Thu mua lương thực vùng Hạ Lào
Một ngày tháng 7-1963, đang là học viên Trường Văn hóa Quân đội đóng ở Lạng Sơn, Trung tá Nguyễn Đức Phương được Bộ Quốc phòng gọi về Hà Nội nhận nhiệm vụ đặc biệt.
Nhiệm vụ quan trọng như thế nào mà đích thân Bộ trưởng giao? Trung tá Nguyễn Đức Phương không khỏi băn khoăn, hồi hộp. Sinh năm 1924 ở xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) trong một gia đình làm ruộng, chàng trai Đức Phương sớm được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Mặc dù mới học lớp 3, nhưng do hoạt bát, thông minh, to cao, lại là đảng viên, nên tháng 3-1946, anh được điều động vào quân đội làm Chính trị viên bộ đội thành Sơn Tây. Chín năm kháng chiến chống Pháp tạo nên chàng nông dân hiền lành Đức Phương trở thành Phó chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 308. Sau năm 1954, anh hai lần được giao nhiệm vụ sang nước bạn Lào làm chuyên gia hậu cần cho bộ đội Pathet Lào với thời hạn 7 năm. Khó khăn, gian khổ anh không nản, chỉ sợ nhiệm vụ quá sức mình…
|
Phó tư lệnh Sư đoàn 470 Nguyễn Đức Phương (ngoài cùng bên phải) và 2 cán bộ cách mạng Lào: Sa Văn và Thoong Bay (ảnh chụp năm 1972 tại Nam Lào). Ảnh: Bảo tàng Tổng cục Hậu cần. |
Vài hôm sau, khi đang nghỉ tại Trạm khách 66 Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Nguyễn Đức Phương và 30 anh em cùng chung nhiệm vụ. Sau khi hỏi thăm sức khỏe và gia đình từng người, Đại tướng giao nhiệm vụ: Đường Trường Sơn do Đoàn 559 đảm trách rất có hiệu quả trong việc chi viện sức người, sức của từ miền Bắc vào miền Nam, nhưng đang bị địch đánh phá dữ dội. Cần có thêm một tuyến đường nữa trợ giúp, bắt nguồn từ các tỉnh biên giới của nước bạn Lào và Campuchia giáp với vùng Tây Nguyên nước ta. Nhiệm vụ chính của Đoàn 763 do Trung tá Nguyễn Đức Phương làm Đoàn trưởng là tạo nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men càng nhiều càng tốt để cung cấp cho chiến trường miền Nam. Đoàn hoạt động độc lập, nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Bộ Quốc phòng. Cuối cùng, Đại tướng căn dặn:
- Vào trong đó xa Trung ương, xa hậu phương, các đồng chí sẽ thiếu thốn đủ thứ. Các đồng chí cần đoàn kết, khéo làm ăn để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.
Nhận nhiệm vụ và 5 triệu kíp (tiền Lào, hồi đó là một số tiền rất lớn), một ngày cuối tháng 7-1963, Đoàn 763 lên đường. Trung tá Nguyễn Đức Phương không ngờ rằng, từ một anh nông dân, một cán bộ hậu cần, chỉ một thời gian sau anh trở thành “ông chủ lớn” nổi tiếng của cả vùng biên giới Việt-Lào-Campuchia.
Sau hai tháng dầm mưa, dãi nắng đi bộ dọc theo dải Trường Sơn, Đoàn 763 đã đến địa điểm đóng quân. Đó là khu rừng ven sông Sekong thuộc huyện Xamakhisay, tỉnh Attapeu (Lào), cách ngã ba Đông Dương khoảng 60km. Bên kia sông là Đồn Biên phòng Đôn Phầy của Campuchia. Đây là địa điểm rất thuận lợi cho đoàn trong thu mua và vận chuyển hàng hóa ở Lào và Campuchia, lúc bấy giờ còn trung lập, để chi viện cho chiến trường miền Nam và vùng Hạ Lào. Ban đầu, việc thu mua lương thực ở Lào thuận lợi, tuy nhiên ông Bun Mạc, Thường vụ Tỉnh ủy Attapeu phụ trách kinh tế băn khoăn:
- Xưa nay chưa bao giờ chúng tôi chủ trương thu mua lương thực. Thu mua rồi có thành lệ không? Sang năm, nếu nhân dân không ủng hộ, cứ yêu cầu thu mua thì làm thế nào?
Nguyễn Đức Phương giải thích:
- Muốn thắng Mỹ, ta phải có lương thực, thực phẩm dự trữ nuôi quân. Không thu mua, các đồng chí và chúng tôi sẽ không có đủ gạo ăn để nuôi mình, nói gì đến nuôi quân. Không thu mua, nhân dân không có tiền mua sắm vải vóc, kim chỉ, thuốc men… Đoàn chúng tôi còn ở đây lâu dài, tôi bảo đảm thu mua chỉ có lợi, không có hại.
|
Ca nô của thương nhân Camphuchia theo sông Sekong chở hàng cho “ông chủ lớn” (ảnh chụp năm 1967). Ảnh: Đặng Doãn Duy. |
Tỉnh ủy Attapeu chấp nhận ý kiến của Đức Phương. Bí thư Tỉnh ủy Thoong Đăm ký 40 giấy giới thiệu cho phép cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6, lấy danh nghĩa Bộ đội Pathet Lào, được về các bản vùng Hạ Lào để thu mua lương thực. Cuối tháng 10-1963, Đoàn 763 điện về Bộ Quốc phòng: “Đã lập được 3 kho, bước đầu có 100 tấn lúa dự trữ”. Bộ trả lời: “Rất hoan nghênh. Chú ý khai thác thêm nguồn hàng mới trong lòng địch. Cần bao nhiêu tiền báo cáo”.
