuyên đi sau. Tuyên mồ côi cha mẹ. Cha mẹ Tuyên là ai Tuyên cũng không biết. Một bà mẹ ở thị trấn Hòa An nhận nuôi anh từ nhỏ. Hai mẹ con gắn bó với nhau, mẹ luôn tin tưởng và trông cậy vào anh. Anh nhập ngũ rồi đi B cùng bọn tôi để lại mẹ già mòn mỏi ngóng con. Vì vậy anh nhớ thương mẹ là điều dễ hiểu. Người ta bảo lính trinh sát bọn tôi là: “Bọn khua sương, húc mìn”. Chả hiểu họ nói với hàm ý gì, nhưng công việc thì đúng như vậy. Những chuyến thực hành trinh sát Tiểu đội trưởng Tuyên luôn ở vị trí dẫn đầu. Anh có nhiều kinh nghiệm, tinh ý nhiều lần thoát hiểm, tránh được cái chết trong gang tấc. Thế mà lần đi chuẩn bị chiến trường ở khu vực Đakpét - Kon Tum, anh đi trước lên cao điểm 900 mình anh hứng trọn một trái mìn của địch. Trong đạn bom mù mịt, tìm được một hố pháo, dùng dao găm đào bới, chúng tôi khâm liệm, chôn cất vĩnh biệt anh. Anh nằm lại với cánh rừng mịt mù bom đạn, để lại mẹ già heo hắt ở phố núi ngóng tin anh.
         Một đồng đội nữa của tôi ra đi không trở về là Tạ Quang Đa. Anh là em thứ hai của chị dâu tôi. Khi còn ở làng Dị Nậu - Tam Nông - Phú Thọ, tôi và Đa thường chăn trâu chơi đùa với nhau. Nhập ngũ Đa vào Quảng Nam từ 1967. Cuối năm ấy tôi cũng hành quân vào Quảng Nam. Cũng ở Quảng Nam nào có biết nhau. Một ngày mưa giữa tháng 9 năm 1968, tôi phụ trách anh em đi gùi gạo về đơn vị, nghỉ lại ở lưng chừng dốc sông nước Mỹ. Thấy có tốp người đi qua, tôi nhắc anh em:
         - Thu dọn gọn gàng đồ đạc kẻo thất lạc.
         Bất ngờ có tiếng gọi:
         - Cậu Chúc!
         Tôi tung bọc võng và nhận ra ngay tiếng Đa. Đa cũng nghe tiếng mà nhận ra tôi. Anh em gặp nhau mừng rỡ. Đa hỏi tôi về quê nhà, nhưng tôi không biết gì hơn Đa. Đã năm năm tôi không về nhà, đi B cũng không được đi phép. Tôi ở quân khu Tây Bắc kéo pháo đi B luôn. Đa chỉ kịp báo cho tôi đơn vị đang ở và vị trí đóng quân rồi khoác áo mưa theo đoàn luôn.
        Tháng 5 năm 1969 đơn vị tôi nhận nhiệm vụ gùi thồ vũ khí cho phía trước đoạn qua sông Tranh thuộc huyện Trà Mi. Tôi gùi trên vai thùng đạn B41, bắt ngờ tiếng máy bay cánh quạt bay thấp. nhìn lên đã thấy chiếc C123 - đít cong hai bên cánh đang phun ra phía sau chất độc làm chết cây cối. Giở vội tấm nilon phủ lên người và thùng đạn thì những hạt sương mù hóa học Mỹ đã rơi lên tấm nilon. Yên ắng trở lại, tôi tìm cách sử lý tấm nilon thì một tốp người mặc bà ba gùi hàng đi ngược bọn tôi. Bất ngờ có tiếng gọi:
         - Cậu Chúc!
         Lại là Đa, trên vai đang cõng thùng mắm. Biết tôi đang phân vân với tấm nilon. Đa bảo:
        - Bỏ đi anh. Rồi Đa rút tấm nilon mỏng Đa mới mua cho tôi và hẹn lúc nào có dịp đến thăm Đa ở đầu dốc Cúm. Tôi không ngờ đây là lần cuối tôi gặp Đa. Tháng 7-1970 ở mặt trận Chu Lai về qua chỗ Đa, vào thăm Đa thì hay tin Đa đã hy sinh tháng trước. Tắc nghẹn nơi cổ họng, ứa nước mắt tiếc thương người anh em thân thiết. Tôi quyết định ở lại nơi này để tìm hiểu về trường hợp hy sinh của Đa và muốn thăm mộ chí của anh.
         Đa làm thống kê kho hàng. Hôm ấy Đa cùng tổ kỹ thuật kiểm đếm kho đạn hỏa tiễn. Thấy ống kim loại bảo quản đạn bong mối hàn. Tổ kỹ thuật tìm cách khắc phục, do bất cẩn làm đạn nổ, cả số đạn còn lại phát nổ khủng khiếp. Tất cả mọi người có mặt nơi này có cả Đa phút chốc trở thành cát bụi …
         Tôi luôn mang trong mình hình bóng của những đồng đội cùng tôi tham gia trận chiến không trở về. Trong lớp lớp những người con ưu tú ấy có Thiệu, có Tuyên, có Đa … Ngay cả sau này về quê gặp bố Đa - Cụ Tạ Quang Lượng điếc nặng nhưng hiền lành, tốt bụng. Cụ bà bị Pháp bắn chết từ năm 1952 nhưng cụ vẫn ở vậy chăm chỉ làm lụng nuôi các con; Tôi cũng không dám nói cho cụ biết rõ sự hy sinh của Đa. Nhìn cô giáo Lâm xinh đẹp người yêu của Đa, chờ anh về để cưới héo hắt ngóng tin anh mà nao lòng. Cuộc chiến là vậy. Mong sao đất nước yên bình đừng có chiến tranh. Tôi lại chợt nghĩ: nếu kẻ thù gây hấn thì sao? Ta sẽ không ngồi yên, con cháu ta và cả ta sẽ lên tuyến đầu chống giặc. Sự hy sinh cao cả của những bậc anh hùng Liệt sỹ sẽ là bất tử - Sống mãi trong lòng mỗi người dân ta.
 
Nguyễn Kim Chúc
Phó CT Hội TS Sư đoàn 471
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn
tin tức liên quan