Vượt đèo AnPum - Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 10:28 22/03/2018 Lượt xem: 933
Vượt đèo AmPun
                                     NGUYỄN KIM CHÚC
                                 Nguyên trợ lý TM Tác chiến Sư doàn 471
 
    Đã bốn mươi năm trôi qua, mỗi độ xuân về, những người lính lái xe Sư đoàn 471 Trường sơn năm xưa lại nhớ những ngày “Tháng Ba Tây Nguyên”. Nhớ hàng trăm lần vững tay lái vượt qua đèo AmPun. Lại nhớ những đồng chí đồng đội đã ngã xuống trên đèo này. Họ đã hiến dâng tuổi thanh xuân “Vì độc lập, vì tự do” của đất nước. Nhớ lại chặng đường đã qua ta càng tin vào ngày mai tươi sáng.
                             
                           *    *

                              *
     Để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Ngay từ tháng 12 năm 1974, toàn bộ đội hình Sư đoàn ô tô vận tải 471 Trường Sơn với hơn 2.600 xe đã đứng chân ở Sê Sụ chuyển hàng cho B3 (Tây Nguyên) và B2 (Bộ Tư lệnh miền Nam). Sê Sụ thuộc đất bạn Lào nằm trên tuyến đường 24 thuộc tuyến Tây Trường Sơn cách ngã ba Đông Dương không xa. Nơi đây là một vùng rừng núi rộng lớn, tương đối bằng phẳng chưa được khai phá, không có dân sinh sống; nằm trong lưu vực của hai con sông: Sê Kông và Sê Kaman. Nơi đây cũng là chiến trường quen thuộc của những người lính Trường Sơn.
      Sau hiệp định Pari, vùng giải phóng rộng lớn của ta được mở mang, phát triển kinh tế. Hệ thống đường Đông Trường Sơn được khai thác tối đa. Song ở thời điểm đầu năm, tuyến Đông Trường Sơn thường hứng chịu những trận mưa theo gió mùa Đông Bắc. Đường trơn lầy, sụt lở gây khó khăn cho vận chuyển hàng chi viện cho chiến trường. Chúng ta đang tích cực hành động cho kế hoạch năm 1975 - Thời cơ đến sẽ giải phóng hoàn toàn miền Nam. Địch cũng tăng cường thăm dò đánh phá ta. Vì vậy tuyến Tây Trường Sơn được sử dụng là tuyến chính để vận chuyển binh lực, trang bị đạn dược … cho trận đánh quyết định này.
       Với bốn Sư đoàn công binh đảm bảo cầu đường và hai Sư đoàn ô tô vận tải, Bộ đội Trường Sơn đảm trách chuyên chở binh lực, vật tư kỹ thuật cho các chiến trường. Sư đoàn ô tô vận tải 571 chuyển hàng từ hậu phương vào Sê Sụ và từ Sê Sụ  Sư đoàn ô tô vận tải 471 chuyển giao cho chiến trường B3, B2 độ dài 450km.
Chính quyền Sài Gòn phần nào đã biết hoạt động của ta nên ra sức dùng không quân đánh phá ngăn chặn. Mới đầu chỉ là những phi vụ đánh phá vùng giáp gianh sau đó cường độ tăng dần và đánh phá sâu vào vùng giải phóng của ta. Ngày 31.12.1974, một tốp A37 bổ nhào đánh phá ngầm Sê Sụ, đánh dấu chiến sự leo thang sang cả nước bạn Lào. Lúc này cả vùng rộng lớn Sê Sụ hội tụ đủ các sắc lính. Là nơi đóng Sở chỉ huy của Sư đoàn ô tô vận tải 471 với bốn Trung đoàn 17, 32, 33, 536 và các đơn vị trực thuộc. Là nơi đặt các trạm giao liên, kho tàng đầu mối lớn, nơi tập kết bộ đội để chuẩn bị cho những trận đánh lớn. Sư đoàn 471 Trường Sơn được giao nhiệm vụ cụ thể từ Bộ Tư lệnh Trường Sơn; từ các Tư lệnh chiến dịch. Ngoài nhiệm vụ chủ yếu là vận chuyển hàng hóa, Sư đoàn 471 còn nhận được chỉ lệnh sẵn sàng chở bộ đội tham chiến. Cả khu rừng nguyên sinh Sê Sụ huyên náo với tiếng máy xẻ gỗ, tiếng búa đập chan chát, chớp sáng lửa hàn của lính ta gia cố thùng bệ xe.
