|
CUỘC CHIẾN CHƯA CÓ HỒI KẾT
Nguyễn Văn Bổng ngồi trầm ngâm... trăn trở với tác phẩm của mình, bên cạnh chiếc nạng gỗ đã mòn điểm tựa. Từ khi “Mỹ cút, Ngụy nhào” đến nay 42 năm đằng đẵng, vườn nhà tươi xanh, bông hoa sứ nở thắm bên cạnh bàn làm việc của anh, mà dấu vết chiến tranh (mảnh đạn) còn găm trên đầu, còn ẩn dưới những miếng gạc trắng trên đôi chân sần sùi của anh. Gợi cho tôi tựa đề bài bút ký “Cuộc chiến chưa có hồi kết”
Nguyễn Văn Bổng trăn trở tác phẩm của mình
Vào chiến trường
Ngày 28 tháng 8 năm 1969 Nguyễn Văn Bổng 16 tuổi, khai tăng thêm 2 tuổi, trích máu làm đơn tình nguyện vào Bộ đội (cuốn Lịch sử xã Hải Tây đã ghi). Sau một tháng huấn luyện tân binh ở Thanh Hóa, hành quân ba tháng, tập kết tại tỉnh Cờ - ra - Chiê (Cam pu chia). Nơi đây suốt thời gian dài đơn vị của Nguyễn Văn Bổng quần nhau với địch
Phá vòng vây địch
Năm 1970 bọn địch (liên quân Việt Mỹ) mở trận càn Đông Dương dọc biên giới Việt Nam – Cam Pu Chia nhằm cắt viện trợ của ta dọc tuyến 559. Chúng xiết vòng vây chia cắt đơn vị trên đường Trường Sơn, hòng bao vây... chờ chết đói... rồi bắt sống. Nhiều đơn vị rơi vào thế bị động, phải chạy càn để bảo toàn lực lượng. Đơn vị của Nguyễn Văn Bổng (C18, D15, F5) hết sức dè sẻn, nhưng tuần thứ 3 chỉ còn vài lon gạo dành cho người sốt rét, không đi lấy măng, củ mài, rau tầu bay được. Mưa thối đất thối cát, muỗi vắt, bom đạn, sốt rét, đói ăn... anh em phù thũng. Nguyễn Văn Bổng chỉ còn cân nặng hơn 30 kg, anh em xanh xao vàng vọt. Trung đội của anh bảo vệ đồi A1, đội Hậu Cần và dinh thự Xi ha Núc. Bom pháo địch dội suốt ngày, song không có hầm hào kiên cố. Cán bộ và chiến sĩ thương vong nặng nề, bởi lực lượng chênh lệch quá lớn. Mặc dù phải tiết kiệm từng viên đạn, chỉ khi nhìn rõ cúc áo địch mới được nổ súng. Nhưng đến 4 giờ chiều 20/2/1970 trung đội của anh chỉ còn 5 chiến sĩ, phải căng đội hình ra bảo vệ đồi A1. Sau đợt tấn công dai dẳng của Mỹ, Ngụy Lon Non và Ngụy Sài Gòn, trước khi trời xập tối, những loạt đạn cuối cùng đã bộc lộ nguy cơ địch sẽ lên bắt sống. Một loạt pháo địch hủy diệt trận địa. Bốn chiến sĩ còn lại hy sinh, Nguyễn Văn Bổng bị thương nặng. Do trời tối trong mùa mưa, địch cho rằng ta vẫn còn phục kích, nên rút quân. Một Trung đội phía tây trận địa do Ninh Xuân Hùng (bây giờ là sĩ quan cấp tá bí thư chi bộ trong xã Hải Cường, Hải Hậu, Nam Định) đưa hơn chục chiến sĩ lên chi viện, thì chỉ còn ngổn ngang chiến sĩ đã hy sinh. Sau này được Ninh Xuân Hùng kể lại chỉ còn Nguyễn Văn Bổng bị thương vào hai chân, mảnh đạn cưa đứt hai xương bàn chân trái và vỡ xương ống chân phải, một vết thương vào phổi, và một vết thương sọ não do qủa pháo địch nổ gần, nên máu mũi, máu mồm, máu đầu, máu chân chảy nhiều. Anh ngất đi và khi ấy thấy anh vẫn còn thở nhẹ. Anh em xé quần áo băng bó và khiêng về tuyến sau. Nhiều cán bộ, chiến sĩ lắc đầu: “Đã muộn rồi”. nhưng rất may, sau hơn 20 tiếng dưới hầm phẫu thuật. Anh đã tỉnh lại, đòi uống nước. Trận đánh ấy, trung đội của anh đã bắn cháy 1 trực thăng HU1A, và nhiều xác địch ngổn ngang. Nguyễn Văn Bổng được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba. Sau này anh kể lại rằng : “Chắc hẳn 23 Chiến sĩ kia phân công Bổng phải sống để đại diện cho đơn vị nhận Huân chương chiến công này”
Chiến sĩ can trường trong bão lửa, tình người lúc nguy nan.
