Trường Sơn ngày ấy - Bùi Văn Hoằng
Ngày đăng:
09:35 06/03/2018
Lượt xem:
817
Trường Sơn những ngày ấy
Chiến tranh đã lùi xa gần bốn mươi năm, vậy mà những kỷ niệm của những ngày xẻ dọc Trường sơn đi đánh Mỹ vẫn cứ còn mãi trong tôi.
Ngày ấy chúng tôi là những học sinh, còn ngồi trên ghế nhà trường, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc hơn một trăm hai mươi nam thanh nữ tú đã tình nguyện viết đơn gia nhập đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Một ngày trung tuần tháng tư, chúng tôi tạm biệt quê hương, người thân, bạn bè, quê hương vào tuyến lửa. Sau hai ngày đêm hành quân bằng cơ giới chúng tôi đã có mặt tại Trường Sơn. Khu rừng cao su của nông trường Lệ Ninh, Quảng Bình là điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi. Cả một khu rừng cao su bạt ngàn vậy mà máy bay Mỹ ném bom bắn phá tất cả chỉ còn trơ lại những cành khô, hố bom nham nhở. Chúng tôi tới nơi mùi thuốc bom còn khét lẹt, đất đá còn nóng rát chân, thỉnh thoảng hàng loạt bom toạ độ nổ rung chuyển cả khu rừng. Mặc dù chân ướt, chân ráo mới vào nơi bom đạn khói lửa, song hầu như không một ai trong đơn vị tỏ thái độ sợ sệt, mà ngược lại mọi người đều háo hức muốn đến ngay nơi nóng bỏng nhất.
Đêm hôm ấy đơn vị chúng tôi phải nghỉ tạm tại rừng cao su. Đêm đầu tiên vào Trường Sơn, tiếp xúc với cảnh vật lạ của rừng núi, của những đợt bom, tiếng rít của máy bay Mỹ, mọi người trong đơn vị hình như không mấy ai chợp mắt được. Đúng như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu “Trường sơn đông nắng tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình”. Một đêm rồi cũng nhanh qua đi. Sáng hôm sau đơn vị chúng tôi tiếp tục hành quân. Để đảm bảo an toàn thì mỗi tốp chỉ khoảng mười lăm đến hai mươi người. Đến hai giờ chiều hôm ấy thì cả đơn vị đã tập kết đầy đủ tại km 45 đường 10 (đường 20/7) và đây cũng là địa điểm đầu tiên chúng tôi đóng quân. Khi mọi người đang chuẩn bị cho bữa tối thì từng đàn máy bay F4 nối đuôi nhau xối xả trút bom xuống đoàn xe đang trên đường đi vào phía nam. Vậy là cả đơn vị nhào ra tuyến để cứu xe, cứu hàng, giành giật giữa cái sống cái chết với không lực Mỹ. Trong mù mịt khói bom, đạn rốc két những bao tải hàng hoá, những hòm đạn đã được chúng tôi đưa vào vị trí an toàn. Khi bầu trời đã yên tiếng máy bay gầm rú thì màn đêm cũng bao trùm xuống rừng Trường Sơn. Ai nấy đều thấm mệt. Nhưng nụ cười vẫn còn đọng lại trên môi. Trận đầu ra quân mặc dù bom đạn ác liệt như vậy song không một ai lùi bước, hàng hoá, xe được an toàn.
Tối hôm ấy Ban chỉ huy hội ý chớp nhoáng để phân công nhiệm vụ ngày hôm sau. Anh Tài đại đội trưởng cùng Ban chỉ huy thống nhất giao nhiệm vụ cho chúng tôi vào rừng chặt cây, tìm lá cọ làm nhà, làm hầm cho tiểu đội một và ba. Các tiểu đội còn lại tiếp tục lên tuyến để san lấp những hố bom mà hồi đêm máy bay đã đánh phá, để đảm bảo cho mọi chuyến xe đi qua được an toàn. Đơn vị chúng tôi chính thức đảm nhiệm cung đường từ km 43 đến km 53. Đây là đoạn đường có nhiều cua gấp, dốc cao, đường hẹp nên là đoạn đường mà máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá. Ngoài ra hiện tại khi chúng tôi vào đây đang là mùa mưa Trường Sơn nên khối lượng đất đá, cây to thường sạt lở. Ngoài bom đạn của Mỹ lại thêm những tác động của thời tiết, nên Ban chỉ huy đã thành lập đội xung kích chuyên bám đường 24/24 giờ. Đội xung kích gồm những chiến sĩ khoẻ, nhanh nhẹn và có tinh thần sẵn sàng hy sinh để cho tuyến đường thông suốt trong mọi tình huống. Trung đội xung kích gồm hai mươi chiến sĩ do đồng chí Phạm văn Thông làm trung đội trưởng. Để đảm bảo an toàn nơi ăn ở cho trung đội xung kích, đơn vị đã hỗ trợ thêm lực lượng để làm một căn hầm ngay sát tuyến đường. Căn hầm được thiết kế theo kiểu chữ A, có hào giao thông thoát ra ngoài phòng khi có sự cố do máy bay đánh phá. Mặc dù điều kiện ăn ở sinh hoạt vất vả nhưng mọi người trong trung đội đều vui vẻ. Ngoài những lúc lên tuyến làm nhiệm vụ thì anh em thường quây quần bên nhau hát vang những bài ca mở đường: “Bạn thanh niên ơi, trông lên trên núi mà coi, tiếng hát đoàn ta thanh niên đi cứu nước…lứa tuổi ta vì cứu nước, thanh niên ta ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang…”
Giữa lúc mọi hoạt động vừa đi vào ổn định thì đơn vị chúng tôi lại nhận được lệnh bàn giao đoạn đường cho đơn vị bạn và đi sâu vào tuyến trong đảm nhiệm trọng điểm ngã ba Dân chủ. Chúng tôi lại khẩn trương hành quân. Ai cũng hiểu cuộc đời người chiến sĩ là “quanh năm lán trại, bốn mùa chuyển quân”. Ngã ba Dân chủ là một trọng điểm ác liệt, vì vậy mà lính trong ra hay ngoài vào đề gọi là “Ngã ba bom”. Lượng bom đạn mà bọn Mỹ ném xuống đây không kể xiết. Khắp khu vực mấy ki lô mét vuông cây cối, đất đá đỏ quạch, không có một màu xanh nào tồn tại được. Tuy nhiên những người chiến sĩ chúng tôi vẫn thường xuyên có mặt và mọi chuyến xe qua đây đều an toàn. Trong bom đạn ác liệt, cái sống, cái chết cận kề, nhưng chúng tôi luôn lạc quan, yêu đời. Sau những trận bom, những đợt đánh phá của máy bay B52 là những đêm văn nghệ ca hát giao lưu cùng các đơn vị bạn xung quanh.
