Những kỷ niệm với tướng Trần Danh Bích
Ngày đăng:
04:53 22/12/2017
Lượt xem:
2.420
NHỮNG KỶ NIỆM VỚI THIẾU TƯỚNG TRẦN DANH BÍCH
Hồi ức của Phạm Thành Long
Anh hơn tôi 6 tuổi nhưng tôi là bạn vong niêm với anh từ hơn 43 năm trước. Tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp anh ở Sở chỉ huy Sư đoàn. Lúc ấy Sư đoàn bộ vừa từ căn cứ Tân Lâm – Đầu Mầu, Quảng Trị vào đóng đại bản doanh ở căn cứ Sê Sụ, Nam Lào. Ngày ấy khi nhìn một cán bộ trẻ đeo chiếc sắc cốt của sĩ quan Liên Xô thấy oai lắm. Nhất lại là sĩ quan trẻ như anh. Anh tầm thước, da trắng như thư sinh, lại nói năng nhỏ nhẹ. Hỏi ra, tôi mới biết anh là Đại úy Trần Danh Bích, Phó trưởng ban Tham mưu kế hoạch sư đoàn. Anh mới từ 470 về bổ sung cho Sư đoàn.
Ngày ấy căn cứ Sê Sụ thật sôi động. Cả sư đoàn lao vào chiến dịch chuẩn bị cho các hướng chiến trường. Không khí ở Sê Sụ sôi lên sùng sục. Chuông điện thoại đổ liên hồi. Tiếng gọi điện thoại hối hả. Không thể diễn tả được không khí làm việc tại nhà trực ban Sư đoàn lúc ấy. Ngày ấy, các chị nuôi phải phục vụ 3 bữa ăn cho các trợ lý trực ban ngay tại chỗ. Có tuần, các anh ăn ngủ liền tù tỳ tại nhà trực ban.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác Kế hoạch, về sư đoàn, anh thường xuyên phải đảm nhận trực tổng hợp, theo dõi kế hoạch vận chuyển của Sư đoàn. Với tác phong nhanh nhẹn, tính lại cẩn thận, tỉ mỉ, anh nhanh chóng “lọt vào mắt xanh” của Tư lệnh Nguyễn Lạn. Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn là một con người sâu sát, nhiều kinh nghiệm trận mạc. Trước khi ra mệnh lệnh, bao giờ ông cũng tìm hiểu rất kỹ vấn đề ở mọi góc cạnh. Vì thế, ông đòi hỏi ở những trợ lý giúp việc nắm chắc mọi việc được giao. Người nào hời hợt thì đừng mong thoát những “truy bức” đến cùng của ông. Những tình huống mới xuất hiện, ông thường hỏi người phụ trách đến cùng các tình tiết. Có nhiều cuộc giao ban tác chiến vào buổi sáng, ông truy đến cùng để nắm sự việc một cách cụ thể, không bỏ qua bất cứ một chi tiết nhỏ nào. Vì thế, các trợ lý trực ban nào nắm sự việc một cách lơ mơ thì không “có đất sống” với ông. Chỉ vài lần “ú ớ” thì thôi rồi. Lần sau đừng nói chuyện được phân công trực ban…
Trần Danh Bích nhanh chóng chiếm được tình cảm của Tư lệnh Nguyễn Lạn. Một ngày có biết bao chuyến xe, có biết bao đơn vị xuất kích cõng hàng giao cho các hướng chiến trường. Anh nắm các số liệu một cách sống động và chắc chắn. Số lượng đạn các loại, số lượng các thiết bị, thuốc men, lương thực thực phẩm, từng loại vô cùng phức tạp. Anh tích lũy kinh nghiệm rất nhanh qua thực tiễn chiến đấu. Là một sĩ quan pháo binh, từ năm 1965, anh đã trải qua nhiều cương vị tác chiến khác nhau. Từ trung đội trưởng, Đại đội phó, Đại đội trưởng rồi làm trợ lý tác chiến trung đoàn, Binh trạm, từ địa bàn cửa khẩu đến A Sầu A Lưới. Có thời kỳ anh là trợ ký tham mưu kế hoạch tại đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Trường Sơn… Cùng với trợ lý tham mưu tác chiến Nguyễn Kim Trúc, anh là hai cán bộ tham mưu mà Tư lệnh Nguyễn Lạn tin tưởng nhất trong đám cán bộ tham mưu của Sư đoàn.
