" Ký ức đường Trường Sơn" của tác giả Lưu Trọng Lân (kỳ cuối)

Ngày đăng: 07:16 19/05/2018 Lượt xem: 1.046

----------------------------------------------------------------------------------------


KÝ ỨC ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
CỦA TÁC GIẢ LƯU TRỌNG LÂN

( Tiếp theo và hết )

Chương 16: Từ đường Trường Sơn chúng tôi đi vào chiến dịch Hồ Chí Minh

Sau chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" cuối tháng 12 năm 1972, từ cương vị một trung đoàn trưởng ở dưới đơn vị, tôi được điều lệ cơ quan Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không-Không quân, làm Phó phòng Cao xạ. Ngoài công việc bộn bề trong phạm vi quân chủng, tôi còn được giao thêm nhiệm vụ nắm và theo dõi các lực lượng phòng không ở chiến trường phía Nam. Qua liên hệ với Phòng Quân lực và Phòng Tác chiến, nhất là với các đoàn công tác ở trong Nam ra, dần dà tôi đã nắm được những điều cơ bản về tình hình lực lượng và hoạt động của các đơn vị cao xạ trên các Mặt trận Trị Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ và Đoàn 559. Việc có vẻ ít liên quan ấy không ngờ lại trở thành thuận lợi cho tôi, khi tôi được đi B công tác vào năm sau.
Tháng 1 năm 1975, ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, quân ta đánh to thắng lớn. Báo đài đưa tin: ngày 6 tháng 1, quân giải phóng miền Nam đã làm chủ toàn tỉnh Phước Long. Tôi rất phấn khởi, nhưng thật ra, trong nhận thức khi đó, tôi chưa hiểu được gì nhiều về ý nghĩa của chiến thắng nói trên.
Thế rồi tôi nhận được lệnh chuẩn bị đi B và may mắn làm sao, sáng 25 tháng 1 năm 1975, tại hội trường Quân chủng Phòng không-Không quân, chúng tôi được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và nói chuyện. Hôm ấy, Đại tướng nói không nhiều, nhưng phân tích tình hình rất sâu sắc. Tôi còn nhớ những ý chính:
"Sau Hiệp định Paris, toàn bộ quân Mỹ, quân các nước phụ thuộc đã rút khỏi nước ta. Nhưng chính quyền Mỹ và chính quyền Thiệu đã ngang nhiên xé bỏ hiệp định. Mỹ tuôn ồ ạt vũ khí vào miền Nam Việt nam. Thiệu thì hung hăng hò hét "tràn ngập lãnh thổ", đưa quân tiến hành hàng loạt cuộc tiến công lấn chiếm các vùng do ta kiểm soát.
"Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 21 khẳng định:
"Nhân dân ta không có con đường nào khác là phải tiếp tục con đường bạo lực cách mạng để giải phóng hoàn toàn miền Nam". Trung ương Đảng còn nhận định: "Một khi vì thất bại, buộc phải rút khỏi nước ta, đế quốc Mỹ khó có thể quay trở lại".
"Tháng 1 năm 1975, bằng chiến sĩ Phước Long, chỉ trong một tuần lễ, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 4.000 tên địch. Toàn tỉnh Phước Long được giải phóng. Nguyễn Văn Thiệu hốt hoảng cầu cứu Mỹ can thiệp, nhưng Mỹ làm ngơ. Tổng thống G.Ford tuyên bố: "Quân Mỹ không thể quay lại Việt Nam, vì Quốc hội Mỹ không cho phép". Vậy là qua đòn Phước Long, ta đã nắm được gân cốt của Mỹ. Phải tranh thủ giải phóng miền Nam trong thời gian ngắn nhất.
"Riêng đối với Quân chủng Phòng không-Không quân, một mặt phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, mặt khác phải ra sức tăng cường lực lượng phòng không tối đa cho cách mạng miền Nam".
Lắng nghe lời đồng chí Tổng tư lệnh, Bí thư Quân uỷ Trung ương lòng chúng tôi vô cùng phấn chấn. Tối hôm đó đến thăm anh Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, tại nhà riêng, tôi được anh nói rõ thêm tình hình và động viên: "Cậu biết không? Sau trận Phước Long, mặc cho "tổng" Thiệu gào thét, bọn Mỹ vẫn đánh bài lờ. Không quân Mỹ đã không trở lại ném bom miền Bắc nước ta như chúng từng hăm doạ. Sư đoàn thuỷ quân lục chiến Mỹ đóng tại Okinawa-Nhật Bản, vẫn án binh bất động tại chỗ. Tàu sân bay Enterprise được lệnh rời Subic tiến vào Biển Đông, nhưng sau đó đã ngoặt hướng, lặng lẽ chuồn sang Ấn Độ Dương. Bọn Mỹ đã bỏ cuộc. Tình hình ở miền Nam sắp tới sẽ phát triển rất nhanh. Cậu được đi B kỳ này là một vinh dự rất lớn, cũng giống như hồi 1954 cậu được đi được đi dự chiến dịch Điện Biên Phủ. Chắc chắn cậu sẽ được gặp lại mẹ và các em ở Sài Gòn (Bố mẹ tôi vào Sài Gòn làm ăn từ những năm 40. Năm 1974 bố tôi mất. Còn lại mẹ và 3 em. Anh Lê Văn Tri là anh rể tôi) trong một ngày không xa". Anh giơ hai ngón tay, nói nhỏ: "Hai năm!".
Sáng 27 tháng 2 năm 1975, đoàn đi B chúng tôi, với đầy đủ thành phần của một sở chỉ huy tiền phương, gồm bốn cơ quan, do dat Trần Quang Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân chỉ huy, lên đường. Riêng bộ phận tác chiến chúng tôi có khoảng 15 anh em, do trung tá Phạm Sơn làm trưởng phòng và tôi, thiếu tá, làmphó phòng, trực thuộc Bộ Tham mưu tiền phương quân chủng, do trung tá tham mưu phó Lê Thanh Cảnh phụ trách.
Sau Tết Ất Mão khoảng nửa tháng, chúng tôi rời Hà Nội. Đoàn xe chúng tôi theo quốc lộ số 1 vào Quảng Bình. Khi qua phà Gianh, tôi bỗng nhớ về quê hương ở đây một thời bom đạn (Tôi quê xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, ở ngay phía nam bến phà Gianh). Cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm bằng không quân của Mỹ đã tàn phá quê tôi đến hoang tàn. Biết bao dân làng của hai bờ bắc-nam sông Gianh cùng các chiến sĩ phòng không, giao thông vận tải đã ngã xuống vì sự sống còn của bến phà, trước sự đánh phá quyết liệt ngày đêm của máy bay Mỹ.
Nhìn lên phía tây, điệp trùng một dải Trường Sơn, mờ xa và huyền ảo trong ánh nắng chiều. Tôi hình dung con đường 15 quen thuộc, chạy dài dưới chân rặng Trường Sơn, giờ đây chắc đang thiếu vắng những đoàn xe vận tải tấp nập vào ra như vài ba năm trước.
Qua Thanh Khê, chúng tôi vượt đèo Lý Hoà vào Đồng Hới, nghỉ đêm tai sân bay. Sáng hôm sau, chúng tôi đi tiếp vào Đông Hà, rồi rẽ phải, theo đường 9 lên hướng Khe Sanh. Khi trời lành lạnh. Xe chúng tôi đi trong gió thổi ngược chiều và trong khung cảnh nhộn nhịp của những đoàn xe ra trận. Những chiếc xe Hồng Hà chở quân, những chiếc xe Din kéo pháo, và những chiếc xe tăng tự hành... nối đuôi nhau, xen kẽ, tung bụi mịt mù.
Qua Tân Lâm, Đầu Mầu, nơi khúc quanh của đường 9, nhớ lại trận đánh xuất sắc của trung đoàn pháo cao xạ 230, thuộc Sư đoàn 367 chúng tôi, hồi chiến dịch Trị Thiên, tại đây, bắn hạ bảy máy bay Mỹ. Sắp đến địa phận huyện Hướng Hoá. Những câu hát mà tôi rất thích: "Anh thắng trận miền tây Khe Sanh. Đồn Tà Cơn hôm nào bốc cháy, Đồi Động Tri xác Mỹ chất đầy. Tính! Tính..." trong bài "Tiếng đàn Ta Lư" của Huy Thục, bỗng rộng lên trong lòng tôi. Nó gợi lên hình ảnh những tên lính thuỷ đánh bộ Mỹ, 5 tháng trời bị giam chân trong cứ điểm Tà Cơn. Kiên trì vây hãm địch, tiến tới giải phóng toàn bộ thung lũng Khe Sanh là chiến công rất xuất sắc của quân giải phóng, để cho đường vận tải chiến lược của chúng ta liền mạch ở cả hai phía đông và tây Trường Sơn.
Vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị, đã từng là chiến trường ác liệt nhất năm 1972, hôm nay thanh bình quá đỗi. Các đơn vị pháo cao xạ, tên lửa của sư đoàn phòng không 673 và 377 vẫn luôn trực ban sẵn sàng chiến đấu, nhưng trên bầu trời kia không còn bóng dáng những pháo đài bay B52 của Mỹ đêm ngày đến "rải thảm", cùng hàng đàn hàng lũ máy bay cường kích A6, A7, F4... thay nhau lồng lộn, bắn phá, ném bom... Đó đây, vẫn còn vết tích chiến tranh, còn những hố bom loang lổ, nhưng trước mắt tôi, những doanh trại bộ đội, nhà ở của đồng bào, của các cơ quan Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, các cửa hàng mậu dịch, trường học, trạm xá mọc lên san sát trên các ngọn đồi, ven những dòng sông, khúc suối. Đơn vị cơ quan nào cũng có cổng chào với dòng chữ in màu vàng trên nền đỏ "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Trên một số bãi, đậu la liệt những máy bay, máy kéo "mới ra lò", màu sơn còn đỏ chói. Lại còn nhiều máy ủi, máy xúc, sơn màu vàng rực của các đơn vị công binh Trường Sơn.