Một dêm đơn vị đặc công mở đường máu cứu chúng tôi. Bên ta, trong đánh ra, ngoài đánh vào. Địch bị bất ngờ không kịp trở tay, vòng vây bị chọc thủng. Khi bắn hết đạn, Liên dùng lê đâm thẳng vào ngực tên giặc, nó rống lên “Vi xi”, ngã vật ra.Liên bị một băng tiểu liên AR15, hy sinh. Khi hết đạn, Hà nổ quả lựu đạn , hy sinh, tiêu diệt 3 tên định bắt sống anh. Rinh bị trúng mảnh M79, lòi ruột, bình tĩnh tự ấn vào, rồi úp bát B52 tự băng lấy. Việt bị thương vào đầu, kêu lên. Bổng báo cáo trung đội trưởng: “Báo cáo anh Khoa, Việt vỡ đầu”. Tiếng hô sắc nhọn: “Băng khẩn cấp, chuyển nhanh ra”. Bổng băng nhanh cho Việt. Tý đạp lên xác giặc, cõng bạn ra, tiện tay vơ 1 ba lô của lính Mỹ. Nhờ cái ba lô chiến lợi phẩm này mà trung đội có thêm sữa hộp và thuốc sốt rét - dành cho các đồng chí Thương binh, bệnh binh
Có lần, Hà đi trinh sát, vừa đói vừa mệt, ngồi dựa vào ụ mối thiếp đi. Tỉnh dậy, anh ngồi bên đống xương. Hà lấy miếng vải dù pháo sáng, nhặt nhạnh xương cốt, dùng dao găm lấp đất ( vì nó cũng là con người) Nhìn chiếc thẻ kim lọai, Hà biết nó là tên lính dù.
Sự hy sinh thầm lặng của người lính lặng thầm
Cư bị sốt được phân công ở nhà làm anh nuôi (năm 1971). Lúc cơm sôi, Cư phát hiện bọn biệt kích (quần áo rằn ri) lom khom sát bếp. Cư lừa địch chạy vào bãi mìn của ta, tạo điều kiện cho trung đội tiêu diệt gọn trung đội biệt kích địch. Người lính anh nuôi sống thầm lặng hy sinh lặng thầm vì tổ quốc
Lần khác, trung đội của Nguyễn Văn Bổng trụ trên điểm cao 71 tỉnh Mông - đôn - ki - ri (Cam pu chia) Địch bao vây ở dưới. Địch và ta giành nhau từng tấc đất. Đồ ăn hàng ngày, chủ yếu là lương khô, nước lã, nước lã cũng khó lấy, vì vướng vòng vây của quân thù. Loạt bom B52 vừa dứt, chị nuôi Sim đeo kín bình toong quanh người, xuống núi lấy nước, chẳng may bị quả pháo đĩ lạc đàn, Sim anh dũng hy sinh (quả đạn này, bọn Mỹ thưởng cho gái đĩ, sau mỗi lần làm tiền). Trước sự hy sinh thầm lặng, Nguyễn Bổng xúc cảm ghi lại những dòng cảm xúc:
“Nước mắt đồng đội tiễn em
Nhòe pháo sáng chập chờn
Chín toong nước giành cho em tất cả
Em nằm lại với cỏ cây hoa lá
Giò lan rừng canh giấc làm tin..”