Một lần, tôi mò đến gặp anh để hỏi về các con số tổng hợp tình hình thực hiện kế hoạch của Sư đoàn chuẩn bị cho số Bản tin Sư đoàn mới. Anh bảo: - Số liệu bí mật liệu đưa lên bản tin có được không”? Tôi trấn an: - Anh khỏi sợ, em không đưa số liệu cụ thể đâu. Em chỉ đưa tỷ lệ phần trăm các chỉ tiêu mà các đơn vị và sư đoàn thực hiện trong tháng công kích thôi. Anh gật đầu: - Thế thì được!
Phòng Chính trị của tôi và Phòng Tham mưu của anh ở khá cách xa nhau. Tuy nhiên, chúng tôi thường xuyên có dịp gặp nhau. Cuối tháng 5 năm 1975, khi Sư đoàn từ căn cứ Sóng Thần kéo về đóng quân tập trung ở Kho Long Bình, ngày nào tôi cũng gặp anh tại Giao ban sư đoàn mỗi buổi sáng. Ngày ấy, các trung đoàn và đơn vị trực thuộc đóng quân xung quanh sư đoàn bộ trong khu Kho Long Bình. Vì thế, Chủ nhiệm Chính trị Ngô Mạnh Thu quyết định không thực hiện Bản tin Sư đoàn bằng in rô mê ô nữa mà làm Bản tin truyền thanh trực tiếp qua hệ thống loa xuống các đơn vị. Thế là bộ phận tuyên truyền của Ban Tuyên huấn do tôi phụ trách có cả núi công việc. Trước hết là việc kéo dây, mắc loa xuống các trung đoàn, đơn vị. Chiếc tăng âm 200 W của chúng tôi phải làm việc hết công suất. Nhưng khó nhất vẫn là việc viết tin tức để đọc mỗi buổi ít nhất 15 phút. Ngày trước, hàng tháng tôi chỉ tổng hợp số liệu từ các bộ phận để đưa tin tổng hợp lên Bản tin. Bây giờ, để “có chuyện” viết cho Bản tin mỗi ngày, tôi phải dự giao ban để nắm tình hình, tin tức hoạt động của các đơn vị. Vì thế, ngày nào tôi cũng gặp anh Trần Danh Bích.
Tháng 8 năm 1975, tôi xuống Sài Gòn tìm mua được chiếc Yamaha đam. Khi thấy tôi đi xe về, anh Trần Danh Bích vẫy tôi dừng lại.
- Thành Long mới mua à? Xe đẹp đấy.
- Vâng anh ạ. Bố em gửi vào cho ít tiền nên chỉ đủ mua loại này thôi anh ạ. Anh ngắm nghía rồi ngồi lên chạy thử.
- Loại này nhẹ nhàng, tớ thấy thích đấy. Này, chủ nhật tới Thành Long đi với mình tìm giúp cái xe giống như của Thành Long nhé! Tôi gật đầu:
- Em sẵn lòng. Nhưng anh bao bánh mì ăn trưa đấy. Tôi đùa.
