Mia-Cầu nối quan hệ Việt- Mỹ

Ngày đăng: 11:05 12/11/2017 Lượt xem: 1.370
MIA- NHÂN ĐẠO,XÓA BỎ HẬN THÙ
CẦU NỐI QUAN HỆ HAI NƯỚC VIỆT-MỸ



Bữa cơm thân mật giữa những người lính hai chiến tuyến.

1-Trận địa đánh bắn cháy máy bay trinh sát của không quân Mỹ 8/2/1970

a/ Bối cảnh lịch sử

Sau thất bại của chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam Việt Nam, vào đầu năm 1969, Tổng thống Mỹ Níchxơn đã đề ra chiến lược mới mang tên "Học thuyết Níchxơn" với ba nguyên tắc "trụ cột" là: "Cùng chia sẻ"; "Sức mạnh của Mỹ" và "Sẵn sàng thương lượng".

Tổng thống Níchxơn tiếp tục cuộc chiến tranh ở miền Nam bằng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Đây là một chính sách rất thâm độc của Mỹ nhằm "dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam" để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới ở miền Nam. Việt Nam hoá chiến tranh được thực hiện theo ba giai đoạn:
1. 1968 - 1970: Kiểm soát vùng đông dân, tăng thêm lực lượng ngụy quân, rút một phần lĩnh Mỹ về nước.
2. Tháng 6/1970 - 1971: Kiểm soát phần lớn vùng đông dân, quân ngụy đảm nhận chủ yếu trên bộ, rút đại bộ phận quân Mỹ về nước.
3. Tháng 6/1971 - tháng 6/1972: Cơ bản hoàn thành Việt Nam hóa chiến tranh.
Thực hiện chủ trương chỉ đạo của Trung ương Đảng, trong những năm 1970 - 1971, Cách mạng miền Nam đã vượt qua khó khăn gian khổ, kiên trì xây dựng và phát triển lực lượng, tiến công địch trên cả ba vùng chiến lược, đánh bại từng bước chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" và "Đông Dương hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ.
Tại chiến trường Lào, đầu năm 1970, Mỹ và quân của Vàng Pao mở cuộc hành quân lấn chiếm khu vực chiến lược Cánh Đồng Chum (Xiêng Khoảng). Thực hiện chủ trương của lãnh đạo Đảng hai nước, liên quân Lào - Việt Nam đã phối hợp mở chiến dịch phản công quy mô lớn, đánh bại cuộc hành quân của địch, bảo vệ căn cứ địa chủ yếu của Lào, phá thế uy hiếp sườn phía tây miền Bắc nước ta. Trên tuyến vận tải Đông - Tây Trường Sơn địch tăng cường trinh sát thăm dò lực lượng của ta bằng thám báo, biệt kích luồn sâu vào khu vực trú quân, kho tàng trên tuyến. Phát hiện, khả nghi lực lượng quân Giải phóng là chúng dùng máy bay B52 rải bom tọa độ và máy bay cường kích đến bắn phá.
Tháng 9/1969 Tiểu đoàn 35 pháo cao xạ 12,7 là những pháo thủ đã từng chiến đấu từ năm 1965 với máy bay Mỹ từ ngày bùng phát chiến tranh phá hoại. Biên chế 800 quân được tuyển từ 2 Sư đoàn 363,365 quân chủng PKKQ, có 5 đại đội huấn luyện cách đánh máy bay cường kích, trong địa hình rừng núi. Đại đội 1 được triển khai bảo vệ chỉ huy sở đoàn 559,các đại đội 2,3,4,5 bố trí dọc theo tuyến kho tàng, các trạm giao liên BT 27 đường 14, 16A ra đường 9, khu vực Thừa Thiên Huế, Quảng Nam Đà Nẵng, theo đường biên giới Việt-Lào
Khảu đội 6 pháo 12,7 của chúng tôi nhận nhiệm vụ bảo vệ Binh trạm bộ 27, khu bến Mới, Cha Lì, đồi 700 biên giới Việt Lào. Trận địa bố trí mai phục đón lõng máy bay bay thấp từ tây Trường Sơn thuộc tính  Savanakhét sang biên giới tỉnh Quảng Trị. Liên tục 4 tháng mùa khô 1969-1970, ngụy trang chờ đợi.
 