      Đã sang năm 1975, công việc chuẩn bị cho những trận đánh lớn ngày càng khẩn trương. Trên đường mù bụi của xe của Sư đoàn 571 xuống hàng ở Sê Sụ; của Sư đoàn 471 chở hàng vượt vượt dãy Trường Sơn về Tây Nguyên, về miền đông Nam Bộ. Xuất hiện nhiều đoàn xe đi thẳng của các Bộ, ngành Trung ương, những đoàn xe kéo pháo dài ngoẵng, nhiều xe đặc chủng … Tất cả đều mới, có phần huyền bí, trang nghiêm. Đã xuất hiện những ùn ứ cục bộ làm lo lắng cho các cấp chỉ huy. Đường từ Sê Sụ trở vào ngại nhất là đoạn vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên qua đèo AmPun nằm ở vùng ngã ba biên giới Đông Dương dài gần 20km. Đường dèo dốc, hẹp, nhiều đoạn rất khó đi. Đây chính là nút thắt của tuyến vận tải từ tây Trường Sơn chi viện cho các chiến trường Việt Nam. Là nơi chỉ có một con đường độc đạo về Việt Nam, tuy đã được cải tạo nhưng rất khó đi. Công tác chỉ huy vận hành, đảm bảo cầu đường, xăng dầu, thông tin liên lạc … cho xe chạy đã được kết nối và đảm bảo thông suốt, chắc chắn, tin cậy cao. Chỉ còn chờ những người lái xe và công tác động viên tuyên truyền, trách nhiệm của người lính với công việc trọng đại này. Việc ách tắc trên dèo AmPun cũng xuất phát từ người lái. Được điện của cấp trên về việc ùn ứ trên đèo AmPun, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 471 cùng nhóm trợ lý cuốc bộ lên đèo. Càng đi lên càng thấy cảnh ùn ứ xe nọ nối xe kia chờ qua đèo. Gặp Phó Tổng Tham mưu trưởng và Cục phó Cục Tác chiến. Các ông tỏ rõ sự không hài lòng và yêu cầu tìm cách khắc phục. Xem xét kỹ phần lớn là xe chở hàng đi thẳng từ ngoài Bắc vào. Các xe đóng cửa im ỉm, lái xe ngủ ngồi đủ tư thế. Tới lưng chừng đèo mới thấy chiếc xe chết máy gây ách tắc đường. Đó là chiếc xe của đoàn đi thẳng, chẳng thấy ai xem xét sửa chữa, Lái xe ngủ gục trong buồng lái. Bằng giọng Đô Lương nằng nặng, Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn đập ca bin lớn tiếng:
    - Xe hỏng hóc làm sao? Chỉ huy của đồng chí đâu?
    Tiếng của ông sang sảng, cánh cửa các xe phía sau đều bật mở.
    - Tôi hỏi đồng chí! Chỉ huy của đồng chí đâu?
    Sư đoàn trưởng nhắc lại một lần nữa.
    Đồng chí lái xe lúng túng, ngoái nhìn về phía sau. Phía ấy có mấy đồng chí đang đi tới. Họ là cán bộ phụ trách. Thì ra xe vượt đèo nóng máy, bơm cao áp bơm không đủ nhiên liệu, thế là chết máy. Buồn ngủ lái xe gục ngủ luôn. Các xe phía sau tưởng tắc đường cũng tắt máy tìm giấc ngủ. Quả thực lái xe rất đói ngủ.  
Xe nổ máy lên đường. Gặp lại Phó Tổng Tham mưu trưởng và Cục phó Cục tác chiến, Sư đoàn trưởng báo cáo lại sự cố. Ông đề nghị:
     - Nếu chỉ riêng đội hình của Sư đoàn 471 chúng tôi thì sẽ không có cảnh ùn ứ này. Do có nhiều đoàn cùng nhập tuyến, lái xe lại thiếu kinh nghiệm nên rất dễ có xe hỏng hóc trên đường gây ách tắc. Sư đoàn 471 xin được vào cuộc sử lý các tình huống ách tắc trên đèo AmPun.
     Được cấp trên chấp thuận, về Sê Sụ Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn chỉ thị:
    - Lập trạm điều tiết vượt đèo AmPun; đảm bảo kỹ thuật cho các đoàn xe qua đèo khi có sự cố.
