72 năm đã trôi qua kể từ những ngày sục sôi khí thế tổng khởi nghĩa trong mùa thu tháng Tám năm 1945.Có những chiến sĩ cách mạng đã hòa mình vào dòng thác cách mạng đó, rồi sau này trở thành tướng lĩnh giữ các trọng trách trong Quân đội, và đã để lại những dòng ký ức sâu sắc về Cách mạng Tháng Tám cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Mệnh lệnh kịp thời từ Tân Trào lịch sử
“Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, phần “Từ Nhân dân mà ra” đã khắc họa vô cùng sinh động những thời khắc quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.
Hồi ký của Đại tướng, Tổng tư lệnh cho thấy, những ngày đầu tháng 8/1945, Bác Hồ ốm nặng.
Lúc nào tỉnh, Bác chỉ nói chuyện tình hình và Người khẳng định: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu |
Mặc dù Bác đã chỉ thị viết nhiều thư hỏa tốc, tung giao thông đặc biệt đi các hướng để thúc giục các đại biểu, nhưng vì đường sá trắc trở, liên lạc khó khăn, nhiều đại biểu đã cố gắng đi cho nhanh nhưng mãi tới ngày 13, 14/8 mới lên tới Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).
Có những đoàn đại biểu mãi tới ngày 16, 17, 18/8 mới đến kịp.
Trong khi đó, ngày 11, 12/8, tin vô tuyến điện cho biết có hiện tượng nguy ngập tan rã trong quân đội Nhật.
Đến ngày 13/8, có tin Nhật đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật ở các nơi đã ngừng chiến đấu.
Trung ương và Tổng bộ Việt Minh quyết định không thể đợi lâu hơn nữa. 11 giờ đêm ngày 13/8, Ủy ban chỉ huy tạm thời Khu giải phóng hạ mệnh lệnh khởi nghĩa cho nhân dân và bộ đội.
Ngày 14/8, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp. Bác vừa dứt cơn sốt và tới dự họp, người còn võ vàng.
Hội nghị nhận định "Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới".
Hội nghị quyết định mục đích của cuộc chiến đấu là giành quyền độc lập hoàn toàn cho đất nước, thành lập chính quyền nhân dân, thi hành 10 chính sách của Việt Minh, định chính sách ngoại giao đối với Đồng minh.
Để đạt mục đích đó, phải huy động toàn thể nhân dân, gồm tất cả các giới, các đảng phái tham gia phong trào cứu quốc, phải gấp rút vũ trang nhân dân chống Nhật và mở rộng Giải phóng quân Việt Nam.
Hội nghị định ra nhiệm vụ quân sự cần kíp, những nguyên tắc của kế hoạch tác chiến, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Giải phóng quân Việt Nam; gấp rút củng cố và phát triển bộ đội, thống nhất biên chế, kỷ luật, tăng cường công tác chính trị; tổ chức Đảng trong quân đội, lấy trung đội làm đơn vị cơ sở; củng cố các tổ chức chiến đấu và tiểu tổ du kích để lập những đơn vị Giải phóng quân mới ở ngoài Khu giải phóng.
“Sang ngày 15/8, được tin đích xác Nhật Hoàng đã ra lệnh cho quân đội đầu hàng, Hội nghị toàn quốc của Đảng đang họp quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa và lập Bộ tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam.
Một số chúng tôi ngừng họp và nhận nhiệm vụ mới. Tôi sẽ cùng Giải phóng quân tiến về phía Nam.
Anh Song Hào về phía Tuyên Quang cùng các đồng chí ở đấy lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền các tỉnh phía Tây”, Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có đoạn đề cập.
Chiều 16/8, một đơn vị Giải phóng quân tập hợp dưới cờ làm lễ xuất phát tiến về Nam.
Các đại biểu về dự Quốc dân đại hội đều có mặt dưới cây đa cổ thụ, cạnh ngôi nhà Hội đồng cứu quốc xã Tân Trào để tiễn bộ đội lên đường chiến đấu.
Chưa bao giờ Tân Trào lại đón tiếp một đoàn người nhiều màu sắc như vậy. Cùng với màu chàm rừng núi quen thuộc, còn có màu nâu dày dạn của đồng bằng, và những màu sắc tươi sáng của đô thị.
Những chiến sĩ Giải phóng quân, quần áo đủ kiểu, mang trên người dấu vết của những cuộc vật lộn ác liệt với quân thù trên các nẻo đường rừng, trên các triền núi đá Việt Bắc, tề tựu nghiêm trang dưới cờ nghe đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa.
