Duyên nghiệp với những Nghĩa trang Liệt sĩ
Vũ Trình Tường
Viết nhân dịp kỷ niệm 70 năm TBLS
Tôi làm một kỹ sư Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp. Từ khi ra trường 1976, tôi được phân công công tác vào Sư đoàn 31 đóng ở Tây Nghệ An. Tháng 10 năm 1977 tôi được điều chuyển về công tác tại Viện Khảo sát thiết kế-Tổng cục Xây dựng kinh tế- Bộ Quốc phòng (sau này là Viện Khảo sát thiết kế, Binh đoàn 12). Tuy làm nghề Khảo sát thiết kế Cầu đường, nhưng tôi lại có duyên nghiệp gắn bó với 5 Nghĩa trang, trong đó có 3 Nghĩa trang Quốc gia.
1-Chủ nhiệm Thiết kế nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn năm 1992-1993.
Cổng Nghĩa trang được cải tạo năm 1993
Năm 1992, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn sau hơn 15 năm sử dụng đã xuống cấp trầm trọng, hơn nữa, nhiều hạng mục của Nghĩa trang cần phải xây dựng bổ sung cho xứng tầm với Nghĩa trang Quốc gia. Trong khi nguồn vốn ngân sách còn eo hẹp, chưa thể đầu tư theo con đường chính thức. Nguyên Tư lệnh Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên đã bằng uy tín và tâm huyết của mình viết thư kêu gọi các nguồn vốn xã hội để đầu tư nâng cấp Nghĩa trang Trường Sơn. Tôi được Tư lệnh Binh đoàn 12 Đỗ Xuân Diễn chỉ định làm Chủ nhiệm đồ án thiết kế, Đại tá Trần Văn Phúc đại diện Bộ Tư lệnh Binh đoàn trực tiếp chỉ đạo, Ban Quản lý 6 đại diện Chủ đầu tư, Xí nghiệp 334 là đơn vị thi công. Qua 2 năm vừa thiết kế vừa thi công, Nghĩa trang Trường Sơn đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp với kinh phí huy động từ xã hội trên 1 tỷ đồng (thời gía 1992)
Cải tạo nâng cấp 1992-1993 là lần đầu tiên, trong các tài liệu về Nghĩa trang Trường Sơn ít được nhắc đến, những lại làm được nhiều việc rất quan trọng. Tôi sẽ có bài chi tiết về những công việc đã làm được trong lần cải tạo nâng cấp này sau.
Vào các năm 1997-1998, Nghĩa trang được cải tạo nâng cấp lớn, cơ bản bằng nguồn vốn của ngân sách do Bộ Thương binh xã hội là chủ đầu tư, tôi được tham gia với tư cách là Trưởng nhóm tác giả có Đồ án dự thi. Tuy Đồ án không được chọn, nhưng một phần ý đồ thiết kế đã được bổ sung vào Phương án thiết kế lựa chọn cuối cùng.
2-Tham gia chỉ huy thi công Nghĩa trang A1, Nghĩa trang Độc Lập, Điện Biên Phủ năm 1993-1995
Hạng mục Tường thành Nghĩa trang A1 đang xây dựng
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà nước đầu tư nâng cấp cơ bản Nghĩa trang Liệt sĩ A1. Đồ án thiết kế do Công ty Tư vấn kiến trúc ADC (KTS Hoàng Phúc Thắng là Giám đốc) thực hiện, Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện là Chủ nhiệm đồ án. Binh đoàn 12 là đơn vị thi công. Do khối lượng thi công lớn, thời gian thi công ngắn nên Binh đoàn 12 chỉ định Xí nghiệp Xây dựng 4 (thuộc Viện Khảo sát Thiết kế, do tôi làm Giám đốc) và Công ty 344 thi công. Trong đó các Hạng mục chính : Bức tường thành, Nhà Tưởng niệm do Xí nghiệp 4 thi công, Khu mộ và Quảng trường do Công ty 344 thi công. Sau thời gian gần một năm thi công, Nghĩa trang Liệt sĩ A1-Điện Biên Phủ đã khánh thành đúng dịp kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Rất nhiều các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đến thăm Ban chỉ huy công trường, vinh dự nhất là chúng tôi được đón Đại tường Võ Nguyên Giáp đến thăm.