Tuy nhiên, đó là dáng vẻ bề ngoài. Mấy hôm sau tôi được biết, bên trong khung cảnh bình yên ấy, vùng giải phóng Quảng Trị đang là một trong những điểm nóng tích cực chuẩn bị cho một trận quần chúng chiến lược kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài ba mươi năm của dân tộc. Khắp nơi dưới những tán rừng rậm, trong nông trường cà phê xanh ngát, là cơ man nhưng súng ống đạn dược của đủ loại binh chủng hiện đại, cũng những kho hậu cần đầy ắp hàng hoá, trùm kín ni lông, đang ẩn mình, đợi chờ đến lượt đi về phương Nam.
Cơ quan Tiền phương Quân chủng chúng tôi tạm thời đặt bên cạnh cơ quan Sư đoàn Phòng không 377, thuộc Bộ Tư lệnh Đoàn 559. Sau khi triển khai xong sở chỉ huy, trừ một bộ phận nhỏ trực ban, hầu hết cán bộ chúng tôi được tung đi xuống các đơn vị cao xạ, tên lửa, rada có mặt trong vùng, để nắm lại thực lực và công tác chuẩn bị hành quân.
Đến trung đoàn 263, còn gọi là đoàn Quang Trung, đơn vị tên lửa phòng không duy nhất có mặt ở vùng giải phóng sau Hiệp định Paris, chúng tôi ngỡ ngàng trước những khu doanh trại khang trang, xen lẫn những vườn rau xanh tốt trên những thửa ruộng bậc thang, cùng những vườn hoa sắc màu rực rỡ quanh các lán trại. Bộ đội ta đi đến đâu cũng giữ nếp sống lạc quan. Ban chỉ huy trung đoàn chiêu đãi chúng tôi một bữa cơm thật ngon, bằng những món ăn "rau nhà, gà vườn".
Trong phòng làm việc, anh Tích, trung đoàn trưởng, cho chúng tôi biết:
"Vào một ngày cuối tháng 2 năm 1973, Thượng tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã đến thăm trung đoàn. Tổng Tham mưu trưởng căn dặn bốn điều mà chúng tôi còn nhớ mãi:
1.Sẵn sàng chiến đấu cao để bảo vệ vững chắc vùng giải phóng. Đối tượng tác chiến là không quân nguỵ.
2.Ra sức huấn luyện để nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật và khả năng hành quân cơ động trên mọi địa hình phức tạp.
3.Sẵn sàng cơ động bất cứ lúc nào, đến bất cứ nơi đâu, trên toàn mặt trận phía Nam.
4.Chăm lo nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho chiến sĩ".
Anh Tích nói tiếp: "Hôm qua chúng tôi đã nhận được lệnh chuẩn bị hành quân vào Tây Nguyên. Đảng uỷ, Ban chỉ huy trung đoàn đã họp, ra nghị quyết lãnh đạo và lên kế hoạch tổ chức thực hiện. Hôm nay được cơ quan quân chủng đến, thật là dịp may cho chúng tôi. Anh Liễn, Chính uỷ, và tôi sẽ báo cáo mọi việc. Sau đó mời các đồng chí xuống các đơn vị để nắm tình hình cụ thể thêm. Rất mong được sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan quân chủng, tạo điều kiện cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ".
Từ đấy, chúng tôi phân công nhau, kẻ xuống Làng Vây, người trở ra Động Toàn, Cam Lộ, người đi ngược lên Tà Cơn, Nguồn Rào để đến với các tiểu đoàn hoả lực và kỹ thuật tên lửa SAM2.
Ở tiểu đoàn 43, chúng tôi gặp thượng uý Nguyễn Hải Đăng, một tiểu đoàn trẻ, đẹp trai. Đăng báo cáo: "Đơn vị hiện có 26 xe các loại, đủ để cơ động toàn tiểu đoàn. Nhưng chúng tôi lo nhất là thiếu phụ tùng thay thế, đặc biệt là lốp dự phòng và càng kéo. Tinh thần cán bộ chiến sĩ rất cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào. Có vài chiến sĩ bị sốt rét đang tiếp tục điều trị".
Chúng tôi còn đến với hai trung đoàn pháo cao xạ 221 và 226. Hai đơn vị này đã nhận được lệnh đi B3 và B2 (B3 là Tây Nguyên, B2 là Nam Bộ). Ở trung đoàn 226, tôi gặp trung đoàn trưởng Trần Bảo Lược, bạn chiến đấu cũ, tính tình cởi mở, dễ mến. Anh Lược báo cáo:
"Tổng quân số: 1054 cán bộ chiến sĩ. Biên chế: ba tiểu đoàn pháo hỗn hợp 57 ly, 37 ly và 23 ly. Có thêm ba bộ khí tài máy chỉ huy và rada, 30 cơ cấu phóng tên lửa tầm thấp A72, cùng 250 quả đạn. Xe cộ: 115 chiếc, đủ bảo đảm hành quân, nhưng thiếu phụ tùng dự trữ và kinh nghiệm đi đường, móc kéo pháo hay bị gãy. Ngày 15 tháng 3, chúng tôi bắt đầu nhập tuyến Trường Sơn Tây".
Những ý kiến đề xuất của các đơn vị lập tức được báo cáo lên Phó Tư lệnh Quân chủng, Đại tá Quang Hùng đã chỉ đạo các cơ quan kịp thời giải quyết. Về công tác tham mưu, chúng tôi đã tìm đến cơ quan Bộ Tham mưu Đoàn 559 để nhờ giúp đỡ một số việc. Anh Trần Bút, bạn thân của tôi thời Điện Biên Phủ, đã giúp tôi sao chép một số sơ đồ các tuyến đường có liên quan, để cấp cho các đơn vị hành quân. Trong các sơ đồ đều ghi rõ địa chỉ từng cung chặng, khoảng cách mỗi đoạn đường, đặc điểm địa hình, đường sá, vị trí các điểm tiếp xăng dầu... rất tỉ mỉ.
Bộ Tư lệnh Đoàn 559 còn cấp cho mỗi đơn vị hành quân chúng tôi một số giấy giới thiệu, để liên lạc dọc đường. Phòng thông tin do anh Hoàng Đình Quý phụ trách, hướng dẫn cho chúng tôi biết một số hệ thống đường dây, để khi đến các điểm dừng, nếu cần, chúng tôi có thể liên lạc được với nhau bằng điện thoại. Qua việc này, tôi vô cùng khâm phục việc tổ chức mạng thông tin liên lạc của Đoàn 559, hết sức chặt chẽ và có hiệu quả, trên cả một vùng rừng núi bao la, với phạm vi rất rộng, rất dài, vươn tới mọi chiến trường, trên khắp mọi hướng, mọi tuyến của đường mòn Hồ Chí Minh.
Theo mệnh lệnh hành quân, lịch nhập tuyến của các đơn vị phòng không như sau:
-Ngày 19 tháng 2, trung đoàn 221 pháo cao xạ xuất phát, đi theo hướng Trường Sơn Đông.
-Ngày 7 tháng 3, trung đoàn 263 tên lửa xuất phát, đi theo hướng Trường Sơn Tây.
-Ngày 25 tháng 3, trung đoàn 226 pháo cao xạ xuất phát đi theo hướng Trường Sơn Tây.
-Ngày 31 tháng 3, tiểu đoàn 8 rada xuất phát, đi theo hướng Trường Sơn Đông.
Sau khi tiểu đoàn 43, đơn vị hoả lực đầu tiên của trung đoàn tên lửa rời Làng Vây, hai hôm sau, sở chỉ huy tiền phương của chúng tôi cũng "nhổ neo" lên đường. Anh Phạm Sơn được phân công đi cùng trung đoàn tên lửa 263. Còn tôi, đi cùng xe với tham mưu phó Lê Thanh Cảnh, theo hướng đông. Lái xe tên là Chiến, chiến sĩ phục vụ tên là Cường.
Xe chúng tôi qua Sa Trầm, Ly Tôn, ngã ba Lan Nam rồi tiến vào A Lưới. Một cảnh tượng nhức nhối đập vào mắt tôi. Lần đầu tiên tôi được hiểu thế nào là chất độ hoá học của Mỹ. Cả một cánh rừng bạt ngàn toàn những cây cao lớn, nhưng trụi lá trơ cành. Những hàng cây chết đứng cứ như chạy trốn về phía sau, khi xe chúng tôi tiến nhanh lên phía trước. Chiến khu A Lưới có nữ anh hùng Kan Lịch, người dân tộc Vân Kiều. Nghe nói vùng này xưa kia sầm uất lắm. Vậy mà dưới bàn tay tàn bạo của giặc Mỹ, cây cối ở đây đang lụi tàn, cảnh vật biến thành một màu đen xám.
Đang miên mang suy nghĩ, tôi chợt nghe anh Cảnh quay lại nói như reo: "Ông Lân ơi! Buôn Ma Thuột giải phóng rồi!". Anh vặn to âm thanh chiếc đài bán dẫn để chúng tôi cùng nghe rõ. Trừ cậu Chiến cầm vô lăng, cả ba chúng tôi cùng vỗ tay đôm đốp: "Trời ơi! Phấn khởi quá!". Bài xã luận của Báo Quân đội Nhân dân về chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 11 tháng 3, được Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi trên làn sóng nghe sao rạo rực lòng người. Anh Cảnh nói:
-Chúng mình vào, may ra còn kịp tham gia giải phóng Tây Nguyên. Sau Buôn Ma Thuột còn Kontum, Pleiku, thủ phủ của quân khu 2 và quân đoàn 2 nguỵ nữa.
Chiếc xe com-măng-ca của chúng tôi còn mới, chạy rất khoẻ. Nó vượt hết mọi xe trên đường. Càng vào sâu, tôi càng thấy quang cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của con đường ra trận. Núi rừng Trường Sơn có lẽ chưa bao giờ được chứng kiến cuộc ra quân hùng vĩ như ngày hôm nay. Tôi nhớ lại hồi mở chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ có một con đường 41, độc đạo, đưa 24 khẩu lựu pháo 105 ly và 24 khẩu pháo cao xạ 37 ly cùng khoảng 600 xe tải chờ gạo, đạn vào thung lũng Điện Biên. Còn năm nay, cả đông và tây Trường Sơn, cùng nhiều con đường khác nữa, đang cuồn cuộn những dòng xe, dòng tăng, dòng pháo, dòng tên lửa, hầu hết là những trang bị hiện đại. Còn nhiều xe chở bộ binh của những quân đoàn chủ lực, xe chở những khoang thuyền vượt sông của công binh, rồi những đoàn xe hậu cần chở lương thực, thuốc men, quân trang, quân dụng nối tiếp nhau, như thác đổ, chảy về Nam.