Đoàn quân giải phóng, áo vải chân đất, rầm rập tiến về phía Nam trước những bàn tay vẫy chào chúc mừng thắng lợi, cất cao lời ca hùng tráng.
Cờ giải phóng phất cao, mau thẳng tiến!
Trời phương Nam, dân chúng đang ngóng chờ...
Nam Định 5 ngày rền vang "tiếng sấm"
Trung tướng Vũ Cao, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu) quê ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Ông là người vinh dự có mặt trong đội hình của lực lượng cách mạng trong những ngày tháng Tám năm 1945.
Không khí của sự kiện lịch sử ấy được tái hiện sinh động trong cuốn hồi ký “Phía sau trận tuyến” của ông.
Thực hiện Nghị quyết phát động tổng khởi nghĩa của Đại hội đại biểu quốc dân và lời kêu gọi của Bác Hồ gửi tới đồng bào cả nước, ngày 17/8/1945, Đảng bộ huyện Giao Thủy (Nam Định) đã triệu tập hội nghị ở xã Thọ Nghiệp, giới thiệu tinh thần nghị quyết Đại hội Đại biểu quốc dân, 10 chính sách lớn của Việt Minh, đồng thời ra chỉ thị khởi nghĩa, trong đó xác định:
Kêu gọi số dân đi biểu tình tự vũ trang bằng các vũ khí thô sơ sẵn có như búa, liềm, tầm vông, mã tấu và chuẩn bị cho mỗi người một lá cờ đỏ sao vàng cầm tay; quy định thời gian đi giành chính quyền là ngày 19/8/1945.
|
Trung tướng Vũ Cao. Ảnh tư liệu |
Với không khí sục sôi, lực lượng cách mạng và nhân dân phủ Xuân Trường, huyện Giao Thủy đã thức trắng đêm để chuẩn bị cờ đỏ sao vàng, lương thực, cơm nắm cho ngày hôm sau.
(Thời thuộc Pháp phủ Xuân Trường tương đương với huyện, bao gồm phần đất hai huyện Xuân Trường và Giao Thủy ngày nay. Năm 1934, chia phủ Xuân Trường thành hai đơn vị hành chính là phủ Xuân Trường và huyện Giao Thủy- PV).
Mờ sáng 19/8, nhân dân nô nức xuống đường tuần hành thị uy, dồn dập hướng về huyện lỵ Giao Thủy và phủ Xuân Trường. Cờ đỏ sao vàng như sóng trào dâng.
Tiếng hô khẩu hiệu “Đả đảo phát xít Nhật”, “Phản đối xâm lược”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Việt Minh muôn năm” vang dội như sấm rền.
Giữa trưa, cánh quân từ Hoạch Nha qua Quất Lâm, chợ Bề về; cánh Xuân Trường từ Lạc Nghiệp qua Lạc Thành, Ngô Đồng đã gặp nhau, thắt chặt vòng vây quanh huyện lỵ Giao Thủy.
Cổng huyện mở toang, không có bóng dáng tên lính gác nào. Trong sảnh đường có 15 người ăn mặc chỉnh tề, đứng thành hàng chờ đón lực lượng cách mạng.
Đại diện lực lượng cách mạng tuyên bố giải tán chính quyền bù nhìn; nhân sự trong cơ quan công quyền huyện vẫn làm việc bình thường dưới dưới sự điều hành của chính quyền cách mạng cho đến khi có sự thay đổi nhân sự chính thức.
Tiếp đó, cũng trong ngày 19/8, quần chúng nhân dân đã chiếm phủ Xuân Trường, giải tán chính quyền tay sai thân Nhật, xóa bỏ bộ máy bù nhìn, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân.
Xuất phát tại phủ Xuân Trường từ 5 giờ sáng ngày 20/8, đến 10 giờ sáng, đoàn biểu tình rầm rộ kéo đến đồn Lạc Quần.
Trong hồi ký của Trung tướng Vũ Cao ghi lại:
“Các lực lượng vũ trang chiếm giữ bến phà. Hàng ngàn người tham gia biểu tình đã gặp lực lượng nhân dân tại chỗ ở phố chợ Lạc Quần với cờ đỏ sao vàng và các khẩu hiệu, vũ khí thô sơ trong tay”.
Cả đoàn tiến về chiếm đồn Lạc Quần. Cho đến ngày 20/8, chính quyền cách mạng của nhân dân đã được thiết lập tại các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên, Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.
