Vân Đồn- Thương cảng của Đại Việt.

Ngày đăng: 09:32 23/09/2017 Lượt xem: 2.158

Vân Đồn - thương cảng sầm uất
nhất Việt Nam trong bảy thế kỷ

Được thành lập đầu tiên của nước Đại Việt, thương cảng Vân Đồn (QN)
trở thành trung tâm buôn bán lớn của Đông Nam Á suốt nhiều thế kỷ.

Cách đây 7-8 thế kỷ, thương cảng Vân Đồn không phải là một bến cảng như hiện nay mà là hệ thống bến thuyền thư­ơng mại trên nhiều đảo trong vịnh Bái Tử Long. Trên phạm vi khoảng 200 km2, có các bến: Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi); Cái Làng, Cống Cái (xã Quan Lạn); Cái Cổng, Con Quy (xã Minh Châu); Cống Yên, Cống Hẹp (xã Ngọc Vừng), thuộc huyện Vân Đồn ngày nay. 

Vị trí chiến lược

Xưa kia, khắp biên thùy phía Bắc Đại Việt, rừng núi trập trùng, đường bộ hiểm trở, đường thủy thuận lợi và an toàn hơn. Vì thế người Việt, người các nước đều chọn đi lại với phương Bắc và phương Nam bằng đường thủy. Trên con đường hải vận ấy, Vân Đồn là trạm dừng chân đầu tiên.

Quần đảo Vân Đồn nằm phía đông và đông bắc vịnh Bái Tử Long, gồm 600 đảo lớn nhỏ. Trong đó có một dãy đảo dài chạy gần như song song với đất liền, ngăn thành một vụng biển kín gió, nước sâu, dòng rộng, thuyền bè đi lại an toàn. 

Sách Lĩnh ngoại đại đáp đời Tống ghi rõ đường từ Châu Khâm vào Đại Việt như sau: “Từ Châu Khâm đường đi hướng Tây - Nam một ngày đến Châu Vĩnh An, theo trại Đại Bàn (đảo Kế Bào ngày nay) tới Vĩnh Thái, Vạn Xuân (vùng Vạn Kiếp sông Lục Đầu), liền tới Thăng Long, thuyền đi mất 5 ngày”. 

Thấy rõ con đường biển này thuận tiện, "từ năm 1006, Duyên Biên An phủ sứ Thiệu Việp từng dâng vua Tống bản đồ đường thủy từ Ung Châu đến Châu Giang với ý đồ muốn lấy nước ta”, sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi. Con đường thủy này đã được người Tống nghiên cứu rất kỹ và qua lại nhiều lần.

van-don-thuong-cang-sam-uat-nhat-viet-nam-trong-bay-the-ky

Thương cảng Vân Đồn là hệ thống bến thuyền thương mại trên nhiều đảo trong vịnh Bái Tử Long. Khu vực dấu đỏ là bến Cái Làng, xã Quan Lạn, trung tâm của thương cảng. Ảnh: Chụp từ màn hình

Đường đi thuận lợi không chỉ dùng cho những chiến thuyền phương Bắc chở quân lính xuống xâm lược Đại Việt mà còn là đường buôn bán giữa người dân các nước. Trong suốt nghìn năm Bắc thuộc, mặc dù nền kinh tế, văn hóa Hán ồ ạt tràn sang, nhưng những sản phẩm quý giá của người Việt vẫn có sức hút, thuyền buôn các nước đua nhau kéo vào Đại Việt.

Năm 1009 vua Lê Long Đĩnh đã xin vua Tống “được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu, nhưng vua Tống chỉ cho buôn bán ở chợ trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng (tức Châu Khâm) thôi”. Đến năm 1012, vua Lý Công Uẩn xin cho thuyền buôn vào Ung Châu buôn bán, vua Tống chỉ bằng lòng theo lệ cũ.