Đường Trường Sơn năm nay mở rộng hơn trước nhiều. Để chuẩn bị đón thời cơ lớn, hàng vạn cán bộ chiến sĩ Trường Sơn đã gấp rút nâng cấp hàng ngàn kilômét đường ôtô đạt tiêu chuẩn cấp bốn. Cầu, cống, ngầm vượt sông đều được sửa chữa, tôn tạo. Những đoạn đường hiểm trở quanh co, đã được anh chị em công binh, thanh niên xung phong nắn lại cho thẳng hơn. Họ mở rộng vòng cua, hạ thấp triền dốc, bảo đảm cho mọi loại binh khí kỹ thuật nặng nề có thể hành quân. Phần lớn những con đường đều được gấp rải đá cấp phối. Có tới năm chục kilômét, từ đường 9 trở vào, đã được trải nhựa, xe chạy êm ru. Thắng lợi càng gân, ngoảnh lại, nhìn thấy công lao "xẻ dọc Trường Sơn" của bộ đội Trường Sơn thật vô cùng vĩ đại.
Đến ngã ba đường 73, chúng tôi dừng xe. Một đoàn xe xích kéo những khẩu pháo nòng dài 122 ly đang chuẩn bị rẽ vào lối đi Nam Đông. Một vị chỉ huy pháo binh nhìn tôi ngờ ngợ:
-Lưu Trọng Lân phải không?
Tôi chợt nhận ra người bạn cũ hồi ở Việt Bắc năm 1952.
-Hoàng Tuấn hả? Không ngờ gặp cậu ở đây!-Chúng tôi ôm chầm lấy nhau mừng rỡ. Tôi cho Tuấn biết hiện nay mình đang công tác ở Bộ Tham mưu Phòng không-Không quân và đang trên đường vào Tây Nguyên. Tuấn cười, vẫn chiếc răng khểnh dễ thương như ngày nào:
-Đơn vị mình được lệnh hành quân gấp vào hướng Nam Đông, Mũi Trâu, chuẩn bị áp sát phía tây bắc Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột thất thủ. Tây Nguyên sắp giải phóng đến nơi rồi. Đà Nẵng chắc đang đợi bọn mình đấy, Lân ạ! Thôi chia tay nhé! Hẹn gặp lại nhau ở Sài Gòn.
Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình trên chặng đường Trường Sơn Đông. Những địa danh A Sầu, Bù Lạch, Xưởng Giầy, A Vương, Trao, Bung... lần lượt lùi lại phía sau. Xe đi xuyên rừng, núi tiếp núi, có đoạn đường bằng, có đoạn cheo leo, xe chúng tôi lượn chênh vênh trên lưng chừng núi, bên đèo cao, bên vực thẳm. Những lúc ấy tôi cảm thấy Trường Sơn kỳ vĩ lạ lùng.
Thú rừng thường chạy vụt qua trước mũi xe của chúng tôi, khi con chồn, khi con nai. Còn nhữn chú chim cu, gà rừng thì bất ngờ vỗ cánh bay lên khi xe chúng tôi vừa lao tới. Anh Cảnh có khẩu súng săn mang theo. Nhiều hôm chúng tôi được ăn cơm với thịt gà rừng, chim cu gáy, nhờ tài thiện xạ của anh. Phát hiện một bầy chim đang mải mê mổ gạo rơi trên đường, cậu Chiến phanh xe thật nhẹ nhành. Anh Cảnh từ từ nghiêng người ra ngoài xe, giương súng: Tạch! Một chú chim lăn đùng. Thế là chúng tôi lại được bữa ăn tươi. Cậu Cường công vụ có bàn tay nấu nướng rất nghề.
Khi sắp qua bến phà Giàng, chúng tôi gặp một đơn vị pháo cao xạ 37 ly đậu sát bên đường. Hỏi ra thì biết đó là tiểu đoàn 106, thuộc trung đoàn 545, Sư đoàn 377. Một cán bộ trạc tuổi bốn lăm, khuôn mặt trắng hồng, râu quai nón đang giơ tay chỉ trỏ. Thấy quen quen, tôi nhìn kỹ, hoá ra đó là Hà Văn Lực, người dân tộc Tày, đại đội trưởng cũ của tôi trong chiến dịch Điện Biên. Cuối chiến dịch, tôi là đại đội phó. Nghe tiếng gọi, anh quai lại, ngỡ ngàng:
-Lân đấy à! Đã lâu lắm bây giờ mới gặp lại nhau. Lâu nay trung đoàn mình bảo vệ bến Giàng. Trung đoàn 227 của Nguyễn Văn Chí ở Bí Hiên, trung đoàn 528 của ông Tùng "Trố" ở A Lưới. Còn trung đoàn 594 của cậu Chính, trung đoàn 218 của cậu Toàn, hiện cũng đang di chuyển vào phía trong.
Anh nắm tay tôi thật chặt:
-Thôi! Cậu đi mạnh khoẻ! Đừng quên tớ nhé!-Tôi cười:
-Quên sau được Hà Văn Lực, đại đội trưởng xuất sắc nhất của trung đoàn pháo cao xạ 367 trong chiến dịch Điện Biên năm xưa.
Một buổi chiều, xe đang chạy ngon trớn, bỗng nhiên cậu Chiến nói to:
-Sắp hết xăng rồi, thủ trưởng ơi! Còn chạy được vài chục cây số nữa!
Anh Cảnh nói:
-Yên tâm! Tớ đã nghĩ đến chuyện đó rồi. Trạm tiếp xăng cũng gần đây thôi.
Đi được một quãng, xa xa chúng tôi thấy có hai chiến sĩ đang đi tới. Một cô cầm chiếc cờ lê to. Một cô gánh trên vai toòng teng mấy chiếc ống nối, cái hình tròn, cái chữ T. Anh Cảnh bảo xe dừng lại:
-Quân "đường ống" đây rồi! Các cô ơi! Cho chúng tôi hỏi...
Hai nữ chiến sĩ gọn gàng trong bộ quân phục, đầu đội mũ tai bèo, nhoẻn miệng cười khi nhìn thấy chúng tôi. Cậu Chiến buột miệng:
-Hai thím giải phóng quân xinh quá!
Chuyện trò bỗng nở như ngô rang giữa chúng tôi và hai cô gái trẻ. Cuối cùng chúng tôi hỏi đường đi đến trạm xăng. Cô gái cầm chiếc cờ lê đưa tay chỉ:
-Kìa! Chỗ có mấy chiếc xe Zin đang chờ "ăn" xăng đấy!
Chúng tôi vui vẻ chia tay hai cô gái. Tại trạm tiếp nhiên liện, cậu Chiến trình giấy. Xe chúng tôi được nạp xăng đầy thùng, còn thêm mấy can dự trự. Xe lại bon bon trên đường.
Tôi bỗng nhớ lại một ngày mưa ở gần Cổng Trời đường 12A.Hôm ấy chúng tôi đang nằm nghỉ trưa trong lán, bỗng nghe tiếng gõ "Koong! Koong!" Giật mình nhìn ra, thấy một nữ chiến sĩ "đường ống" khoác áo nilông, tay cầm cờ-lê, vừa đi vừa cúi mình, gõ gõ vào đoạn đường ống dẫn xăng chạy dài bên cạnh lán chúng tôi. Một chiến sĩ ló đầu ra, gắt:
-Làm gì mà chẳng cho ai ngủ cả thế!
Chẳng vừa, cô gái đáp lại:
-Muộn rồi ông anh ơi! Em đi làm nhiệm vụ kiểm tra đường ống đây mà!-Bắt gặp nụ cười tươi của cô gái, biết cô ta trêu lính pháo, cậu chiến sĩ của tôi cười huề:
-Bọn anh biết các em bên "đường ống" rồi, xin lỗi nhé!
Mới đó mà đã ba năm. Giờ đây, tôi thật không ngờ khi được biết hàng chục vạn tấn xăng dầu, như những dòng suối nhỏ vô tận, ngày đêm âm thầm len lỏi trong những con đường ống có đường kính 200 ly ấy, đã vượt ngàn trùng sông núi, băng qua những đỉnh núi cao nhất ở đường 12, đường 10, đường 18, chạy dọc theo chiều dài của đông, tây Trường Sơn vươn tới chiến trường, vào mãi tận Bù Gia Mập, miền Đông Nam Bộ. Xe chạy đến đâu, có xăng dầu phục vụ đầy đủ ngay đến đó. Kẻ địch quyết tâm phá, nhưng đã không có cách gì ngăn chặn được nỗ lực của chúng ta. Thật khó tưởng tượng nổi chiến công kỳ diệu của đội quân "đường ống" Trường Sơn!
Chúng tôi đến Khâm Đức trong một ngày đẹp trời. Tin giải phóng Phước An, Kon Tum, Pleiku dồn dập bay tới. Rồi tin hàng vạn tên địch kinh hoàng tháo chạy khỏi Tây Nguyên, đang bị quân ta đuổi và chặn đánh ở Cheo Reo, Phú Túc. Niềm hân hoang tràn ngập trên ánh mắt mỗi người. Đâu đâu cũng thấy xe ta đậu kín đường, kín bãi. Các quán ăn tấp nập người vào ra, cả bộ đội, cán bộ dân chính, cả đồng bào Kinh, Thượng, nhìn ai cũng vui như Tết.
Trong đâm đông tôi chợt nhận ra có mấy người chống nạng. Đến bên một chiến sĩ, tuổi trạc hai mươi, băng trắng quấn quanh đầu gối, nạng cầm tay, tôi hỏi chuyện. Anh kể:
-Bọn em bị thương trong trận đánh Buôn Ma Thuột. Đã được điều trị hơn một tuần ở trạm quân y tiền phương. Vì không thể tiếp tục chiến đấu được nữa, chúng em phải theo những chiếc xe quay vòng này trở về hậu phương-Giọng anh đượm buồn-Quân mình đang thắng lớn, phải trở ra lúc này, thật tiếc quá!
Tôi lựa lời an ủi anh thương binh rồi chia tay, trong lòng không khỏi xốn xang.