Theo kế hoạch đã vạch ra, 4 giờ sáng ngày 22/8, hơn 30 nghìn người từ các ngả rầm rộ tiến về trung tâm thành phố Nam Định, với cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ “Việt Nam độc lập muôn năm”, và dao, mác, kiếm, mã tấu trong tay, vừa đi vừa hô khẩu hiệu vang như sấm rền.
Đoàn biểu tình tiến vào các đồn binh và công sở, thế như chẻ tre. Bọn Nhật cử đại diện và phiên dịch ra tiếp đại diện Việt Minh và xin nộp vũ khí chấp nhận đầu hàng.
13 giờ ngày 22/8, quần chúng biểu tình từ các hướng tiến về tụ hội tại vườn hoa Cửa Đông, tổ chức mít tinh mừng thắng lợi, giành hoàn toàn chính quyền về tay nhân dân…
Quảng Trị giành chính quyền sớm hơn dự kiến 5 ngày
Thượng tướng Trần Sâm, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong cuốn hồi ức “Năm tháng cuộc đời”, đã dành nhiều trang viết về những ngày tham gia Cách mạng tháng Tám.
Ngày 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1 và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Đến ngày 18/8/1945, Hội nghị đại biểu Ban thống nhất Đảng bộ Quảng Trị họp ở Phước Lễ, phủ Triệu Phong, nhận định:
“Chính quyền Phan Văn Hy-tỉnh trưởng, là con đẻ của phát xít Nhật, đang bất lực về chính trị, bại hoại về tinh thần, tê liệt về tổ chức.
Chúng đang sẵn sàng đầu hàng cách mạng, chúng ta tiến hành thuyết phục, cảm hóa và lôi kéo họ”.
Hội nghị đã bàn thảo sôi nổi, khẩn trương và quyết định tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh từ ngày 21 đến 28/8/1945.
Về kế hoạch khởi nghĩa, lực lượng cách mạng của phủ, huyện nào phụ trách thì phủ, huyện đó tự chịu trách nhiệm trước kế hoạch của mình; còn việc khởi nghĩa ở tỉnh chủ yếu giao cho lực lượng cách mạng của phủ Triệu Phong và một số xã của phủ Hải Lăng phối hợp với nhân dân nội thị.
|
Thượng tướng Trần Sâm. |
Ở thời điểm này, đồng chí Trần Sâm được phân công phụ trách huy động nhân dân trong xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng sẵn sàng kéo vào thị xã Quảng Trị thị uy, cướp dinh tỉnh trưởng.
Chiều 22/8, đồng chí Trần Sâm nhận được lệnh chính thức của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh phát ra, liền thông báo đến lực lượng toàn xã Hải Xuân.
1 giờ sáng ngày 23/8, hàng nghìn quần chúng xã Hải Xuân đốt đuốc, gióng trống, chiêng, gõ mõ, thổi tù và, mang theo cờ, biểu ngữ, gậy gộc, cuốc thuổng kéo vào thị xã.
Lúc này, các đơn vị tự vệ chiến đấu đã đột nhập vào nội thị, chiếm lĩnh được tất cả các cơ quan đầu não trong tỉnh.
Đến 5 giờ sáng ngày 23/8/1945, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Trần Hữu Dực được lực lượng tự vệ bảo vệ, đứng trên tầng cao dinh tỉnh trưởng, trực tiếp hạ lá cờ quẻ ly xuống và kéo lá cờ đỏ sao vàng lên nóc dinh tỉnh trưởng trong tiếng hò reo của hàng chục nghìn đồng bào.
Cùng lúc đó, trong thành Quảng Trị, lá cờ vàng cũng bị hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Quảng Trị đã kết thúc thắng lợi.
9 giờ sáng ngày 23/8, một cuộc mít tinh ra mắt chính quyền cách mạng được tổ chức, với sự tham dự của hàng chục nghìn quần chúng ngay trước dinh tỉnh trưởng.
Ủy ban nhân dân cách mạng được tuyên bố thành lập; chính quyền bù nhìn bị tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn.
Cũng trong ngày 23/8, các Quân lệnh số 1, 2, 3 liên tục được phát đi, trong đó Quân lệnh số 2 yêu cầu mở cuộc đăng ký tuyển quân cấp tốc, thành lập Chi đội giải phóng quân với tổng số 1.500 chiến sĩ…
Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh đã ra lệnh phóng thích, trả tự do cho một số tù nhân trong nhà tù chính quyền cũ và cũng ra lệnh bắt giữ ngay một số tên việt gian phản động, chống phá cách mạng.
Việc này được tiến hành hết sức khẩn trương và thận trọng.
