Nhớ những em ''chị nuôi'' ở rừng - ảnh 1


Một gia đình hình thành giữa chiến khu trong kháng chiến chống Mỹ.


Thời tôi công tác ở chiến trường B2 Nam Bộ, thì Trung ương Cục được gọi là “Cục R”, còn ở chiến khu thuộc Trung ương Cục thì gọi cho nhanh là “ở R”. “R” là gọi tắt của “Rừng”, đơn giản vậy thôi.  Trừ thời gian tôi xuống chiến trường đồng bằng Mỹ Tho, còn đã ở R thì phải gắn với bếp ăn tập thể. Đã có bếp ăn tập thể, thì có “chị nuôi”. Nhiều “chị nuôi” thì chồng con chưa có mà ngay đến “anh nuôi” (người yêu) cũng chưa có luôn.

Tôi nhớ trong mấy năm mình ở R thì đã được dự tới mấy đám cưới mà cô dâu là “chị nuôi”, còn chú rể thì thuộc nhiều thành phần. Có thể là cán bộ làm chuyên môn, có thể là bảo vệ, là cận vệ hay thủ kho tiếp phẩm gì đó, nhớ không hết. Ở R, các bếp ăn tập thể của cơ quan đỏ lửa từ 4 giờ sáng. Đã là “chị nuôi” thì không thể ngủ nướng, mà phải dậy từ 3h.30 phút sáng, xuống bếp tiếp thu dụng cụ xoong chảo, và… nổi lửa lên em! Nổi lửa lên em, hát thì dễ nhưng làm thì không dễ chút nào. Phải chuẩn bị một số củi khô, chẻ ra làm thẻ, số củi khô này sẽ làm mồi giúp củi gộc hay củi tươi bắt lửa.

Các thành viên của cơ quan, sáng ngủ dậy làm vệ sinh cá nhân xong, xuống bếp thì đã thấy cơm nóng bày trên bàn ăn. Có thể chỉ ăn cơm với chút cá khô, hay nhiều lúc chay tịnh hơn, ăn cơm với… muối rang đâm ớt rừng. Nhưng bữa sáng của cơ quan không bao giờ… đứt. Ai làm nên những bữa cơm sáng bình dị nhưng thường xuyên này? Chị nuôi.

Vì thế, nhớ có lần thủ trưởng nói với anh em phóng viên, biên tập viên chúng tôi: “Nếu các anh mỗi ngày không viết được đủ số lượng bài vở thì cũng chưa phải nguy cơ, nhưng nếu ngày nào chị nuôi không nấu cơm cho chúng ta ăn thì… đói. Chị nuôi còn quan trọng hơn mấy anh nhiều”. Nói vậy, nghe có vẻ sốc, nhất là với những thành phần có học như nhà báo, nhưng ngẫm kỹ ra, thấy có lý. Đúng là nếu bữa nào chị nuôi không nấu được cơm, thì bữa đó cả cơ quan… đói. Cũng vì thế, mà cả cơ quan đều rất quí chị nuôi, dù hay gọi “chị” là “em”, do chị nuôi còn trẻ. Nhiều em mới từ đồng bằng lên, từ những xóm nghèo của Việt kiều ở Campuchia vào chiến khu. Nhiều em khi vào chiến khu, chính thức trở thành “chị nuôi” vẫn chưa biết chữ. Chưa biết thì học sẽ biết. Cơ quan nào cũng có những lớp bổ túc nho nhỏ, giúp  các em học chữ và học những kiến thức chữ nghĩa sơ đẳng. Tôi cũng có những thời gian ngắn được tham gia “đứng lớp”, và rất cảm động khi thấy tinh thần ham học hỏi của các chị nuôi.

Chưa biết chữ thì học sẽ biết, chưa biết chế biến các món ăn đơn sơ thì bảo nhau rồi biết, còn tinh thần phục vụ thì cơ quan thường xuyên có những sinh hoạt Đảng, sinh hoạt Đoàn, sinh hoạt thanh niên để “nhóm lửa”. Lửa đây là tinh thần lao động, tinh thần phục vụ, nhưng cái cách hồi ấy họp hành thì nhiều khi căng thẳng lắm, nhiều khi gây mệt mỏi lắm.

Còn nhớ, khi vừa mới qua công tác bên Đài phát thanh Giải phóng, tôi lập tức được mời dự một cuộc họp chi đoàn. Cứ nghĩ cũng họp vui vui thôi, vì anh chị em cơ quan đối xử với nhau như bát nước đầy, có gì đâu, nên hớn hở đi họp. Hóa ra, không phải. Giọng đanh thép của đồng chí bí thư chi đoàn mở đầu cuộc họp: “Hôm nay, chúng ta họp chi đoàn để kiểm điểm hai đồng chí X. và Y. có quan hệ tình ái bất hợp pháp với nhau…”.