Từ Khâm Đức, chúng tôi còn phải đi hơn một trăm kilômét nữa để đến Đắc Công, ở ngay kilômét "không" đường 14B. Lẽ ra phải đi theo hướng Sa Thầy, nhưng do bắc Tây Nguyên đã được giải phóng, chúng tôi chuyển hướng đi Kon Tum. Trên đường nhựa trơn láng của đường 14, xe chúng tôi lướt nhanh qua Đắc Tô, một địa danh nổi tiếng. Ở đó, trong chiến dịch mùa đông 1967, quân giải phóng đã diệt gọn hai tiểu đoàn bộ binh Mỹ.
Bên đường, chúng tôi thấy một xe tải đổ kềnh, bốn bánh chổng lên trời, bẹp dúm. Được biết đó là xe từ Khâm Đức vào, đường xấu chuyển sang đường tốt, lái xe cho xe chạy quá nhanh nên mới xảy ra tai nạn. Đây là một kinh nghiệm mà sau đó chúng tôi đã phải phổ biến cho đội ngũ lái xe của mình. Thị xã Kon Tum vắng vẻ, đồng bào đang lục tục kéo về, rải rác trên các đường Hùng Vương, Trịnh Minh Thế.
Anh Quang Hùng, Phó Tư lệnh Quân chủng chỉ thị cho chúng tôi phải liên lạc gấp với các đơn vị đi đầu của trung đoàn tên lửa 263 từ cánh tây Trường Sơn xuống. Được giao nhiệm vụ này, tôi lập tức tìm đường tắt sang thẳng Sa Thầy. Ở đây là khu vực ngã ba biên giới, đường sá chằng chịt. Đến nam Plây Khốc, khi đang lớ ngớ tìm đường, tôi gặp một cán bộ đứng cạnh một chiếc xe con. Đến gần, tôi đang định hỏi anh đường ra Xê Sụ, thì chợt nhớ ra, tôi mừng rỡ:
-Anh Phan Biên! Chính uỷ binh trạm 31...
Thấy anh còn phân vân, tôi nói tiếp:
-Chắc anh quên tôi! Cách đây ba năm, đúng ngày mồng 5 Tết âm lịch,các anh đã chiêu đãi bọn tôi, đoàn cán bộ pháo cao xạ đi tìm trận địa bị lạc đường một bữa bánh chưng no nê ở nam Ka Vát. Anh còn nhớ không? Chính anh đã tặng riêng tôi một lạng Canh-ki-na nữa.
-A! Nhớ ra rồi. Hồi đó anh là trung đoàn phó trung đoàn 227. Bây giờ anh đi đâu đấy?
-Tôi đi ngược Trường Sơn, đón đơn vị tên lửa.
-À! Mình vừa ở ngoài đó vào. Tiểu đoàn đi đầu của các ông có lẽ đang qua ngầm Xê Sụ, chuẩn bị vượt đèo Ăm Pun.-Nói rồi, anh Biên hướng dẫn đường đi cho tôi, tỉ mỉ. Được biết, nay anh là chính uỷ Sư đoàn xe 471, phụ trách quãng đường này, vào tận B2. Sư đoàn anh cũng đang chuẩn bị đưa sở chỉ huy vào đứng chân ở Buôn Ma Thuột để chuẩn bị cho chiến dịch mới.
Tôi gặp anh Phạm Sơn và tiểu đoàn phó tiểu đoàn 43 Trần Đăng Trạm ở chân đèo Ăm Pun lầy lội, sau mấy trận mưa đầu mùa. Phạm Sơn kể cho tôi nghe cuộc hành trình vượt Trường Sơn khá gian nan của tên lửa ta. Đường nói chung tốt, nhưng do khí tài tên lửa vừa cao, vừa dài, vừa nặng, rất cồng kềnh, nên khi vào cua hoặc lên dốc, rất khó khăn. Càng kéo hỏng nhiều, thiếu đồ dự trữ thay thế, anh em đã nghĩ ra cách khắc phục để tiếp tục hành quân. Một số trường hợp hư hỏng khác đã được các trạm của Đoàn 559 giúp đỡ sửa chữa kịp thời. Việc đảm bảo hậu cần như: gạo, lương khô, cá hộp, thịt hộp, xăng dầu cho các đơn vị, cũng được các binh trạm dọc đường phục vụ chu đáo. Anh em quân nhu ta rất cám ơn hậu cần 559.
Tôi nói với Phạm Sơn:
-Anh Quang Hùng chỉ thị: ông về ngay Sở Chỉ huy tiền phương Quân chủng ở Pleiku để báo cáo tình hình. Trung đoàn 263 không dừng lại ở Tây Nguyên nữa mà vào thẳng B2 luôn. Đoàn nặng đi tiếp đường 14B. Đoàn nhẹ, gồm xe kéo đạn và cơ quan, rẽ Pleiku đi thẳng đường 14. Hai đoàn sẽ tập kết ở Đức Lập, chờ lệnh mới. Anh Phạm Sơn truyền đạt mệnh lệnh đó cho anh Tích, trung đoàn trưởng 263. Sẵn có sơ đồ đã chuẩn bị, tôi trao cho anh Tích một bản, rồi dặn them: bộ phận đi đường 14, qua vùng mới giải phóng, phải nhớ giữ vững kỷ luật về công tác dân vận và bảo đảm lái xe an toàn khi từ đường Trường Sơn sang đường nhựa. Bộ phận đi tiếp đường 14B cần hết sức chú ý khi qua các bến phà, như phà 10 ở kilômét 114, phà 4 ở Srê pốc, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Tôi và anh Phạm Sơn lên xe vè Pleiku. Sau khi Sở Chỉ huy Tiền phương Quân chủng được đặt xong ở căn cứ sư đoàn không quân chiến thuật số 6 của nguỵ cũ, anh Lê Thanh Cảnh được phân công đi trước vào B2,để tranh thủ đặt sớm mối quan hệ với cơ quan Tiền phương Bộ ở địa điểm mới.
Trong những ngày ở Pleiku, tôi xin phép dành một buổi dạo vòng quanh khu vực. Sân bay Cù hanh dài, rộng, bóng loáng dưới ánh mặt trời. Hai tấm ăngten viễn thông đồ sộ. Doanh trại của các căn cứ quân nguỵ như Nguyễn Huệ, Tây Sơn, Nỏ Thần, Thăng Long, trường thiếu sinh quân Cao Nguyên, cùng với khu vực bộ tư lệnh quân đoàn II, bố trí dày đặc, giờ đây vắng lặng, trống trơn. Ở căn cứ Nỏ Thần, tôi lượm được một mảnh giấy đặt trên bàn làm việc của viên chỉ huy, ghi nguệch ngoạc: "Bọn Việt Cộng chúng bay hãy coi chừng! Sẽ có ngày chúng tao trở lại!". Tôi mỉm cười, xé vụn tờ giấy.
Vào khu vực bộ tư lệnh quân đoàn II nguỵ, tôi chứng kiến moi thứ tan hoang, bề bộn. Bọn chúng đã rút chạy trong hoảng loạn, cuống cuồng. Trong các phòng làm việc, hồ sơ giấy tờ vứt tung toé, máy điện thoại, máy chữ lăn lóc, ngổn ngang. Nhiều quyển sách Playboy, tranh ảnh khoả thân vương vãi.
Bước vào một gian phòng, tôi thấy cơ man nào là huân chương, huy chương còn nằm trong hộp, mới toanh, chất đầy trong các ngăn tủ. Anh chiến sĩ đi cùng tôi, tiện chân, đạp mạnh lên một đống huân chương đã bị ai vứt xuống đất từ trước. Tôi tiếp tục đi loanh quanh thế nào, lọt vào một gian phòng đầy ắp những bản đồ quân sự. Vui mừng quá đỗi, tôi vội vàng lôi ra từng tập, xem xét. Bản đồ khắp các vùng, với đủ loại tỉ lệ khác nhau. Chẳng đủ sức mang nhiều, tôi chọn ra được một bộ bản đồ đường sá toàn miền Nam, tỉ lệ 1/250.000, và một số bản đồ các thành phố lớn. Đối với tôi, một sĩ quan tham mưu, những tấm bản đồ này thật hết sức quí giá. Sà vào đây mất hơn một tiếng đồng hồ, tôi chẳng còn thời gian ghé thăm thị xã Pleiku được nữa.
Tình hình chiến sự diễn biến mau lẹ. Quân ta thắng như chẻ te. Tin vui đến dồn dập:
-26 tháng 3: giải phóng Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên.
-28 tháng 3: giải phóng Quảng Nam.
-29 tháng 3: giải phóng Đà Nẵng. Chiến dịch Huế-Đà Nẵng kết thúc thắng lợi với sự xoá sổ hoàn toàn quân khu I và quân đoàn I hùng mạnh của quân nguỵ. Đến ngày 3 và 4 tháng tư thì Nha Trang, Cam Ranh, Đà Lạt cũng được giải phóng nốt.
Anh Quang Hùng bảo tôi:
-Thời cơ mở cuộc đại tiến công vào Sài Gòn sắp đến! Miền Nam sẽ được giải phóng sớm! Không phải kéo dài hai năm nữa đâu, Lân ạ! Anh Tuấn (bí danh của Thượng tướng Văn Tiến Dũng) đã có lệnh cho chúng ta chuẩn bị vào B2.
Sáng ngày 9 tháng 4, đang đi trên đường Vạn Kiếp ở bắc thị trấn Pleiku, tôi gặp xe của tiểu đoàn 8 rada vừa tới. Tiểu đoàn trưởng Trần Quang Sáng, người cao to mạnh khoẻ, nước da ngắm đen, đang tìm đường đến Tiền phương Quân chủng. Tôi dẫn Sáng về Sở chỉ huy và nghe anh báo cáo với Phó Tư lệnh Quang Hùng.
-Tiểu đoàn 8 gồm bốn đại đội rada trinh sát, xuất phát từ Khe Sanh ngày 31 tháng 3, đi theo tuyến Tây Trường Sơn. Ngày 4 tháng 4 đến Khâm Đức, ngày 9 tháng 4 đến đây, gồm 47 xe, máy, đầy đủ an toàn. Theo kế hoạch cũ, do anh Hứa Mạnh Tài phổ biến, thì tiểu đoàn 8 triển khai ở Tây Nguyên.
Rồi hồn nhiên, anh hỏi:
-Tây Nguyên giải phóng rồi! Chúng tôi đi đâu bây giờ thủ trưởng?