2 lần hạ, kéo cờ ở cột cờ cố đô Huế
Những ngày Cách mạng tháng Tám đến hôm nay như vẫn đang sôi sục trong cuốn Hồi ký “Những ký ức không bao giờ quên” của Thiếu tướng Cao Pha, nguyên Phó tư lệnh Bộ tư lệnh Binh chủng Đặc công, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Khi đó, đồng chí Cao Pha là Trưởng Ban ám sát của Trường Thanh niên tiền tuyến vừa mới được thành lập, và sau này trở thành Trưởng Ban Đặc vụ của Thừa Thiên- Huế, khi Cách mạng tháng Tám thành công.
Trong cuốn “Những ký ức không bao giờ quên”, Thiếu tướng Cao Pha nhớ lại: Ngày 19/8/1945, Cuộc khởi nghĩa tháng Tám thành công ở Hà Nội làm nức lòng nhân dân cả nước.
Đồng bào Thừa Thiên- Huế cũng sục sôi chờ đợi một cuộc nổi dậy cướp chính quyền ở cố đô Huế.
|
Thiếu tướng Cao Pha. |
Tối 20/8, vào khoảng 22 giờ, đồng chí Cao Pha được anh Đặng Văn Việt, thành viên Ban chấp hành Việt Minh của Trường Thanh niên tiền tuyến rỉ tai:
"Mình đã nhận được lệnh của trên là hạ cờ quẻ ly, treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ. Sáng mai sẽ hành động, cậu đi với mình và nhớ hết sức giữ bí mật”.
Hôm sau, 21/8, các đồng chí Cao Pha và Đặng Văn Việt cuộn tròn lá cờ, gác lên xe đạp và cùng nhau tiến về kỳ đài.
Anh Việt lên gặp viên chỉ huy tại đây là truyền lệnh “Hạ cờ cũ, treo cờ mới”.
Một tiểu đội lính khố vàng canh gác cột cờ ngơ ngác và sợ sệt, nhanh chóng thực hiện mệnh lệnh buộc cờ vào dây, qua ròng rọc kéo cờ đỏ sao vàng lên và cờ nhà vua từ từ hạ xuống.
Mấy phút sau có một máy bay hai thân của Mỹ bay lượn 3 vòng quanh cột cờ, nghiêng cánh như có ý chào, rồi bay ra hướng biển Đông.
Sau này, qua tìm hiểu, Thiếu tướng Cao Pha được biết, trong khi các ông hạ cờ quẻ ly, kéo cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài, có một vị đại thần của vua Bảo Đại chạy ra can ngăn nhưng những người lính khố vàng có mặt tại chỗ không những không giúp vị đại thần nọ mà còn ủng hộ Việt Minh.
Ngày 30/8, tại cổng Ngọ Môn, trong buổi nhà vua làm lễ thoái vị “giao ấn vàng, kiếm báu” cho đồng chí Trần Huy Liệu, đại diện Chính phủ Trung ương, có một nghi thức mới theo đề nghị của Bảo Đại: hạ cờ vàng quẻ ly lần thứ 2 và chính thức treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ cố đô Huế.
“Sau ngày giải phóng miền Nam, mỗi lần vào Huế thăm con, tôi đều đến kỳ đài để được nhìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trước gió giữa bầu trời xanh biếc, xúc động nhớ lại ký ức năm xưa của một thời trai trẻ trong những ngày đầu rất hào hùng của Cách mạng tháng Tám”, Thiếu tướng Cao Pha tự hào viết trong hồi ký.
Quảng Ngãi sớm vùng lên, sớm giành chính quyền trọn vẹn
Trong cuốn Hồi ký “Những nẻo đường kháng chiến” của mình, Thiếu tướng Võ Bẩm, Nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy đầu tiên của Đoàn 559, đã phần nào tái hiện không khí vùng lên giành chính quyền ở Quảng Ngãi trong 3 đêm, 2 ngày của tháng Tám mùa thu năm 1945.
Theo những trang viết của Thiếu tướng Võ Bẩm, vào mùa hè 1945, Việt Minh Quảng Ngãi (quê hương của đồng chí) và các huyện trong tỉnh đã gửi thư đến hầu hết các quan lại, chức sắc cấp tỉnh và huyện, nói rõ xu thế cách mạng đang lên mạnh.
Nhận được thông báo, đám quan lại không phản ứng gì. Đó là điều hoàn toàn khác với thái độ ngông nghênh, hách dịch của chúng trước đây.