b/Diễn biến trận đánh:
Ngày 8/2/1970 trời nắng gắt, bộ đội phơi mình với nắng nóng gió Lào trên đỉnh đồi đối diện với dẫy núi A Trooc bên dòng sông Sebanghieng từ phía tây chảy xuôi xuống phía đông. Để đảm bảo bí mật, từ nòng pháo đến bờ công sự, được ngụy trang cắm lá cây xanh một màu tự nhiên, đến 16 giờ chiều nắng xiên càng chói mắt hơn, các chiến sỹ vào thay ban, tôi trực chiến. Mọi phần tử bắn được lấy sẵn, cự ly 1km7 góc tà 30 độ góc phương vị nhằm thẳng núi Atrooc yên ngựa nơi máy bay thường lách theo dọc sông trinh sát quân ta, được vài phút, bất ngờ một máy bay F4 bay vào thẳng đường bay đã định, tôi nhanh tay bóp cò, một điểm xạ dài, các pháo thủ liền chạy ra vị trí chiến đấu, khói súng chưa tan thí máy bay cũng bùng cháy lao đầu vào chân núi cách trận địa khoảng 2 km về phía Đông Bắc thuộc địa phận xã Hướng Lập huyện Hương hóa tỉnh Quảng Trị. Mừng vui khôn tả nhưng để đảm bảo an toàn chúng tôi di chuyển vị trí sang trận địa dự phòng tránh máy bay phản kích, một đêm vất vả sẵn sàng đánh trả quân địch nếu chúng trả đũa. Bản tin buổi tối hôm đó của đài Giải phóng đưa tin ngày 8/2/1970 dân quân Hương Hóa bắn rơi máy bay F4. Sau ngày về hậu cứ được biết thông tin như thế là còn phải bí mật lực lượng Phòng không chủ lực từ miềm bắc vào. Anh em ở hậu cứ ra chỗ máy bay rơi có các đơn vị đường sông C1, D161, C71 Công trình BT27 cho biết khi máy bay bốc cháy có một dù đỏ bật ra phi công rơi trên ngọn cây, bộ đội ta bắn đứt dây dù cho sác phi công rơi xuống anh em chôn tại khe suối cạn ngã ba sông Sê băng hiêng, gần bến mới Chà Lỳ.
Chiến đấu với máy bay Mỹ hàng trăm trận, chỉ có trận này do khẩu đội 6, đại đội 2, tiểu đoàn 35 phục kích nổ súng bắn cháy máy bay nhưng không được ghi công nên tôi ghi một dòng nhật kí “ Ngày 8/2/1970 tự bắn cháy máy bay F4”. Cuốn nhật kí viết 12 năm ở chiến trương (từ 4/1965-30/12/1977) tôi trao tặng bảo tàng Bắc Ninh trưng bày là kỷ vật chiến tranh.
 
2-Tìm kiếm sau chiến tranh:

Năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi thăm chính thức nước Mỹ từ ngày 23/7/2013 đến 26/7/2013. Theo kế hoạch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có một chương trình hoạt động dày đặc, bao gồm hội đàm, hội kiến với lãnh đạo nhà nước, quốc hội Mỹ, nhiều thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ, gặp gỡ chính giới, doanh nghiệp, học giả, bạn bè, lãnh đạo một số tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ.

Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Barack Obama, lãnh đạo hai bên sẽ cùng trao đổi về tầm nhìn quan hệ song phương trong giai đoạn mới, về những vấn đề quốc tế và khu vực, qua đó đưa quan hệ đi vào chiều sâu và ổn định hơn. MIA - cây cầu đầu tiên nối lại Việt Nam và Mỹ

Về vấn đề nhân đạo MIA, BQP Việt Nam xúc tiến tìm kiếm phi công Mỹ bị băn rơi ngày 8/2/1970 tại xã Hướng Lập  tỉnh Quảng Trị, thực hiện lời ký kết giữa Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Mỹ. Theo như Đại tá Nguyễn Văn Hải cán bộ ban công tác bộ Quốc phòng cho biết, con của người lái chiếc máy bay F4 mất tích ngày 8/2/1970 này là Thống Đốc Bang. Từ một dòng nhật ký ghi liên tục 12 năm của tôi, trùng với chiếc máy bay F4 mất tích của không quân Mỹ thời chiến tranh.