Nghĩa trang Liệt sĩ A1, sau khi xây dựng xong đã được tặng Giải thưởng Loa Thành (Giải thưởng cao nhất về công trình Kiến trúc đẹp do Hội Kiến trúc sư bình chọn).
Năm 1994-1995, Xí nghiệp Xây dựng 4-Viện Khảo sát Thiết kế lại được Chủ đầu tư là Bộ lao động TBXH giao cho xây dựng Nghĩa trang Độc Lập, tỉnh Điên Biên Phủ (lúc này tỉnh Điện Biên Phủ mới tách ra từ tỉnh lai Châu). Công ty 344 được giao xây dựng Nghĩa trang Him Lam. Như vậy ba nghĩa trang ở Điện Biên Phủ đều do các đơn vị Binh đoàn 12 xây dựng.
3-Xây dựng Nghĩa trang Quốc gia Hàng Dương, huyện Côn Đảo (năm 1994-1997).
Mộ chị Võ Thị sáu đang xây dựng.
Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo là một Nghĩa trang Quốc gia. Nghĩa trang được Công ty Tư vấn Kiến trúc ADC thiết kế, Bộ Lao đông Xã hội là Chủ đầu tư. Công trình khởi công xây dựng từ năm 1993, do một đơn vị của Bộ Tư lênh Công binh đảm nhận. Nhưng do một số khó khăn khách quan mà đơn vị Công binh không thể tiếp tục làm tiếp được. Cuối năm 1994, Xí nghiếp xây dựng 4 - Viện Khảo sát thiết kế sau khi hoàn thành Nghĩa trang A1, lại được Bộ lao động TBXH giao thi công tiếp Nghĩa trang Hàng Dương. Công trình ở xa đất liền gần 100 hải lý, mọi vật tư xây dựng đều phải chở từ đất liền ra đảo. Với sự nỗ lực vượt mức của cán bộ, công nhân Xí nghiệp 4, đến năm 1997, thời điểm tôi chuyển sang một đơn vị khác, Nghĩa trang Hàng Dương đã cơ bản hoàn thành các công việc chính.
Khi xây dựng công trình đặc biệt này có nhiều câu chuyện xảy thú vị, hấp dẫn ra mà tôi sẽ kể trong một bài viết khác.
4- Xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên, Tây Ninh năm 2003-2005.
Năm 1997, tôi từ Viện Khảo sát thiết kế, Binh đoàn 12 chuyển về Công ty Xây dựng 492 làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc công ty. Tưởng rằng đã hết duyên nợ với các Nghĩa trang, vậy mà năm 2003, Công ty 492 lại được Bộ lao động TBXH giao cho thi công Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Tôi đã nhiều lần vào Tân Biên kiểm tra thi công, nhưng không kịp tham gia lễ khánh thành, vì tháng 7 năm 2005 tôi chuyển lên cơ quan Tổng Công ty Trường Sơn.
Trong sự nghiệp của mình tôi đã góp công sức của mình vào 5 Nghĩa trang Liệt sĩ, trong đó có 3 nghĩa trang Quốc gia. Một lần với tư cách là Chủ nhiệm Thiết kế, 4 lần khác là người chủ trì đơn vị thi công.
Anh em vẫn nói đùa rắng : “ Làm nghề gì, ăn nghề ấy, làm nhiều nghĩa trang như vậy chắc là cũng tư túi cho mình một suất ở nghĩa trang nào rồi”. Tôi chỉ cười không nói!
Quả thực tôi là người có Duyên nghiệp với các Nghĩa trang Liệt sĩ.
Hà Nội, ngày 16/7/2017
VTT