Năm 1149, thời vua Lý Anh Tông, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Xiêm La, Lộ Lạc (Indonesia, Thái Lan…) vào Hải Đông (Quảng Ninh ngày nay) xin ở lại buôn bán. Vua đã cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, đặt nền móng cho thương cảng sầm uất bậc nhất Việt Nam.

Thương cảng Vân Đồn hưng thịnh nhất thời Trần

Thành lập năm 1149, Vân Đồn trở thành thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt. Trang Vân Đồn trở thành đơn vị hành chính cấp cuối cùng trong hệ thống hành chính cấp địa phương. Để bảo vệ an ninh quốc gia, triều đình quy định, tàu thuyền nước ngoài, dù xa hay gần, đã vào cảng đều phải neo ở Vân Đồn, không được tiến sâu vào nội địa. Người nước ngoài chỉ được phép buôn bán ở một số địa điểm nhất định và chịu sự kiểm soát của nhà nước.

Nhà Lý (1009-1225) đưa ra nhiều chính sách khuyến khích ngoại thương nên giao thương tại Vân Đồn phát triển. Hàng hóa theo tàu nước ngoài xuất đi chủ yếu là trầm hương, ngọc trai, ngà voi, vỏ quế, sừng tê giác, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu, hải sản biển… Hàng hóa nước ngoài nhập vào là gấm vóc. Chỉ nhà nước đảm trách hoạt động ngoại thương, tư nhân không được tham gia. 

Đến thời nhà Trần (1225-1400), thị trường hương liệu thế giới sôi động, sự phát minh ra con đường hàng hải xuyên biển từ Trung Quốc đến Ai Cập đã đẩy nhịp độ buôn bán quốc tế phát triển mạnh hơn. Buôn bán ở thương cảng Vân Đồn tấp nập, mở rộng với nhiều nước như Nhật Bản, Mông Cổ, Philippines và châu Âu.

Việc trấn giữ, quản lý ngoại thương vùng Vân Đồn được vua Trần giao cho các thân vương, đại thần trọng chức. Nổi bật trong số đó là Nhân huệ vương Trần Khánh Dư. Lúc này Vân Đồn được bảo vệ chặt chẽ. Rào gỗ được dựng lên quanh những nơi buôn bán và bãi biển xung yếu của đảo.

Trần Khánh Dư còn ngăn chặn quân Trung Quốc trà trộn vào bằng cách cho quân trang Vân Đồn đội nón Ma Lôi, loại nón được sản xuất từ hương Ma Lôi, Hồng Lộ (nay là Hải Dương) để dễ dàng nhận ra quân Đại Việt. Vì phần lớn người Vân Đồn làm nghề buôn nên cách ăn mặc đều giống người phương Bắc. 

van-don-thuong-cang-sam-uat-nhat-viet-nam-trong-bay-the-ky-1

Do thời gian và sự bồi lắng của biển cả, bến Cái Làng, xã Quan Lạn, khi thủy triều xuống trơ ra một bãi sình lầy. Ảnh: Minh Cương

Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: “Nhiều đoàn thương thuyền trước đây vào các cửa biển Tha, Viên ở châu Diễn, nay phần nhiều tụ tập ở Vân Đồn”. Không chỉ mở rộng về địa giới hành chính, Vân Đồn từ trang được nâng lên thành một trấn, lập vào thời Trần Dụ Tông (1345), thuộc lộ Hải Đông, sau đổi là lộ An Bang. 

Triều Trần đặt quan cai quản Vân Đồn như một trọng trấn gồm có quan Trấn (võ tướng nắm giữ), quan Lộ (văn quan nắm giữ) và quan Sát hải sứ (quan kiểm soát mặt biển), đặt ở đây một đội quân riêng gọi là quân Bình Hải, có nhiệm vụ tuần tra bảo bảo vệ vùng biển Đông Bắc, kiểm soát an ninh hoạt động ngoại thương.

