Họp mặt những người lính nghĩa vụ đầu tiên cả nước năm 1957
Ngày đăng:
04:44 07/07/2018
Lượt xem:
5.410
HỌP MẶT NHỮNG NGƯỜI
LÍNH NGHĨA VỤ ĐẦU TIÊN CẢ NƯỚC NĂM 1957.
Sau hòa bình 1954, Miền Bắc bước vào xây dựng cuộc sống mới. Nhưng ở Miền Nam vẫn đang bị kìm kẹp dưới chế độ của Mỹ ngụy. Vì thế Đảng và Nhà nước ta vẫn đầu tư, xây dựng sức mạnh của quân đội sau chiến thắng vang dội tại Điện Biên Phủ. Bởi vậy, năm 1957 quân đội đã đã thực hiện thí điểm tuyển đợt lính nghĩa vụ quân sự đầu tiên, trước khi Luật Nghĩa vụ Quân sự - năm 1959 - có hiệu lực thi hành. Ngày 23 tháng 11 năm 1957, đã tuyển mộ 4.000 lính nghĩa vụ đầu tiên trên miền Bắc. Tỉnh Vĩnh Phúc là nơi được tuyển chọn đầu tiên. Ngày đó, quê chồng tôi Lê Văn Xuân (ĐT: 0968.934.766) là xã Kim Chung thuộc huyện Yên Lãng, Vĩnh Yên, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Xã anh có 36 người đi khám nghĩa vụ. Nhưng đợt đó 35 chàng trai quần ta áo nâu đã lên đường. Có anh lần đầu tiên mặc quân phục, cài cúc quần chẳng biết sử dụng thế nào. “Vén quần giống quần ta chăng ?”. Chàng trai trẻ lúng túng ngày nào với chiếc quần âu kể lại, mà không nín được cười vì sự quê kệch, lạc hậu của mình.
Các anh được phân về các binh chủng khác nhau. Sau 3 tháng huấn luyện ở sân bay Cát Bi, Hải Phòng, lăn lê bò toài – tập bắn súng, đồng chí Lê Văn Xuân đã được làm trắc thủ của Trung đoàn 54, Sư đoàn 320.
Là bộ đội thời bình, các anh được đi xây dựng doanh trại của Tiểu đoàn 10 ở Quán Toan, Hải Phòng. Anh kể, các anh phải đi gánh gạch, gánh vôi, đánh vữa để xây nhà. Ai cũng hoàn thành công việc một cách xuất sắc vì các anh đều là những nông dân thực thụ.
Trong quá trình xây dựng doanh trại, chàng lính trẻ Lê Văn Xuân đã mày mò đóng một chiếc xe cút kít. Chiếc xe đã giải phóng đôi vai, từ đó năng suất ngày càng cao. Năm ấy, Lê Văn Xuân được bầu làm Chiến sỹ Thi đua của đơn vị. Đồng đội của anh cũng có nhiều đồng chí đạt thành tích cao trong đợt huấn luyện nghĩa vụ. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ, có anh xuất ngũ, có anh ở lại quân đội. Năm 1961, anh Lê Văn Xuân xuất ngũ về công tác tại Huyện Đoàn Yên Lãng, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1965, anh Xuân lại tái ngũ, chiến đấu trong đội hình của H1-B5, đóng ở Quảng Trị. 1968 Lê Văn Xuân là Trung úy cơ yếu (Trung đoàn bộ 246 - B5 Quảng Trị). Anh cùng đơn vị lăn lộn trên khắp các chiến trường miền Nam. Rồi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, anh lại cùng đơn vị có mặt bảo vệ vùng Đông Khê, Lạng Sơn. Hoàn thành nhiệm vụ, anh về hưu năm 1984. Anh được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất.