Phục viên, tham gia công tác địa phương
Sau 8 năm chiến đấu trên chiến trường. Năm 1976, Nguyễn văn Bổng phục viên, cưới vợ. Cảnh nhà túng bấn, chán cảnh đấu tranh “chi bộ mình”, bởi nội bộ mất đoàn kết, một số cán bộ tham ô. Anh khoác ba lô lộn ngược, bươn chải tận tuyến đầu phía bắc tổ quốc, làm bất cứ việc gì có tiền để nâng cao đời sống gia đình: xẻ gỗ, phụ hồ... Địa phương gọi về sinh hoạt Đảng, nếu không về, sau 3 tháng sẽ bị khai trừ. Anh lại khăn gói trở về quê Hải Tây, giữ lấy cái danh hiệu “đảng viên” mà mình vào sống ra chết mới có được. Bổng lần lượt giữ các chức vụ : trại trưởng chăn nuôi, phó công an, Phó Bí thư đoàn xã, Phó Chủ tịch, Trưởng Công an. Năm 1980 giữ chức Chủ tịch xã ở tuổi 28. Năm 1986 Bí thư Đảng bộ xã cho tới 2010. |
|
Nguyễn Văn Bổng tâm sự: “Làm cán bộ không thể lấy nhiệt tình thay hiểu biết. Phải mang lại cái gì cho dân, mình phải biết làm kinh tế giỏi , con cái nên người, kẻo người ta khinh”. Thế rồi Bổng vay vốn ngân hàng làm trang trại VAC , nuôi ba ba, ếch , trê lai, gà công nghiệp, trồng hoa, cây cảnh, anh đã phải “trả học phí” để có mô hình cho cán bộ và nhân dân làm theo. Anh chỉ vào vườn, nói dí dỏm: “Ngân hàng xanh” của tôi đấy - tạo diều kiện cho con ăn học. Nguyễn Văn Bổng được nhân dân địa phương gọi với cái tên thân thương: “Nhà cà chua học”. Anh được báo Nam Định, tạp chí Nhân văn đăng phóng sự về vấn đề: “đưa cà chua xuống chân ruộng - chuyển dịch cơ cấu mùa vụ”, đã giải quyết hàng ngàn lao động tại chỗ, lúc đất “nghỉ chờ vụ”. Thấy anh say sưa, viện Cây trồng, viện Cây lương thực, trung tâm khuyến nông tỉnh, phòng Nông nghiệp huyện Hải Hậu tận tình đầu tư và chuyển giao kỹ thuật. Lúc đầu khó khăn ( kể cả thất bại), sau đó cây cà chua Hải Tây trở thành cây xuất khẩu chủ lực, có giá trị cao. Ngoài cà chua, nông dân trồng ớt, dưa chuột bao tử, cải dầu, xúp lơ nóng xuất khẩu ổn định trên 50% diện tích hai lúa. Một vụ đông chỉ trồng 100 ngày đã thu nhập gấp bốn năm lần trồng lúa. Người lao động làm giầu ngay trên mảnh ruộng của mình. Năm 2000 thu thuần lúa 30 triệu/ha. Bây giờ 80 triệu/ ha, được Chính phủ tặng cờ thi đua. Nguyễn Bổng tâm sự: “Được như thế không có bí quyết gì mới, nói và làm có trở thành nguyên tắc thực hiện hay không là ở người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền”. Phương châm chỉ đạo của Hải Tây là: “Kiên quyết, gương mẫu, hiệu quả”. Cán bộ gương mẫu, mọi người làm theo. Thắng lợi chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở Hải Tây - giảm nghèo, tăng giầu có sự đóng góp tích cực của cán bộ đảng viên, ví Nguyễn Văn Bổng như người khơi nguồn nước phù sa tưới cho ruộng đồng xanh tốt. Hai năm phát động ở Hải Tây (2006 – 2007) đã có 16/16 xóm xây dựng xong nhà văn hóa trị giá hơn 2 tỷ đồng do dân đóng góp. “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần, dân liệu cũng xong”. Năm 1989 hoàn tất công trình nhà làm việc của Đảng và chính quyền ba tầng, trị giá hơn 4 tỷ đồng. Hải Tây cách đây 20 năm là xã yếu kém nhất huyện (40% đồng bào Công giáo), nay vượt lên hàng đầu.