Trong khi đó, nhân dân mấy huyện bắc Quảng Ngãi cũng đang nô nức ngóng trông khởi nghĩa giành chính quyền; công tác vận động nhân dân đóng góp tiền của, lập “hũ gạo cứu quốc” ủng hộ Việt Minh, nuôi du kích Ba Tơ được nhân dân hưởng ứng sôi nổi.
Trong những ngày này, đồng chí Võ Bẩm vừa là Bí thư Việt Minh tổng Lệ Kỳ, vừa được cử làm chỉ huy khởi nghĩa của tổng.
|
Thiếu tướng Võ Bẩm. |
Giữa tháng 7, tại thôn Vĩnh Lộc, xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), đã diễn ra cuộc họp của đại biểu các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa.
Đồng chí Tố Hữu, đặc phái viên của Trung ương đã về dự và chỉ đạo.
Hội nghị bàn bạc, thống nhất phong trào các tỉnh Trung bộ, thông qua kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa; đặc biết thống nhất chủ trương khi thời cơ đến phải kịp thời phát động quần chúng vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.
Không khí chuẩn bị khởi nghĩa kể từ ngày ấy ngập tràn các thôn xóm.
Sáng sớm 14/8/1945, tin Hồng Quân Liên Xô đánh tan đạo quân Quan Đông, rồi tin Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh dồn dập truyền về.
Trưa 14/8, Thường vụ Tỉnh ủy Quãng Ngãi nhóm họp bất thường và phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền, thông qua mệnh lệnh tổng khởi nghĩa.
Ngay chiều tối hôm đó, Ban lãnh đạo Việt Minh Lệ Kỳ liên tiếp nhận được chỉ thị số 8 và số 9 với mệnh lệnh: “Tình thế cấp bách, phải thi hành triệt để chỉ thị, không được chậm trễ, các đồng chí phải nỗ lực hy sinh vì Tổ quốc”.
Như vậy, khởi nghĩa ở Sơn Tịnh cũng như các địa phương ở Quảng Ngãi đã nổ ra sớm hơn nhiều nơi trên cả nước. Ở Sơn Tịnh, vào tối 16/8, khi bốt Cổ Lũy bị hạ cũng là lúc chính quyền đã thuộc về tay cách mạng trong toàn huyện.
Tuy nhiên, trong cơn giãy chết, quân Nhật vô cùng hung hãn, kéo ra đầu cầu xe lửa phía bắc sông Trà, điên cuồng đốt sạch cả xã Đông Dương.
Tiếp đó, chúng kéo quân lên phía tây huyện Tư Nghĩa, nhưng đụng đầu phải du kích Ba Tơ nên kéo vào sông Vệ.
Đám việt gian núp bóng quân Nhật đã vây bắt số anh em tự vệ Việt Minh gác ở sông Vệ, đem chặt đầu, quẳng xác xuống sông.
Các tổ chức thanh niên thân Nhật cũng quay đầu chống Việt Minh.
Vậy nhưng, với khí thế cách mạng ào ào như thác đổ, toàn dân đứng lên vũ trang khởi nghĩa, nên chỉ trong 3 đêm, 2 ngày (từ đêm 14 đến đêm 16/8), cuộc khởi nghĩa ở Quảng Ngãi đã giành thắng lợi triệt để, trọn vẹn.
Trở lại với Hồi ký “Từ Nhân dân mà ra” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có thể thấy rằng, ngày 26/8, chi đội Giải phóng quân đầu tiên tiến vào Thủ đô, giữa tiếng reo mừng dậy đất của đồng bào.
Bác Hồ từ Tân Trào về Hà Nội. Người còn yếu sau trận sốt nặng vừa qua, vẫn giản dị với bộ quần áo vải vàng cũ và đôi giày vải.
Đến 30/8, trên cả nước, chính quyền đã về tay nhân dân, trừ một đôi nơi bọn phản động Quốc dân đảng gây khó khăn như ở Vĩnh Yên.
Ngày 2/9, Bác ra mắt trước mấy chục vạn đồng bào Thủ đô tại quảng trường Ba Đình với bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử.
Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Cờ cách mạng nền đỏ sao vàng trở thành cờ của Tổ quốc. Hà Nội trở thành Thủ đô của nước Việt Nam độc lập.
Đội quân Giải phóng Việt Nam, sau ngày cách mạng thành công, đã xuất hiện trên khắp các miền của đất nước.
Bên cạnh những chiến sĩ Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, Du kích Ba Tơ và hàng vạn chiến sĩ tự vệ, du kích của phong trào cách mạng tại khắp các chiến khu, đã có thêm hàng trăm ngàn thanh niên tình nguyện đứng dưới cờ làm người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc.