Đại sứ Nguyễn Quang Khai kể về cuộc gặp Nguyễn Thị Bình - Saddam Hussein và việc Iraq xóa nợ cho Việt Nam
Đại sứ Nguyễn Quang Khai kể về cuộc gặp Nguyễn Thị Bình - Saddam Hussein và việc Iraq xóa nợ cho Việt Nam
Nguồn:Báo Điện tử Soha.vn
Trong buổi trò chuyện thân mật bà Bình bộc bạch: "Năm 1975, tôi thăm Iraq, Tổng thống đã quyết định cho VN vay dầu, lúc đó chúng ta còn rất trẻ. Đến bây giờ chỉ còn vài tháng nữa là tôi nghỉ hưu mà chúng tôi vẫn chưa trả được hết nợ cho Iraq..."
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đương kim Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam VPDF, trong cuốn hồi ký "Gia đình, Bạn bè, Đất nước" xuất bản năm 2012 có viết:
"Saddam Hussein có sai lầm gì trong đối nội, đối ngoại, có tội lỗi gì với nhân dân của ông, lịch sử của Iraq sẽ phán xét. Nhưng đối với Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta biết ơn sự giúp đỡ quý báu của ông trong những năm Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh".
Iraq là một trong những nước ủng hộ và giúp đỡ nhân dân ta chí tình nhất cả về tinh lẫn vật chất trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu này hoàn toàn vô tư, xuất phát từ cảm tình và yêu mến Việt Nam mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào.
Năm 1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam mở Đại sứ quán tại Iraq. Lúc đó, miền Nam đang dốc sức tập trung chiến đấu, khả năng tài chính rất hạn hẹp. Chính phủ Iraq đã chi phí toàn bộ cho hoạt động của Đại sứ quán, từ trụ sở đến xe cộ và một khoản tiền mặt để trang trải các khoản chi tiêu hàng ngày.
Tôi còn nhớ, khi khai trương Đại sứ quán tại Thủ đô Baghdad, Tổng thống Iraq lúc đó là Ahmed Hassan Al-Bakr đã gửi đến tặng một chiếc xe Citroen mới tinh vào loại sang trọng nhất.
Tổng thống Iraq Ahmed Hassan Al-Bakr (phải) và ông Saddam Hussein (trái). Ảnh: AP
Các tổ chức quần chúng như Uỷ ban Hoà bình và đoàn kết Iraq do ông Aziz Sharif làm chủ tịch, Hội Phụ nữ, Thanh niên... tổ chức quyên góp tiền, quần áo, chăn màn... gửi sang Việt Nam.
Năm 1971, bà Bình, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời tại Hội nghị Paris sang thăm Iraq được đón tiếp hết sức trọng thị như một người anh hùng, quần chúng đứng hai bên đường vẫy cờ hoa...
Năm 1975, sau giải phóng miền Nam, chúng ta tiếp quản Sài Gòn với muôn vàn khó khăn. Tháng 10/1975, bà Bình trở lại thăm Iraq với nhiệm vụ vận động chính phủ Iraq cho vay dầu. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng chút nào. Mặc dù bạn rất nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam, nhưng khi đi vào những vấn đề kinh tế thì họ phải tính toán kỹ các mặt.
Phó Chủ tịch Hội đồng Chỉ huy Cách mạng lúc đó là Saddam Hussein đã tiếp bà Bình.
Khi nghe bà trình bày những khó khăn của Việt Nam sau giải phóng, ông đã trả lời ngay: "Chúng tôi đã quyết định tặng Việt Nam 400 ngàn tấn dầu, coi đây là món quà gửi nhân dân miền Nam nhân ngày chiến thắng và cho vay 1,5 triệu tấn nữa". Bà Bình không tin vào tai mình và hỏi lại người phiên dịch thì mới biết chắc chắn đó là sự thật.
Vào thời điểm này, ông Nguyễn Cơ Thạch là Thứ trưởng Ngoại giao của miền Bắc cũng thăm Iraq. Saddam Hussein cũng đã quyết định cho miền Bắc vay 2 triệu tấn dầu không tính lãi.
Sau khi thống nhất đất nước năm 1976, ta chuẩn bị hợp tác với nước ngoài để thăm dò và khai thác dầu khí, còn rất thiếu kinh nghiệm đàm phán và ký kết hợp đồng, chính phủ Iraq đã cử các chuyên gia luật pháp và dầu khí giỏi nhất sang giúp ta, chỉ rõ những vấn để cần lưu ý, tránh bị hớ trong làm ăn với các công ty dầu khí nước ngoài.
Theo hiệp định vay nợ, năm 1979 ta bắt đầu phải trả đợt đầu tiên cho Iraq.
Lúc này đất nước vẫn chưa ra khỏi khó khăn, các vết thương chiến tranh chưa lành, kinh tế bị tàn phá nặng nề thì lại phải dồn sức vào một cuộc chiến tranh mới chống quân Pol Pot gây rối ở biên giới Tây Nam, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng và chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc. Việt Nam không trả được nợ cho Iraq theo hạn định.
Năm ấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thăm Iraq. Chính phủ của Tổng thống Saddam Hussein đã quyết định cho Việt Nam vay 100 triệu đô la để trả số nợ đến hạn cho chính Iraq. Một quyết định có một không hai trong quan hệ giữa các quốc gia.
Những năm tiếp theo sau đó, nước ta vẫn bộn bề khó khăn, không trả được nợ cho Iraq. Trong tình hình như vậy, chính phủ ta đề nghị chính phủ Iraq cho hoãn nợ và nhận trả nợ bằng hàng hoá và lao động, một phần nợ khác được dùng để đầu tư trở lại Việt Nam.
Trong những năm 80 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do phải tiến hành cuộc chiến tranh với Iran, chính phủ Iraq vẫn đồng ý với đề nghị của ta.
Gạo, chè, quần áo và một số hàng hoá khác đã được xuất sang Iraq để trả nợ. Hàng ngàn lao động của ta đã lên đường sang Iraq làm việc, trích một nửa tiền lương để trả nợ cho bạn, một nửa còn lại gửi về giúp gia đình.
Những người bạn Iraq biết như vậy là không được tốt, nhưng việc làm này vừa giúp Việt Nam trả được một phần nợ, vừa giúp các gia đình lao động cải thiện được cuộc sống. Những người lao động Việt Nam được Iraq đối xử rất tử tế không khác gì công dân của họ.
Các công trình như đập thuỷ điện Al-Haditha gần cách thủ đô Baghdad khoảng 100 km, đập Al-Badush ở Mosul là những công trình tiêu biểu của tình hữu nghị Việt Nam-Iraq hiện nay vẫn phát huy tác dụng.
Liên doanh sản xuất chè Phú Đa (lấy chữ đầu của tỉnh Phú Thọ và chữ cuối của Bát-Đa để đặt tên cho liên doanh này) và liên doanh xay sát lúa Cần Thơ ra đời và bây giờ vẫn hoạt động hiệu quả.
Bà Bình đánh giá rất cao sự giúp đỡ của chính phủ, nhân dân Iraq và trân trọng những tình cảm đặc biệt của ông Saddam Hussein dành cho Việt Nam. Đến năm 2002, mặc dù hết sức cố gắng nhưng ta vẫn chưa trả hết nợ cho Iraq.
Tháng 2/2002, bà Bình đề nghị chính phủ ta cho phép thăm Iraq với lý do bà sắp nghỉ hưu và trước khi nghỉ, bà muốn gặp lại ông Saddam Hussein để nói đôi lời với ông về món nợ chưa trả được này.
Lúc đó cũng có ý kiến cho rằng ta vừa ký Hiệp định thương mại BTA với Mỹ, quan hệ giữa Mỹ và Iraq hết sức căng thẳng, liệu chuyến đi có gây khó khăn cho quan hệ Việt Nam với Mỹ đang trên đường cải thiện hay không? Quyết định cuối cùng, bà Bình và đoàn đại biểu chính phủ ta lên đường.