    - Hỗ trợ về kỹ thuật tối đa cho các đoàn xe đi thẳng; sẵn sàng đổi xe tốt của Sư đoàn 471 cho các xe hỏng trên đường. Kéo xe hỏng về xưởng sửa chữa.
    - Tăng cường công tác chỉ huy và sẵn sàng chiến đấu.
    Những chỉ đạo kịp thời và sự vào cuộc tích cực của Sư đoàn 471 nên việc vượt đèo AmPun được thông suốt.
Cuối tháng 2 năm 1975, xe của Sư đoàn 471 đã bí mật chở toàn bộ Sư đoàn 316 và Sư đoàn 968 qua đèo AmPun về Tây Nguyên vào vị trí chiến đấu. Xe của Sư đoàn 471 cũng đã bí mật chở đội hình Sư đoàn 10 vào Đức Lập. Toàn bộ khối lượng lớn: đạn hỏa lực, khí tài tăng pháo, khí tài thông tin, đảm bảo hậu cần … khoảng hơn 10.300 tấn; trước ngày 4.3.1975 (ngày mở màn chiến dịch Tây Nguyên) đã được hàng nghìn xe của Sư đoàn 471 lấy hàng từ Sê Sụ đêm đêm xe chạy không bật đèn chở vào các kho của chiến dịch.
     Tiếng súng tiến công của Sư đoàn 968, 316, 320, 10 … vào các cứ điểm của địch ở Tây Nguyên cũng là lúc hàng nghìn xe của Sư đoàn 471 phối thuộc cho các Sư đoàn chở binh lực tiến đánh địch trên tất cả các hướng chiến dịch. Những chiến sỹ lái xe của Sư đoàn 471 Trường Sơn trở thành những chiến binh thực thụ đánh đuổi địch trên đường 14, đường 7, đường 21 giải phóng Tây Nguyên và góp sức giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung Trung bộ.
     Tây Nguyên được giải phóng. Các tỉnh duyên hải miền Trung cũng lần lượt được giải phóng. Thời cơ đến, mệnh lệnh “Thần tốc! Thần tốc hơn nữa …” gửi tới toàn mặt trận. Cả đội hình quân đoàn I ùn ứ ở khu vực Sê Sụ chờ vượt đèo AmPun. Trên đường rất nhiều xe cỡ lớn, có cả bệ phóng tên lửa chờ qua đèo về Tây Nguyên. Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài, Tướng Nguyễn Hòa - Hoàng Minh Thi Tư lệnh và Chính ủy Quân đoàn vô cùng sốt ruột, ra quyết định: Ưu tiên xe chở quân, xe tải làm tắc đường sẵn sàng cho xuống suối để thông đường. Quả thực lúc này rất cấp bách, Quân đoàn I cần vào tham chiến ngay và nếu để ùn ứ địch đánh phá sẽ gây thiệt hại lớn. Mấy ngày trước - ngày 14.3 cũng ở khu vực đèo này đội hình xe của Tiểu đoàn 62, Trung đoàn 32, Sư đoàn 471 chở hàng đi vào bị một tốp A37 của địch đánh phá làm 5 xe bị cháy, 20 xe hư hỏng, 5 cán bộ chiến sỹ hy sinh. Nhận được tin này, Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn gặp trực tiếp Phó Tổng Tham mưu trưởng và Tư lệnh Quân đoàn đề nghị:
      - Sư đoàn 471 một lần nữa xin được chỉ huy vượt đèo AmPun theo đúng chỉ lệnh của các thủ trưởng.
     Được chấp thuận, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 471 triển khai ngay các trạm điều tiết giao thông ở hai đầu đèo và các điểm xung yếu. Đưa xe kích kéo, xe sửa chữa, thợ sửa chữa giỏi lên đèo. Dùng xe kích kéo kéo những xe đang cản trở giao thông vào các đường xương cá sửa chữa … Phát lệnh hành quân theo thứ tự ưu tiên … Với kinh nghiệm nhiều năm vận tải trên tuyến Trường Sơn, chỉ huy Sư đoàn chỉ mất vài giờ đã nhanh chóng lập lại trật tự. Cả đội hình Quân đoàn I vượt qua đèo AmPun an toàn vào miền Đông Nam Bộ.
     Sư đoàn ô tô vận tải 471 Trường Sơn thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Hai lần nhận trách nhiệm đảm bảo giao thông vượt qua nút thắt đèo AmPun góp phần lớn vào chiến thắng của quân và dân ta, được các cấp chỉ huy tin tưởng và ngợi khen./.
 
tin tức liên quan