Tôi ngồi nghe, càng nghe càng thấy nó sao sao. Tôi vừa ở miền Bắc vào, ngày tôi đi học rồi sau đó vào bộ đội làm phóng viên Đài phát thanh, chưa từng được dự những cuộc họp như thế này. Có thể vì vậy mà chưa quen. Tôi nghe ra, thì câu chuyện theo tôi cũng đơn giản thôi. Anh X. là biên tập viên, vốn là lính chiến trường về Đài, còn cô Y. là chị nuôi, cũng ở dưới chiến trường đồng bằng lên. Họ đều là đoàn viên thanh niên Giải phóng, đều chưa vợ chưa chồng. Họ yêu nhau, điều ấy ai cũng biết. Nhưng họ không báo cáo tình yêu ấy cho lãnh đạo chi đoàn, điều này thì chỉ lãnh đạo chi đoàn biết.

Vì vậy mà có cuộc họp nhằm “phê phán” tình yêu của họ. Cái này thì tôi không hiểu nổi. Ngày ấy tôi cũng còn trẻ, mới 25 tuổi, nên rất thật thà xin phát biểu ý kiến. Tôi nói, chị nuôi lo cơm nước cho chúng ta rất vất vả, chúng ta chẳng động viên thì chớ mà còn lôi chị ra kiểm điểm vì chị… yêu, tôi thấy nó thế nào ấy. Họ đều chưa vợ chưa chồng, thì yêu nhau đâu có lỗi gì? Bí thư chi đoàn nói, nhưng họ yêu nhau mà không báo cáo tổ chức, như thế không được. Biết đâu, họ yêu một thời gian rồi… bỏ, lúc ấy ai chịu trách nhiệm? Tôi thấy cái này hơi căng, nên không biết nói thêm gì nữa. Nhưng cuộc họp đã khiến tôi rất mệt mỏi. Vào đúng lúc cao trào mệt mỏi đó, thì anh X. xin phát biểu ý kiến. Anh công nhận mình yêu chị Y. thật lòng, nhưng có khuyết điểm là chưa báo cáo tổ chức. Anh cam kết sẽ tiến tới hôn nhân với chị Y., dứt điểm luôn. Cả cuộc họp bỗng… vỗ tay đùng đùng, khiến tôi bị choáng.

Bí thư chi đoàn kết luận cuộc họp rất ngắn gọn, hoan nghênh tinh thần tự phê của đồng chí X., và thay mặt chi đoàn, chúc hai anh chị X. và Y. sẽ nhanh chóng tiến tới hôn nhân. Anh cam kết, cả chi đoàn sẽ đứng ra lo đám cưới cho họ, một đám cưới hạnh phúc. Tôi như ngợp đi vì… phấn khởi. Tôi không ngờ cuộc họp căng thẳng ấy lại kết thúc có hậu như vậy, lại có cái “Happy End” tuyệt vời đến thế!

Sau ra về, tìm hiểu mới biết, thì ra, bí thư chi đoàn lo ngại đồng chí X. yêu theo kiểu “chém chạy”, nên kiên quyết dùng kỷ luật để ràng buộc mối tình này, đưa nó tới kết cục tốt đẹp. Ra thế! Anh X. và chị Y. sau đó đã làm đám cưới, và họ sống với nhau tới nay đã tròn…45 năm.

Chị nuôi trong Rừng là một công việc rất vất vả, và tuyệt đối không có thu nhập gì cả. Nhưng ít ra, họ có… tình yêu. Mà tình yêu, thì hơn cả thu nhập, dù là “thu nhập khủng”, vì nó dẫn tới hạnh phúc.

Năm 1972, khi tôi viết bài thơ “Thử nói về hạnh phúc” ở căn cứ Đài phát thanh giải phóng, thì những mối tình trong Rừng như mối tình anh X. chị Y. đã gây cảm hứng cho tôi rất nhiều.

Lại nhớ, Tết năm 1974, từ cơ quan tuyên truyền Binh vận tôi lang thang đi chơi, tình cờ tấp vào Đài giải phóng - cũng là cơ quan mình từng ở - đúng lúc Đài chuẩn bị liên hoan đón Tết. Dĩ nhiên, tôi rất vui lòng ở lại ăn nhậu cùng anh em, toàn bạn bè quen biết cũ. Tối đó, cuộc liên hoan mừng Tết thật vui. Rượu rót như suối. Vui nhất là mấy em “chị nuôi” sau một ngày chuẩn bị nấu nướng vất vả, đã cùng lên ngồi uống rượu với chúng tôi. Không ngờ, các em toàn những “cao thủ võ… rượu”. Do tôi vừa là khách, vừa là người quen cũ lâu ngày mới về Đài, nên các em cứ “xa luân chiến” mời tôi uống rượu. Uống bằng bát. Trong cuộc rượu, không cần khai tên mà khai… thứ. Tôi khai thứ Ba (tôi khai bừa thôi chứ tôi là con một), và các em “chị nuôi” cứ thế thay nhau  “Mời anh Ba trăm phần trăm!”. Tôi phấn khởi quá, uống ào ào, tới kỳ say. Các em “chị nuôi” cũng không hơn gì, các em say bổ chửng, say mấy ngày luôn, bỏ nấu cơm cho cơ quan luôn. Say như thế cũng đáng!

Ở Rừng thì buồn, nhưng nhiều khi cũng có những chuyện vui.