Sau chuyến đi, việc thực hiện Hiệp định BTA vẫn tiến triển bình thường. Tôi nghĩ rằng, người Mỹ cũng hiểu được chuyến thăm Iraq của bà Bình là câu chuyện giữa Việt Nam và Iraq, thể hiện tính nhân văn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, biết ơn những người đã từng ủng hộ và giúp đỡ mình trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Đây cũng chính là văn hoá của người Mỹ.
Sau 22 năm trở lại thăm Iraq, bà Bình vẫn là thượng khách của chính phủ Iraq.
Sau khi đến Iraq, bà đã được Tổng thống Saddam tiếp đón thân mật tại toà lâu đài Al-Faw gần sân bay quốc tế Baghdad. Sau khi đánh chiếm Iraq năm 2003, Mỹ đã biến chính lâu đài này thành nhà tù giam giữ Saddam Hussein và các nhà lãnh đạo của chính quyền cũ, đổi tên thành doanh trại Camp Cropper.
Năm 2002 tôi là Đại sứ tại Iraq. Do tiếng Ả rập của tôi được mọi người tin tưởng, phía Iraq đề nghị tôi kiêm phiên dịch cho buổi gặp gỡ này.
Trong buổi trò chuyện thân mật bà Bình bộc bạch: "Năm 1975, tôi thăm Iraq, Tổng thống đã quyết định cho Việt Nam vay dầu, lúc đó chúng ta còn rất trẻ. Đến bây giờ chỉ còn vài tháng nữa là tôi nghỉ hưu mà chúng tôi vẫn chưa trả được hết nợ cho Iraq. Tôi cảm thấy trong lòng không vui."
Nghe đến đây, Saddam nói ngay: "Mong bà về nghỉ bình yên, giữ gìn sức khoẻ và không phải suy nghĩ gì cả. Từ giờ phút này trở đi giữa chúng ta không có nợ nần gì với nhau nữa." Bà Bình một lần nữa lại không tin vào tai mình, quay sang tôi nói: "Khai, em hỏi lại xem có đúng Tổng thống Saddam Hussein nói như vậy không?"
Rất nhanh ý, biết bà Bình có thể chưa hiểu hết ý của mình, ông Saddam nói tiếp luôn: "Tôi không biết con số cụ thể Việt Nam còn nợ Iraq bao nhiêu, 5 giờ chiều nay, tôi sẽ cử Phó Tổng thống Taha Yassin Ramadan đến dinh thự bà đang ở để ký Biên bản thoả thuận xoá toàn bộ số nợ này".
Đúng 5 giờ chiều, Phó Tổng thống Taha Yassin Ramadan cùng một số quan chức trong chính phủ Iraq đem một Biên bản thoả thuận đã được đánh máy sẵn.
Tôi không nhớ nguyên văn, bản Thoả thuận chỉ có vài dòng với nội dung ngắn gọn đại ý thế này: Theo chỉ thị của Tổng thống Saddam Hussein, từ hôm nay, ngày ..... tháng 10 năm 2002 chính phủ Iraq quyết định xoá toàn bộ số nợ cho Việt Nam. Số tiền nợ trước ngày này chưa trả được sẽ dùng để đầu tư vào các dự án liên doanh giữa 2 nước tại Việt Nam.
Việc ký kết diễn ra hết sức đơn giản trên một chiếc bàn nhỏ trong phòng khách của dinh thự Saddam dành cho bà Bình ở trong thời gian thăm Iraq. Không có nghi lễ chính thức nào. Ký xong, Phó Tổng thống Taha Yassin Ramadan đã đích thân lái xe đưa bà Bình đi thăm thành phố Baghdad.
Việc xoá nợ như vậy chỉ có thể xảy ra giữa những người anh em hết sức thân thiết trong cùng một nhà. Việc chính phủ của ông Saddam quyết định xoá nợ cho Việt Nam trong lúc chính Iraq đang gặp nhiều khó khăn do bị cấm vận và có nước tìm cách gây sức ép các mặt đối với Việt Nam là hết sức quý báu.