- Nhất trí! Đi xe của Thành Long nhé! Tôi ô kê. Thế là chủ nhật tôi và anh dong duổi vào Sài Gòn. Tính anh cẩn thận chứ không đơn giản như tôi. Gần 12 giờ trưa, anh mới ưng ý chọn mua chiếc xe Yamaha màu xanh khá mới, đẹp hơn nhiều chiếc xe của tôi. Chiếc xe sau này gắn bó với anh khá nhiều năm. Chúng tôi dừng lại ở Thị Nghè để ăn trưa. Chiếc bánh mì ba-tê và có khá nhiều chả hôm ấy rất ngon. Vì đói, tôi ăn ngấu nghiến. Một loáng đã giải quyết xong chiếc bánh mì to uỵch. Nhìn sang anh, tôi thấy anh khá lơ đãng với chiếc bánh mì. Mắt anh nhìn chăm chú vào chiếc xe mới mua. Tôi có cảm tưởng là anh nhìn không bỏ sót một chi tiết nào của chiếc xe. Tôi cũng vui lây vì đã giúp anh tìm được chiếc xe mà anh ưng ý…
Tháng 4 năm 1976, anh được điều ra Phòng Bí thư của Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bộ Quốc phòng. Lúc này cơ quan Tổng cục đóng tại Nam Đồng (nơi Cơ quan Binh đoàn 11 bây giờ). Tháng 2 năm 1976, tôi phải nhập Viện quân y 175 ở Sài Gòn. Cuối tháng ấy, tôi là một trong 120 thương bệnh binh nặng được Cục Quân y đưa ra Bắc điều trị trên chiếc máy bay quân sự C130. Đấy là lần đầu tiên tôi được ngồi máy bay. Xe cứu thương đưa 7 chúng tôi về Viện Quân y 105 ở Sơn Tây. Tháng 4 năm ấy, tôi cũng có quyết định chuyển từ Sư đoàn 471 (lúc này vẫn đang ở Nha Trang) ra tuyên huấn của Cục Sản xuất Vật liệu, Tổng cục Xây dựng Kinh tế. Từ khi rời Nha Trang đi viện, tôi không có thông tin về anh. Tôi nghĩ, anh vẫn đang ở Nha Trang chuẩn bị hành quân lên Gia Nghĩa để làm kinh tế lâm nghiệp. Thật bất ngờ, tôi gặp anh tại nhà ăn của Tổng cục. Hai anh em có biết bao chuyện để kể. Nhà riêng của tôi ở 107 C Nam Đồng (nay là phố Nguyễn Lương Bằng), cách chỗ làm việc chỉ 500 mét, nên tôi về nhà ăn cơm, nên cũng ít gặp anh. Tháng 4 năm 1977, tôi chuyển ngành ra làm phóng viên Báo Thiếu niên Tiền phong. Đầu năm 1978 tôi bất ngờ gặp anh ở cuối đường Hàng Bột. Hai anh em dừng xe trao đổi thông tin. Tôi biết anh vẫn đang là Thư ký cho Thiếu tướng Hoàng Thế thiện, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế. Anh rất bất ngờ khi biết tôi đã chuyển ra làm phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong. Anh bảo: - Thành Long chuyển ngành cũng tốt. Cố gắng phấn đấu nhé!... Những năm sau đó hai chúng tôi vẫn liên hệ với nhau.
Trường Sơn là một phần máu thịt với anh. Những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất của anh là ở Trường Sơn. Những năm tháng lăn lộn trên Trường Sơn, anh đã chiến đấu ở nhiều đơn vị, từ khu vực cửa khẩu, đến các đơn vị hoạt động ở phía Nam Trường Sơn. Từ hồi tuổi trẻ, anh đã có tác phong điềm tĩnh. Nhạy bén và nắm bắt sự việc rất nhanh nhưng anh lại tỏ ra rất bình tĩnh. Là cán bộ quân sự nhưng anh lại có độ “đầm” của một cán bộ chính trị. Đấy là tố chất cần có của một cán bộ quân đội trong chiến tranh. Chỉ một sự nóng vội thiếu sáng suốt thôi, anh sẽ phải trả giá. Tố chất ấy càng quý ở một cán bộ quân sự. Có lẽ vì thế mà từ một cán bộ cấp ban của một sư đoàn, anh được tổ chức phát hiện và điều về làm Bí thư cho Tướng Hoàng Thế thiện, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế. Từ thời điểm ấy đã tạo ra một bước ngoặt của cuộc đời anh. Anh bước hẳn vào “hành trình” của một cán bộ chính trị chuyên nghiệp...