Anh Quang Hùng nhìn Sáng, cười vui vẻ, nói:
-Mệnh lệnh tám chữ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa truyền đi khắp toàn quân: "Thần tốc-Táo bạo-Bất ngờ-Chắc thắng!". Trên tinh thần đó, con đường của tiểu đoàn 8 các cậu là hướng vào Sài Gòn đấy! Vắt chân lên cổ mà chạy! Hôm nay nghỉ ở Pleiku. Ngày mai đi tiếp, để có mặt ở B2 trước 15 tháng 4. Đằng sau chúng ta là Quân đoàn I, được sự giúp đỡ của các sư đoàn xe thuộc binh đoàn Trường Sơn, cũng đang tăng tốc độ hành quân.
Phó tư lệnh mời chúng tôi hút thuốc lá và ăn đồ hộp Mỹ, chiến lợi phẩm. Sau đó, Trần Quang Sáng đứng lên, xin phép về đơn vị.
Vài hôm sau, chúng tôi rời Pleiku. Qua các phố Lý Thái Tổ, Hoàng Diệu, chúng tôi trở lại đường 14, đi thẳng vào Buôn Ma Thuột. Đường xa dằng dặc! Tưởng gần, hoá ra đến cả 150 cây số. So với Kon Tum và Pleiku, Buôn Ma Thuột có vẻ trù phú, sầm uất hơn. Những rừng cây cà phê trái chín đỏ ối. Phố xá đông vui, cửa hàng tấp nập. Chúng tôi gặp bà con giáo dân đi lễ nhà thờ về, các em học sinh đi học. Lần đầu tiên tôi thấy nữ sinh mặc quần trắng, áo dài.
Chúng tôi đi tiếp vào Đức Lập. Ở đây, anh Phạm Sơn cử một trợ lý tên lửa nằm lại chờ trung đoàn 263, còn tất cả tiếp tục cuộc hành trình. Đây là đoạn đường mà chúng tôi được phổ biến là còn nhiều mìn do địch để lại. Xe chỉ chạy được giữa đường. Đến Tuy Đức, chúng tôi bỏ đường 14, rẽ lối Bù Gia Mập-Bù Đốp về thẳng Lộc Ninh. Bù Đốp và Lộc Ninh bạt ngàn rừng cao su. Đồng bào, bộ đội đi lại đông vui, xe cộ ngược xuôi nhộn nhịp. Có khá nhiều xe con, xe Hon-da, loại xe mà lần đầu tiên tôi đã nhìn thấy ở Kon Tum tuần lễ trước.
Đến trạm tiếp đón, chúng tôi được hướng dẫn về cơ quan tham mưu phòng không B2 và được bố trí nơi làm việc bên cạnh Sở Chỉ huy Sư đoàn pháo cao xạ 77. Thật là may mắn, vì chúng tôi được sử dụng mọi cơ sở và phương tiện cần thiết của sư đoàn, để thiết lập ngay một sở chỉ huy cho Tiền phương Quân chủng. Các anh Trần Trung Tín, Hai Sả, cán bộ chỉ huy sư đoàn, Thái Công Danh, Tham mưu trưởng đã hết sức nhiệt tình tạo điều kiện cho chúng tôi mọi thứ dễ dàng. Ở đây tôi còn được gặp lại Phạm Chiến Sĩ, Tôn Kỳ, hai trợ lý cũ của tôi hồi còn ở Quân chủng Phòng không-Không quân. Các anh được tăng cường cho B2 hồi đầu năm trước.
Trong khi Phó Tư lệnh Quang Hùng, cùng Tham mưu phó Lê Thanh Cảnh và trưởng phòng tác chiến Phạm Sơn đi nhận nhiệm vụ trên Bộ Chỉ huy Chiến dịch, thì chúng tôi ở nhà triển khai công việc Sở Chỉ huy.
Tối hôm ấy, chúng tôi được nghe phổ biến nhiệm vụ và kế hoạch tác chiến chiến dịch. Anh Phạm Sơn cho tôi xem những ghi chép mà anh đã được cơ quan Cục Tác chiến hướng dẫn. Thời gian rất gấp rút. Chúng tôi phân công nhau xây dựng "Quyết tâm chiến đấu của lực lượng Phòng không trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định".
Riêng tôi, nhờ đã sơ bộ nắm được toàn bộ lực lượng phòng không phía Nam trước đây, nay được thông tin thêm về những bổ sung mới, những chuyển dịch mới, tôi có thể dễ dàng thể hiện lên sơ đồ tác chiến vị trí các đơn vị phòng không, trong đội hình tiến công của các quân đoàn chủ lực, từ năm hướng, xung quanh Sài Gòn.
Nhớ lại hồi Điện Biên Phủ năm 1954, lực lượng phòng không chúng tôi tham gia chiến dịch chỉ có 1 trung đoàn pháo cao xạ 37 ly và năm tiểu đoàn súng máy 12 ly 7.
Vậy mà hôm nay, trong trận đánh tổng lực vào sào huyệt cuối cùng của địch, lực lượng phòng không của chúng tôi-không tính gần ba chục trung đoàn cao xạ, tên lửa, rada đang làm nhiệm vụ bảo vệ hậu phương miền Bắc và các vùng mới giải phóng từ Cam Ranh trở ra-lên tới: bốn sư đoàn và một lữ đoàn pháo cao xạ hỗn hợp 57 ly và 37 ly trực tiếp nằm trong đội hình tiến công của các quân đoàn; một sư đoàn pháo cao xạ bảo vệ giao thông chiến dịch. Nếu tính cụ thể, tổng cộng tất cả có tới gần hai chục trung đoàn pháo cao xạ tham gia chiến dịch này.
Đó là chưa kể ở mỗi sư đoàn bộ binh còn có trong biên chế những tiểu đoàn pháo 37 ly và nhiều đơn vị súng máy cao xạ 12 ly 7 riêng.
Tên lửa có một trung đoàn SAM2 bố trí ở bắc Sông Bé và một tiểu đoàn tên lửa vác vai A72 được chia làm nhiều mũi, đi cùng bộ binh và đặc công trên các hướng.
Rada có một tiểu đoàn, gồm bốn đại đội, bố trí từ bắc Sông Bé đến bắc Biên Hoà.
Lực lượng Phòng không tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn quả thật hùng hậu, thật sung sức. Đúng như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị: "Quân chủng phải gấp rút tăng cường lực lượng tối đa cho miền Nam".
Về phía không quân địch, tuy ta vẫn phải đề phòng khả năng Mỹ can thiệp bằng máy bay chiến lược B52, nhưng đối tượng tác chiến chủ yếu của bộ đội phòng không trong chiến dịch này là không quân chiến thuật nguỵ. Lực lượng chúng có ba sư đoàn với hơn 1.000 máy bay các loại. Số máy bay tiêm kích, cường kích F5, A37 có khoảng 300 chiếc, bố trí ở các sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ. So với thời kỳ còn quân Mỹ ở Việt Nam, thật là một trời một vực, nhất là tinh thần của bọn phi công đã suy sụp, thì lực lượng so sánh ở "mặt trận trên cao" rõ ràng là có lợi cho ta rất nhiều. Tuy nhiên không thể chủ quan.
Còn về nhiệm vụ của các đơn vị Phòng không-Không quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh được Bộ chỉ huy chiến dịch giao như sau:
-Yểm hộ các binh đoàn làm nhiệm vụ bao vây, chia cắt, tiêu diệt địch ở ngoài thành phố.
-Yểm hộ trực tiếp đội hình của các binh đoàn cơ giới thọc sâu. Bảo vệ cầu phà quan trọng, trên đường hành tiến, nhất là các cầu Bông, cầu Xáng, cầu Biên Hoà, cầu Sài Gòn và phà Cát Lái.
-Bảo vệ hậu phương và giao thông chiến dịch trên các hướng, nhất là trên trục quốc lộ 1 và 13.
-Phối hợp với pháo binh mặt đất khống chế sân bay Biên Hoà và Tân Sơn Nhất.
-Sử dụng không quân tập kích những mục tiêu có ý nghĩa chiến dịch đạt yếu tố táo bạo, bất ngờ.
Riêng nhiệm vụ sau cùng, chúng tôi chỉ biết vậy, còn tổ chức thực hiện ra sao thì không rõ.
Tất cả những tình hình nhiệm vụ và số liệu trên đây đều được chúng tôi thể hiện tổng quát lên sơ đồ tác chiến chiến dịch.
Những cơn mưa đầu mùa làm cho sinh hoạt của chúng tôi trong rừng cao su Lộc Ninh thêm ẩm ướt. Mỗi khi nghe gió thổi mạnh và nghe tiếng răng rắc của cây đổ, cành rơi tôi cứ thấy phấp phỏng trong lòng. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn cả vẫn là khả năng hành quân tới đích của các đơn vị phía sau. Những con đường ba dan đất đỏ, mùa khô, nền cứng, đi lại dễ dàng. Nhưng nếu có một trận mưa là mặt đường trở nên đặc quánh, bánh xe cứ bị đất dính chặt lại. Xe kéo rada, tên lửa cồng kềnh, đi trên những đoạn đường xấu, gặp mưa, liệu có thể đảm bảo thời gian?
Một buổi chiều, tôi cùng Phan Chiến Sĩ đang đi ven suối, bỗng gặp một cán bộ trẻ vóc dáng khoẻ mạnh, nét mặt rất tươi. Anh Sĩ giới thiệu với tôi: đây là Nguyễn Thành Trung, người của ta cài trong hàng ngũ không quân địch, sau khi lái chiếc F5E ném bom dinh Độc Lập, đã hạ cánh xuống sân bay Phước Long ngày 8 tháng 4 vừa qua. Tôi bắt tay Nguyễn Thành Trung, thầm phục người phi công quả cảm. Lúc đó, tôi đâu biết về một kế hoạch: đưa Nguyễn Thành Trung ra Đà Nẵng, huấn luyện cho các phi công lái MiG-17 từ miền Bắc vào, chuyển loại sang lái A37 của Mỹ để thực hiện chủ trương "Dùng máy bay địch đánh địch" do Thiếu tướng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân Lê Văn Tri trực tiếp chỉ đạo, trong chiến dịch lớn sắp tới.