Ngoài việc buôn bán, các vua Trần còn cho xây dựng nhiều chùa tháp với quy mô lớn như chùa Lấm, chùa Trong, chùa Cát, Bảo Tháp… ở xã Thắng Lợi để đáp ứng nhu cầu tôn giáo cho cư dân và khách buôn nước ngoài sùng bái đạo Phật.

Những quy định khắt khe của triều Lê 

Nhà Lê sơ (1428-1527) sau khi giành được độc lập đã thi hành nhiều chính sách khắt khe đối với ngoại thương. Triều đình quy định rất rõ hoạt động ở thương cảng Vân Đồn trong bộ Quốc triều hình luật (thường gọi là luật Hồng Đức). Theo đó, các quan ty tự ý ra Vân Đồn đều bị xử tội đồ hay lưu; người tố cáo việc ấy được hưởng một tư (điều 612).

Điều 615 luật Hồng Đức chỉ rõ: “Người ở trang Vân Đồn chở hàng hóa lên kinh thành bán và khi trở về không có giấy phép của An Phủ ty và giấy khám đạc của Đề Bạc ty thì bị biếm một tư, phạt 100 quan tiền; thưởng người tố cáo một phần ba số tiền phạt. Nếu tự ý đem hàng hóa đến bán ở các nơi làng xã ngoài kinh thành thì xử biếm ba tư, phạt 200 quan tiền. An Phủ ty, Đề Bạc ty vô tình không biết thì xử biếm một tư; cố ý dung túng thì biếm một tư và bãi chức”.

Thuyền bè ngoại quốc muốn đến trang Vân Đồn buôn bán, muốn đậu lại lâu đều phải làm giấy trình An Phủ ty, nếu trang chủ không trình mà tự ý cho ở lại thì bị phạt tiền 200 quan. Do việc kiểm soát ngặt, hoạt động thương mại ở Vân Đồn sút kém hơn thời Lý, Trần nhưng vẫn chiếm vị trí quan trọng dưới thời Lê.

Đến thời nhà Mạc (1527-1677), với chính sách mở cửa về thương mại, hoạt động ngoại thương tại thương cảng Vân Đồn lại hưng thịnh. Nhà Mạc còn cho xây dựng chùa ở Vụng huyện, xã Thắng Lợi, xây thành lũy ở Cẩm Phả, Hoành Bồ để phòng thủ đất nước.

Thời Lê trung hưng (1533-1789), hoạt động giao thương ở Vân Đồn vẫn được phát triển. Ngoài việc buôn bán, nhà Lê còn quan tâm xây dựng đình làng để làm nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh cho cư dân biển đảo như đình Cái Làng, đình Cống Cái, xã Quan Lạn.

Cuối thế kỷ 17, Kẻ Chợ (Thăng Long), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam) mở cửa cho thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh… được vào sâu trong nội địa buôn bán. Thương cảng Vân Đồn mất hẳn vai trò trung tâm thương mại. Hoạt động ngoại thương vẫn diễn ra, nhưng không còn sầm uất. 

Bước sang đầu thế kỷ 19 thời nhà Nguyễn, thương cảng Vân Đồn không còn hoạt động. Cư dân trên một số bến cổ di chuyển đi nơi khác, kho tàng bến bãi dần bị hỏng. Các bến thuyền thương mại chuyển thành bến phục vụ nhu cầu đánh cá, trao đổi lâm, hải sản đến các nơi khác trong nước của nhân dân địa phương.

Trải qua thời gian và sự bồi lắng của biển cả, diện mạo sầm uất của khu thương cảng Vân Đồn xưa không còn. Hiện nay, trong lòng đất trên bờ vụng tại các bến thuyền cổ vẫn còn hàng triệu mảnh sành sứ vỡ hay nguyên vẹn, nền nhà, nền đình, nền chùa, tiền đồng cổ trong suốt 7 thế kỷ. 

                                                                 Minh Cương

tin tức liên quan