Vừa nghỉ hưu, anh đã được Thiếu tướng Võ Sở - Chính ủy đầu tiên của Sư đoàn 471 năm xưa – “kéo vào” hoạt động trong Ban Liên lạc Toàn quốc Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam mà ông là Trưởng ban. Là cán bộ trưởng thành từ Trường Sơn nên anh đã hăng hái cùng với các tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp - “Bộ Tham mưu” – của Ban Liên lạc chuẩn bị gấp rút công việc cho sự ra đời của Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ Nhất, ngày 5/7/2011, anh đã được bầu làm Phó Chủ tịch phụ trách công tác tổ chức và chính sách của Hội. Thật không thể hợp lý hơn với công việc mới này của anh ở Hội khi anh có thâm niên với hơn 15 năm làm công tác cán bộ của quân đội. Chúng tôi rất ấn tượng trước những phát biểu của anh ở các Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Hội: - “Hội ta mới thành lập lại là một tổ chức xã hội tự nguyện. Chẳng ai có lương, có phụ cấp hay bổng lộc gì ở Hội này. Chúng ta hoạt động chỉ vì lịch sử và truyền thống của Trường Sơn vĩ đại. Chúng ta là một phần máu thịt của Trường Sơn. Vì thế, khâu cán bộ càng quyết định chất lượng của tổ chức Hội. Chúng ta phải tìm cho được những đồng chí có tâm huyết, “sống chết với truyền thống Trường Sơn”, làm nòng cốt ở các cấp, các Ban Liên lạc truyền thống. Có những cán bộ như thế, Hội chúng ta mới có thể phát triển một cách vững chắc ở địa phương, cơ sở… Nếu chúng ta thực hiện tốt đẹp hai việc lớn của Hội là: Tổ chức phát triển Hội và công tác nghĩa tình Trường Sơn thì Hội chúng ta đã “đi bằng hai chân” một cách vững chãi…”.
Tính từ khi thành lập (11/5/2011) đến nay Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã có 39/48 tỉnh thành phố thành lập Hội. Hàng trăm quận, huyện, thị xã, hàng ngàn xã, phường, thị trấn trong cả nước đã thành lập Hội. Với hơn 310.000 hội viên hoạt động ở 4 cấp trong cả nước, Hội Truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã và đang được “Tổ chức vững chắc – Hoạt động hiệu quả” như mong muốn của anh…
Cuối năm 2015, Ban Liên lạc Sư đoàn 471 chúng tôi mời anh dự họp. Tại cuộc họp này, anh đã khuyên chúng tôi nên tổ chức thành lập Hội. Ý kiến của anh được chúng tôi thảo luận khá sôi nổi. Cuối cùng vì chưa chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt, nhất là nhân sự nên chúng tôi chưa “quyết tâm” nâng cấp thành Hội. Tôi biết, là người phụ trách công tác tổ chức của Hội mà Sư đoàn nơi anh có nhiều gắn bó vẫn dừng lại ở cấp Ban Liên lạc khiến anh rất buồn. Chúng tôi nợ anh một lời hứa. Đúng một năm sau, ngày 26/12/2016, Đại hội thành lập Hội Truyền thống Trường Sơn Sư đoàn 471 được tổ chức. Anh rất vui.
Mấy lần Thiếu tướng Trần Danh Bích hẹn tôi đến ăn cơm rau của vợ chồng anh trồng. Tôi lần lữa mãi vì bận công việc, mãi tôi mới tới nhà để mục sở thị vườn rau của vợ chồng anh. Ngôi nhà 4 tầng của anh chị nằm trên diện tích 93 m2 ở số 6, lô 1, ngõ 217 Đê La Thành, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.
Trước khi lên thăm vườn rau của vợ chồng anh ở trên sân tầng thượng, cháu Thủy – con gái lớn của anh chị đã dẫn tôi vào phòng máy làm việc của cháu. Cháu mở máy vi tính giới thiệu với tôi hàng chục bức ảnh mà cháu đã chụp các loại hoa và rau quả từ vườn rau của bố mẹ. Tôi đã hoa mắt trước những bức ảnh của cháu chụp các thành phẩm của vợ chồng anh Bích. Tôi chọn mấy bức ảnh đẹp nhất nhờ cháu gửi email cho tôi để tôi đưa vào bài viết.
- Sở dĩ cháu muốn chú xem những bức ảnh “tư liệu” về vườn rau của bố mẹ cháu là vì, có những sản phẩm đã được thu hoạch. Bây giờ có nhiều loại đã qua mùa thu hái nên chú không còn nhìn thấy hoa và quả trên cây nữa. Cháu Thủy giải thích với tôi.
- Chú không ngờ bố mẹ cháu lại có một vườn cây và rau phong phú như thế giữa lòng Thủ đô. Tôi nói với cháu và đề nghị cho tôi được tận mắt nhìn tại “thực địa”.
Trước khi bước ra vườn rau, anh Bích, chị Viển dẫn tôi đi dọc ban công của ngôi nhà. Thật ngạc nhiên, trước mắt tôi là cả một dãy rau cải xanh và cây súp lơ xanh um được trồng trong những chiếc hộp xốp để sát nhau trên ban công dài cả chục mét.