Xa nhà ai chẳng nhớ quê hương, gia đình, vợ con. Đêm nằm nhớ về Hà Nội, nhất là những ngày tháng này tôi chưa nghĩ ở ngoài kia chắc đồng bào Hà Nội và miền Bắc đang hướng cả về miền Nam. Dịp may đến với tôi thật bất ngờ. Một anh bạn từ Hà Nội vừa vào, trao cho tôi một lá thư nhà. Bóc vội phong thư, tôi đọc ngấu nghiến những dòng chữ thân thương của vợ "... Tình hình ở nhà bình yên. Cả tháng nay Hà Nội vui như Tết. Em mua cho hai con một tấm bản đồ toàn miền Nam, có in sẵn những lá cờ bé xíu ở phía dưới. Mỗi lần nghe tin miền Nam giải phóng đến đâu, là chúng tranh nhau cắt cờ, dán cờ. Quân Giải phóng tiến nhanh quá! Chúng dân cờ không kịp... Anh hiện nay đang ở đâu, làm sao em biết? Ngày thành phố Sài Gòn được giải phóng, chẳng phải là còn hai năm như anh dặn em trước khi ra đi, mà sắp đến nơi rồi phải không anh? Niềm vui được gặp lại mẹ và các em chắc chẳng còn xa, anh nhỉ! Chờ mong tin chiến thắng. Chờ mong tin anh mỗi ngày...". Tôi đút lá thư vào túi áo mà lòng dạ nao nao, càng nhớ vợ con da diết, càng mong sao Sài Gòn sớm được giải phóng.
Một buổi chiều trong căn lán nhỏ, khi tôi và anh Phạm Sơn đang cùng nhau hoàn chỉnh những chi tiết cuối cùng trên tấm sơ đồ "Quyết tâm chiến đấu", thì anh Quang Hùng bước vào. Bằng một giọng nghiêm trang, anh nói:
-Tôi vừa ở Bộ Tư lệnh Chiến dịch về. Báo các cậu một tin quan trọng: Bộ Chính trị vừa điện vào cho phép chiến dịch này mang tên "Chiến dịch Hồ Chí Minh".
Phạm Sơn và tôi đứng bật dậy, nói như reo:
-Thật thế hả anh? Ôi! Thích quá!-Tôi còn nhớ rõ nụ cười rạng rỡ của Phạm Sơn lúc đó.
-Chứ lại không thật à! Chính xác một trăm phần trăm! Đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị ký tên đấy! Anh Tuấn trực tiếp phổ biến mà! Thôi! Cậu Lân nét chữ tốt, viết ngay tên bản đồ chiến dịch. Còn Phạm Sơn chuẩn bị cùng tôi sáng mai lên Bộ Tổng tham mưu thông quan kế hoạch tác chiến.
Lòng mừng vui khấp khởi, tôi nắn nót kẻ lên tấm sơ đồ cỡ lớn, một dòng chữ đậm: Quyết tâm chiến đấu của bộ đội Phòng không-Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tay cầm bút mà lòng tôi như trào một niềm vui khó tả. Ôi! Chiến dịch được mang tên Bác. Thật là hạnh phúc cho những ai được tham gia chiến dịch này. Tôi nghĩ: đúng rồi! Còn gì hợp lý hơn việc lấy tên của Bác đặt cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Sài Gòn cách đây hơn 60 năm, từ bến Nhà Rồng. Bác của chúng ta đã ra đi tìm đường cứu nước. Sài Gòn, mùa thu 1945 đã cùng cả nước đứng lên tổng khởi nghĩa. Gần một triệu đồng bào Sài Gòn trong ngày 25 tháng 8 lịch sử đã hướng cả về Cụ Hồ Chí Minh.
Sài Gòn, mảnh đất đại diện cho miền Nam "đi trước về sau" trong cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ suốt ba mươi năm chống lại kẻ thù xâm lược, luôn được Bác Hồ dành cho một tình cảm đặc biệt. Theo lời Bác gọi, đồng bào Sài Gòn đã lập nhiều thành tích, đặc biệt là những chiến công vang dội của lực lượng Biệt động Sài Gòn, đánh thẳng vào sào huyệt, hang ổ của Mỹ, nguỵ đã làm chúng vô cùng khiếp sợ. Tiêu biểu cho tinh thần đánh Mỹ, tình cảm dành cho Bác kính yêu là Anh hùng biệt động Nguyễn Văn Trỗi, trước lúc hy sinh, "phút giây thiêng liêng anh gọi Bác ba lần...".
Sài Gòn, trong những năm tháng dưới ách kìm kẹp của kẻ thù vẫn có những bà mẹ thầm kín cất giữ tấm hình của vị Cha già dân tộc. Vào những đêm giao thừa đón tết, vẫn có những cụ già, trước bàn thờ tổ tiên, lặng lẽ, kính cẩn thắp nén hướng, thầm khấn vái cầu mong cho Cụ Hồ ngoài ấy được luôn luôn mạnh khoẻ, bình an. Cụ Hồ Chí Minh đã trở thành hình ảnh thiêng liêng nhất đối với mỗi người dân Sài Gòn.
Giờ đây thành phố thân yêu đang mong chờ đoàn quân tiến vào giải phóng. Các ba, các má, các anh chị em trong đó, giờ này chắc cũng đang chuẩn bị, sẵn sàng nổi dậy, phối hợp tác chiến với đại quân giành thắng lợi cuối cùng.
Sáng 23 tháng 4, rời Lộc Ninh, Phạm Sơn và tôi mỗi người đi một hướng. Phạm Sơn đi đốc chiến ở trung đoàn 263 tên lửa. Còn tôi đi hướng Quân đoàn 3.
Theo đường liên tỉnh 17, quẹo sang lộ Trắng, vượt lộ Đỏ, qua suối Bà Chiêm, cầu Võ Tùng, tôi đến núi Ông, nơi trú quân của Bộ Tư lệnh Quân đoàn. Chủ nhiệm phòng không Quân đoàn 3 là trung tá Nguyễn Cần. Vừa thấy tôi, Nguyễn Cần hỏi ngay:
-Phạm Sơn đâu?
Tôi đáp:
-Phạm Sơn xuống theo dõi trung đoàn tên lửa 263. Còn mình được phân công sang đây với cậu.
-Ôi! Thế thì còn gì bằng! Mày với tao sẽ cùng vào Sài Gòn nhé!
Nguyễn Cần, Phạm Sơn và tôi là bạn thân từ hồi 1952 ở chiến khu Việt Bắc, khi cùng là học viên dự khoá không quân, đoàn 33. Lúc đang ở Nam Ninh-Trung Quốc, chuẩn bị đi Thẩm Dương học lái máy bay MiG-15, thì đồng chí Nguyễn Chí Thanh, thay mặt Tổng Quân uỷ sang phổ biến chủ trương mới: "Chuyển tất cả cán bộ đoàn 33 sang học pháo cao xạ". Thế là hết mộng "chiến công ngang trời". Ba đứa chúng tôi cùng tuổi, rất thân nhau. Cần vẫn gọi tôi là "thằng bạn nối khố". Từ khi còn là chàng trai cường tráng cách đây trên hai mươi năm, bây giờ tuy tuổi đã cao, nhưng Nguyễn Cần vẫn còn giữ được những nét đẹp trai như xưa.
Đi vào công việc, Nguyễn Cần rút tấm sơ đồ trong cặp ra, giới thiệu cho tôi biết nhiệm vụ của pháo cao xạ, tên lửa tầm thấp A72 trong đội hình Quân đoàn 3. Cac trung đoàn 232, 234, 593 và một đại đội tên lửa vác vai đã sẵn sàng, đang bám sát các Sư đoàn bộ binh 316, 320 và Sư đoàn 10 ở vị trí tập kết. Nguyễn Cần nói thêm: tớ cũng vừa đi thực địa, xuống các trung đoàn về đây. Khí thế lắm! Nhìn ra, thấy anh Luân và anh Như, hai cán bộ của cơ quan tham mưu quân chủng được tăng cường cho quân đoàn tuần trước, đang đi vào. Chúng tôi bắt tay nhau, chuyện trò vui vẻ. Nguyễn Cần lấy chiếc đài bán dẫn, bật công tắc. Bỗng nhiên vang lên tiếng nói của đài phát thanh nguỵ quyền Sài Gòn, nghe oang oang: "... Mấy ông biểu tôi làm cái việc mà mấy ổng, với nửa triệu linh, binh hùng tướng mạnh, xài gần 300 tỷ đô la, trong bảy năm trời, nếu không nói là bị Cộng sản đánh bại thì có thể nói một cách khiêm nhường rằng mấy ổng không có thắng. Vậy mà bây giờ mấy ổng bắt tôi làm cái chuyện đội đá vá trời... Phi lý! Phi lý! Phi lý!... Việt Nam Cộng hoà yêu cầu Hoa Kỳ phải nhanh chóng can thiệp và chi viện cho chúng tôi vũ khí, đạn dược.-Tới tấp! Tới tấp! Tới tấp!...".
Thì ra là "tổng" Thiệu đang chửi quan thầy Mỹ. Bốn chúng tôi phá lên cười thích thú. Anh Luân bình luận: đúng là giọng điệu của một tên lính tẩy, một tên tay sai cùng đường, chết đến đít con cay. Sau đó, chúng tôi còn được nghe đài phát thanh nhắc lại bài phát biểu của Nguyễn Văn Thiệu thêm mấy lần nữa. Kiểu này thì nguỵ quyền Sài Gòn sắp sụp đổ đến nơi rồi.
Chiều 26 tháng 4, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Năm cánh quân của các Quân đoàn chủ lực 1-2-3-4 và Binh đoàn 232 dồn dập tiến công quân địch từ năm hướng. Quân đoàn 3 phụ trách hướng tây bắc: Đồng Dù, Củ Chi, Trảng Bàng, Hóc Môn, đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Chiến sự trong hai ngày đầu chiến dịch, qua thông báo của quân đoàn, diễn ra trong thế thắng áp đảo của quân ta trên mọi hướng. Tuy nhiên ở một số nơi, quân nguỵ đã chống đỡ khá quyết liệt trước khi bị quân ta đè bẹp, như tại căn cứ Đồng Dù, căn cứ Nước Trong... Chiều 28 tháng 4, các quân đoàn chủ lực ta, cùng với bộ đội địa phương và lực lượng quần chúng nổi dậy đã bao vây chặt Sài Gòn. Tối hôm đó được tin thêm: một phi đội A37 do anh em ta lái đã ném bom khu để máy bay quân sự ở Tân Sơn Nhất. Tôi nghĩ ngay đến chàng phi công trẻ Nguyễn Thành Trung mà tôi mới gặp ở Lộc Ninh hôm nào. Sau đó là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận.