Nhận chỉ thị, Nguyễn Đức Phương nhờ bạn xoay xở giấy tờ hợp pháp để cử người vào buôn bán ở Pakxe, một thị xã giàu có, nhiều hàng hóa của tỉnh Champasack do Chính phủ Hoàng gia Lào thân Mỹ kiểm soát. Tại đây, nhờ sự khéo léo và tài trí của mình, các anh móc nối với Đại tá Khăm Lượm, Quân khu phó Quân khu 4 và vợ của y là em gái Hoàng thân Bun Ùm, nhân vật phái hữu có thế lực nhất vùng Hạ Lào. Biết là người của Pathet Lào, nhưng do hám tiền nên vợ chồng Khăm Lượm chấp nhận “làm ăn” với ta. Từ đó, lương thực do vợ chồng Khăm Lượm chuyên chở ùn ùn về kho dự trữ của Đoàn 763. Tuy nhiên, đề phòng địch vừa chở hàng vừa thăm dò lực lượng của ta, việc khơi nguồn hàng từ Pakxe tạm chấm dứt. Trung tá Nguyễn Đức Phương xin phép cấp trên được mở đường buôn bán sang Campuchia. Đầu năm 1964, Bộ Quốc phòng có điện trả lời: “Đồng ý. Thành lập một đơn vị mới gồm 20 đồng chí lấy phiên hiệu là K20, có nhiệm vụ khai thác nguồn hàng ở Campuchia. Tuyến đường chở hàng về lấy bí danh là đường C4”.
Tuyến đường bí mật
Trung tá Nguyễn Đức Phương tiếp tục là Đoàn trưởng Đoàn K20, phụ trách tuyến đường bí mật này. K20 thuộc quân số của Binh trạm 37, Đoàn 559, nhưng nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Bộ Quốc phòng. Tuyến đường theo đề nghị của anh, bắt nguồn từ Đồn Tà Ngâu, điểm cuối cùng của Binh trạm 37 (Đoàn 559) sang Đồn Biên phòng Đôn Phầy, đến huyện Siêm Pang (đều thuộc tỉnh Stung Treng) xuống tận cảng Sihanoukville của Campuchia. Nhiệm vụ của K20 đường C4 là phải lập ra cơ sở buôn bán tại chỗ dưới danh nghĩa một công ty; mở được tài khoản ngay trong hệ thống tài chính của Campuchia để ta chuyển tiền vào; thu mua và chuyển hàng nghìn tấn gạo, hàng trăm tấn hàng đặc biệt và nhiều “khách quý” (cán bộ cao cấp của ta) đến nhiều hướng trên chiến trường.
|
Đại tá CCB Nguyễn Đức Phương (thứ 2, từ phải sang) và đồng đội cũ. Ảnh: Tư liệu Sư đoàn 470. |
Tuy Campuchia lúc bấy giờ còn là nước trung lập, Quốc trưởng Norodom Sihanouk ít nhiều có cảm tình với cách mạng Việt Nam, nhưng trong Chính phủ có nhiều phe phái, CIA Mỹ, tình báo chính quyền Sài Gòn nhan nhản luôn rình rập, dòm ngó nên mọi hoạt động của K20 phải tuyệt đối bí mật.
Nhận nhiệm vụ mới, Trung tá Nguyễn Đức Phương luôn băn khoăn, suy nghĩ. Đoàn K20 sẽ lấy danh nghĩa thương nhân Lào hay Việt Nam. Mặc dù từ chỗ đóng quân cách đất Campuchia chỉ một dòng sông, nhưng sang đó khi chưa được chính quyền họ cho phép liệu có vi phạm luật lệ quốc tế hay không? Suy đi tính lại, anh cùng các đồng chí trong đoàn chọn điểm đột phá để làm bàn đạp vừa là nơi giao dịch, buôn bán, vừa là nơi tập kết hàng hóa. Đó là Đồn Biên phòng Đôn Phầy của Campuchia. Với tài ngoại giao của mình, Nguyễn Đức Phương và đồng đội của anh làm quen với vợ chồng Sun, đồn trưởng. Các anh tận dụng sự hám tiền của Sun, lôi kéo y “làm ăn” với ta, biến y thành môi giới, lôi kéo nguồn hàng từ khắp nơi về Đôn Phầy.
Từ chỗ hẻo lánh, bị cô lập vì không có đường bộ, sau một thời gian, ngày một nhiều ca nô buôn bán từ Phnôm Pênh chạy ngược lên Đôn Phầy. Hàng hóa ngày một nhiều, đòi hỏi một số tiền lớn để mua, đồng thời bản thân mình phải có một danh nghĩa để giao dịch với khách hàng. Nguyễn Đức Phương điện xin chỉ thị cấp trên. Cấp trên trả lời: “Được, lấy danh nghĩa Việt Kiều sinh sống tại Lào từ nhỏ, là thương nhân buôn bán cho Pathet Lào. Sẽ gửi tiền và bổ sung thêm ba cán bộ biết tiếng Trung Quốc và Campuchia. Sắp tới, sẽ có một đoàn các nhà tư sản Hoa kiều từ Phnôm Pênh lên K20 thảo luận việc buôn bán”.
Từ đây, Trung tá Nguyễn Đức Phương bắt đầu vào vai “ông chủ lớn”.
HỒNG SƠN
Kỳ sau: Trong vai “ông chủ lớn”
(Trong bài có sử dụng tư liệu “Hồi ký Nguyễn Đức Phương” và “Ký ức Sư đoàn 470”-NXB Hà Nội, 2015).