" Nơi Trường Sa dậy sóng" - Ký ức ngày đi xây đảo của Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 04:12 13/03/2018 Lượt xem: 690
NƠI TRƯỜNG SA DẬY SÓNG
 
             Nhân dịp kỉ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma, chuẩn bị kỉ niêm ngày truyền thống của Bộ đội Công binh 25 tháng 3, Phóng viên Truyền hình Quốc phòng (kênh QPVN) liên hệ để phỏng vấn tôi về một số vấn đề đưa dân ra xây dựng Trường Sa và trực tiếp phỏng vấn những người dân làng đầu tiên ra tham gia xây dựng Trường Sa. Bồi hồi nhớ lại bao kỉ niệm một thời với những người nông dân chân đất áo nâu quê tôi nơi Trường Sa dậy sóng. Tôi viết giới thiệu mấy lời về vùng quê của những người đầu tiên ra tham gia xây dựng Trường Sa ngày ấy:
 
 
LÀNG XÂY ĐẢO  
       Ngày 14 tháng 3 năm 1988 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng một số đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa của ta. Họ đã gây ra sự kiện Gạc Ma, bắn chìm hai tầu vận tải, bắn cháy một tầu đổ bộ, giết chết 64 cán bộ chiến sĩ Hải quân, trong đó có 26 đồng chí của Trung đoàn Công binh 83. Cả nước hướng về Trường Sa, nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu, công trình sinh hoạt vv được đầu tư xây dựng khẩn trương.
       Năm 1982 Bộ QP cho xây dựng thí điểm nhà chỉ huy hai tầng đầu tiên trên đảo Nam Yết. Bộ TLHQ đã ký hợp đồng với Công ty xây dựng 394 của Binh đoàn 11 thi công, do trình độ kỹ thuật thi công nhà tầng của đơn vị chúng tôi còn hạn chế. Tôi trực tiếp gặp Phó đô đốc Hoàng Hữu Thái – Tư lệnh HQ sau đó là Chuẩn đô đốc Phạm Minh – Phó TL kiêm trưởng BQL xây dựng CT Trường Sa đề nghị giao cho Trung đoàn Công binh 83 thi công. Các thủ trưởng đều phân vân về tay nghề của Bộ đội, vì toàn chiến sĩ nghĩa vụ, chưa có quân nhân chuyên nghiệp xây dựng. Tôi quyết tâm nhận nhiệm vụ thi công và hứa có biện pháp triển khai để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhà hai tầng đầu tiên ở Trường Sa xây dựng thí điểm trên đảo Nam Yết đã được Tư lệnh HQ quyết định giao cho Trung đoàn Công binh 83 thi công.
Nhận nhiệm vụ tại Hải Phòng xong, tôi về quê chọn, động viên, làm hồ sơ đưa dân ra xây dựng Trường Sa.
       Tổ nhân viên kĩ thuật dân làng Bỉnh Di đầu tiên gồm 7 người đã lên đường cùng đơn vị của Trung đoàn Công binh 83 ra đảo Nam Yết vào tháng 4 năm 1992 khẩn trương triển khai nhiệm vụ xây dựng công trình.
       Vào tháng 7 năm 1992 Trung Quốc đưa tầu chiến đến có ý đồ đóng chiếm đảo Én Đất, một bãi đá nhỏ gần đảo Nam Yết. Toàn đảo Nam Yết báo động chiến đấu, Bộ đội triển khai ra chiến hào, quân cơ động rầm rập, xe tăng nổ máy chạy ầm ầm trong màn đêm, bốn bề sóng vỗ, các loại pháo mặt đất, pháo phòng không chiếm lĩnh trận địa sẵn sàng chiến đấu. Một tổ bảy người dân làng tôi đang cùng Đội xây dựng của Trung đoàn 83 đang thi công nhà 2 tầng ở đây được điều động phân công các nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu. Tuy vậy có người cũng lo lắng trước tình hình chiến sự sắp xẩy ra, trong số đó có ông Lê Văn Biền. Tôi đang dự hội nghị Quân chính 6 tháng đầu năm của Quân chủng ở Hải Phòng nhận được điện báo ra cũng lo. Họp xong tôi vào thẳng Nha Trang làm việc với Sở chỉ huy vận tải đề nghị bố trí một chuyến tầu chở vật liệu ra Nam Yết tôi kết hợp đi ra kiểm tra việc xây dựng công trình và chỉ huy đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Những năm này tình hình khu vực Trường Sa cũng còn khá căng thẳng do sự uy hiếp của tầu chiến đối phương rất ngông ngược.
       Ra đến đảo tình hình đã lắng dịu, tầu Trung Quốc đã rút đi, đơn vị đảo đã hạ cấp sẵn sàng chiến đấu nên cũng đỡ căng thẳng. Tôi thăm cômg trình, thăm Cán bộ Chiến sỹ và Công nhân đang thi công. Buổi tối tôi gặp tổ thợ xây dân làng để nghe ý kiến. Anh em lúc đầu cũng có lo lắng nhưng nay đã trấn tĩnh lại, tôi phân tích tình hình và khẳng định là Trung Quốc không thể vô cơ đánh chiếm đảo của ta. Anh em hỏi nếu chúng tôi chết có được công nhận Liệt sỹ không, ông Biền hỏi bố tôi là Liệt sỹ nếu tôi chết có được công nhận Liệt sỹ nữa không. Tôi đã giải thích là khi có chiến sự thì tất cả mọi người trên đảo phải tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, ai đã qua Bộ đội thì cầm súng chiến đấu, còn lại làm nhiệm vụ tải đạn, nếu hy sinh đều là Liệt sỹ kể cả ông Biền. Sau khi nghe quán triệt 6 người xác định tiếp tục ở lại riêng ông Biền lưỡng lự, tôi thống nhất đưa ông vào trong bờ lao động…
       Nhà hai tầng Đảo Nam Yết được hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng tốt, đẹp, được hội đồng nghiệm thu có Cục doanh trại của Tổng cục Hậu cần đánh giá cao.
       Dân làng Bỉnh Di đã góp phần làm nên công trình nhà chỉ huy hai tầng thí điểm đầu tiên trên quần đảo Trường Sa, và kèm cặp đào tạo nghề bằng cách cầm tay chỉ việc cho các Chiến sỹ của Trung đoàn tham gia xây dựng công trình. Từ đây mở ra một giai đoạn mới đưa dân ra xây dựng Trường Sa. cũng là bước khởi đầu cho ý tưởng dân sự hoá Trường Sa.