Tôi định không kể lại câu chuyện này vì ở Iraq giờ đã có chính phủ mới nắm quyền. Nhưng đây là sự thật cần phải được thừa nhận. Năm 2003, Mỹ đánh Iraq lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein, chính quyền mới lên vẫn thừa nhận Thoả thuận này.
Cựu Tổng thống Mỹ George Bush và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair là những người đi đầu trong việc phát động chiến tranh xâm lược Iraq với cái cớ giả tạo Saddam Hussein có quan hệ với lực lượng khủng bố Al-Qaida và tàng trữ vũ khí hủy diệt, mới đây đã thừa nhận sai lầm của mình.
Tháng 10/1975, tôi lại đi thăm một số nước Ả Rập với nhiệm vụ "vay dầu". Đoàn chỉ có ba người, tôi, đồng chí Trúc ở Văn phòng Chính phủ và đồng chí phiên dịch. Chúng tôi đi Algeria, Libi, Iraq. Kết quả là vay được một số dầu để sử dụng trước mắt với lãi suất ưu đãi. Tuy các bạn đều rất nhiệt tình với Việt Nam, nhưng đi vào kinh tế thì chuyện không phải dễ.
Chuyến đi Iraq để lại cho tôi một kỷ niệm sâu sắc. Lúc đó, Saddam Hussein (1937-2006; Tổng thống Iraq từ 1979-2003) mới là Phó Tổng thống, nhưng được dư luận coi là "người hùng" ở Iraq. Khi nghe chúng tôi trình bày yêu cầu bức xúc của Việt Nam, ông trả lời ngay: "Chúng tôi đã quyết định tặng Việt Nam 400 ngàn tấn dầu và cho vay 1.5 triệu tấn với lãi suất ưu đãi. Tôi nghe mà không tin ở tai mình, hỏi lại đồng chí phiên dịch mới chắc đó là sự thật. Chúng tôi rất xúc động trước tấm lòng của các bạn Iraq. Sau này khi Iraq bị cấm vận, phải đổi dầu để lấy lương thực, các bạn vẫn dành cho Việt Nam những hợp đồng trao đổi thương mại rất thuận lợi trong lúc chúng ta còn nhiều khó khăn về kinh tế.
Năm 2002, tôi đến Iraq lần cuối để giải quyết món nợ kéo dài hơn 20 năm ta còn chưa trả xong. Theo ý kiến của các đồng chí ở Chính phủ, chúng ta đề nghị chuyển số tiền nợ thành số vốn đầu tư vào một dự án kinh tế ở Việt Nam. Khi tôi gặp ông Saddam Hussein trình bày ý kiến này thì ông cười, nói ngay: "Các bạn Việt Nam không nên bận tâm. Tôi biết các bạn còn khó khăn, ta xem như số nợ này đã trả." Thật xúc động khi biết rằng trong thời điểm đó Iraq bị Mỹ cấm vận, khó khăn chồng chất về các mặt.
Tình hình Iraq đến nay diễn biến ra sao, chúng ta đều biết. Tổng thống Hoa Kỳ G. Bush phát động chiến tranh đánh Iraq với lý do Saddam Hussein có quan hệ với lực lượng khủng bố Al-Queda và tàng trữ vũ khí hủy diệt. Thực tế đã chứng minh đó là những lời nói dối xấu xa, những cái cớ giả mạo Hoa Kỳ đã dựng lên để thực hiện mưu đồ ích kỷ của họ. Saddam Hussein có sai lầm gì trong đối nội, đối ngoại, có tội lỗi gì với nhân dân của ông, lịch sử của Iraq sẽ phán xét. Nhưng đối với Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta biết ơn sự giúp đỡ quý báu của ông trong những năm Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh.
Trích hồi ký "Gia đình, Bạn bè và Đất nước" – Nguyễn Thị Bình
Nhà xuất bản Tri thức, tái bản năm 2015