Đúng lúc ấy, tôi nhận được điện của anh Quang Hùng từ sở chỉ huy chiến dịch bên Căm Xe gọi xuống. Anh chỉ thị cho tôi tìm mọi cách bám sát bộ binh, để vài Sài Gòn thật nhanh, tìm địa điểm lập sở chỉ huy mới của quân chủng tại Tân Sơn Nhất.
Tôi chia tay Nguyễn Cần. Cần trao cho tôi một lạng cao ban long và một gói sâm Triều Tiên:
-Hôm nào gặp lại bà cụ, mày nói đây là quà của thằng Cần, bạn của con, biếu mẹ! Thôi, hẹn gặp lại ở Sài Gòn nhé!
Tôi cám ơn Cần, rồi lên xe. Xe chúng tôi chạy về Chơn Thành, rồi rẽ phải, theo quốc lộ 13 đi xuống Bến Cát. Vừa đi được một quãng, chúng tôi bị một cây ba-ri-e sơn màu trắng đỏ, chắn ngang:
-Bến Cát còn địch. Đề nghị các đồng chí quay lại!-Đó là tiếng nói nghiêm túc của một chiến dịch đội mũ tai bèo, đeo băng cờ Mặt trận. Không lẽ ngồi chờ, tôi đành bảo lái xe quay lại, mở bản đồ tìm lối khác. Thôi! Quay sang Đồng Xoài, rồi sẽ liệu.
Đồng Xoài, một ngã năm toàn màu đất đỏ. Cây cối hai bên đường phủ kín một lớp bụi dày, chẳng còn màu xanh nữa. Cạnh ngã năm có cắm một cột mốc to, treo chi chít những mũi tên chỉ đường. Xe nào qua đây không biết lối, cũng dừng lại để xem. Tôi đến gần, thấy một tấm biển hình mũi tên, ghi: "367 đi tiếp Chơn Thành". Thế là Sư đoàn pháo cao xạ 367 đã đi qua đây, theo đội hình của Quân đoàn 1 rồi. Xe cộ của các đơn vị vẫn nối đuôi nhau đi về các ngả. Có một xe lạc hướng, vòng đi vòng lại. Tiếng người gọi nhau í ới. Đến bên một chiếc xe Jeep, tôi hỏi anh cán bộ ngồi trên xe. Anh là người của Quân đoàn 4, có việc trở ra Phước Long. Anh gợi ý tôi nên đi hướng Vĩnh An, gặp đường 20, về tây Xuân Lộc, rồi theo đường 1 về Biên Hoà. Tôi nghĩ bụng lối này xa quá, nhưng chẳng còn đường nào khác, đành quyết định đi theo hướng anh bạn vừa chỉ. Vừa đi vừa thắc thỏm, vì không có máy thu thanh nên tôi không biết các cánh quân đã vào đến đâu rồi?
Xe qua Cầu Cây, đường trở nên xấu, vì là đường mới mở phục vụ chiến dịch. Bến phà Vĩnh An phía trước chật cứng hàng trăm xe chờ sang sông. Nhích mãi, nhích mãi, cố gắng len lỏi, xe tôi mới sang được bên kia phà.
Bỗng nghe hàng loạt đạn tiểu liên nổ giòn phía sau, tiếp theo là những tiếng hô: "Sài Gòn giải phóng rồi! Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng rồi!:. Tiếng la hét, tiếng reo mừng vang dội. Đạn liên thanh các cỡ bắn chỉ thiên, nổ rầm trời. Chúng tôi cũng hò reo khản cổ. Những chiếc đài bán dẫn đâu đó vang vang tin chiến dịch toàn thắng.
Chạy khoảng 10 kilômét, chúng tôi gặp đường 20. Thấy đường tốt, cậu lái xe mừng rơn: đi lối nào thủ trưởng? Tôi cười: nếu cậu muốn lên Đà Lạt nghỉ mát thì rẽ trái. Còn nếu muốn về Sài Gòn thì rẽ phải.
-Thủ trưởng tuyệt quá! Đường lạ mà sao thủ trưởng thành thạo thế!
-Cậu nên "khen" thằng Mỹ ấy. Đó là nhờ bản đồ của nó vẽ quá chính xác đấy thôi!
Đường tốt, xe chúng tôi lại bon bon. Đến Dầu Giây, gặp đường số 1, tôi cho xe chạy thẳng đến sân bay Biên Hoà. Đại tá Hoàng Ngọc Diêu, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân, Chủ nhiệm Phòng không-Không quân chiến dịch cũng vừa có mặt ở đây. Theo chỉ thị của anh Diêu, sáng hôm sau, ngày 1 tháng 5, tôi đi tiếp về Sài Gòn.
Xa lộ Sài Gòn-Biên Hoà rộng thênh thang, có những đường vạch sơn phân tuyến. Thỉnh thoảng có những "con lươn" bằng bê tông chạy dài chính giữa. Xe từ phía ngoài vào vẫn không ngớt. Có nhiều xe chở cán bộ dân chính vào tiếp quản. Xe nào cũng cắm cờ Mặt trận nửa đỏ nửa xanh. Xe tôi cũng cắm cờ. Cánh tay tôi cũng đeo xanh đỏ. Cờ giải phóng phần phật tung bay trong gió. Ôi! Náo nức và phấn khởi vô cùng.
Chiến sĩ ta trẻ măng, ngồi trên xe, vẻ mặt ai cũng hân hoan. Một chiếc xe khác, hình như chở đoàn văn công, chạy cùng chiều, cả nam lẫn nữ đều đội mũ tai bèo, nhưng hất tung về phía sau. Những cô văn công xinh đẹp, với mơ tóc dài bồng bềnh bay trong gió, đang hát vang bài cá: "Tiến về Sài Gòn".
Cầu Đồng Nai, cầu Sài Gòn thật đẹp! Và cả cầu Rạch Chiếc, vẫn còn nguyên vẹn cả. Tôi thầm nghĩ không biết có bao nhiêu chiến sĩ đặc công của mình đã ngã xuống những nơi đây, để cho quân ta tiến vào thành phố nhanh như cơn lốc? Hai bên xa lộ vắng vẻ. Nhưng trên đường thì đầy dẫy những áo quần, giày mũ của các sắc lính nguỵ tháo chạy, vứt bỏ ngổn ngang. Có nhiều xe nhà binh vô chủ, đậu rải rác.
Qua ngã tư Hàng Xanh (hồi đó, bà con ta gọi nơi đây là Ngã tư xa lộ), chúng tôi thấy người đông hẳn lên. Đồng bào thành phố, ăn mặc đủ kiểu, đứng chật ních trên vỉa hè, vẫy cờ, hoa chào các anh giải phóng. Trên các cổng nhà đều treo cờ, cả cờ Mặt trận và cờ đỏ sao vàng. Xen vào dòng xe ôtô của bộ đội là những chiếc xe gắn máy của người dân thành phố chạy ngược xuôi. Lúc ấy, tôi chẳng nghĩ đến đường ngược chiều hay thuận chiều gì cả. Cứ thẳng đường dự kiến mà đi.
Lẽ ra xe tôi cứ thẳng đường Tân Sơn Nhất, nhưng thoáng nghĩ đến dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của nguỵ quyền Sài Gòn, nơi tổng thống Dương Văn Minh vừa tuyên bố đầu hàng quân cách mạng, tôi liền bảo lái xe rẽ sang cầu Thị Nghè, qua đường Hồng Thập Tự. Gặp đường Đinh Tiên Hoàng, xe ngoặt trái, rồi rẽ sang đại lộ Thống Nhất (Lê Duẩn ngày na). Đầu óc tôi bỗng bừng bừng khó tả khi trước mắt tôi hiện ra một toà nhà đồ sộ. Tôi đoán đó là dinh Độc Lập. Trên đỉnh cột cao, lá cờ giải phóng đang tung bay, uốn lượn theo chiều gió. Đẹp đẽ làm sao! Tôi hình dung giữa lá cờ như có hình bóng Bác thân yêu đang giơ tay vẫy vẫy. Nhớ đến Bác, tôi lại nhớ đến hai câu thơ của Tố Hữu:
"Miền Nam đang thắng mơ ngày hội
Rước bác vào thăm thấy Bác cười".
Bây giờ không còn mơ nữa. Cả miền Nam đang trong ngày hội lớn. Cả Sài Gòn như đang đón Bác trở về sau hơn sáu chục năm trời xa cách. Bến Nhà Rồng năm xưa tiễn Bác ra đi, hôm nay như đang được đón Bác trở về, giữa lòng mọi người, và trên đài vinh quang chói lọi. Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài 30 năm đã kết thúc. Hẳn Bác rất vui lòng.
Hai bên đại lộ và trong dinh Độc Lập, xe tăng, xe pháo đậu san sát. Bộ đội ta tràn ngập các vườn cây bãi cỏ bên ngoài và bên trong dinh. Rải rác có những bếp cơm của anh nuôi đang đỏ lửa.Thấy một đại đội bốn khẩu pháo cao xạ 37 ly đang ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, tôi đến bên thăm hỏi tình hình. Anh pháo thủ cho tôi biết đây là khẩu pháo của tiểu đoàn 7, thuộc trung đoàn 284. Tôi mừng quá, nói lớn:
-Các cậu giỏi thật! Tiểu đoàn 7 cao xạ anh hùng của đường Trường Sơn, giờ đây đã có mặt giữa Sài Gòn.
Các pháo thủ nhao nhao hỏi:
-Sao thủ trưởng biết đơn vị bọn em?
Đúng lúc đó, một cán bộ chỉ huy vừa đến. Nhìn thấy tôi, anh đưa tay chào rồi đến bắt tay rối rít:
-Thủ trưởng Lân! Em là lính cũ của thủ trưởng hồi Điện Biên đây mà!
-A! Mình đấy à! Không ngờ chúng mình gặp nhau tại dinh Độc Lập này.