 
       Sau vụ việc tầu Trung Quốc uy hiếp đảo Nam Yết, Cán bộ quân báo của Vùng 4 đã ra nằm tại đảo theo dõi tình hình và báo cáo về chỉ huy vùng là Trung đoàn 83 đưa dân ra đảo xây dựng. Tại hội nghị quân chính cuối năm 1992 có đại biểu phát biểu về việc Trung đoàn 83 đưa dân ra xây dựng ở Trường Sa vi phạm quy định của Quân chủng. Tôi đã lên báo cáo giải trình về yêu cầu thợ có tay nghề để tham gia xây dựng và bồi dưỡng cho Chiến sỹ của Trung đoàn, những người ra đảo đều được lựa chọn kỹ về lý lịch. Tôi trực tiếp báo cáo với chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã về nhiệm vụ xây dựng công trình phòng thủ bảo vệ Trường Sa trước âm mưu thôn tính Trường Sa của Trung quốc, yêu cầu thợ có tay nghề cao ra tham gia xây dựng. Tôi đã trao đổi với từng người về tình hình khó khăn nguy hiểm, tôi trực tiếp đi cùng Bộ độ ra Trường Sa, cứ yên tâm ra tham gia xây dựng, các chế độ được bảo đảm đầy đủ. Tôi đề nghị UNND xã xác nhận vào danh sách trích ngang của những người ra xây đảo. Đây là những người có lý lịch tốt, có tay nghề cao, có tinh thần dũng cảm, có trách nhiệm tham gia xây dựng bảo vệ Trường Sa. Trong kết luận Phó Đô đốc Hoàng Hữu Thái không ý kiến gì thế là tôi yên tâm để tiếp tục triển khai cho những năm tiếp theo với số người tăng thêm. 
       Từ tháng 6 năm 1994 tôi chủ động đề xuất, báo cáo thành lập Công ty Xây lắp Hải Công, tôi là Trung đoàn trưởng kiêm Giám đốc Công ty, Công ty đứng ra ký hợp đồng lao động cho hợp pháp. Từ năm 1991 đến nay đã có hơn 300 người với hàng nghìn lượt người dân làng Bỉnh Di ban đầu rồi mở rộng ra xã Giao Thịnh và huyện Giao Thuỷ. Có năm tới 80 người ăn tết ngoài đảo. Một số gia đình đã có hai thế hệ tham gia xây dựng Trường Sa. Liên tục 26 năm không lúc nào quê tôi không có người trên những công trình xây dựng ở Trường Sa. 