Để xác minh, đoàn công tác đã tìm gặp hàng trăm chiến sỹ pháo, công binh chứng kiến vụ máy bay rơi để tìm hiểu thêm.

Lần thứ nhất tim gặp tôi là cô Nguyễn Thị Hương ban công tác thuộc bộ Ngoại giao đến nghe tôi kể về trường hợp trận đánh bắn máy bay cháy ở Hướng Lập, Hương Hóa, Quảng Trị

Lần thứ hai: đại tá Nguyễn Xuân Hải ban công tác thuộc Bộ quốc phòng về nắm lại nội dung máy bay F4 rơi và xin danh sách của tiểu đoàn pháo 35 để đi xác minh thêm về vụ máy bay cháy

Lần thứ ba ngày 20/7/2013 Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Đại úy Nguyễn Văn Quang bộ Công an gặp tôi nắm thêm những nhân chứng biết vụ máy bay F4 bị bắn cháy tại Hướng Lập, Quảng Trị  ngày 8/2/1970

Ngày 4/8/2013 đồng chí Quang Bộ Công An  điện cho tôi  7giờ 30 ngày 8/8/2013 mời đến nhà khách chính phủ số 2 Lê Thạch gặp đoàn công tác của BQP Mỹ

15 giờ Ngày 7/8 Đại tá Nguyễn Xuân Hải điện cho tôi khi đi Hà nội nhớ mang theo cuốn nhật ký ghi bắn máy bay rơi ngày 8/2/1970

19 giờ cùng ngày đồng chí Quang lại điện nhắc 6 giờ 30 ngày 8/8 xe về đón,bác nhớ mang theo cuốn nhật ký ghi trận đánh máy bay

6 giờ ngày 8/8 đồng chí Quang đưa xe về Bắc Ninh đón tôi và đồng chí Nguyễn Đức Hoành cùng chứng kiến vụ máy ba rơi 8/2/ 1970.

Trên đường đi đồng chí Quang có nhắc chúng tôi: khi làm việc với đoàn người Mỹ các bác gọi người lái,người Mỹ chứ không nên gọi thằng Mỹ, giặc lái vì những người này theo phép ngoại giao, họ nói tiếng Anh, thực ra họ biết nghe và nói được tiếng Việt.

Trời hôm đó mưa to Hà Nội nhiều tuyến đường nước ngập nên xe đi chậm. 8 giờ chúng tôi mới tới nhà khách Chính phủ, chờ đoàn Mỹ tới,tiếp chúng tôi uống cà phê ở phòng lễ tân.  9 giờ đoàn Mỹ tới chúng tôi lên tầng 2 làm việc. Tại đây đã sắp sẵn vị trí ngồi 2 bên: Phía Mỹ có ba người gồm:Ray Kelly trưởng đoàn,Coylle,James đoàn viên,Trần Tuấn người Việt. Phía Việt Nam có ba gồm: Đại tá: Nguyễn Văn Hải Bộ Quốc Phòng,Đại tá: Nguyễn Xuân Hòa Bộ Công An. Đồng chi: Phạm Minh Thu Bộ Ngoại Giao

Tôi được mời vào làm việc trước. Đoàn công tác Mỹ mở máy tính xem bản đồ vệ tinh bảo tôi chỉ vị trí trận địa phòng không và vị trí máy bay rơi trong trận đánh ngày 8/2/1970. Tôi định vị và chỉ đúng vị vị trí may bay rơi, họ vui ra mặt có người vỗ tay.  kể lại trận đánh đó, chính là trận địa phục kích đường bay trinh sát tình hình hoạt động của bộ đôi ta.Trước khi làm viêc tôi có ý kiến trong cuộc chiến tranh đối mặt giữa hai người lính, ai nhanh tay phát hỏa trước người đó thằng, ví như người lái máy bay F4 đó nếu phát hiện ra chúng tôi trước, chắc chắn anh ta cũng bắn. Nhưng đó là chuyện đã qua. Hôm nay chúng ta gặp nhau là vấn đề nhân đạo. .Tôi tự giới thiệu có người cha là liệt sỹ chống Pháp khi cha hy sinh tôi mới lên 3 tuổi, em tôi mới 3 tháng.Mình mẹ tần tảo nuôi dưỡng chúng tôi trong sự mất mát, thiệt thòi không người cha thân yêu. Nên rất thông cảm với sự mong đợi của những người thân với người lái máy bay F4 này.