Minh kể cho tôi nghe chiến công của trung đoàn anh trong những ngày chiến dịch:
-Trung đoàn 284 có nhiệm vụ bảo vệ đội hình thọc sâu của Quân đoàn 2. Dọc đường tiến quân, bọn em đánh tan tác máy bay địch đến ném bom, hạ thấp nòng pháo nã vào những lô cốt, những ụ súng ngầm hai bên đường, để yểm hộ bộ binh hành tiến. Có đơn vị còn chĩa súng bắn bị thương tàu chiến trên sông Đồng Nai nữa. Cũng ác liệt, nhưng thích lắm anh ạ!
Tôi nắm chặt đôi bàn tay rắn chắc của Minh không muốn rời.
-Thôi! Mình phải đi gấp. Hẹn ngày gặp lại! Tôi chào Minh và anh em pháo thủ, rồi lên xe hướng về Tân Sơn Nhất theo đường Lê Văn Duyệt (Đường Lê Văn Duyệt nay là đường Cách mạng tháng Tám).
Đường Lê Văn Duyệt quá hẹp, người lại đông. Xe cứ nổ máy nhích lên từng bước, chậm rì. Mỗi khi xe đứng, tôi tranh thủ nói chuyện với những người ở gần. Ai cũng thích tiếp chuyện với chúng tôi. Một ý nghĩ thoáng qua trong óc: Phải báo tin mẹ biết mình đã về. Tôi liền lấy sổ tay xé một mảnh giấy, ghi nhanh mấy chữ: "Thưa mẹ, con đã vào Sài Gòn. Sẽ về thăm mẹ và các em một ngày gần đây. Con: Lưu Trọng Lân". (Ba ngày sau tôi đã được gặp lại mẹ và các em. Lá thư viết vội ấy đã đến gia đình chiều 1 tháng 5 năm 1975). Gấp bức thư lại, tôi nghiêng đầu ra ngoài xe, nói với anh thanh niên đang ngồi trên một chiếc Honda:
-Anh có thể chuyển giúp lá thư này đến gia đình tôi được không?
-Được thôi chú à!-Người thanh niên sốt sắng đáp.-Vậy nhà chú ở đâu?
-Số nhà 212/92, xóm Chùa, đường Trần Quang Khải, quận Một (Sở dĩ tôi biết được địa chỉ này là do anh Bảy Trung, một cán bộ hoạt động nội thành ra Bắc chữa bệnh kể lại).
-Ồ! Thế thì cháu sẽ đưa cho chú ngay chiều nay thôi.
-Cám ơn cháu nhiều. Chào cháu!
Tân Sơn Nhất trước mặt rồi, nhưng vào cổng nào đây? Sau một lúc hỏi thăm đường, chúng tôi rời ngã tư Bảy Hiền rẽ về Lăng Cha Cả (Lăng Cha Cả: nay là vòng xoáy nối các đường Hoàng Văn Thụ, Cộng Hoà, Lê Văn Sĩ, Bùi Thị Xuân) để vào sân bay bằng cổng số 5 mà bà con gọi là cổng Phi Long. Nhìn sang hai bên đường tôi thấy mấy chiếc xe tăng T.54 của quân ta bị bắn cháy. Tôi lặng người, chạnh nghĩ: cho đến những phút cuối cùng của cuộc chiến tranh, trước giờ toàn thắng, vẫn còn những đồng đội của tôi tiếp tục ngã xuống cho nền độc lập của Tổ quốc!
Trình giấy, qua ba-ri-e do các chiến sĩ ta đứng gác, chúng tôi đi thẳng vào căn cứ sư đoàn 5 không quân nguỵ. Doanh trại rộng thênh thang. Tôi đi vào gian sở chỉ huy của bộ tư lệnh sư đoàn này. Vào phòng, một tấm mica dày cộm, to cao sừng sững đập vào mắt tôi. Thì ra đó là tấm sơ đồ đánh dấu đường bay, có ánh điện toả sáng giữa những lớp mica trong suốt. Tôi đem so sánh nó với tấm mica đánh dấu đường bay của ta, mà chúng tôi thường gọi là bản đồ 9x9 và 5x5 ở các sư đoàn, thậm chí ở cả Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, nơi đã từng là cơ quan đối đầu với bộ chỉ huy tập đoàn không quân chiến lược Mỹ trong cuộc chiến 12 ngày đêm cuối năm 1972, thì thấy phương tiện chỉ huy của mình nhỏ bé, đơn sơ quá! Nhưng kỳ diệu thay, những cái bé nhỏ đơn sơ ấy đã lần lượt chiến thắng mọi phương tiện chiến tranh hiện đại bậc nhất của kẻ thù.
Các anh trên Bộ Tư lệnh, sau khi đến xem xét, đã quyết định cho đặt sở chỉ huy tạm thời của Tiền phương Quân chủng tại đây.
Mấy hôm sau tôi xin phép thủ trưởng bộ tham mưu cho về thăm gia đình. Chiếc xe con cắm cờ Mặt trận chầm chậm đi vào con hẻm nhỏ và dừng lại trước căn nhà số 212/92. Bà con lối xóm ùa ra.
-Bà Lai ơi! Có chú giải phóng hỏi nhà bà đây nè!
Cửa mở. Hai em gái tôi chạy ra trước tiên, ngỡ ngàng. Ngày xa nhau cách đây 27 năm, khi mẹ tôi dắt díu hai em về vùng tạm chiếm, rồi theo một số đồng bào chạy vào Sài Gòn tìm gặp cha tôi, thì hai em gái tôi đứa lên 12, đứa lên 7, còn tôi đã là chàng thanh niên 18 tuổi. Giờ đây, tôi đã ở tuổi 45, các em khó nhận ra tôi là phải. Tôi vội vàng lên tiếng:
-Diệu Lan, Diệu Minh hả? Anh Lân đây!
Cô em út miệng cười tươi như hoa:
-Thư anh gửi, mạ (mạ: mẹ-tiếng địa phương miền Trung) và bọn em đã nhận được ngay chiều mồng 1 tháng 5. Ngày nào mạ và bọn em cũng mong anh về.
Cô chị thì rối rít gọi vào trong:
-Mạ ơi, anh Lân về. Mạ ơi, anh Lân về-và cô không quên ra đường mời chú lái xe vào chơi.
Tôi bước vào nhà ôm chầm lấy mẹ tôi. Mẹ tôi đã quá già. Gần ba mươi năm rồi còn gì. Ngước mặt nhìn con, mẹ tôi nghẹn ngào nói:
-Con ơi, ba con đã ra đi từ năm ngoái. Ba con đi quá sớm không đợi được ngày về của con.
Lời của mẹ làm tim tôi thắt lại:
-Thưa mạ! Con đã biết tin ba con mất, do một cán bộ làm việc ở phòng Lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Hà Nội-đọc được lời cáo phó trong một tờ báo từ miền Nam chuyển ra, báo lại cho con.
Mẹ tôi lau nước mắt, rồi hỏi han tình hình bà con mình ngoài bắc, tình hình con gái, con rể, con dâu, nhất là các cháu nội, cháu ngoại của bà. Tôi rút ví, lấy tấm ảnh hai vợ chồng tôi chụp với hai con, đưa cho mẹ tôi xem. Nét mặt mẹ hiện lên niềm vui rạng rỡ.
-Ôi! Hai cháu Quang và Lan Phương của bà dễ thương quá!
Chuyện trò đã lâu, tôi xin phép mẹ cho trở về đơn vị, hẹn hôm nào thư thả công việc, sẽ ở nhà với mẹ được lâu hơn.
Tối hôm ấy, một mình tôi leo lên tầng thượng của toà nhà Sở chỉ uy. Đứng trên tầm cao, tôi phóng mắt nhìn quang cảnh Sài Gòn về đêm, ngập tràn ánh điện. Lòng tôi lâng lâng tự hào, vinh dự được có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng thành phố. Hướng về phía tây bắc, xuyên qua màn đêm, tôi hình dung lại chặng đường hành quân vừa qua, dọc theo chiều dài đất nước, trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Đường Trường Sơn, con đường mang tên Bác kính yêu, đưa chúng con vào trận đánh cuối cùng của cuộc trường chinh ba mươi năm giành thắng lợi hoàn toàn, sẽ mãi mãi đi vào lịch sử quang vinh của dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của Tổ quốc Việt Nam.
 

Ký ức Đường Trường Sơn

Chương 17: Anh lái xe Trường Sơn

Xe các anh ra đi,
Trong mênh mông Trường Sơn
Giữa trập trùng núi biếc
Giăng giăng bức màn sương
Đoàn xe đi, cheo leo
Giữa mông lung trời sao
Mồ hôi đầm lưng áo
Đèo mãi cao, còn cao
Xe anh đi mùa khô
Trong bụi mù đất đỏ
Áo anh đầy bụi phủ
Màu xanh thành màu nâu
Xe anh đi mùa mưa
Trong đất bùn lầy lội
Cùng suối lũ, mưa rơi
Làn da anh xanh tái
Từ bên Trường Sơn Đông
Anh qua Trường Sơn Tây
"Miền Nam" trong trái tim
Sống chết nào sá chi...
Xe anh mê mải vượt suối đèo
Trời khuya gió lạnh, giọt sương gieo
Xe nối theo xe, đi lầm lũi
Hàng nặng, băng qua những chặng đèo
Dù "địch đánh, ta cứ đi"
Qua nhiều trọng điểm vạn lần nguy
Bom nổ trước sau trùm khói lửa
Vẫn không ngăn được bánh xe quay...
Anh biết giờ đây bên xe anh
Bao chàng lính trẻ mắt long lanh
Bao cô em gái hồng đôi má
Tay vẫy, miệng cười, đôi mắt xanh.
Đã mấy năm rồi không nghỉ ngơi
Xư từng vỡ kính, bẹp bên tai
Nguỵ trang giàn lá che mắt địch
Anh vẫn vào ra những tháng ngày.
Qua núi qua non, anh cùng xe
Sớm tối bên nhau vượt dặm dài
Trước vành tay lái, anh nhìn thẳng
Với một niềm tin không chuyển lay
Ơi anh! "Anh lái xe Trường Sơn"
Bình dị tên anh giữa chiến trường
Thương mến xiết bao người dũng sĩ
Tên anh còn mãi với con đường
Trường Sơn Tây, Xuân 1972

tin tức liên quan