 

       Kênh truyền hình VOV đã xây dựng bộ phim “Làng xây đảo”, Đài truyền hình VTV1 cũng đã xây dựng bộ phim “Bỉnh Di làng xây đảo” để dự thi phim truyền hình toàn quốc. Những người dân làng Bỉnh Di xây đảo nói riêng và làng tôi nói chung rất tự hào đã được lên truyền hình và đã có đóng góp công sức của mình trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời quá trình tham gia xây dựng công trình cũng tạo ra nguồn thu nhập cao hơn so với lao động trong bờ góp phần cảo thiện cuộc sống cho các gia đình vùng nông thôn còn nghèo. Qua lao động nhiều người đã trở thành công nhân hợp đồng dài hạn, làm Đội trưởng Đội xây dựng của Công ty xây lắp Hải Công trước đây và Công ty xây dựng công trình Tân Cảng ngày nay.
       Một số đồng chí Cán bộ cấp cao của quân chủng Hải Quân và binh chủng Công binh hỏi tôi: Sao anh liều thế, đưa dân ra đảo lỡ xảy ra chiến sự thì sao, xảy ra mất an toàn lao động thì sao? Tôi nói là cũng đã phổ biến cho những người tham gia ra đảo về tình hình Trường Sa, xác định ra đảo là khó khăn gian khổ nguy hiểm nhưng tôi đi được thì dân đi được. Tôi khảng định là Trung Quốc không có cớ gì đánh chiếm các đảo của ta đang đóng giữ, từ sau sự kiện 14 tháng 3 năm 1988 suy ra nên mọi người cứ yên tâm. Thực tế 26 năm qua với hơn 300 người đã tham gia xây dựng Trường Sa nhưng chưa xảy ra một trường hợp nào bị tai nạn cả, thật là mừng cho những người dân quê hương và cũng là niềm vui, vinh dự tự hào của cá nhân tôi. Trong các buổi gặp mặt kỷ niệm ngày truyền thống của đơn vị và các sự kiện lớn, ban liên lạc Trung đoàn ( nay là Lữ đoàn ) Công binh 83 đều mời đại biểu của những người dân tham gia xây dựng Trường Sa tham dự. Tôi làm công văn đề nghị, Tư lệnh Hải quân đã ký quyết định tặng Huy hiệu Chiến sỹ Trường Sa cho 14 người dân trong những năm đầu tiêu biểu có đóng góp trong việc xây dựng và bảo vệ Trường Sa.
       Tôi cùng những người dân quê hương Giao Thuỷ rất tự hào đã có mặt nơi Trường Sa dậy sóng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 
Sóng xô phai bạc mái đầu
Lòng dân với đảo áo nâu sáng ngời
Bỉnh Di làng nhỏ đẹp tươi
Cùng dân Giao Thuỷ dậy khơi tâm hồng
Đội trời đạp sóng Biển Đông
Nguy nan gian khó quyết không xa rời
Mồ hôi công sức đắp bồi
Đảo xa in dấu chân người nông dân

Hà Nội sáng 12/3/2018
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn CBHQ 83
 

tin tức liên quan