- Tết này chúng tôi sẽ có nhiều súp lơ để ăn và biếu bạn bè từ dãy rau này đấy.
Quả thật, hàng chục chiếc hộp xốp lớn trồng đầy những gốc rau cải và rau súp lơ đang lên xanh tốt kia đã khiến tôi vô cùng thích thú. Thú thật lúc này tôi nghĩ: Nếu cắt những lá rau cải và rau súp lơ kia đem luộc thì sẽ có những đĩa rau xanh biếc, tươi rói vô cùng hấp dẫn.
Trên một khoảng sân thượng rộng hơn 50 mét vuông, xanh biếc màu xanh của hoa và rau. Có lẽ anh Bích không thuộc loại tuýp người mê bonsai hoặc cây thế. Hai loại cây ấy không tìm thấy trong ngôi nhà của Tướng Bích. Cây thì được anh trồng trong chậu, hoa được treo trên giàn. Còn rau thì được anh chị trồng trên những chiếc hộp xốp xếp cạnh nhau san sát. Tôi hoa cả mắt trước vườn cây và rau xanh tốt của vợ chồng anh. Tôi lẩm nhẩm điểm danh: Ổi, khế, chanh, lộc vừng, thanh long... Giàn phong lan với 20 loại đang đâm chồi, nở lộc, đâm hoa. Phong phú nhất có lẽ là các loại rau: Đậu đũa, đậu cô ve, cà chua, xà lách, mùi, hành, su hào, mồng tơi, rau đay, rau ngót Nhật Bản, cải xanh, súp lơ…Lạ nhất là luống rau ngót Nhật Bản. Không biết ai là người đầu tiên nghĩ ra việc sử dụng những hộp sốp này vào công việc trồng rau? Thật tiện lợi vô cùng. Trồng rau, củ trong những hộp sốp vừa sạch sẽ, vừa tiết kiệm được nước và phân bón. Nước, phân bón không bao giờ chảy hoặc ngấm ra ngoài. Muốn di chuyển rau quả đi chỗ nào cũng tiện mà mặt sân lại sạch sẽ.
Anh Bích giới thiệu:
- Một người bạn đã mang từ Nhật Bản về tặng tớ 20 ngọn rau ngót này. Nó rất dễ trồng. Chỉ cắm những ngọn rau này xuống đất là nó bén rễ ngay. Tớ đã cung cấp giống rau này cho 5-6 gia đình trồng và giờ họ đã có rau ăn rồi. Rau ngót Nhật Bản rất ngọt. Nếu nấu canh cua thì cần hái 10 ngọn là nồi canh đã ngọt lừ, chẳng cần cho mì chính hay bột nêm đâu. Nhà Thành Long có đất trồng không mình tặng một ít giống.
Tôi cười:
- Nhà em ở tận tầng 19 chung cư, làm gì có đất mà trồng.
Nhìn giàn mướp, giàn thiên lý nằm phía trên giàn phong lan, tôi thấy vợ chồng anh thật khéo biết tận dụng không gian. Đúng là vườn rau của anh chị mùa nào thức nấy, không thiếu một thứ gì. Anh Bích khoe:
- Cây quả, hoa và hoa lan do tớ đảm nhiệm. Vườn rau là của bà ấy trồng và chăm sóc. Tớ chỉ lo mỗi việc là tưới nước thôi.