Họ mời tôi cùng đi thực địa, vào thời gian thích hợp , tôi cũng nói là do sức không được khỏe, bị thương 3 lần, còn mảnh đạn trong người, không đi được đường xa rừng núi. Với lý do đó làm cho phía người Mỹ không được hài lòng, sau giải lao đồng chí Hải có bảo tôi đây là lần tiếp súc đầu tiên sau Chủ tịch nước sang thăm nước Mỹ ,ký kết bình thường hóa mối quan hệ song phương, họ mong mình có thiện chí hơn trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích, cháu muốn chú nhận lời mời đi sang Lào chỉ chỗ Máy bay rơi. Sẽ có chuyên cơ do Mỹ, có bác sỹ quân y đi cùng. Tôi hiểu ý, nhất trí nhận lời. Đến bữa ăn trưa được bố chí tại nhà hàng Chả cá Lã Vọng theo đề xuất của người Mỹ. Tại đây đồng chí Hải giới thiệu Ray Kelly là lính quân đội Mỹ sang Việt Nam từ 1969 lấy vợ người Sài Gòn hiện gia đình định cư ở đảo Ha Oai, cùng  sinh năm 1947 đồng niên với chú Phụng. Tiếp lời tôi nói: vậy là đồng niên nên hứa còn sức còn cố gắng cùng đoàn đi tìm kiếm người mất tích để trả lại chế độ cho người lính đó. Tôi và Ray Kel chạm cốc uống hết cốc bia, anh em trong đoàn thay nhau đến chúc chúng tôi hợp tác, ngưỡi Mỹ này vui đùa bảo:” Vợ dăn không được uống nhiều”. Đoàn công tác MIA hai nước vui vẻ vì đã hoàn thành việc sác minh chỗ máy bay rơi, việc tiếp theo là tổ chức các đoàn đi thị sát trực tiếp trên rừng núi biên giới Việt Lào. Cho đến cuối năm 2016 đoàn đã tổ chức được 3 đợt cho các nhân chứng trở lại chiến trường thị sát chỉ vị trí máy bay rơi. Đợt thứ 3 có đồng chí Nguyễn Văn Trạch đại đội 71 công binh ,đồng chí Nguyễn Thế Thìn C1 D161 đường sông đã chỉ chỗ máy bay rơi điểm cách nhau 8m họ lấy điểm giữa làm tâm 100m2 tìm được mảnh vỡ  máy bay rơi.Để tìm kiếm vết tích của người lái, dân công người Mỹ chỉ huy đào bới từng rổ đất sàng lắc, như tìm đãi vàng, nhưng vẫn chưa thấy dấu vết nào thuộc thi thể phi công. Do mưa nhiều,lũ quét, nhiều năm, xác người bị dòng nước đã trôi cuốn mất.

Vì nhân đạo mà chúng tôi những người lính QĐND Việt Nam mới nhiệt tình cộng tác tìm kiếm máy bay Mỹ và người phi công mất tích 47 năm mới được xác minh

Cũng vì bí mật lực lượng mà chiến công ngày đó của khẩu đội 6 trung đội 3 đại đội 2 tiểu đoàn pháo cao xạ 12,7 không ai biết đến. Qua  MIA đã tìm ra chính xác đơn vị bắn rơi máy bay F4 ngày 2/8/1970 tại biên giới Việt-Lào. Kể lại chuyện này chia sẻ cùng đồng đội về sự thầm lặng của Khẩu đội 6, B3,C2, D35 pháo cao xạ, BT27 chúng tôi ngày ấy.

 Đây là nén hương tri ân những đồng đội đã khuất và đồng đội hiện con ờ các vùng quê mà chưa liên lạc được với nhau.sự thật dù trước dù sau vẫn là sự thật.

 

                                                   Nguyễn Trung Phụng

                                

 

 

tin tức liên quan