Khi tỉnh Vĩnh Phú tách ra thành hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc thì 35 chàng trai lính nghĩa vụ đầu tiên của xã Kim Chung ngày nào càng khó khăn để liên hệ với nhau. Vì mỗi người mỗi phương…
Đại úy Phan Văn Hựu, một trong 35 chàng trai của Kim Chung liên tục chiến đấu trong quân đội. Anh từng có mặt tại nhiều mặt trận. Trung đoàn pháo 130 ly của anh đã vượt Trường Sơn, chiến đấu trong Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, rồi chiến dịch Tổng tấn công Xuân 1975… Anh Phan Văn Hựu đã đứng ra tổ chức Ban Liên lạc của các chiến sỹ nghĩa vụ thí điểm đầu tiên để thăm hỏi và động viên nhau trong cuộc sống. Những lần các anh họp mặt, tôi đã vinh dự được gặp nhiều đồng đội của chồng. Tôi khá ấn tượng với anh Phan Văn Vỵ, Trung tá. Anh đã trở về quê hương Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội sau mấy chục năm khoác áo lính từ năm 1957 cho tới khi nghỉ hưu. Anh từng giữ chức vụ Lữ đoàn phó Pháo Binh, chiến đấu trên đất nước Lào cho đến ngày giải phóng… Còn Thiếu úy Lê Văn Niên cũng khá đặc biệt. Anh ở quân đội từ năm 1957. Anh là chiến sĩ lái xe thuộc Binh trạm 32 Trường Sơn. Từ năm 1967, anh vượt bao dốc, ngầm đưa hàng vào chiến trường vượt qua mưa bom, bão đạn và gian khổ ở Trường Sơn. Anh bị thương mất một bàn chân trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. Thượng sỹ Phan Văn Vỹ tái ngũ năm 1965. Anh ở trung đoàn 82, sư đoàn 351 rồi Sư đoàn 371. Năm 1973, từ Sư đoàn 371 thì anh về nghỉ hưu. Anh cũng vinh dự được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Còn chàng trai Lê Văn Hiên, thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung khi về với đời thường, anh đã đảm nhiệm chức Chủ tịch xã Kim Chung suốt 20 năm. Tính tình chất phác, năng động và trong sáng, anh đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng quê hương Kim Chung giàu đẹp ngày nay. Hầu hết những đồng đội nhập ngũ năm 1957 của các anh, ai cũng có gia đình hạnh phúc và con cháu các anh đều thành đạt. Trong con mắt của con cháu các anh, họ luôn tự hào về cha ông mình – những người khác áo lính từ năm 1957…
Thành đạt nhất trong số 35 chàng trai Kim Chung ngày nào, phải kể tới Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Luân. Ngày xuất ngũ, anh đi học và trưởng thành nhanh chóng. Giữ vững bản chất người lính Cụ Hồ, anh đã cùng tập thể Huyện ủy lãnh đạo đưa huyện Đông Anh đổi mới, phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới. Sau chiến thắng năm 1975, anh là cầu nối của các cựu lính 1957. Anh quan tâm xây dựng Ban Liên lạc đoàn kết, quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ nhau giữ vững bản chất của người lính Cụ Hồ.
Tại cuộc họp mặt các CCB lứa nghĩa vụ quân sự năm 1957, anh thay mặt anh em cám ơn các đồng chí Bí thư – Chủ tịch và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ 60 triệu đồng để Hội Cựu chiến binh tỉnh làm Kỷ niệm chương 60 năm cho những người lính đầu quân năm 1957.
Tại buổi gặp mặt, các cựu chiến sĩ nhập ngũ 1957 đã bày tỏ sự cảm ơn đối với Thiếu tướng Đỗ Tất Chuẩn (Binh chủng Pháo Binh) đã nhiệt tình đề xuất để Hội CCB tỉnh ban hành Kỷ niệm chương và Giấy chứng nhận CCB nhập ngũ năm 1957. Dù Kỷ niệm chương chỉ là sự ghi nhận nội bộ nhưng đã để lại trong lòng những CCB niềm tự hào không bao giờ quên.
Bởi thế mới có ngày gặp mặt hôm nay. Những chàng trai ngày ấy giờ đã là những CCB già tuổi trên dưới 80, nhưng ai cũng háo hức, mừng vui. Buổi trao Kỷ niệm chương đó có sự chứng kiến của Chủ tịch Cựu chiến binh xã Kim Chung.
Thượng tá Lê Văn Sang (ĐT:0983.946.827) từng tham gia chiến đấu trên mặt trận Tây Nam, thay mặt lãnh đạo trao tấm Kỷ niệm chương cho các CCB – những người con của quê hương Kim Chung 60 năm trước lần đầu tiên trong cả nước các anh đã lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
Ghi chép của
Trung tá Nguyễn Thị Kim Quy
Nguyên Quân y sỹ Binh trạm 36, Trường Sơn
SĐT: 01289.199.968
Buổi họp mặt của những người lĩnh nghĩa vụ quân sự đầu tiên 1957 của quê hương Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.
Thượng tá Lê Văn Sang, thay mặt lãnh đạo Hội CCB gắn Kỷ niệm chương cho các CCB năm 1957.
Kỷ niệm chương kỷ niệm 60 năm ngày nhập ngũ.
Những chàng trai cách đây 60 năm hôm nay đã là những CCB tuổi 80 hoan hỷ nhận Kỷ niệm chương và Bằng chứng nhận.
Nhân buổi họp mặt, Trung tá Nguyễn Kim Quy - vợ của CCB Lê Văn Xuân - một trong 35 người lính nghĩa vụ đầu tiên của xã Kim Chung - tặng cuốn sách "Trường Sơn thuở ấy - bây giờ" cho đồng đội của chồng - những người lính năm xưa.
tin tức liên quan