Tôi biết, Đại tá, bác sĩ Trần Thị Viển là dân “cày đường nhựa” (chị quê ở phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên). Không hiểu chị học ở đâu và bao giờ mà bây giờ về hưu lại là người giỏi trồng và chăm sóc rau làm vậy ? Bây giờ, với vườn rau này, gia đình chị chẳng phải lo mua rau ăn hàng ngày. Tôi biết, vợ chồng tướng Bích trồng cây, trồng rau không phải vì ví tiền. Với tiền lương hưu Thiếu tướng của anh và lương hưu Đại tá của chị thì anh chị thừa sức lo cho cuộc sống đầy đủ của mình trong thời buổi khó khăn kinh tế hiện nay. Anh chị trồng cây, trồng rau vì thú vui và cũng là để “ứng phó” với rau quả không an toàn hiện nay ở thị trường. Nhưng có lẽ vượt lên tất cả đó chính là anh chị muốn góp một chút vào môi trường xanh và trong lành cho thành phố đang ngày càng ô nhiễm và chật trội. Nhưng anh lại tâm sự khiến tôi bất ngờ: Chúng tớ đầu tư một chút công sức và thời gian cho vườn cây này không đơn giản chỉ là thú vui tuổi già, không chỉ vì tiết kiệm, không chỉ là vì vấn đề an toàn thực phẩm đơn thuần đâu. Nhiều lúc bên những chậu cây, bên những giò phong lan, mình chiêm nghiệm ra nhiều thứ lắm. Cây cũng giống như con người. Nếu được chăm sóc, tưới bón đúng lúc, đúng cách thì cây sẽ lớn và ra hoa, kết trái. Nếu chăm sóc không đúng thì cây chỉ lớn mà chưa chắc đã đơm hoa kết trái đâu. Con người ta cũng như vậy thôi. Nếu không được giáo dục, bồi dưỡng đúng lúc, đúng cách sẽ không thể có một con người với những phẩm chất mong muốn đâu. Vì thế, có lần mình nói vui với bà xã là: Anh và em trồng, chăm sóc cây và rau chính là chúng ta đang “thực hành” một “triết lý” của công tác cán bộ ở dạng dạng đặc biệt đấy!
Rời vườn rau xuống nhà, chị Viển dẫn tôi ra ban công tầng hai trước sảnh vào phòng khách:
- Chú xem, tôi còn sản xuất giá sạch cho ông ấy và các cháu ăn hàng ngày đây này.
Tôi nhìn những chiếc chậu sành mọc đầy giá tua tủa, lắc đầu, nói vui:
- Chị thật quá chu đáo. Ai cũng tự cung tự cấp thực phẩm được như chị thì chợ người ta bán cho ai ?
Chị Viển tha thiết mời:
- Hôm nay chú ở lại, tôi đãi món bánh xèo. Trừ trứng, còn tất cả nguyên vật liệu đều được lấy từ cây nhà, lá vườn mà chú vừa xem đấy. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối.
- Ở lại đi. Anh Bích cũng thật lòng mời.
- Thôi để hôm khác em đưa vợ em cùng đến để bà ấy được ngắm vườn cây, vườn rau của anh chị một thể. Hôm nay em bận quá!
Và đúng như lời hứa, ít lâu sau tôi dẫn bà xã tới thăm và ăn cơm với vợ chồng anh. Hôm ấy chị Viển đãi chúng tôi món bánh xèo đúng như lời mời hôm nào. Bà vợ tôi vô cùng bất ngờ và ấn tượng về những món của nhà trồng được mà anh chị đã thết đãi chúng tôi…
Mấy năm gần đây, anh đã dành rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc nữa cho việc xây dựng đình và chùa ở quê hương. Ngôi đình, ngôi chùa quê anh đã được xây dựng khang trang, to đẹp. Hai công trình ấy in đậm dấu ấn của anh và gia đình. Ngôi nhà của cha mẹ anh cũng được anh chị cải tạo, xây dựng thành nơi thờ tự khang trang bền vững. Có lẽ đó là điều mà anh vui nhất…
Mới đó mà bây giờ anh Trần Danh Bích đã đi xa, đi xa mãi mãi!
Từ nay, anh em không còn được nhìn bóng dáng anh vẫn ngồi những buổi giao ban trên chiếc ghế quen thuộc bên cạnh anh Hoàng Anh Tuấn nữa. Cậu Dục không còn được lái xe đưa anh về dự Đại hội ở các địa phương. Anh em Ban Chấp hành Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 không còn được mừng thọ anh nữa. Vườn rau và giàn hoa phong lan trên sân thượng căn nhà của anh không còn được anh tưới bón hàng ngày nữa… Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn sẽ không có anh. Nhưng tất cả đồng chí, đồng đội Trường Sơn của anh vẫn nhớ anh mãi mãi! Chúng tôi mãi nhớ về anh - một vị tướng thân thiện, gần gũi trưởng thành từ Trường Sơn huyền thoại.
Hà Nội ngày 22 tháng 12 năm 2017
tin tức liên quan