Thẻ hội viên chất độc da cam của Nguyễn Văn Bổng
Người nông dân thành nhà văn, nhà báo
Nhìn lên tường nhà Nguyễn Văn Bổng, 45 khung kính huân huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen, giải thưởng văn học báo chí, và còn nữa... hết chỗ để treo (số bằng khen về văn học nghệ thuật, hơn 20 cái). Người nông dân đôi vai rắn chắc, nước da ngăm ngăm đen, thoáng qua, ai nghĩ là nhà văn, nhà thơ, mà có nhiều tác phẩm đăng tải trên các báo, tạp chí trung ương, địa phương, phát sóng truyền hình, phát thanh tiếng thơ truyện ngắn. Đạt được kết quả đó, là do anh tự học nuôi nghiệp văn chương. Bài ký viết về người phụ nữ gốc đạo Thiên Chúa Thịnh Long được ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung ương tặng bằng khen, thưởng 5 triệu đồng. Bài “Tiếng gọi con cuốc cuốc” giải nhì thi viết về nông nghiệp, nông thôn Nam Định (nông dân tin vào công cuộc đổi mới).
Truyện “Lãi quan viên” được vào vòng trung khảo, xôn xao dư luận. Nhiều chuyện ngắn nữa: “Tiếng thời gian” “Con của con người” đăng trên báo Văn Nghệ Quân Đội, Văn Nhân Nam Định. Bài “Một ngày như mọi ngày” giải nhì toàn quốc viết về cuộc thi chủ đề: “Cựu chiến binh làm theo Bác Hồ”. Bút ký: “Tập kỷ yếu dang dở” được giải nhì toàn quốc do hội Truyền thống Trường Sơn tổ chức (không có giải nhất). Nguyễn Văn Bổng được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng cây bút (tặng cho tác giả được 2 giải thưởng toàn quốc - trong 1 năm).
Cây bút – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Nhà văn
Nguyễn Văn Bổng (dưới cây bút là cái hộp đựng bút)
Thành công của Nguyễn Văn Bổng thì nhiều, va vấp không phải một lần, tai ương dai dẳng. Bởi nhiệt tình cách mạng, nên Bổng khai tăng tuổi để gia nhập bộ đội (khai tăng 2 tuổi). Cho nên hồ sơ phục viên không khớp với hộ tịch gốc. Bị một cán bộ kiện anh về tội khai man tuổi, không trung thực với Đảng, khi trúng cử cấp ủy xã năm 1978 Anh làm bí thư đảng bộ xã 24 năm liền (thâm niên bí thư lâu nhất, trong tỉnh). Nhưng ít người biết anh đã bị khai trừ Đảng năm 1971 vì chống lại cấp trên (lấy ghế choảng đại đội phó, vì người này hách dịch, cục bộ, cầu an). Nguyễn Văn Bổng phấn đấu lập công và lần 2 vào Đảng trước ngày vui đại thắng. Con người tài năng, trung kiên, bất khuất mà cái khổ về chiến tranh còn dồn nén trong cơ thể. Những khi trái gió trở trời, chất độc da cam và bệnh tiểu đường hoành hành, vết thương lại tấy lên, dịch luôn luôn tiết ra, đầu đau buốt, thân thể rất khó chịu. Tôi hỏi: “Thương tật thế này (bốn năm vết sẹo hai chân, hai ba vết luôn rò rỉ chất dịch, mảnh đạn còn găm trên đầu) thương tật bao nhiêu phần trăm, thương binh loại mấy? Anh trả lời: “có chế độ chất độc da cam, nhưng khi ở chiến trường xác nhận thương tật 20% lâu dài, thành ra không được hưởng chế độ thương binh”. Một cháu nội của anh (14 tuổi) đã bị phơi nhiễm chất độc da cam rồi.
Chiến tranh đã lùi xa 42 năm, nhưng cuộc chiến chưa có hồi kết. Làm tròn nhiệm vụ người lính, “người mõ làng”; đáng lẽ được nghỉ, nhưng Nguyễn Văn Bổng không ngơi. Mỗi tác phẩm ra đời, anh rất vui. Chân gác lên ghế cho bớt đau, bộ bàn ghế bên cây hoa sứ rực rỡ, và chậu bon sai xanh tươi, với khoảng trời vùng biển sáng, thoáng mát, Nguyễn Văn Bổng viết... viết nữa... viết mãi... Anh tâm sự: “Sống ngày nào, phải có ích ngày đó”. Tôi thầm nghĩ: “Luôn luôn học tập và làm theo tấm gương Bác, góp phần làm rạng rỡ cho đất nước xanh tươi, đời đời bền vững - đây là nhân cách “Anh Bộ đội cụ Hồ”
Vương Văn Kiểm
Hội Viên hội Văn Học Nghệ Thuật Trường Sơn
(47 Tràng Thi, phường Trần Đăng Ninh, tp Nam Định)
Đt : 0127. 723. 0806
|