Chính vì vậy mà suốt hơn một năm trên trọng điểm ác liệt quân số hầu như được bảo toàn. Tuy nhiên con số bị thương rất nhiều. Có đồng chí cấp trên cho chuyển ra tuyến sau, nhưng không ai muốn rời vị trí. Bởi lẽ không có nơi nào đẹp như trên trận tuyến chiến đấu với quân thù, ý tưởng ấy đã ăn sau vào nếp nghĩ của mỗi chiến sĩ có mặt ở Trường Sơn thời khắc ấy. Hơn nữa mỗi chiến sĩ chúng tôi đều thấm sâu lời dạy của Bác Hồ : “Không có việc gì khó /Chỉ sợ lòng không bền /Đào núi và lấp biển /Quyết chí ắt làm nên”. Lời dạy ấy thôi thúc chúng tôi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi đã có mặt ở Trường Sơn hàng ngày chứng kiến sự ác liệt của chiến tranh, thì tinh thần chiến đấu tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc mà bất chấp trong mọi tình huống, mọi hiểm nguy. Đơn vị chúng tôi đã bảo đảm an toàn cho hàng ngàn lượt chuyến xe ra trận và cùng với bộ đội công binh của Binh trạm 27 tháo gỡ, phá huỷ hàng trăm quả bom, giữ gìn cho mạch máu giao thông liên tục thông suốt, cứu hàng trăm tấn hàng hoá, tham gia chuyển thương binh về hậu cứ an toàn…
Đến mùa khô năm 1972, đơn vị lại nhận nhiệm vụ mới. Rời Trường Sơn chúng tôi hành quân ra chốt giữ trọng điểm phà Long Đại trên tuyến quốc lộ 15A. Nơi đây mức độ ác liệt cũng không kém ngã ba Dân chủ ở đường 10. Ngoài máy bay gầm rú suốt ngày đêm thì pháo từ Hạm đội 7 ngoài biển thường xuyên bắn vào hòng ngăn chặn con đường ra trận của quân ta. Vào một đêm tháng mười năm 1972, khi cả toàn đơn vị đang chuyển tải hàng của một chiếc xe bị cháy, thì hai chiếc F4 từ phía biển bay vào bắn xối xả đạn rốc két và ném bom vào đội hình của đơn vị. Tất cả mọi người nhanh chóng lăn xuống các hố tăng xê để tránh. Cứ mỗi khi ngớt tiếng bom mọi người lại lao lên để chuyển hàng. Cuộc vật lộn với máy bay Mỹ kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Khi bọn cướp Mỹ đã bay xa, bầu trời yên tĩnh thì cả đơn vị khẩn trương băng bó cho các đồng chí bị thương và chuyển đi quân y cấp cứu. Còn lại mọi người lặng lẽ tiễn đưa đồng chí Sâm về nơi yên nghỉ. Những mất đau thương rồi cũng lặng dần theo thời gian. Đơn vị chúng tôi bắt đầu với những trận chiến đấu mới, nhiệm vụ mới.
Sau cái Tết hoà bình yên tiếng bom đạn, chúng tôi tạm chia tay nhau mỗi người đi một ngả. Có đồng chí ra Bắc đi học, có người trở về quê hương và cũng nhiều đồng chí tiếp tục tham gia lực lượng quân đội hoặc công tác ở các đơn vị của ngành giao thông vận tải. Dù thời gian có trôi đi song đến nay hàng năm đơn vị chúng tôi vẫn họp mặt vào đúng ngày nhập ngũ. Tuy tuổi đã vào ngũ, lục tuần nhưng tình cảm đồng chí, đồng đội của một thời xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ thì mãi mãi vẹn toàn như ngày ấy!
Bùi Văn Hoằng
CTV Trang Thông tin & Bản tin Trường Sơn
Emai: hoang1592@gmail.com
tin tức liên quan